Điểm nhấn chính:
- Trong những ngày đầu tháng 01/2025, Los Angeles, bang California, Mỹ, đã trải qua một loạt các vụ cháy rừng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tính đến ngày 12/01, ít nhất 24 người đã thiệt mạng, hơn 12,000 công trình bị phá hủy, và khoảng 105,000 người buộc phải sơ tán.
- Đợt cháy rừng trở thành một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử bang California, thiệt hại kinh tế ước tính từ 135 đến 150 tỷ USD, chiếm tới gần 4% GDP của bang.
Thảm họa tốn kém
Theo lời thống đốc bang California, các vụ cháy rừng ở đây có thể trở thành thảm họa tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, khi dự báo về gió mạnh làm dấy lên lo ngại các đám cháy sẽ lan rộng.
Trong phát biểu với chương trình "Meet the Press" của NBC, Gavin Newsom cho biết các vụ cháy đã thiêu rụi hơn 40,000 mẫu đất (khoảng 162km2) theo thông tin từ CalFire, cơ quan bảo vệ rừng và cháy rừng của bang và đây sẽ là tồi tệ nhất mà đất nước từng chứng kiến “về chi phí liên quan, quy mô và phạm vi”.
AccuWeather, công ty chuyên dự báo thời tiết, công bố rằng đợt cháy rừng hiện tại đã trở thành một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử bang California từ khi thành lập. Theo MarketWatch, thiệt hại kinh tế được ước tính từ 135 đến 150 tỷ USD, chiếm tới gần 4% GDP hàng năm của bang California, bao gồm cả tổn thất được bảo hiểm và không được bảo hiểm. Con số này tăng vọt so với ước tính ban đầu là 52 đến 57 tỷ USD.
So sánh với các thảm họa trước đây, AccuWeather ước tính xếp các vụ cháy rừng ở Nam California vào danh sách những thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Cụ thể, các vụ cháy rừng tàn phá miền tây Hoa Kỳ năm 2020 đã gây ra thiệt hại ước tính từ 130 tỷ USD; các vụ cháy rừng năm 2023 ở Maui gây ra thiệt hại từ 13 đến 16 tỷ USD; trong khi các cơn bão Helene năm ngoái đã gây ra thiệt hại lên tới 250 tỷ USD.
Tổng thống Joe Biden cam kết rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ chi trả “100% tất cả chi phí” phát sinh do thảm họa và sẽ yêu cầu Quốc hội hỗ trợ tài chính bổ sung.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn giữ im lặng về việc liệu ông có cung cấp hỗ trợ tương tự hay không, chỉ tiếp tục chỉ trích các quan chức California. Ông viết trên mạng xã hội: “Các chính trị gia bất tài không biết làm thế nào để dập lửa. Đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử quốc gia chúng ta”.
Nguyên nhân đến từ đâu?
Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù cháy rừng không phải là điều mới mẻ đối với California, nhưng có những yếu tố đã góp phần thổi bùng ngọn lửa, dẫn đến một trong những đợt bùng phát cháy lớn nhất trong lịch sử bang này. Đó là gió mạnh, khô hạn và quan trọng nhất là khủng hoảng khí hậu. Đây là yếu tố khiến những đám cháy trở nên phổ biến và tàn khốc hơn. Việc mở rộng đô thị vào các vùng đất hoang dã dễ cháy cùng với giá trị nhà ở ngày càng cao đã khiến thiệt hại bảo hiểm gia tăng đáng kể.
Theo báo USA Today, gió Santa Ana thường xuất hiện vào mùa thu đông, đẩy không khí khô từ các sa mạc nội địa của California và miền tây nam hướng về phía bờ biển. Khi các hệ thống áp suất cao di chuyển từ đông sang tây qua dãy núi Santa Ana ở miền nam California, gió bị ép xuống, nén lại và làm nhiệt độ tăng cao.
Các dãy núi Santa Monica và San Gabriel cũng có các hẻm núi và thung lũng - những nơi có thể hoạt động như một ống dẫn gió Santa Ana - làm gió mạnh hơn và cũng làm khô cỏ cây trên các sườn núi và có thể mang theo tàn lửa bay xa, khiến các vụ cháy lan nhanh hơn, theo nhà khoa học Janice Coen tại Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia ở Boulder (Colorado).
