Điểm nhấn chính:
-Tính thanh khoản là khả năng trao tài sản của bạn có thể thanh lý và đổi lấy tiền mặt.
- Tiền mặt thường được coi là tài sản có tính thanh khoản cao nhất.
- Một tài sản càng có tính thanh khoản cao, giá trị của nó sẽ càng ít tăng theo thời gian.
Thanh khoản là gì?
Tính thanh khoản (Liquidity) đề cập đến khả năng trao đổi tài sản để lấy tiền mặt một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tài sản có tính thanh khoản cao là khi nó dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt. Và, tiền mặt được coi là tài sản có tính thanh khoản cao nhất.
Tính thanh khoản rất quan trọng vì việc sở hữu tài sản thanh khoản (Liquid assets) cho phép bạn thanh toán các chi phí sinh hoạt cơ bản và xử lý các trường hợp phát sinh khẩn cấp. Nhưng, điều quan trọng là bạn phải hiểu về một số rủi ro và hạn chế của việc nắm giữ quá nhiều tài sản thanh khoản.
Nói chung, một tài sản càng có tính thanh khoản cao, giá trị của nó sẽ càng ít tăng theo thời gian. Các tài sản thanh khoản cao, như tiền mặt, thậm chí có thể trở thành nạn nhân của lạm phát khiến sức mua của chúng giảm dần theo thời gian.
Để bảo vệ chống lại lạm phát và tiết kiệm cho các mục tiêu tài chính dài hạn, bạn có thể nên cân nhắc tới việc nắm giữ các tài sản đầu tư nhiều hơn, như chứng khoán hoặc bất động sản, mặc dù chúng có thể kém thanh khoản hơn.
Tính thanh khoản của tài sản
Trên bảng cân đối kế toán, tài sản được liệt kê theo mức độ thanh khoản của chúng. Tiền mặt được liệt kê đầu tiên, tiếp theo là các khoản phải thu và hàng tồn kho. Đây là những tài sản ngắn hạn hay còn gọi là tài sản lưu động. Chúng dự kiến sẽ được sử dụng, thu vào hoặc bán ra trong thời hạn một năm.
Tài sản dài hạn sẽ xếp sau tài sản ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán. Tài sản dài hạn bao gồm các mặt hàng như thiết bị và nhãn hiệu. Đây là những tài sản không thể thanh lý một cách nhanh chóng và được coi là tài sản kém thanh khoản (Illiquid assets).
Các tài sản thanh khoản phổ biến:
- Tiền mặt
- Tín phiếu kho bạc và trái phiếu chính phủ
- Chứng chỉ tiền gửi
- Cổ phiếu
- Trái phiếu
- Quỹ hoán đổi danh mục (ETF)
- Kim loại quý – ví dụ: tiền vàng và bạc, vàng miếng hoặc đồ trang sức
Các tài sản kém thanh khoản phổ biến:
-Bất động sản
- Hàng sưu tầm, mỹ nghệ, đồ cổ...
- Quyền chọn cổ phiếu
- Vốn cổ phần tư nhân
- Tài sản vô hình
Tầm quan trọng của tính thanh khoản đối với Nhà đầu tư
Tính thanh khoản của tài sản cần được cân nhắc cẩn trọng do tác động của nó đối với chiến lược đầu tư, quản lý rủi ro và lợi nhuận tiềm năng của các nhà đàu tư.
Tính thanh khoản xác định mức độ dễ dàng mà các nhà đầu tư có thể mua hoặc bán tài sản mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến giá thị trường của tài sản đó. Trong thời điểm thị trường biến động hoặc có sự kiện bất ngờ, tài sản thanh khoản có thể nhanh chóng được chuyển đổi thành tiền mặt giúp giảm nguy cơ thua lỗ, từ đó giúp nhà đầu tư quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, thanh khoản cho phép các nhà đầu tư dễ dàng tái phân bổ vốn giữa các tài sản, lĩnh vực hoặc thị trường khác nhau để giảm thiểu rủi ro tập trung và đạt được sự đa dạng hóa hiệu quả.
Điều quan trọng cần lưu ý là các thị trường có tính thanh khoản cao sẽ có cơ chế định giá minh bạch và hiệu quả hơn, giảm thiểu khả năng tài sản bị định giá sai.
Tầm quan trọng của tính thanh khoản đối với Doanh nghiệp
Ngay cả khi doanh số bán hàng tốt, nếu công ty của bạn không có đủ dự trữ tiền mặt để hoạt động, nó sẽ rất khó để thành công. Thanh khoản là một biện pháp mà các công ty sử dụng để kiểm tra khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn của họ. Nó đo lường khả năng chuyển đổi thành tiền mặt của các tài sản hoặc bất cứ thứ gì công ty bạn sở hữu có giá trị tài chính.
Đo lường tính thanh khoản có thể cung cấp cho bạn tình hình tài chính của công ty, cũng như thông báo kế hoạch tài chính trong tương lai. Lập kế hoạch thanh khoản (Liquidity planning) là sự phối hợp giữa các khoản phải thu và các khoản phải trả, nhằm xác định những thời điểm mà công ty có thể thiếu tiền mặt cần thiết để chi trả các chi phí dự kiến ngắn hạn và từ đó, xác định các cách để giải quyết những thiếu hụt đó. Kế hoạch thanh khoản cũng có thể giúp bạn bạn nhận ra những thời điểm mà bạn có thể có dư thêm tiền mặt, và chúng có thể được sử dụng cho các cơ hội đầu tư hoặc tăng trưởng khác.
Bên cạnh đó, thanh khoản là một yếu tố quan trọng khi nói đến việc đi vay, vì các ngân hàng và nhà đầu tư thường xem xét tỷ lệ thanh khoản để xác định khả năng trả nợ của công ty. Nếu một doanh nghiệp không thể đáp ứng nghĩa vụ cho vay ngắn hạn, điều này có thể gây ra rủi ro thanh khoản và được coi là một mối đe dọa đáng kể đối với sự ổn định tài chính và lợi nhuận của công ty.
Bạn có thể đọc thêm về một trường hợp đặc biệt về tác động của rủi ro thanh khoản trong bài Đột biến rút tiền gửi ngân hàng.
Đo lường tính thanh khoản
Để đánh giá tình hình thanh khoản, công ty có thể so sánh tài sản ngắn hạn với nợ phải trả ngắn hạn của họ, có thể tìm thấy trên bảng cân đối kế toán. Công ty có thể sử dụng các tỷ lệ thanh khoản dưới đây:
Tỷ lệ thanh toán hiện hành (Current ratio) cho thấy khả năng trả nợ của công ty bằng tiền mặt và tài sản tương đương tiền, như hàng tồn kho, các khoản phải thu và chứng khoán khả mại (hay là có thể bán được). Tỷ lệ thanh toán hiện hành tốt nằm trong khoảng từ 1.2 đến 2, có nghĩa là doanh nghiệp có tài sản lưu động gấp 2 lần nợ phải trả để trang trải các khoản nợ.
Tỷ lệ thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn
Tỷ lệ thanh khoản nhanh (Quick ratio) thận trọng hơn khi nó loại bỏ tài sản ngắn hạn mà khó có thể chuyển sang thành tiền mặt hơn, đó là hàng tồn kho.
Tỷ lệ thanh khoản nhanh = (Tài sản ngắn hạn - Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn
Tỷ lệ thanh toán tiền mặt (Cash ratio) cho thấy khả năng trả nợ ngắn hạn của công ty bằng tiền, các khoản tương đương tiền, và các tài sản có tính thanh khoản cao nhất.
Tỷ lệ thanh toán tiền mặt = Tiền và các khoản tương đương tiền / Nợ ngắn hạn
Ví dụ về rủi ro thanh khoản tài sản – Sillicon Valey Bank
Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank – SVB), một công ty con của Tập đoàn tài chính SVB, từng là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ trước khi sụp đổ. SVB chuyên hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp - chủ yếu là các công ty công nghệ. Ngân hàng này có tổng giá trị tài sản khoảng 209 tỷ USD tính đến tháng 12/2022.
SVB đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2019 đến 2022, do đó SVB nắm giữ một lượng tiền gửi và tài sản đáng kể. Trong khi một lượng nhỏ các khoản tiền gửi đó được giữ dưới dạng tiền mặt, phần lớn số tiền còn lại được sử dụng để mua trái phiếu kho bạc và các khoản nợ dài hạn khác có lợi nhuận và rủi ro tương đối thấp.
Nhưng khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao, trái phiếu đã mua trước đó của SVB trở thành khoản đầu tư rủi ro hơn. Bởi vì các nhà đầu tư lúc đó đã có thể mua trái phiếu mới với lãi suất cao hơn, và do vậy mà trái phiếu phát hành trước đó trở nên kém hấp dẫn hơn và giảm giá trị, khiến tính thanh khoản của chúng cũng sụt giảm theo.
Khi lãi suất cao hơn khiến thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị chững lại và khiến việc huy động vốn tư nhân trở nên tốn kém hơn, một số khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền ra để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của công ty họ. Để tài trợ cho việc rút tiền, SVB đã buộc phải bán danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỷ USD. Điều này khiến SVB phải ghi nhận khoản lỗ lên tới 1.8 tỷ USD, và cần gấp rút huy động thêm vốn để bù đắp cho khoản lỗ tuy kế hoạch này không thành công.
Khi SVB tuyên bố sẽ bán 2.25 tỷ USD vốn cổ phần phổ thông và cổ phiếu chuyển đổi ưu đãi, nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng ngân hàng có thể đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản lớn. Và vì vậy, họ vội vã đến ngân hàng và cố gắng rút tiền ra khỏi đó, dẫn đến hiện tượng đột biến rút tiền gửi ngân hàng. Chỉ trong ngày 09/03/2023, khách hàng đã rút 42 tỷ USD, chiếm 24% tổng lượng tiền gửi của SVB tại cuối năm 2022 (175 tỷ USD), và khiến SVB ghi nhận số dư tiền mặt âm 958 triệu USD vào cuối ngày. Và, trong ngày 10/03, dự kiến khách hàng thực hiện rút thêm 100 tỷ USD, tuy nhiên số tiền này vượt quá khả năng thanh toán của SVB và cơ quan quản lý đã phải vào cuộc và buộc đóng cửa ngân hàng này trong ngày hôm đó. Điều này cho thấy thanh khoản của công ty lúc đó là cực kỳ thấp, và sau cùng khiến họ phải phải đối mặt với việc phá sản vì vỡ nợ.
Tóm lại, do SVB nắm giữ một lượng lớn tài sản là các khoản đầu tư trái phiếu dài hạn và chúng mất dần thanh khoản khi lãi suất liên bang tăng nhanh chóng, nên SVB đã không thể bán chúng ra ở một mức giá như kỳ vọng để đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho việc khách hàng ồ ạt rút tiền.
Đây không chỉ là rủi ro thanh khoản ở cấp độ từng loại tài sản, mà nó còn ảnh hưởng đến cả thanh khoản của hệ thống cả công ty và liên lụy tới nhu cầu thanh khoản của các bên liên quan khác. Từ sự kiện này, bạn có thể thấy, việc cân đối thanh khoản ngắn hạn và trả nợ dài hạn có ý nghĩa rất quan trọng đối với các ngân hàng và doanh nghiệp.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.