Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Quản lý tài sản (Asset Management) là gì?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Quản lý tài sản là một loại dịch vụ thường được cung cấp bởi một công ty quản lý quỹ hoặc tài chính, nhằm tư vấn và có thể thay mặt khách hàng ra quyết định đối với tài sản hoặc danh mục đầu tư của họ.

    - Các công ty quản lý tài sản hiện nay cũng cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng tới các tập khách hàng có tài sản ròng từ thấp đến cao.

    - Các công ty quản lý có quy trình quản lý tài sản chuyên nghiệp và thường xây dựng danh mục đầu tư của khách hàng thông qua một số yếu tố như tình trạng tài chính hiện tại, mức độ e ngại rủi ro và sở thích riêng của khách hàng.

    Quản lý tài sản là một loại dịch vụ thường được cung cấp bởi một công ty quản lý quỹ, công ty quản lý tài sản nhằm thay mặt khách hàng ra quyết định đối với tài sản hoặc danh mục đầu tư của họ. Các công ty này thường yêu cầu một mức đầu tư tối thiểu và khách hàng của họ thường là những người có giá trị tài sản ròng cao.

    Các công ty quản lý tài sản lấy vốn đầu tư của khách hàng và phân bổ chúng vào các khoản đầu tư khác nhau. Chúng có thể bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, liên doanh kinh doanh và vốn cổ phần tư nhân. Một số ví dụ về các công ty quản lý tài sản là Dragon Capitl, VinaCapital, hay các công ty nước ngoài như Vanguard, JP Morgan và Northern Trust.


    Quy trình quản lý tài sản và cách hoạt động

    Nhà quản lý tài sản sẽ làm việc với khách hàng và đưa ra một danh mục đầu tư phù hợp cho khách hàng dựa trên một số yếu tố, như tình trạng tài chính hiện tại, mức độ chấp nhận rủi ro và sở thích riêng của khách hàng.

    Các khoản đầu tư được thực hiện theo quy trình quản lý tài sản chuyên nghiệp hoặc theo yêu cầu của khách hàng đưa ra. Phân lớn các công ty quản lý tài sản tập trung vào nhóm khách hàng là các doanh nghiệp và cá nhân có tài sản ròng cao. Song, một số công ty cũng được cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư có tài sản ròng thấp hơn.

    Các nhà đầu tư giàu có thường sở hữu tài khoản ngân hàng liên kết với các công ty quản lý tài sản. Khách hàng gửi tiền mặt vào tài khoản, trong một số trường hợp có thể có sự giám sát của ngân hàng giám sát. Các công ty quản lý tài sản thường thực hiện việc đầu tư và giám sát hoạt động của danh mục đầu tư thông qua giấy ủy quyền được ký kết với khách hàng của họ trước đó.

    Khi đó, nhà quản lý tài sản sẽ điều chỉnh các quyết định đầu tư sao cho phù hợp với nhu cầu thu nhập của khách hàng đã được thỏa thuận, tình hình thuế và tính thanh khoản kỳ vọng. Họ thậm chí có thể đưa ra quyết định dựa trên tính cách của khách hàng.

    Các công ty có quy mô lớn và nguồn lực lớn hơn có thể đáp ứng mọi mong muốn của khách hàng, mang đến trải nghiệm riêng biệt, cá nhân hóa. Mối quan hệ giữa nhà đầu tư và công ty quản lý tài sản có thể được duy trì qua nhiều năm; bởi vì tài sản được quản lý thường được chuyển giao cho người thừa kế.

    Chi phí quản lý tài sản

    Chi phí cho các dịch vụ quản lý tài sản có thể được theo các cách sau đây.

    - Tính theo phần trăm trên tổng giá trị danh mục đầu tư, có thể dao động trong khoảng 1% - 2%.

    - Tính phí hàng giờ, có thể dao động trong khoảng $150 - $500/giờ.

    - Tính phí trả trước cố định hàng năm, dao động trong khoảng $5,000 – $10,000/năm.

    Các công ty quản lý tài sản cho các nhà đầu tư cá nhân trung bình

    Hiện nay, có khá nhiều công ty quản lý tài sản lớn đã phát triển một số dịch vụ nhằm đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, có tài sản ròng trung bình.

    Nhiều công ty tạo ra các quỹ tương hỗ, quỹ chỉ số hoặc quỹ ETF như một sản phẩm đầu tư tổng hợp dành cho các nhà đầu tư cá nhân này. Họ có thể đầu tư trực tiếp vào các công ty quản lý tài sản cung cấp các quỹ trên, hoặc đầu tư thông qua một bên trung gian, có thể là một cố vấn đầu tư hoặc một nhà lập kế hoạch tài chính.

