Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tỷ số tài chính quan trọng của doanh nghiệp_Phần 1

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Tỷ số tài chính của một công ty giúp bạn xem xét, đánh giá tình hình, sức khỏe tài chính của công ty đó.

    - Tỷ số tài chính sẽ giúp bạn theo dõi tình hình tài chính của công ty thay đổi theo thời gian, hoặc so sánh với các công ty khác dễ dàng hơn.

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Chúng ta thường xem báo cáo tài chính của một công ty để đánh giá tình hình kinh doanh, sức khỏe tài chính của công ty đó. Tuy nhiên, vấn đề là, hầu như không thể so sánh trực tiếp một công ty với các công ty khác, hay so sánh với chính công ty đó trong quá khứ, mà chỉ dựa trên những con số trên báo cáo tài chính. Lý do là bởi các con số này đã thay đổi theo thời gian, quy mô và tốc độ tăng trưởng của công ty.

    Do đó, một cách hiệu quả là tính toán, phân tích và so sánh các tỷ số tài chính (financial ratios). Những tỷ số tài chính khác nhau sẽ giúp bạn đánh giá các mối quan hệ tài chính khác nhau dựa trên thông tin từ doanh nghiệp.

    Trên thực tế, có rất nhiều tỷ số có thể giúp bạn đánh giá tình hình tài chính của công ty. Tuy nhiên, hai phần của bài viết này đề cập đến 5 nhóm tỷ số tài chính với những tỷ số phổ biến và cơ bản nhất, từ đó giúp bạn tiếp cận dễ dàng hơn với việc phân tích tình hình tài chính một công ty. Riêng với nhóm các công ty ngân hàng, bạn có thể tham khảo bài viết “Các chỉ số quan trọng của ngân hàng” bởi những đặc thù của ngành này.  

    Nhóm 1: Tỷ số đo lường thanh khoản (Liquidity)

    Nhóm tỷ số thanh khoản giúp bạn đánh giá khả năng thanh toán của công ty đối với các khoản nợ ngắn hạn, chủ yếu liên quan tới các khoản vay nợ phát sinh từ nhu cầu tài trợ cho hoạt động kinh doanh hiện tại.

    1. Tỷ số thanh toán hiện hành

    Tỷ số thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn

    Tỷ số thanh toán hiện hành phản ánh khả năng các tài sản ngắn hạn (tài sản có tính thanh khoản cao) có thể thanh toán các khoản nợ ngắn hạn đến hạn trả. Tỷ số này càng cao cho thấy khả năng trả các khoản nợ ngắn hạn của công ty càng cao.

    Tuy nhiên, tỷ số thanh toán hiện hành quá cao cũng không tốt. Theo nguyên tắc quản trị dòng tiền, công ty giữ tiền (tài sản ngắn hạn) nhiều sẽ đảm bảo khả năng giao dịch và cho mục đích dự phòng. Nhưng nó cũng đồng nghĩa là, công ty sử dụng ít tiền hơn cho các hoạt động đầu tư, điều này làm giảm khả năng sinh lời, và ngược lại. Theo nhiều khuyến nghị, tỷ số thanh toán hiện hành nên duy trì ở mức là 2, tức là 2 đơn vị tài sản ngắn hạn đảm bảo cho 1 đơn vị nợ.

    2. Tỷ số thanh toán nhanh

    Tỷ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn

    Tỷ số thanh toán nhanh phản ánh khả năng tiền, các khoản tương đương tiền và khoản phải thu thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn đến hạn trả. Có thể tỷ số này sẽ phản ánh chính xác hơn khả năng thanh toán khi nó loại bỏ yếu tố hàng tồn kho, vốn là loại tài sản không dễ để chuyển đổi thành tiền mặt. Theo đó, mức khuyến nghị cho tỷ số này là 1.5, tức 1.5 đơn vị tài sản (trừ hàng tồn kho) đảm bảo cho 1 đơn vị nợ ngắn hạn.  

    Nhóm 2: Tỷ số đo lường hiệu quả hoạt động (Efficiency)

    Nhóm tỷ số thứ hai sẽ giúp bạn đo lường hiệu quả hoạt động hay chất lượng quản trị tài sản của công ty.

    1. Vòng quay hàng tồn kho

    Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/Bình quân hàng tồn kho (đầu kỳ và cuối kỳ)

    Tỷ số này xem xét mối quan hệ giữa lượng hàng tồn kho hàng hóa, nguyên vật liệu và giá vốn hàng bán của công ty, từ đó cho thấy tốc độ tiêu thụ hàng tồn kho trong năm. Bạn có thể xem xét tỷ số này theo thời gian để theo dõi tình hình biến động hàng tồn kho tại nhiều thời điểm khác nhau, hoặc so sánh với trung bình ngành. Nếu tỷ số này quá cao, nó cho thấy công ty đang có mức độ tồn kho thấp, nguy cơ không có đủ hàng để cung cấp cho khách hàng, từ đó làm giảm doanh thu. Ngược lại, nếu vòng quay hàng tồn kho quá thấp, tức lượng hàng tồn kho lớn, sẽ làm phát sinh các chi phí (lưu kho, bảo quản) hoặc hàng hóa cũ, khó tiêu thụ.

    2. Kỳ tồn kho bình quân

    Kỳ tồn kho bình quân = 365/Vòng quay hàng tồn kho

    Mặc dù về bản chất, kỳ tồn kho bình quân và vòng quay hàng tồn kho đều cho thấy mức độ luân chuyển của hàng hóa. Tuy nhiên, kỳ tồn kho bình quân (tính bằng ngày) thể hiện thời gian hàng hóa bị lưu lại trong kho. Số ngày kỳ tồn kho càng lớn, hay vòng quay hàng tồn kho càng thấp, thì thời gian vốn tồn động trong hàng tồn kho càng dài, cho thấy mức độ luân chuyển vốn ngắn hạn của công ty kém, và ngược lại.

    3. Vòng quay khoản phải thu

    Vòng quay khoản phải thu = Doanh thu thuần/Bình quân khoản phải thu (đầu kỳ và cuối kỳ)

    Tỷ số vòng quay khoản phải thu phản ánh mức độ thu hồi của công ty đối với phần doanh thu mà công ty đã bán chịu. Tỷ số này càng lớn cho thấy tốc độ công ty thu hồi tiền càng nhanh.

    4. Kỳ thu tiền bình quân

    Kỳ thu tiền bình quân = 365/Vòng quay khoản phải thu

    Kỳ thu tiền bình quân (tính bằng ngày) cho thấy thời gian để công ty có thể thu được tiền kể từ khi bán hàng. Tuy nhiên, tỷ số này cũng phụ thuộc vào chính sách tín dụng áp dụng cho khách hàng cũng như đặc điểm của ngành/lĩnh vực kinh doanh của công ty. Trên thực tế, công ty thường không muốn phải bán chịu trong dài ngày vì điều này ảnh hưởng đến dòng tiền công ty. Do đó, các công ty thường tìm cách quản lý các khoản phải thu để đảm bảo hài hòa lợi ích của cả hai bên.

    5. Vòng quay khoản phải trả, Kỳ trả tiền bình quân

    Vòng quay khoản phải trả = Giá vốn hàng bán/Bình quân phải trả nhà cung cấp

    Kỳ trả tiền bình quân = 365/Vòng quay khoản phải trả

    Vòng quay khoản phải trả và kỳ trả tiền bình quân, đều phản ánh tốc độ công ty thanh toán nợ cho nhà cung cấp khi xét đến tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được mua trong kỳ. Nếu vòng quay khoản phải trả cho bạn biết số lần công ty trả hết nợ cho nhà cung cấp trong một kỳ hoạt động, thì kỳ trả tiền bình quân sẽ cho biết số ngày trung bình để công ty thanh toán cho người bán.

    Khi vòng quay khoản phải trả giảm theo thời gian, hay kỳ trả tiền bình quân tăng, nó cho thấy thời gian thanh toán tiền cho nhà cung cấp đang kéo dài và công ty đang gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ đúng hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của công ty với bên cung cấp, từ đó tác động đến chính sách giá bán giữa hai bên.

    6. Hiệu suất sử dụng tài sản

    Hiệu suất sử dụng tài sản = Doanh thu thuần/Bình quân tài sản

    Tỷ số hiệu suất sử dụng tài sản (còn được gọi là vòng quay tài sản) cho thấy mức độ tham gia của tài sản vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm của công ty. Tỷ số này càng cao cho thấy một đồng giá trị tài sản được sử dụng hiệu quả, đem lại nhiều doanh thu hơn.

    Tỷ số hiệu suất sử dụng tài sản thường khác nhau giữa các công ty trong các ngành khác nhau. Ví dụ, tỷ số này có thể thấp (nhỏ hơn 1) đối với các doanh nghiệp cần nhiều vốn như ngành thép, công nghiệp nặng và cao hơn với ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng thiết yếu, v.v. Do đó, bạn cần đặt công ty trong bối cảnh ngành để đưa ra đánh giá về tỷ số chính xác hơn.

    Dưới đây là bảng tổng hợp các công thức đã được nêu trong hai nhóm tỷ số tài chính, qua đó có thể giúp bạn theo dõi và tính toán các tỷ số nhanh hơn.      

      Nguồn: Tititada

    Bên cạnh các nhóm tỷ số về thanh khoản và hiệu quả hoạt động, phần tiếp theo của bài viết này sẽ giúp bạn tính toán các nhóm tỷ số còn lại bao gồm: Tỷ số đòn bẩy tài chính, Tỷ số đo lường khả năng sinh lời và Tỷ số đo lường giá trị thị trường.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan