Điểm nhấn chính:
- Xuất nhập khẩu là hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia hoặc các vùng lãnh thổ với nhau.
- Hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến GDP, tỷ giá hối đoái, mức độ lạm phát và lãi suất.
Xuất nhập khẩu là gì?
Xuất nhập khẩu là cách gọi chung của hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, hoạt động này bao gồm xuất khẩu (export) và nhập khẩu (import). Xuất khẩu là hoạt động đưa hàng hóa từ trong nước ra nước ngoài, trong khi nhập khẩu là hoạt động mua hàng hóa từ những quốc gia khác vào quốc gia mình để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. Xuất khẩu cùng với nhập khẩu tạo nên thương mại quốc tế. Thay vì giới hạn trong biên giới địa lý của mình, các quốc gia thường tìm kiếm các thị trường bên ngoài trên khắp thế giới để thương mại, mang lại doanh thu và cơ hội giao dịch lớn hơn.
Ngày nay, trong nền kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng đã quen với việc nhìn thấy các sản phẩm từ mọi nơi trên thế giới tại các tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Những sản phẩm nhập khẩu nước ngoài mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Và bởi vì chúng thường được sản xuất với giá rẻ hơn bất kỳ sản phẩm tương đương nào được sản xuất trong nước, giúp người tiêu dùng đạt được mục tiêu chi tiêu thông minh của họ.
Tuy nhiên, khi một quốc gia tập trung quá nhiều cho xuất khẩu có thể ảnh hưởng đến nguồn cung và giá cả hàng hóa trong nước. Khi một quốc gia nhập khẩu quá nhiều có thể làm biến dạng cán cân thương mại và quốc gia đó phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính vĩ mô vì quá phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Vì thế, các quốc gia luôn cố gắng duy trì sự cân bằng hợp lý giữa xuất nhập khẩu để tránh những ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế của mình.
Theo nhiều chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia có thể ảnh hưởng đến GDP, tỷ giá hối đoái và mức độ lạm phát.
Ảnh hưởng lên GDP
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là thước đo rộng rãi về hoạt động kinh tế tổng thể của một quốc gia. Nhập khẩu và xuất khẩu là những thành phần quan trọng trong phương pháp tính GDP. Công thức tính GDP như sau: GDP = C + I + G + (X – M)
Trong đó:
- C = Chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng
- I = Đầu tư
- G = Chi tiêu Chính phủ
- X = Xuất khẩu
- M = Nhập khẩu
Trong phương trình này, xuất khẩu trừ nhập khẩu (X – M) bằng xuất khẩu ròng. Khi xuất khẩu vượt quá nhập khẩu, con số xuất khẩu ròng là dương, cho thấy một quốc gia có thặng dư thương mại. Khi xuất khẩu nhỏ hơn nhập khẩu, con số xuất khẩu ròng là âm, đồng nghĩa quốc gia này đang có thâm hụt thương mại.
Thặng dư thương mại góp phần tăng trưởng kinh tế ở một quốc gia. Khi xuất khẩu nhiều hơn có nghĩa là quốc gia đó có mức sản lượng cao từ các nhà máy và cơ sở công nghiệp, cũng như có nhiều lao động hơn đang được tuyển dụng để duy trì hoạt động của các nhà máy này. Khi một công ty xuất khẩu hàng hóa ở mức độ cao sẽ là cơ sở để dòng vốn chảy vào trong nước, kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và góp phần tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại, khi một quốc gia nhập khẩu hàng hóa, dòng tiền chảy ra khỏi quốc gia đó nhiều hơn, các công ty nội địa chủ yếu thực hiện thanh toán cho các nhà cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên, mức độ nhập khẩu cao còn cho thấy nhu cầu trong nước mạnh mẽ và nền kinh tế đang phát triển. Chẳng hạn như, khi những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc và thiết bị đáp ứng cho nhu cầu gia tăng sản xuất, điều này tạo ra thuận lợi cho quốc gia nhập khẩu vì nó giúp cải thiện năng suất của nền kinh tế trong thời gian dài.
Nhưng hãy lưu ý rằng, nhập khẩu quá nhiều hàng hóa cũng tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho quốc gia, ví dụ sẽ khiến cho hàng trong nước không cạnh tranh nổi với hàng nước ngoài và thay thế hàng hóa nội địa.
Ảnh hưởng lên tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là giá của một loại tiền tệ được mô tả theo một loại tiền tệ khác, được niêm yết dưới dạng giá trị tương đối. Ví dụ, một đô la Mỹ bằng 25,000 VND; nghĩa là một một người Việt Nam dùng 25,000 VND sẽ mua được 1 USD, và 1 người Mỹ dùng 1 USD sẽ mua được 25,000 VND.
Giá trị tương đối của tiền tệ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thị trường và nhu cầu đó bị ảnh hưởng bởi hoạt động xuất nhập khẩu. Như bất kỳ loại giá trị nào khác, tỷ giá hối đoái cũng được quyết định bởi cung và cầu của từng loại tiền tệ tạo nên nó.
Nếu một quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu (hay thặng dư thương mại) nhu cầu về hàng hóa của quốc gia đó tăng cao và theo đó nhu cầu đối với đồng tiền của quốc gia sẽ cao nhằm mua hàng hóa của quốc gia đó. Theo lý thuyết cung và cầu, khi nhu cầu đối với hàng hóa hay dịch vụ cao, giá cả tăng và đồng tiền theo đó cũng tăng giá. Khi đồng nội tệ tăng giá, tỷ giá theo đó cũng giảm xuống, khiến cho đồng tiền nội tệ trở nên mắc hơn, nhu cầu về hàng hóa trong nước cũng sẽ giảm vì giá cả đang trở nên đắt hơn so với hàng hóa nước ngoài. Kết quả là xuất khẩu sẽ giảm nhưng nhập khẩu tăng vì đồng nội tệ tăng giá sẽ làm cho hàng hóa nước ngoài rẻ hơn đối với tiêu dùng trong nước.
Ngược lại, nếu một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu (hay thâm hụt thương mại), nhu cầu về đồng tiền của quốc gia đó tương đối ít hơn, nhưng nhu cầu về đồng tiền ngoại tệ sẽ cao hơn. Theo đó, đồng ngoại tệ sẽ tăng giá bởi nhu cầu ngoại tệ cao, ngược lại đồng nội tệ sẽ giảm giá bởi cung nội tệ cao nhưng lại không có cầu. Kết quả là tỷ giá tăng khiến cho nhập khẩu giảm bởi khi đó tiêu dùng trong nước cần nhiều tiền hơn để mua mặt hàng nước ngoài tương tự, ngược lại xuất khẩu sẽ tăng vì giá cả hàng hóa quốc gia đã trở nên rẻ hơn đối với tiêu dùng nước ngoài.
Nhìn chung, mối quan hệ giữa xuất nhập khẩu và tỷ giá hối đoái của một quốc gia rất phức tạp vì có một vòng lặp liên tục giữa thương mại quốc tế và cách điều hành tiền tệ của một quốc gia.
Ảnh hưởng lên lạm phát
Xuất nhập khẩu vừa là hoạt động giúp cho kinh tế tăng trưởng, nhưng cũng là nguyên nhân dẫn đến lạm phát toàn cầu. Khi xuất khẩu tăng, tổng cầu tăng cao hơn tổng cung, hàng hóa được thu gom cho xuất khẩu nhiều hơn khiến cho tổng cung cho thị trường trong nước thấp hơn tổng cầu trong nước. Khi cung thấp hơn cầu, giá cả hàng hóa sẽ tăng cao và gây ra lạm phát. Một quốc gia tập trung quá nhiều cho hoạt động xuất khẩu, giá cả hàng hóa sẽ được trao đổi bằng với giá xuất khẩu, nếu giá xuất khẩu cao, thì mức giá chung của nền kinh tế đó cũng sẽ tăng theo.
Cùng xem một ví dụ cụ thể sau, tháng 7/2023, Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và kìm hãm đà tăng của giá lương thực nội địa Ấn Độ, bởi giá gạo ở đây đã tăng hơn 10% trong thời gian qua do sự tăng lên của giá gạo toàn cầu sau xung đợt Nga – Ukraine. Ấn Độ là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm hơn 40% thương mại gạo thế giới vào năm 2022, chỉ sau Trung Quốc. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu gạo dẫn đến nguồn cung trong nước cũng bị cạn kiệt theo. Không những thế, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã khiến cho giá gạo vốn đang dao động quanh đỉnh 10 năm nay còn cao hơn. Vì giá cả trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, buộc Việt Nam phải tăng giá xuất khẩu dẫn đến giá thu mua cũng tăng, từ đó ảnh hưởng lớn đến giá gạo trong nước. Gạo lại là một hàng hóa quan trọng trong rổ hàng hóa của nhiều quốc gia, nên sự tăng giá của nó cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến mức độ lạm phát.
Giá của hàng hóa nhập khẩu có thể có tác động trực tiếp và gián tiếp đến lạm phát. Nếu giá nguyên liệu nhập khẩu tăng thì giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trong nước cũng tăng. Khi mức giá chung bị giá nhập khẩu đội lên sẽ hình thành lạm phát. Vào năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng cao khi Liên Minh Châu Âu ra quyết định cấm nhập khẩu dầu của Nga đã kéo theo giá bán lẻ trong nước biến động mạnh. Thời điểm đó, giá xăng đã có lúc tăng cao nhất từ trước đến nay, có lúc vượt ngưỡng 30,000đ/lít.
Nhập khẩu lạm phát xảy ra khi giá nhập khẩu (tức giá mua hàng từ nước ngoài) và tỷ giá đồng thời tăng hoặc một yếu tố tăng mạnh. Với độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng nhập khẩu lạm phát. Kinh tế Việt Nam có đặc điểm khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2.06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.