Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Như thế nào là một đế chế “Too big to fail”?

Nội dung

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    "Too big to fail" (hay “quá lớn để sụp đổ”) là cụm từ được sử dụng để mô tả tình trạng một công ty mà sự sụp đổ của nó sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế nói chung. "Big" ở đây không chỉ đề cập đến quy mô của công ty, mà là sự tham gia hay sức ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế.

    Chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush (Mỹ) đã phổ biến thuật ngữ "too big to fail" này trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, để mô tả lý do tại sao họ phải cứu trợ một số công ty tài chính để tránh sự sụp đổ nền kinh tế toàn cầu.

    Các công ty cần được cứu trợ là các công ty tài chính dựa vào các chứng khoán phái sinh, hay đòn bẩy lớn, để đạt được lợi thế cạnh tranh khi nền kinh tế đang bùng nổ. Khi thị trường nhà đất sụp đổ, các khoản đầu tư của họ trở nên rủi ro hơn bao giờ hết và có khả năng khiến họ phá sản. Các ngân hàng trong thời kỳ này đầu tư quá nhiều vào các chứng khoán phái sinh đến mức chúng trở nên “too big to fail”.

    Nhìn chung, bạn có thể hiểu nghĩa của cụm từ “too big to fail” như sau:

    - “Too big”: đề cập đến một số tổ chức tài chính quá lớn đến nỗi sự sụp đổ của nó có thể bóp méo thị trường hoặc đe dọa sự ổn định tài chính.

    - “To fail”: Một ngân hàng có mối liên kết lớn với các tổ chức khác đến mức nếu nó thất bại sẽ tạo ra sự khủng hoảng hoặc bất ổn tài chính trên diện rộng.

    Các ngân hàng “too big to fail” trên thế giới

    Trở lại năm 2008, ngân hàng đầu tiên “too big to fail” tại Mỹ là Bear Stearns. Dù Bear Stearns chỉ là một ngân hàng đầu tư nhỏ trên phố Wall nhưng rất nổi tiếng khi đã đầu tư khá nhiều vào chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS). Khi thị trường nhà ở sụp đổ, Cục Dự trữ Liên bang đã cho JPMorgan vay 30 tỷ USD để mua Bear Stearns nhằm giảm bớt lo ngại về hiệu ứng lan tỏa tới các ngân hàng khác.

    Những “gã khổng lồ” tài chính khác chẳng hạn như Citigroup hay Lehman Brothers, cũng đã tham gia vào thị trường thế chấp đầy biến động vào lúc đó. Những tên tuổi lớn này đã đồng loạt gây ra một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán, cảnh báo về tình hình nguy cấp trên thị trường vốn nói chung. Do đó, vấn đề đã leo thang nhanh chóng đến mức vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Lựa chọn duy nhất cho các cơ quan chính phủ lúc bấy giờ chính là gói cứu trợ trị giá 700 tỷ đô la để tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn

    15 năm sau, vào đầu năm 2023, các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ đã phải một lần nữa chạy đua để ngăn chặn hiệu ứng domino từ sự sụp đổ của SVB Financial, một tổ chức có quy mô chỉ bằng một nửa những ngân hàng đã từng sụp đổ ở Phố Wall, nên nó không được coi là một ngân hàng “quá lớn”.

    Ngân hàng Thung lũng Silicon, Silicon Valley Bank (SVB), là một ngân hàng chuyên tài trợ cho các công ty đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp công nghệ tập trung ở San Francisco. Hơn 90% số tiền gửi tại ngân hàng này không được đảm bảo bởi Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC). Ngân hàng này gặp khủng hoảng khi hiện tượng đột biến rút tiền gửi xảy ra, và họ không có đủ thanh khoản để đáp ứng nhu cầu rút tiền. Ngoài ra, SVB cũng chịu thua lỗ khoảng hơn 15 tỷ đô la từ danh mục đầu tư trái phiếu dài hạn (nguyên nhân là do lãi suất tăng nhanh chóng); số tiền này bằng vốn chủ sở hữu của ngân hàng.

    Việc SVB thất bại mà không có “tấm đệm bảo vệ” đã khiến những người gửi tiền không được bảo hiểm đứng trước rủi ro mất vốn lớn, và do đó, điều này đã làm nổi bật lên một lỗ hổng khác trong các chính sách truyền thống giải cứu các ngân hàng, đó là thiếu người mua lại. Kết quả là, một lần nữa, chính phủ Mỹ đã ra tay giải cứu tạm thời, tịch thu toàn bộ tài sản của SVB cho tới khi có một tổ chức khác đạt được thỏa thuận mua lại ngân hàng này. Ngân hàng First Citizens là tổ chức đạt được thỏa thuận này và mua khoảng 72 tỷ USD tài sản SVB với mức chiết khấu 16.5 tỷ USD, vào ngày 27/3/2023.

    15 năm trước, các cơ quan quản lý và chính trị gia trên khắp thế giới đã từng hứa rằng, khách hàng sẽ không bao giờ phải gánh chịu những sai lầm của ngân hàng nữa. Và sự thất bại của SVB là một minh chứng cho thấy lời hứa đó hiện vẫn chưa thực hiện được. Đây được xem là lời nhắc nhở kịp thời rằng, ngay cả những ngân hàng nhỏ hơn cũng có thể trở thành “too big to fail”.

    Công ty Bảo hiểm AIG – Mỹ

    American International Group (AIG) là một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới. Các hoạt động kinh doanh của công ty này tập trung vào các sản phẩm bảo hiểm truyền thống. Khi công ty này lún sâu vào các hoạt động cung cấp hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), họ đã bắt đầu chấp nhận đối mặt với nhiều rủi ro lớn hơn.

    Các hợp đồng hoán đổi này đảm bảo cho các chứng khoán thế chấp, nhằm giảm thiểu rủi ro vỡ nợ của các chứng khoán này, cho các nhà đầu tư. Theo đó, nếu AIG phá sản, nó sẽ gây tổn thất lớn cho các tổ chức tài chính đã mua các hợp đồng hoán đổi đó.

    Các hợp đồng hoán đổi của AIG đối với các khoản thế chấp mua nhà dưới chuẩn đã đẩy công ty này đến bờ vực phá sản. Khi các khoản thế chấp rơi vào tình trạng vỡ nợ, AIG buộc phải huy động một nguồn vốn trị giá lên tới hàng triệu đô la. Trước tình hình đó, nhiều cổ đông đã bán cổ phần của mình và điều này càng khiến AIG trở nên khó khăn hơn trong việc đáp ứng khoản thanh toán cho các hợp đồng hoán đổi.

    Vì vậy, Fed đã phải vào cuộc và đồng ý chi một khoản vay trị giá 85 tỷ đô la trong hai năm cho AIG để giảm bớt căng thẳng cho nền kinh tế toàn cầu. Đổi lại, chính phủ Mỹ sẽ tiếp quản 79.9% giá trị vốn cổ phần của AIG và quyền thay thế ban lãnh đạo, đồng nghĩa với việc AIG được quốc hữu hóa một phần.

    Bên cạnh đó, Fed cũng mua 52.5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS). Số tiền này cho phép AIG hủy bỏ các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng một cách hợp lý, cứu công ty cũng như nhiều tổ chức khác trong ngành tài chính khỏi sự sụp đổ. Gói cứu trợ AIG đã trở thành một trong những gói tài chính cứu trợ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và AIG cũng được biết đến là một trong những tổ chức “too big to fail”.

    Vietnam Airlines – Việt Nam

    Năm 2021, Vietnam Airlines (HVN) báo lỗ lớn khi ghi nhận dòng tiền âm chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19, làm cho nhiều nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng hoạt động kinh doanh của hãng hàng không này. Nhưng sau đó, Vietnam Airlines đã nhận được gói cứu trợ trị giá 12 nghìn tỷ đồng từ chính phủ để hỗ trợ thanh khoản.

    Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, quy mô của gói cứu trợ này chỉ có thể giúp Vietnam Airlines cải thiện thanh khoản đến đầu năm 2022. Lũy kế cả năm 2022, mặc dù khoản lỗ được ghi nhận giảm gần 22% so với cuối năm 2021 nhưng HVN vẫn lỗ ròng trên 10,369 tỷ đồng.

    Kể từ đó, Vietnam Airlines đã đẩy mạnh tái cấu trúc bằng cách bán tài sản (máy bay, cổ phần), tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì thủ tục pháp lý. Trong khi đó, tình hình kinh doanh ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi giá nhiên liệu hàng không ngày càng tăng cao đã làm tăng chi phí vận hành.

    Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Vietnam Airlines không chỉ là công ty nhà nước nên cần được cứu trợ, còn một lý do nữa hãng hàng không này cần được “giải cứu” đó là công ty đã đạt tới tình trạng "quá lớn để sụp đổ - too big to fail."

    Tuy nhiên, khả năng giải cứu lần thứ hai đối với Vietnam Airlines lại trở nên khó khăn hơn khi Chính phủ hiện đang dồn nguồn lực để chống lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng phải sát sao kiểm soát cung tiền vào nền kinh tế trước bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang kỷ lục trên thế giới.

    Làm thế nào để ngăn một ngân hàng trở nên “quá lớn để sụp đổ”?

    Cuộc khủng hoảng tài chính 2007–2008 đã ảnh hưởng đến các ngân hàng trên toàn thế giới. Các cơ quan quản lý toàn cầu cũng đã thực hiện cải cách, phần lớn các quy định mới chỉ tập trung vào các ngân hàng “too big to fail”. Các quy định ngân hàng toàn cầu được ban hành bởi Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng, Ngân hàng thanh toán Quốc tế (BIS) và Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB). Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể thực hiện một số cách sau để tránh phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng:

    - Đảm bảo tăng dự trữ bắt buộc.

    - Tăng giá trị vốn cổ phần vượt tiêu chuẩn quốc tế, điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu tổn thất có thể gánh chịu.

    - Sử dụng trái phiếu chuyển đổi dự phòng (CoCo) để có thể chuyển đổi sang thành cổ phiếu trong một số trường hợp nhất định, nhằm tăng tính thanh khoản nếu cần thiết.

    - Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) đã đưa ra các cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, theo đó các ngân hàng quốc tế lớn, như Goldman Sachs, Deutsche Bank, v.v., nên xem xét phát hành nợ đặc biệt mà họ có thể giữ lại trong điều kiện thị trường gặp khó khăn.

    Tóm tắt:

    - "Too big to fail" là thuật ngữ chỉ một công ty mà sự sụp đổ của nó sẽ có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung và đe dọa đến sự ổn định tài chính trên diện rộng.

    - Những “gã khổng lồ” tài chính như Citigroup hay Lehman Brothers, đã tham gia vào thị trường thế chấp đầy biến động và gây ra một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán, nằm ngoài sự kiểm soát của chính sách tiền tệ.

    - Sự thất bại của SVB như một lời cảnh báo rằng, ngay cả những ngân hàng nhỏ hơn cũng có thể góp phần tạo hiệu ứng “too big to fail” đến hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan