Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Các chỉ số tài chính quan trọng của ngân hàng

Nội dung

    Ngân hàng là tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ngân hànghuy động tiền gửi tiết kiệm và cung cấp các khoản vay, và dịch vụ tài chính cho các cá nhân và doanh nghiệp. Để đánh giá tình hình tài chính của một ngân hàng, các nhà phân tích và nhà đầu tư thường dựa vào một loạt các chỉ số tài chính để đo lường các khía cạnh khác nhau trong hoạt động của ngân hàng.

    Hãy cùng tìm hiểu một số chỉ số tài chính quan trọng nhất đối với ngành ngân hàng và điều gì tạo nên một ngân hàng có sức khỏe tài chính tốt.

    Nhóm chỉ số đánh giá khả năng sinh lời

    Các chỉ số dưới đây sẽ giúp các nhà đầu tư và nhà phân tích hiểu được khả năng sinh lời của ngân hàng và sử dụng để so sánh hiệu suất của ngân hàng với các tiêu chuẩn ngành và đối thủ cạnh tranh:

    1. Lợi nhuận trên tài sản (ROA)

    ROA là tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản của ngân hàng, thể hiện khả năng sinh lời trên mỗi đồng tài sản của doanh nghiệp. ROA càng cao cho thấy ngân hàng đang tạo ra nhiều thu nhập hơn từ tài sản của mình, bao gồm cả danh mục cho vay.

    Công thức tính: ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản

    ROA từ 1% trở lên được coi là tốt cho các ngân hàng. Mặt khác, ROA đối với các tổ chức phi tài chính khác thường dao động từ 5% đến 20% được xem là tốt.

    2. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

    ROE là tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng vốn chủ sở hữu, thể hiện khả năng sinh lời dựa trên mỗi đồng vốn của chủ sở hữu của một ngân hàng. ROE cao hơn cho thấy ngân hàng đang tạo ra nhiều thu nhập hơn cho các cổ đông của mình.

    Công thức tính: ROE = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu

    ROE từ 10% trở lên được coi là tốt đối với các ngân hàng, tuy cũng tùy thuộc vào mô hình kinh doanh cốt lõi của chúng. Các ngân hàng ở Việt nam có tỉ lệ  ROE cao hơn so với nhiều nước, dao động từ 15% đến 20% hoặc thậm chí cao hơn.

    3. Biên lãi ròng (Net Interest Margin, NIM)

    Biên lãi ròng (NIM) là chỉ số đo lường sự khác biệt giữa thu nhập lãi từ các khoản cho vay khách hàng so với chi phí lãi mà ngân hàng phải trả cho các khoản tiền gửi, được biểu thị bằng tỷ lệ phần trăm. NIM càng cao cho thấy khả năng sinh lời của ngân hàng càng tốt. Theo nguyên tắc chung, NIM từ 3% trở lên được coi là tốt cho các ngân hàng.

    Công thức tính: NIM = Thu nhập lãi thuần / Tổng tài sản sinh lãi

    Khi xem xét NIM, bạn cũng nên xem xét đồng thời với các yếu tố có thể tác động đến NIM, bao gồm biến động về lãi suất, danh mục tiền gửi – cho vay, tài sản không sinh lời và chi phí hoạt động của ngân hàng.

    4. Tỷ lệ hiệu quả (Cost to Income Ratio,CIR)

    Tỷ lệ hiệu quả (hay còn gọi là chỉ số chi phí trên doanh thu) là chỉ số đo lường chi phí hoạt động của ngân hàng theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu. Khác với các chỉ số phía trên, tỷ lệ hiệu quả thấp hơn cho thấy hiệu quả quản lý chi phí của ngân hàng càng tốt, từ đó có thể giúp duy trì mức lợi nhuận tốt.

    Công thức tính: Tỷ lệ hiệu quả = Chi phí không chịu lãi / Doanh thu thuần

    Nói chung, tỷ lệ hiệu quả từ 50% trở xuống được coi là tốt cho các ngân hàng. Điều này có nghĩa là với mỗi đồng doanh thu, ngân hàng chỉ phải chi 50 đồng hoặc ít hơn cho chi phí hoạt động.

    Nhóm chỉ số đánh giá tài sản và nợ

    Khi đánh giá sức khỏe tài chính tổng thể của một ngân hàng, điều quan trọng là phải xem xét cả tài sản và nợ phải trả của ngân hàng. Dưới đây là các thước đo quan trọng:

    1. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (Capital Adequate Ratio )

    CAR là một chỉ số được sử dụng để đánh giá mức độ đủ vốn của một ngân hàng, để đối phó với các rủi ro tài chính và thực hiện các hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ CAR càng cao cho thấy ngân hàng có mức an toàn vốn càng cao và có khả năng quản trị các khoản lỗ tiềm ẩn tốt hơn.

    Công thức tính: CAR = Vốn chủ sở hữu / Tổng tài sản có rủi ro

    Theo Ủy ban Basel II về Giám sát Ngân hàng, chỉ số CAR tối thiểu được yêu cầu ở các ngân hàng là 8%. Bên cạnh đó, theo nguyên tắc chung, CAR từ 12% trở lên được coi là tốt hơn cho các ngân hàng.

    2. Tỷ lệ vốn cho vay trên vốn huy động (LDR)

    LDR là chỉ số đo lường tỷ lệ các khoản cho vay của ngân hàng được tài trợ bằng tiền gửi của ngân hàng.

    Công thức tính: LDR = Vốn cho vay khách hàng / Vốn huy động tiền gửi

    Nhìn chung, tỷ lệ LDR lành mạnh cho các ngân hàng là nằm trong khoảng từ 75% đến 90%. Hệ số LDR dưới 75% có thể cho thấy, ngân hàng chưa sử dụng hiệu quả tổng tiền gửi huy động được của mình để tạo thu nhập từ hoạt động cho vay, điều này có thể hạn chế khả năng sinh lời. Mặt khác, tỷ lệ LDR trên 90% có thể cho thấy ngân hàng đang chấp nhận quá nhiều rủi ro khi cho vay nhiều hơn số tiền gửi hiện có, điều này có thể làm tăng rủi ro về các vấn đề thanh khoản.

    3. Tỷ lệ nợ xấu (NPL)

    NPL là tỷ lệ phần trăm nợ xấu trong tổng danh mục cho vay của ngân hàng. Tỷ lệ này càng cao chứng tỏ số lượng nợ xấu trong danh mục đầu tư của ngân hàng càng nhiều.

    Tại Việt Nam, kể từ năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra quy định cho các ngân hàng duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tuy nhiên, một số ngân hàng tại Việt Nam có tỷ lệ nợ xấu thậm chí còn thấp hơn 3%, cho thấy khả năng quản lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng này rất hiệu quả.

    4. Tỷ lệ dự phòng bao phủ rủi ro (PCR)

    PCR là tỷ lệ phần trăm khoản rủi ro tiềm ẩn đối với các tài sản kém hiệu quả (NPA) được trích lập dự phòng trên giá trị thực của các tài sản đó. PCR càng cao cho thấy ngân hàng dành nhiều tiền hơn để dự phòng cho các khoản lỗ tiềm ẩn, điều này có thể làm giảm tác động của NPA đối với khả năng sinh lời và tỷ lệ vốn tối thiểu của ngân hàng.

    Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ đủ tiêu chuẩn không phải trích lập dự phòng rủi ro; nợ cần chú ý cần được trích lập dự phòng 5% trên tổng giá trị khoản nợ đó; nợ dưới tiêu chuẩn phải trích lập 20%; nợ nghi ngờ phải trích lập 50%; và nợ có khả năng mất vốn phải trích lập 100%.

    Các chỉ số kinh tế cần lưu ý khác

    Lĩnh vực ngân hàng là cầu nối cho gần như tất cả các hoạt động kinh tế. Chính vì lẽ đó, hiếm có một chỉ số kinh tế nào mà không liên quan đến ngành ngân hàng. Những chỉ số chính cần xem xét trước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng gồm:

    Chính sách tiền tệ

    Các ngân hàng đặc biệt nhạy cảm với các hoạt động can thiệp đến lãi suất và cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cổ phiếu ngân hàng có xu hướng hoạt động tốt nhất trong thời kỳ chính sách tiền tệ nới lỏng, hay mở rộng, khi NHNN hạ lãi suất nhằm kích cầu và bơm tiền ra thị trường, lúc này, có thể dẫn tới lạm phát gia tăng.

    Dự trữ bắt buộc và tăng trưởng tín dụng

    Tỷ lệ dự trữ là tỷ lệ phần trăm số tiền mà các ngân hàng phải giữ tiền gửi và không cho vay. Ví dụ, tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc. Nếu tỷ lệ này tăng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do vốn cho vay bị hạn chế tương ứng, dẫn tới tăng trưởng tín dụng cũng bị hạn chế.

    Tóm tắt:

    - Nhóm chỉ số đánh giá khả năng sinh lợi và đánh giá tài sản và nợ được dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động và sức khỏe tài chính của một ngân hàng.

    - Các chỉ số quan trọng gồm ROA, ROE, NIM, tỷ lệ hiệu quả, CAR, LDR, NPL và PCR.

    - Các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng không kém phần quan trọng khi đánh giá về một ngân hàng hay toàn ngành nói chung.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan