Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Nới lỏng định lượng (QE) - Hai mặt của đồng tiền

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Nới lỏng định lượng làm tăng cung tiền, giảm lãi suất, và kích thích các khoản vay.

    - Nới lỏng định lượng nếu không được kiểm soát phù hợp, sẽ gây ra lạm phát và bong bóng giá tài sản.  

    Nới lỏng định lượng là gì?

    Nới lỏng định lượng (Quatitative Easing- QE) là một chính sách tiền tệ được các ngân hàng trung ương sử dụng, như Cục Dự trữ liên bang (Fed), để điều hành dòng tiền trong nền kinh tế, bắt đầu từ việc mua vào một lượng lớn các tài sản tài chính, đặc biệt là trái phiếu chính phủ.

    Bản chất của QE là tăng cung tiền. Theo đó, một lượng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế sẽ làm tăng cung tiền, giảm lãi suất, và kích thích các khoản vay, đầu tư.  

    Cách thức của chính sách nới lỏng định lượng

    Chính sách tiền tệ có thể được thể hiện qua chuỗi chu trình sau:

    Ngân hàng trung ương mua chứng khoán: Các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu bằng cách bơm tiền vào nền kinh tế thông qua việc sử dụng nguồn dự trữ để mua trái phiếu kho bạc kỳ hạn dài trên thị trưởng mở.

    Tiền mới đi vào nền kinh tế: Nhờ những giao dịch trên, các tổ chức tín dụng có nhiều tiền mặt hơn trong hệ thống của mình. Họ có thể sử dụng lượng tiền này cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp vay, hoặc mua các tài sản khác.

    Tính thanh khoản trong hệ thống tài chính tăng lên: Việc bơm một lượng tiền vào nền kinh tế sẽ giúp hạn chế, ngăn ngừa các vấn đề rủi ro trong hệ thống tài chính, như khủng hoảng tín dụng (các khoản vay khả dụng giảm, tiêu chí vay khắt khe hơn, v.v.). Nhờ đó, lượng tiền lưu thông lớn sẽ giúp thị trường tài chính được vận hành linh hoạt hơn.

    Lãi suất tiếp tục giảm: Các ngân hàng trung ương (như Fed) mua một lượng lớn trái phiếu kho bạc và các chứng khoán có thu nhập cố định khác. Điều này khiến giá trái phiếu cao hơn (do nhu cầu lớn từ Fed) và lợi suất thấp hơn (trái chủ kiếm được lợi nhuận thấp hơn). Khi lãi suất trả cho nhà đầu tư giảm, tức là việc đi vay tiền trở nên rẻ hơn, sẽ khuyến khích các hoạt động đi vay tiền, từ đó thúc đẩy tín dụng và tăng trưởng kinh tế.

    Nhà đầu tư thay đổi cách phân bổ tài sản. Do lợi suất thu được từ các loại tài sản có thu nhập cố định (trái phiếu, tiền gửi, v.v.) thấp hơn, nhà đầu tư thường sẽ tìm đến các loại tài sản đem lại tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn (như cổ phiếu). Như vậy, chính sách nới lỏng định lượng có thể sẽ giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh hơn. Niềm tin vào nền kinh tế tăng lên. Thông qua chính sách nới lỏng định lượng, Fed “trấn an” thị trường và nền kinh tế nói chung. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn trong việc đi vay tiền, đầu tư, và chi tiêu nhiều hơn – tất cả điều này đều giúp kích thích tăng trưởng nền kinh tế.  

    Nới lỏng định lượng dưới góc độ kinh tế học

    Tác động từ nới lỏng định lượng lên các yếu tố kinh tế khác nhau có thể được thể hiện theo cách sau đây:

    1. Ảnh hưởng đến giá tài sản tài chính

    Trên biểu đồ trên, trục X đại diện cho số lượng trái phiếu chính phủ trong nền kinh tế và giá trái phiếu được thể hiện tương ứng ở trục Y. Ở đây, đường cung (Supply) có hướng đi lên bởi vì khi giá trái phiếu tăng, nguồn cung cũng tăng, tức là các nhà phát hành muốn bán được nhiều trái phiếu hơn để kiếm lợi nhuận. Đường cầu (Demand) có hướng đi xuống vì khi giá tăng thì cầu sẽ giảm tương ứng, do nhà đầu tư không còn muốn mua trái phiếu ở mức giá cao hơn nữa.

    Nói cách khác, khi các ngân hàng trung ương mua trái phiếu, nhu cầu về trái phiếu tăng đột ngột, dẫn tới giá trái phiếu tăng theo. Điều này được thể hiện thông qua đường cầu mới giao đường cung tại mức giá (P1) cao hơn (P).

    2. Ảnh hưởng đến lãi suất

    Trên biểu đồ, trục X đại diện cho lượng tiền trong nền kinh tế và trục Y đại diện cho lãi suất. Ở đây, đường cầu tiền (đường MD) là hướng đi xuống vì khi lãi suất cao hơn, nhu cầu về tiền mặt sẽ ít hơn khi mọi người muốn chi tiêu ít hơn, và ngược lại. Trong khi đó, đường cung tiền (đường MS) là đường thẳng đứng vì lượng tiền có sẵn trong nền kinh tế, trừ khi được thay đổi ngoài dự kiến (không bị tác động bởi lãi suất).

    Nói cách khác, khi các ngân hàng mua trái phiếu chính phủ, lượng tiền có sẵn trong nền kinh tế tăng lên, dẫn đến đường cung tiền di chuyển sang phải từ (MS1) sang (MS2). Trong khi đó, điểm mà đường cung tiền và đường cầu tiền giao nhau sẽ thể hiện lãi suất hiện tại của quốc gia. Theo biểu đồ, khi cung tiền tăng lên, lãi suất sẽ giảm từ (i1) về (i2).

    3. Ảnh hưởng đến Tổng sản phảm quốc nội (GDP)

    Trên biểu đồ, trục X đại diện cho GDP của một nền kinh tế và trục Y đại diện cho mức giá trong nền kinh tế đó. Ở đây, đường tổng cầu (AD) là một đường dốc xuống vì tổng cầu sẽ tăng lên khi GDP tăng lên trong khi giá cả thấp. Đường tổng cung (AS) là một đường cong (ngang ở phần đầu và dần đi lên theo hướng thẳng đứng). Điều này là do khi giá và GDP thấp, tổng cung sẽ thấp hơn, và khi GDP được cải thiện đến một mức độ nhất định, giá tăng sẽ khiến sản lượng cung ứng hàng hóa ra nền kinh tế tăng lên nhanh chóng.

    Nói cách khác, khi ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ, tổng lượng tiền trong nền kinh tế tăng lên. Kết quả là, có nhiều tiền hơn trong nền kinh tế và mọi người bắt đầu chi tiêu nhiều hơn, dẫn đến tổng cầu tăng lên (từ AD dịch chuyển sang AD1). Trong khi đó, điểm giao nhau giữa đường AD và AS cũng tăng lên, tức là mức giá mới tăng (từ P lên P1) và GDP tăng lên (từ Y lên Y1). Đây cũng chính là cách mà nền kinh tế phục hồi khi các ngân hàng trung ương sử dụng chính sách nới lỏng định lượng.  

    Ví dụ thực tiễn về nới lỏng định lượng

    Trong giai đoạn dịch Covid-19, nhằm giữ cho chi phí vay ở mức thấp và thị trường tín dụng lưu thông, Fed đã mua 500 tỷ USD trái phiếu chính phủ và 200 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) (từ tháng 06/2020 đến tháng 11/2021) để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Nhờ đó, tài sản của Fed đã tăng 75% từ 4.2 nghìn tỷ USD vào T3/2020 lên 7.4 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020, mức tăng 3.2 tỷ USD này còn ngang với mức tăng 3.1 tỷ USD trong chuỗi nới lỏng định lượng QE1 – QE3 Fed sử dụng trước đó để đối phó với khủng hoảng tài chính 2008.

    Năm 2008, chỉ số sức mạnh Đồng Đôla (DXY) tăng gần 15% và sau đó lại giảm khi Mỹ tung ra gói QE1 (1 trong 3 gói định lượng Fed sử dụng để hồi phục kinh tế sau khủng hoảng 2008). Tuy nhiên, trong chính sách nới lỏng định lượng năm 2020, DXY đã tăng hơn 8.3% chỉ trong 10 ngày, đạt đỉnh lịch sử 103 điểm vào ngày 20/03/2020. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng tăng từ mức thấp nhất là 19,173.98 điểm (ngày 20/03/2020) lên 36,100.31 điểm (ngày 19/11/2021), tương ứng tăng gần 2 lần.

    Như vậy, trong khủng hoảng COVID-19, rõ ràng động thái nới lỏng định lượng đã cho thấy những tác dụng nhất định trong ngắn hạn: căng thẳng thanh khoản đồng Đôla Mỹ dịu xuống, các thị trường chứng khoán hồi phục và tâm lý thị trường được cải thiện với những cam kết mạnh mẽ của các NHTW.

    Tại Việt Nam, nới lỏng định lượng vẫn chưa được áp dụng, tuy nhiên, khi các quốc gia khác áp dụng biện pháp này, Việt Nam cũng bị tác động.

    Ví dụ, khi Mỹ nới lỏng tiền tệ thì giá trị đồng USD sẽ giảm xuống, tỷ giá USD/VND sẽ thấp hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu, gây bất lợi cho nền kinh tế. Còn theo ThS. Nguyễn Thị Thùy Minh từ Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, USD liên tục mất giá sẽ khiến cho Việt Nam đối mặt với bong bóng tài sản.  

    Rủi ro khi áp dụng nới lỏng định lượng

    Mặc dù nới lỏng định mang lại nhiều điểm tích cực cho nền kinh tế, song chính sách tiền tệ này có thể để lại một số tác động không mong muốn đối với nền kinh tế.

    Có thể gây ra lạm phát

    Mối lo ngại lớn nhất của chính sách nới lỏng định lượng là rủi ro gây ra lạm phát. Khi các ngân hàng trung ương in tiền, cung tiền sẽ tăng lên một lượng tương ứng. Điều này thường sẽ làm giảm sức mua của đồng tiền (gây ra ạm phát), khi người dân và các doanh nghiệp cần một lượng tiền lớn hơn để mua cùng một lượng tài sản như trước đây.

    Bong bóng tài sản

    Chính sách QE được thừa nhận tính hiệu quả của nó trong việc kích thích nền kinh tế, tuy nhiên tác động tích cực này thường không đồng đều giữa các thị trường, đối tượng khác nhau.

    Khi các ngân hàng trung ương mua lại các loại chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu chính phủ, sẽ gây ra sự tăng lên trong giá trị của các loại tài sản đó, tương ứng làm giảm lợi suất mà nhà đầu tư nhận được. Lúc này, QE sẽ thúc đẩy việc các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản đầu tư khác, dù có mức độ rủi ro cao hơn song có thể mang lại lợi suất cao hơn như họ mong muốn (như cổ phiếu). Nói cách khác, khi đồng tiền mất giá, nhà đầu tư sẽ đổ dồn mua các loại tài sản khác mang về nhiều giá trị hơn là giữ tiền mặt.

    Kết quả là, nó dẫn đến các hành vi mang tính đầu cơ, từ đó gây ra hiện tượng bong bóng và những biến động không mong muốn cho thị trường.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán