Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Siêu lạm phát tại Venezuela

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Venezuela là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, có năm lên đến 1 triệu phần trăm.

    - Giá dầu mỏ sụt giảm, chính sách kiểm soát giá cả và bộ máy cầm quyền “thối nát” là nguyên nhân dẫn đến siêu lạm phát ở Venezuela.

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Nổi tiếng là nơi có nhiều hoa hậu thế giới và nguồn dầu mỏ không bao giờ cạn kiệt, người dân Venezuela đang phải sống trong cảnh nghèo khổ vì siêu lạm phát nghiêm trọng. Siêu lạm phát đã khiến cho khoảng 3 triệu người Venezuela - một phần mười dân số - trốn khỏi đất nước. Đây là sự dịch chuyển lớn nhất của con người trong lịch sử Mỹ Latinh, được thúc đẩy bởi sự thiếu hụt của tất cả mọi thứ bao gồm thực phẩm cũng như chế độ Maduro đối xử áp bức với bất đồng chính kiến.

    Khi đi mua đồ bên ngoài, người dân Venezuela không mang theo ví tiền như bao quốc gia mà họ phải dùng cả bao tải hoặc thùng hàng để đựng tiền, thậm chí cả bao tải tiền đó cũng không đủ để mua một quả cà chua, hay một miếng phô-mát. Siêu lạm phát đã làm cho đồng tiền bolivar của nước này không còn giá trị, nhiều người ném chúng ra đường nhưng chẳng ai thèm lấy. Lúc bấy giờ, những vật dụng thường ngày như gạo, dầu ăn, thanh kẹo hay thuốc lá còn quan trọng hơn cả tiền và người dân cũng lấy chúng để “thanh toán” cho xăng dầu.

    Siêu lạm phát ở Venezuela khủng khiếp như thế nào?

    IMF nhận định rằng suy thoái ở Venezuela là một trong những thảm họa kinh tế tồi tệ nhất xảy ra tại một quốc gia thời bình. Năm 2016, Nicolas Maduro đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Venezuela khi lạm phát lúc đó đạt tới hơn 800%.

    Vào năm 2018, lạm phát đạt tới 66,000%, để có thể hiểu giá cả của nền kinh tế đã tăng lên như thế nào dựa trên con số này, người ta đã dựa trên chỉ số Bloomberg Venezuela Café Con Leche - Chỉ số theo dõi chỉ mục một cốc cà phê được phục vụ tại một tiệm bánh ở phía đông Caracas dùng để ước lượng lạm phát, thì thấy rằng giá của một tách cà phê khi đó tăng khoảng 380,000%.

    Kể từ khi xảy ra tình trạng siêu lạm phát, Chỉ số Khốn khổ (Misery Index) của Venezuela liên tục đứng đầu bảng xếp hạng thế giới – một danh hiệu mà không nước nào muốn nhưng bao giờ cũng có chủ. Chỉ số Khốn khổ được ước tính bằng tổng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp của một nền kinh tế.

    Đồng tiền quốc gia bolivar như tờ giấy lộn, mang một đống tiền chỉ có thể mua được một cuộn giấy vệ sinh, hoặc một cân cà rốt, hoặc một con gà... Trên cơ sở đồng nội tệ của năm 2018, mức lương tối thiểu của người lao động tăng từ 5.2 triệu bolivar lên 180 triệu bolivar. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ điều chỉnh giảm 5 số 0, mức lương tối thiểu mới sẽ tương đương 1,800 bolivar. Đồng thời cũng thực hiện các chính sách để mua xăng dầu với giá ưu đãi. Thậm chí đến năm 2021, quốc gia này cũng bỏ 6 số 0 khỏi giá trị in trên đồng tiền và đưa quốc gia này trở thành quốc gia Nam Mỹ loại bỏ nhiều số 0 nhất khỏi đồng tiền của mình. Tuy nhiên, tờ bạc một triệu bolivar này cũng chỉ tương đương với 25 xu Mỹ lúc bấy giờ.

    Đứng trước tình trạng siêu lạm phát, Tổng thống Venezuela đã thực hiện một loạt thay đổi, như tăng lương cơ bản, phá giá đồng nội tệ boliavar 96%, neo buộc tỷ giá đồng tiền này vào đồng tiền ảo Petro do Caracas phát hành, tăng mạnh thuế,… Các chính sách mới này đã khiến các cửa hàng kinh doanh ở Venezuela lo sợ hơn cả, bởi họ vốn dĩ đã phải chật vật để tồn tại trong bối cảnh siêu lạm phát, nay áp dụng các chính sách ngặt nghèo đã khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa rơi vào tê liệt bởi vì Venezuela là một đất nước chỉ khai thác dầu mỏ để xuất khẩu, hầu hết các thực phẩm, hàng hóa thường ngày phụ thuộc vào nhập khẩu. Lương cơ bản hàng tháng tối thiểu tăng từ 5.2 triệu Bolivar lên 180 triệu Bolivar, tương đương từ 0.5 USD lên 30 USD đã khiến cho hàng nghìn công ty đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và đẩy làn sóng di cư của người Venezuela sang các nước láng giềng ở Nam Mỹ dâng cao hơn. Cuối năm 2019, hơn 5 triệu dân Venezuela sống lưu vong, chủ yếu tại các nước láng giềng lân cận như Colombia hay Peru, Equador, Achentina và Brazil.

    Ảnh: Số lượng di cư ròng ở Venezuela (=Nhập cư – Di Cư)

    Biện pháp kiểm soát giá cả đã làm cho đất nước này tồi tệ thêm, không một cửa hàng nào nhập khẩu hàng hóa về bán khiến cho nguồn cung khan hiếm và giá cả tăng thêm. Nguồn cung y tế cũng thiếu thốn. Người dân Venezuela đi tìm penicillin và các loại thuốc khác tại các hiệu thuốc ở mọi nơi, nhưng thường không thành công. Các bệnh viện công của nước này cũng tan rã, khiến cho mọi người, ngay cả trẻ sơ sinh, chết vì khan hiếm chăm sóc y tế cơ bản.

    Bởi vì sự mất giá của đồng tiền, hầu như người dân chọn thanh toán các giao dịch thường ngày bằng đồng USD. Theo ước tính, hơn 70% giao dịch tại Venezuela ở khu vực tư nhân được thực hiện bằng USD. Giá trên nhiều kệ hàng vẫn hiển thị bằng USD để giúp mọi thứ đơn giản hơn với người tiêu dùng. Có thể nói rằng, đồng nội tệ của quốc gia này đã mất đi chức năng trao đổi hàng hóa do sự mất giá không thể kiểm soát.

    Tại sao Venezuela xảy ra tình trạng siêu lạm phát?

    Chính sách lấy dầu mỏ làm nguồn thu chính, mang đến 95% ngoại tệ cho cả nước. Là một quốc gia dự trữ dầu lớn nhất thế giới, cao hơn cả so với mỏ dầu của thế giới - Ả Rập Xê Út, công nghiệp khai thác dầu Venezuela tuột dốc không phanh. Venezuela cũng không chú trọng đến nguồn thu duy nhất của mình mà lãng phí các cơ hội đầutư vào những mỏ dầu khi thời cơ tốt. Vì quốc gia này phớt lờ việc duy trì các cơ sở dầu mỏ, sản lượng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm. Câu hỏi đặt ra ở đây, nếu không bán dầu mỏ thì Venezuela lấy gì để chi tiêu?

    Không dừng lại ở đó, bất chấp đồng nội tệ đang mất giá và doanh số dầu mỏ giảm, Chính phủ vẫn tiếp tục áp dụng kiểm soát giá cả nghiêm ngặt đối với hàng hóa bán trong siêu thị. Điều này khiến các nhà nhập khẩu thực phẩm phải ngừng nhập khẩu gần như tất cả mọi thứ bởi vì họ sẽ phải bán ra với giá thua lỗ lớn. Nguồn cung thiếu thốn đã làm cho giá hàng hóa tăng lên đỉnh điểm khiến cho người dân phải sống trong cảnh thiếu những mặt hàng cơ bản như sữa, trứng, bột mì, xà phòng hay giấy vệ sinh.

    Dầu mỏ, hay kiểm soát giá cả chỉ là một trong những nguyên nhân, bộ máy cầm quyền của Venezuela “thối rửa” đến mức người dân không còn tin vào chính quyền nữa. Số tiền Venezuela kiếm được từ nguồn dầu mỏ vô cùng khổng lồ, nhưng số tiền này chủ yếu đã chảy về tay các quan chức, lãnh đạo, công ty tư nhân, những đại gia dầu mỏ để họ mặc sức tiêu xài, chơi bời. Ngành dầu khí của Venezuela đi xuống kể từ khi ông Madduro lên làm Tổng thống, thiếu đầu tư, công nhân không làm việc dẫn đến tình trạng nhiều mỏ dầu chỉ khai thác cầm chừng, bệ rạc, thậm chí dừng hẳn. Sự thiếu thốn xảy ra ở khắp nơi nhưng ông Maduro lại chọn giải pháp trả nợ cho Trung Quốc và Nga thay vì mua lương thực, thực phẩm cho người dân. Các chính sách mang tính “sĩ diện” của ông Maduro cũng khiến cho người dân bất đồng hơn, trong khi đất nước còn khó khăn, thiếu thốn thì ông Maduro lại chi hàng triệu USD để hỗ trợ các nước nghèo khác trong khu vực Châu Phi.

    Đồng Bolivar đã mất gần như giá trị của nó chỉ trong hơn 1 thập kỷ - giảm gần 73% chỉ riêng trong năm 2021.

    Tín hiệu sáng cho nền kinh tế Venezuela

    Năm 2021, lạm phát của Venezuela mặc dù vẫn cao nhất thế giới nhưng đã giảm từ 66,000% của năm 2018 xuống còn 1,588%. Trong giai đoạn 2021 – 2022, Ngân hàng trung ương Venezuela đã bơm 2.2 tỷ USD vào thị trường nội địa nhằm ổn định tỷ giá hốiđoái. Kể từ T10/2023, tỷ giá đồng bolivar so với USD tăng nhẹ từ 4.18 lên 4.32 bolivar đổi 1 USD, tức đồng bolivar chỉ giảm 3.24% là điều đáng mừng bởi ba năm trước đó đồng này đã giảm hơn 95% giá trị. Bên cạnh đó, GDP của Venezuela tăng 4% vào năm 2021 và tăng 6.2% vào năm 2022 sau khi giảm tổng cộng hơn 80% trong suốt 8 năm suy thoái kinh tế.

    Nền kinh tế Venezuela đang dần cải thiện nhờ sự gia tăng về giá dầu và sản lượng dầu mỏ, mở rộng nguồn thu thuế và tín dụng ngân hàng trong nước. Nguồn thu ngoại tệ của Venezuela tăng mạnh thời gian qua nhờ xuất khẩu dầu đã tạo động lực cho sự tăng trưởng của nhập khẩu và tiêu dùng trong nước. Bên cạnh lĩnh vực mũi nhọn là dầu khí, Chính phủ Venezuela cũng đang hướng tới đa dạng hóa nền kinh tế để tạo nguồn thu của cải khác ngoài dầu khí như nông nghiệp, chăn nuôi, khai khoáng.

    Đầu năm 2023, Venezuela đón chuyến tàu du lịch đầu tiên đến từ châu Âu sau gần 15 năm không một khách du lịch nào đến đất nước này do tình trạng an ninh bất ổn và khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đây dường như là một sự thành công lớn cho đất nước này, báo hiệu rằng Venezuela có khả năng trở lại tầm ngắm của các hãng du lịch tàu biển.

    Một số nhà kinh tế lo ngại rằng Chính phủ đang “đốt cháy” dự trữ ngoại hối của họ khi thực hiện các chính sách bơm USD ra thị trường. Nhưng thực tế, dự trữ đồng USD tăng lên nhờ sự gia tăng nguồn thu dầu mỏ của Venezuela do giá dầu thô tăng và sản lượng dầu bị hạn chế. Venezuela có thể duy trì sự ổn định này trong bao lâu là câu hỏi của rất nhiều người.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada
    Tải App Ngay
    hoặc truy cập tititada.com

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 7.5%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán