Tài sản doanh nghiệp là tất cả các nguồn lực có giá trị thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp. Tài sản có nhiều loại và hình thái khác nhau như tiền mặt, máy móc thiết bị hay các tòa nhà... Mọi doanh nghiệp đều cần tài sản để duy trì đời sống hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Do vậy, với bài viết dưới đây, Tititada sẽ giúp cung cấp cho bạn một số điều bổ ích mà bạn cần biết về tài sản doanh nghiệp.
1. Tài sản có thể là hữu hình hoặc vô hình
Hai loại tài sản doanh nghiệp được định nghĩa khá phổ biến là tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình có thể kể đến như ô tô hoặc máy tính mà bạn sử dụng cho doanh nghiệp hoặc là hàng hóa bán lẻ. Một số tài sản cũng có thể ở dạng vô hình, chẳng hạn những tài sản về trí tuệ như nhãn hiệu, bản quyền và bằng sáng chế.
Tài sản vô hình được xem là có tầm quan trọng hàng đầu của một doanh nghiệp chính là lợi thế thương mại của họ. Đó là danh tiếng của doanh nghiệp và có thể được thể hiện thông qua mối quan hệ với những khách hàng trung thành của bạn. Lợi thế thương mại thường được tính bằng chênh lệch giữa tổng giá mua doanh nghiệp và giá trị thị trường hợp lý của nó.
2. Tài sản được ghi nhận khác nhau trên cơ sở kế toán và thuế
Tài sản doanh nghiệp có thể được ghi nhận khác nhau tùy thuộc vào quy trình hay phương pháp kế toán và thuế mà doanh nghiệp chọn.
Trên cơ sở kế toán
Tài sản của một doanh nghiệp được thể hiện trên bảng cân đối kế toán của nghiệp đó. Các tài sản được liệt kê theo tính thanh khoản của chúng, từ cao đến thấp, đề cập đến mức độ dễ dàng trong việc chuyển một tài sản thành tiền mặt. Tài sản ngắn hạn bao gồm tiền mặt và các khoản tương đương tiền, các khoản phải thu và hàng tồn kho được chuyển thành tiền mặt nhanh nhất. Tài sản dài hạn, như bất động sản và nhà cửa, có tính thanh khoản thấp hơn và khó chuyển đổi thành tiền mặt hơn.
Trên cơ sở thuế
Các loại bất động sản hoặc tài sản có thể được phân biệt tùy thuộc vào việc chúng có được tính vào chi phí hay khấu hao hay không.
Chi phí của một tài sản đề cập đến việc tính thuế cho tài sản đó trong năm đầu tiên sau khi doanh nghiệp mua nó. Chi phí của các tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn chi phí thấp thường được tính vào chi phí hoặc khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế. Ví dụ, doanh nghiệp có thể tính toàn bộ chi phí cho một chiếc điện thoại được sử dụng cho phòng chăm sóc khách hàng vào ngay năm đầu tiên.
Khấu hao là khoản khấu trừ hàng năm từ thuế thu nhập doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp thu hồi một phần chi phí của một tài sản sau một khoảng thời gian nhất định, khoảng thời gian này còn được gọi la "thời gian sử dụng hữu ích" của tài sản đó. Đây là khoảng thời gian ước tính về mặt kế toán mà một tài sản duy trì nguyên vẹn bản chất của nó để phục vụ cho mục đích tạo ra doanh thu cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể tính khấu hao của tài sản hữu hình và một số tài sản vô hình như bằng sáng chế, bản quyền và phần mềm máy tính trong một số điều kiện nhất định:
- Doanh nghiệp sở hữu tài sản đó.
- Doanh nghiệp sử dụng tài sản cho mục đích kinh doanh.
- Thời gian sử dụng hữu ích của tài sản có thể xác định được.
- Thời gian sử dụng hữu ích thường được kỳ vọng kéo dài hơn một năm.
Tài sản được niêm yết kê khai
Tài sản được niêm yết kê khai là một loại tài sản đặc biệt của doanh nghiệp. Những tài sản này có thể được sử dụng cho cả mục đích cá nhân và kinh doanh nên được quản lý sát sao. Tại Việt Nam, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định các loại tài sản và thu nhập phải kê khai bao gồm:
a) Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;
b) Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50,000,000 đồng trở lên;
c) Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;
d) Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
3. Khấu hao tài sản hữu hình và Khấu hao tài sản vô hình
Khấu hao tài sản là một khái niệm quan trọng trong kế toán và thuế vì đây là một khoản chi phí có thể làm giảm dần giá trị của tài sản. Khung thời gian phải trích khấu hao càng ngắn thì chi phí của tài sản được ghi nhận trong một hay hai năm đầu sử dụng sẽ càng lớn (nếu không sử dụng phương pháp khấu hao đường thẳng), qua đó làm gia tăng chi phí, giảm thu nhập nhưng có thể mang lại lợi ích về thuế cho doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, theo Bộ Tài chính, đa số các tài sản cố định vô hình có thời gian sử dụng là 5 năm và tỷ lệ hao mòn là 5%/năm.
4. Tài sản doanh nghiệp được định giá khác nhau
Mỗi tài sản doanh nghiệp khác nhau sẽ được định giá khác nhau và giá trị của chúng có thể thay đổi theo thời gian.
Giá trị thị trường hợp lý (Fair Market Value - FMV): Một cách phổ biến nhất để định giá một tài sản chính là xác định giá trị thị trường hợp lý (FMV) của chúng. Giá trị này là giá mà tại đó, người mua sẵn sàng mua và người bán sẵn sàng bán dựa trên lợi ích của chính họ mà không bị bắt buộc phải mua hay phải bán.
Thẩm định: Một số tài sản doanh nghiệp có thể được định giá bởi một người có chuyên môn được gọi là thẩm định viên. Việc thẩm định này nhằm mục đích sử dụng tài sản làm tài sản thế chấp hoặc để chứng minh các khoản giảm trừ do khấu hao. Tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức, cổ phiếu và bất động sản là một vài ví dụ về những tài sản có thể được thẩm định.
Thanh lý: Thanh lý tài sản doanh nghiệp là quá trình quy đổi tài sản thành tiền mặt trong quá trình phá sản. Giá trị thanh lý được thể hiện dưới dạng tiền mặt và nó thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường hợp lý vì người bán thường bị buộc phải bán.
Sự lỗi thời: Giá trị tài sản doanh nghiệp có thể thay đổi theo thời gian và xuất hiện sự lỗi thời hoặc thay đổi trước điều kiện thị trường. Một tài sản bị coi là lỗi thời nếu nó không còn sử dụng được nữa, chẳng hạn như máy móc cũ mà doanh nghiệp không thể tu sửa hoặc đã được thay thế bằng một chiếc máy mới.
Thiên tai: giá trị tài sản doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng hay tổn thất do chịu tác động thiên tai. Theo đó, doanh nghiệp phải tiến hành định giá tài sản của mình trước và sau khi chịu tác động từ thiên tai.
5. Doanh nghiệp mua tài sản như thế nào không quan trọng
Giá trị của một tài sản trên hệ thống kế toán của một doanh nghiệp không liên quan hay đề cập đến cách doanh nghiệp mua tài sản đó. Một tài sản doanh nghiệp như phương tiện di chuyển cho nhân viên được mua bằng tiền mặt được định giá và khấu hao giống như phương tiện di chuyển được mua bằng khoản vay.
6. Tài sản doanh nghiệp phải được đưa vào sử dụng mới được trích khấu hao
Một doanh nghiệp không thể mua tài sản rồi không sử dụng chúng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nói cách khác, trong hệ thống kế toán Việt Nam, Bộ Tài chính yêu cầu, tài sản phải được doanh nghiệp đưa vào sử dụng thì mới được tính vào khoản chi phí được trừ hoặc khấu hao. "Đưa vào sử dụng" được hiểu là một tài sản đã có sẵn để doanh nghiệp có thể sử dụng chúng cho một mục đích cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định, ngay cả khi doanh nghiệp chưa thực sự sử dụng đến chúng. Một doanh nghiệp không thể trích khấu hao cho một chiếc máy họ đã mua vào năm trước nếu họ không lắp đặt và vận hành chúng cho đến thời điểm hiện tại.
7. Tiền lãi từ việc bán tài sản doanh nghiệp được tính là lãi vốn
Nếu bạn bán một số tài sản được gọi là "tài sản vốn" để kiếm lợi nhuận, bạn phải nộp thuế trên khoảng lãi vốn đó. Hầu hết tài sản doanh nghiệp đều được coi là tài sản vốn, bao gồm nội thất, cổ phiếu và trái phiếu, phương tiện di chuyển và các tòa nhà. Tài sản không phải là tài sản vốn bao gồm:
- Các mặt hàng được dự trữ trong kho để bán cho khách hàng
- Các khoản phải thu
- Tài sản khấu hao
- Bất động sản
- Bằng sáng chế, bí mật thương mại, bản quyền và các tài sản có tính chất tương tự
Khoản lãi vốn được xem là ngắn hạn nếu tài sản được bán trong vòng 12 tháng tính từ thời điểm doanh nghiệp mua tài sản đó. Doanh nghiệp sẽ phải trả tiền thuế cho khoản tăng lãi vốn dài hạn nếu tài sản được bán sau năm đầu tiên.
Trước tiên, bạn phải lấy một mức chi phí cơ bản hoặc chi phí ban đầu của mặt hàng để tính lãi hoặc lỗ khi bán tài sản. Chi phí cơ bản bao gồm tất cả các chi phí liên quan đến việc mua tài sản, bao gồm hoa hồng, phí, vận hành mặt hàng và chi phí đào tạo người lao động cách sử dụng tài sản đó nếu cần.
Lãi vốn dài hạn thường bị đánh thuế ở mức thấp hơn so với các loại thu nhập thường xuyên, và mức thuế suất này phụ thuộc vào thu nhập của chủ sở hữu.
Điều quan trọng là doanh nghiệp phải lưu lại những ghi chép về tất cả các khoản chi phí mua một tài sản vốn. Theo đó, chi phí mua càng cao thì khoản lãi vốn của doanh nghiệp càng thấp, và có thể giúp giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp.
8. Tài sản có thể được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay doanh nghiệp
Tài sản doanh nghiệp phải chịu sự nắm giữ hay kiểm soát nếu doanh nghiệp đó chấp thuận việc sử dụng tài sản làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của họ. Quyền nắm giữ, kiểm soát đối với tài sản được trao cho bên cho vay và yêu cầu tài sản thế chấp được hoàn trả nếu doanh nghiệp hoàn tất nghĩa vụ thanh toán khoản vay. Khoản vay mua ô tô là một ví dụ điển hình về khoản vay thế chấp, trong đó giá trị của chiếc xe được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
9. Tài sản có thể được phân tích để cho thấy khả năng sinh lời của doanh nghiệp
Cách một doanh nghiệp sử dụng tài sản của mình để tạo ra thu nhập có thể cho thấy khả năng sinh lời của họ. Một tỷ số tài chính khá quen thuộc chính là tỷ số lợi nhuận ròng dựa trên tổng tài sản hay ROA. Tỷ số này được xem là một thước đo tốt về mức độ hiệu quả trong việc sử dụng tài sản của một doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đánh giá giá trị nhận được từ tài sản ngắn hạn – loại tài sản mà doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển thành tiền mặt với tỷ số thanh toán nhanh. Bạn cộng giá trị của các tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp, không bao gồm hàng tồn kho và chia kết quả đã tính được cho các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp, số dư nợ mà doanh nghiệp phải trả trong vòng một năm. Tỷ số này sẽ cho bạn biết doanh nghiệp có thể nhanh chóng có được bao nhiêu tiền mặt trong trường hợp khẩn cấp hay khả năng thanh toán tốt các khoản nợ ngắn hạn bằng các tài sản có tính thanh khoản cao.
Một số câu hỏi liên quan khác
Tài sản doanh nghiệp bao gồm những loại nào?
Các loại tài sản doanh nghiệp chính được đưa vào bảng cân đối kế toán:
- Tiền và các khoản tương đương tiền, bao gồm các công cụ tài chính có thể được nhanh chóng chuyển sang thành tiền mặt mà hầu như không bị hao hụt về mặt giá trị, chẳng hạn như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền đang chuyển…
- Các khoản gần tiền mặt, chẳng hạn như các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng hay trả trước cho người bán ngắn hạn...
- Tài sản được sử dụng trong doanh nghiệp như nội thất, đồ đạc và máy móc
- Tài sản dài hạn như các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định hay bất động sản đầu tư…
Tầm quan trọng của tài sản doanh nghiệp?
Mọi doanh nghiệp đều cần tài sản để duy trì đời sống hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Thật khó để một người chủ có thể điều hành nhà hàng mà không có bàn hay các dụng cụ nhà bếp. Tài sản cũng là một trong những thành phần có giá trị quan trọng đối với một doanh nghiệp. Chúng rất hữu ích trong việc vay vốn kinh doanh hoặc khi doanh nghiệp bị bán. Giá trị của một doanh nghiệp đem lại cho chủ sở hữu được gọi là vốn chủ sở hữu. Đó là giá trị còn lại của tài sản sở hữu sau khi trừ đi các khoản nợ của doanh nghiệp.
Tóm tắt:
- Tài sản doanh nghiệp là tất cả các nguồn lực có giá trị thuộc quyền sở hữu của một doanh nghiệp như tiền mặt, thiết bị máy móc hay bất động sản...
- Tỷ số lợi nhuận ròng dựa trên tổng tài sản là thước đo về mức độ hiệu quả trong việc sử dụng tài sản của một doanh nghiệp.
- Giá trị của tài sản có vai trò rất quan trọng đối với một doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tính được giá trị vốn chủ sở hữu của mình sau khi khấu trừ nợ ra khỏi giá trị của tài sản.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.