Thiếu mưa, khô hạn. Biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm tăng nguy cơ cháy rừng lên khoảng 25% ở bang này. Trong 2 thập kỷ qua đã xảy ra 10 đám cháy lớn nhất ở California. Cách đây hai năm, California cũng phải đối mặt với một đợt hạn hán kéo dài hàng thập kỷ. Đây là một phần của “cơn hạn hán siêu lớn” trên khắp nước Mỹ mà các nhà nghiên cứu ước tính là tồi tệ nhất trong ít nhất 1,200 năm.
Và thảm họa lần này là mùa khô hạn kéo dài thứ 2. Vào giữa mùa, Los Angeles chỉ ghi nhận khoảng 5mm mưa kể từ tháng 10 - thấp hơn nhiều so với mức 114mm thường thấy vào tháng 1.
Vòi cứu hóa “cạn nước” khi chữa cháy. Theo các chuyên gia, vấn đề này được cho là điểm yếu trong hệ thống cung cấp nước của thành phố không được xây dựng để ứng phó với cháy rừng ở quy mô lớn như vậy. Hạn chế của hệ thống nước địa phương đã làm phức tạp thêm nỗ lực chữa cháy ở Pacific Palisades, nơi hàng loạt vòi cứu hỏa không có hoặc có rất ít nước.
Tuy vậy, nhìn cách khác, các nỗ lực chữa cháy đã khiến hệ thống nước của khu vực chịu áp lực rất lớn và "đẩy hệ thống đến mức cực độ", với nhu cầu nước gấp 4 lần bình thường trong 15 giờ, theo Janisse Quiñones, giám đốc điều hành và kỹ sư trưởng của DWP. Điều này cũng góp phần làm gián đoạn quá trình chữa cháy kịp thời và hạn chế lan rộng của địa phương.
Tác động đối với thị trường bảo hiểm nhà ở California
Các vụ cháy rừng tại nhiều khu vực ở Los Angeles sẽ là bài kiểm tra cho nỗ lực của California trong việc ổn định thị trường bảo hiểm, sau khi nhiều công ty bảo hiểm ngừng cung cấp chính sách bảo hiểm nhà ở do rủi ro cháy rừng cao. Thiệt hại tài sản lớn ở một bang dễ gây ra thảm họa với giá bất động sản, và thị trường bảo hiểm không ổn định có thể khiến chi phí bảo hiểm trở nên đắt đỏ hơn.
Thảm họa này đã thiêu rụi nhiều biệt thự trị giá hàng triệu USD thuộc sở hữu của các ngôi sao nổi tiếng tại Hollywood, biệt thự của nữ doanh nhân Paris Hilton, nữ diễn viên Anna Faris, ngôi sao từng đoạt giải Oscar Anthony Hopkins, và nam diễn viên John Goodman, v.v. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm Malibu, Pacific Palisades, và Calabasas, nơi tập trung nhiều dinh thự sang trọng của giới nghệ sĩ và doanh nhân.
Khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề và gặp khó khăn nhất trong việc phục hồi là Pacific Palisades, khu phố thượng lưu với những ngôi nhà trị giá triệu USD nằm giữa Thái Bình Dương và dãy núi Santa Monica. Đám cháy Palisades đã lan ra gần 1,200 ha, phá hủy 1,000 công trình, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán. Giá trị một bất động sản điển hình ở Pacific Palisades là 3.4 triệu USD. Theo nền tảng môi giới bất động sản Zillow, có 16 ngôi nhà trên thị trường với giá từ 10 triệu USD trở lên nằm ở Pacific Palisades. Và, mặc dù Palisades được đánh giá là một trong 5 khu vực ở Nam California có mức độ rủi ro cháy rừng cao nhất, song khu vực này cũng là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu bảo hiểm nhà ở.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's nhận định tổn thất bảo hiểm sẽ đạt mức "hàng tỷ USD" bởi giá trị bất động sản nhà ở và doanh nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng rất cao. Trong khi đó, các chuyên gia từ JPMorgan đưa ra dự đoán sơ bộ cho rằng tổng thiệt hại bảo hiểm "có thể lên tới 20 tỷ USD".
Theo thông tin từ JPMorgan, các công ty bảo hiểm chuyên biệt tập trung vào nhóm khách hàng sở hữu bất động sản giá trị cao như Allstate, Travelers, và Chubb là những đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong đó, Chubb đặc biệt tập trung vào bảo hiểm cho các bất động sản cao cấp.
California là thị trường bảo hiểm nhà ở lớn nhất tại Mỹ, nhưng cũng là một trong những khu vực gặp nhiều thách thức với các công ty cung cấp dịch vụ này, khi tính đến năm 2024, 8 trong 10 vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất tại Mỹ xảy ra ở bang này. Nhiều công ty bảo hiểm hàng đầu đã dần rút khỏi bang, khiến nhiều người chịu ảnh hưởng bởi cháy rừng ở California chỉ có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm từ công ty do nhà nước tài trợ hoặc thậm chí không có bảo hiểm.
Các công ty bảo hiểm lớn như Allstate và State Farm đã ngừng bán hợp đồng bảo hiểm nhà mới tại California, viện dẫn quy định hạn mức tăng giá khiến việc chi trả tổn thất trở nên khó khăn. Năm ngoái, State Farm đã thông báo không gia hạn bảo hiểm cho 72,000 ngôi nhà và căn hộ trong tiểu bang, trong đó có 69% thuộc khu vực cao cấp Pacific Palisades – nơi vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ cháy rừng mới đây.
Khi mà các công ty bảo hiểm tiếp tục rút khỏi California, phần lớn thiệt hại do cháy rừng có thể không được bảo hiểm hoặc chỉ được bảo hiểm thông qua chương trình Fair Plan, giải pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ các chủ nhà không thể mua bảo hiểm tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, phạm vi bảo hiểm CA FAIR cung cấp mức bảo vệ hạn chế hơn đáng kể so với các hợp đồng bảo hiểm nhà ở truyền thống. Người được bảo hiểm phải đối mặt với mức phí bảo hiểm cao hơn và hạn mức bảo hiểm chỉ 3 triệu USD, khiến nhiều chủ nhà không được bảo vệ đầy đủ trước những tổn thất đáng kể. CA FAIR sẽ bị căng thẳng nghiêm trọng do các vụ cháy rừng hiện tại và điều này có thể dẫn đến việc tăng mạnh phí bảo hiểm cho mọi người trong tiểu bang.
Dù FAIR là lựa chọn bảo hiểm bất đắc dĩ cuối cùng, nhu cầu với chương trình này thời gian qua tăng vọt. Tính tới tháng 9/2024, tổng giá trị bảo hiểm nhà ở theo chương trình này đã tăng lên 458 tỷ USD, tăng 61% svck và gần 3 lần so với 4 năm trước. Giá trị các hợp đồng thương mại thậm chí tăng nhanh hơn, gần gấp đôi lên 26.6 tỷ USD, gấp 5 lần so với 4 năm trước.
Mặt khác, các đám cháy mới ở Los Angeles có thể làm tiếp tục làm suy yếu nỗ lực thu hút công ty bảo hiểm tới bang California. "Các công ty bảo hiểm sẽ cân nhắc lại lợi ích của họ so với rủi ro tiềm ẩn vì cháy rừng". Thực tế, tổn thất gia tăng do hỏa hoạn, lũ lụt, cháy rừng và mưa bão đã làm tăng những khoản bồi thường bảo hiểm do thiên tai trên toàn cầu lên hơn 140 tỷ USD trong năm 2024, vượt xa mức trung bình 94 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2023.
Ngoài ra, chi phí tái bảo hiểm thiệt hại tài sản – loại bảo hiểm dành cho chính các công ty bảo hiểm – cũng tăng vọt. Các công ty tái bảo hiểm lớn như RenaissanceRe và ArchCapital được JPMorgan cho biết đã chịu ảnh hưởng bởi đợt cháy rừng này. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán tổn thất của các công ty tái bảo hiểm sẽ thấp hơn so với những vụ cháy lớn trước năm 2023.
Điều này một phần do các công ty tái bảo hiểm đã tăng ngưỡng kích hoạt bảo hiểm, buộc các công ty bảo hiểm chính phải chịu nhiều rủi ro hơn. Đồng nghĩa với việc các công ty bảo hiểm trực tiếp phải đối mặt với gánh nặng tài chính cao hơn trong các vụ cháy rừng California.
Những thách thức dài hạn
Với các đám cháy vẫn đang hoành hành và khả năng bùng phát các đám cháy mới, AccuWeather cảnh báo thiệt hại còn tăng cao hơn nữa. Dù nỗ lực dập tắt đám cháy như thế nào đi chăng nữa, khó khăn lớn nhất mà người dân và các quan chức phải đối mặt vẫn là việc “tái thiệt lập” cuộc sống ban đầu.
Thảm họa cũng làm dấy lên mối lo ngại về sự chuẩn bị của Nam California cho các sự kiện toàn cầu lớn, chẳng hạn như Thế vận hội Olympic năm 2028, nơi Los Angeles sẽ đăng cai.
Mức độ thiệt hại của khu vực sau các vụ cháy rừng, cùng với cuộc khủng hoảng bảo hiểm ngày càng gia tăng, đặt ra những thách thức đáng kể cho việc lập kế hoạch cơ sở hạ tầng và an ninh. Và đương nhiên, tình hình tài chính của chính quyền địa phương chắc chắn sẽ phải chịu thêm áp lực do các nỗ lực phục hồi, làm dấy lên câu hỏi về cách phân bổ chi phí chuẩn bị cho Thế vận hội.
Nhìn chung, các vụ cháy rừng ở California đã giáng một
đòn nặng nề lên giá trị kinh tế và tinh thần của người dân cũng như chính quyền
tại đây. Đằng sau mức thiệt hại ước tính lên tới 150 tỷ USD, thách thức tiếp
theo là các nỗ lực phục hồi và yêu cầu cấp thiết phải có hành động mạnh mẽ về
khí hậu và các giải pháp quản lý cháy rừng.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Bài viết liên quan
Sử dụng tỷ giá ngang giá sức mua hay tỷ giá hối đoái
14/01/25
Cháy rừng ở California – Ước tính thiệt hại 150 tỷ USD
13/01/25
Cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
29/12/24
Biên bản ghi nhớ hợp tác là gì?
19/12/24
Thiết quân luật là gì và mang ý nghĩa gì với nền kinh tế?
17/12/24
Chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội cho Đông Nam Á
09/12/24
Xu hướng Reshoring của Bắc Mỹ khi Trump tái đắc cử
01/12/24
Lá chắn Silicon giúp Đài Loan giữ vững vị thế
30/11/24
Green New Deal là gì và tại sao Trump tạm dừng nó?
22/11/24
Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ
06/11/24
Chỉ số Rủi ro Trump – Trump Risk Index
04/11/24
An ninh năng lượng và tầm ảnh hưởng của địa chính trị
02/11/24
Sử dụng tỷ giá ngang giá sức mua hay tỷ giá hối đoái
14/01/25
Cháy rừng ở California – Ước tính thiệt hại 150 tỷ USD
13/01/25
Chỉ số PMI: Công cụ dự báo kinh tế và ứng dụng thực tế
10/01/25
Risk-free rate - Lãi suất phi rủi ro
04/01/25
Vấn đề đầu tư công tại Việt Nam
02/01/25
Ý nghĩa của dòng vốn hóa toàn cầu
31/12/24
Cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
29/12/24
Câu chuyện Đầu tư cơ sở hạ tầng – Đầu tư công
27/12/24
Biên bản ghi nhớ hợp tác là gì?
19/12/24
Thiết quân luật là gì và mang ý nghĩa gì với nền kinh tế?
17/12/24
Chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội cho Đông Nam Á
09/12/24
Quan hệ thương mại thường xuyên Mỹ và Trung Quốc
03/12/24