    Dragon Capital – một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất ở Việt Nam – cung cấp khá nhiều các sản phẩm đầu tư tập trung vào các nhà đầu tư có thu nhập ở mức trung bình và thấp. Các nhà đầu tư có thể đăng ký tài khoản với công ty quỹ này và đầu tư trực tiếp vào các quỹ của họ, với mức chi phí vốn ban đầu có thể dao động từ 200,000đ – 2,000,000đ, hoặc đầu tư vào các quỹ ETF được niêm yết trên sàn chứng khoán, mà không có quy định về mức chi phí vốn ban đầu.

    Không chỉ ở Dragon Capital, các công ty quản lý quỹ khác tại Viêt Nam cũng đồng thời cung cấp các sản phẩm và dịch vụ quản lý tài sản với mong muốn có thể hỗ trợ những khách hàng có tài sản ròng trung bình và thấp đầu tư và quản lý hiệu quả danh mục và tài sản tổng thể của họ. 

    Những tập khách hàng này không có nhu cầu đầu tư phức tạp; họ có thể chỉ cần mua một quỹ chỉ số như FUEVFVND hay FUESSVFL (được niêm yết trên sàn HOSE) trị giá 10 triệu đồng, hay 50 triệu đồng, và giữ nó trong một khảng thời gian dài để kiếm lời. Tài sản ròng hiện tại của họ có thể chưa cần phải quan tâm quá nhiều đến việc phân bổ tài sản hay các chiến lược phức tạp như khai thác chênh lệch lợi suất thuế ở các trái phiếu doanh nghiệp. Họ chỉ cần những sản phẩm đầu tư đơn giản có khả năng duy trì tăng trưởng ổn định cho tài sản ròng của họ.

    Ngoài ra, cố vấn robo có thể là một phương án khác mà các nhà đầu tư có thể cân nhắc, đặc biệt là các nhà đầu tư có số vốn nhỏ. Đây là một nền tảng đầu tư trực tuyến sử dụng các thuật toán đã được thiết lập sẵn giúp nhà đầu tư có thể cân bằng danh mục của mình với chi phí thấp. Cố vấn robo ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, Tititada là fintech đầu tiên tiên phong trong phát triển dịch vụ quản lý tài sản thông qua cố vấn Robo. 

    Công ty tài chính đa chức năng

    Một số tổ chức tài chính lớn ở Việt Nam kết hợp các dịch vụ cung cấp cho cả khách hàng giàu có và các nhà đầu tư có danh mục đầu tư trung bình. Ví dụ, ngân hàng Vietcombank hay Techcombank đều có bộ phận chăm sóc khách hàng tư nhân dành cho các khách hàng có thu nhập cao, và đồng thời cung cấp các sản phẩm như quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư trái phiếu, cổ phiếu và các khoản đầu tư gộp khác cho các nhà đầu tư trung bình.

    Ngoài ra, những công ty chứng khoán như SSI, hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, nhưng cũng có một bộ phận lớn dành cho mảng quản lý tài sản dành cho các tổ chức, doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân.

    Lưu ý rằng, hầu hết các nhà quản lý tài sản đều là một cố vấn đầu tư, nhưng không phải tất cả các cố vấn đầu tư đều là một nhà quản lý tài sản.

    Mô hình và cách phân bố tài sản

    Nhiều công ty quản lý tài sản lớn thường có đội ngũ chuyên gia tư vấn tài chính của riêng họ. Những chuyên gia tài chính này thường tiếp nhận khách hàng và hướng họ vào các sản phẩm và dịch vụ của bộ phận quản lý tài sản. Các chuyên gia tài chính này sử dụng các mô hình phân bổ tài sản là những chứng chỉ quỹ hay các tài sản tài chính,  được cung cấp bởi công ty quản lý quỹ, để phục vụ các tập các cá nhân có tài sản ròng trung bình và thấp.

    Ví dụ, Vanguard - một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới - ban đầu là một công ty quản lý tài sản, nhưng gần đây họ đang chuyển dần hoạt động sang mảng lập kế hoạch tài chính cho các nhà đầu tư trung bình. Khách hàng trả cho các chuyên gia tài chính của Vanguard một khoản phí tương đương 0.3% giá trị tài sản được quản lý. Cách cách phân bố tài sản của những cố vấn này là chia nhỏ tiền vào các  quỹ tương hỗ khác nhau của Vanguard, và được bộ phận quản lý tài sản quản lý và đầu tư trực tiếp. Bên cạnh đó, Vanguard cũng cho phép khách hàng của họ đầu tư trực tiếp vào quỹ của Vanguard thông qua các tài khoản hưu trí và bên môi giới thứ ba.

    Các công ty quản lý tài sản chuyên môn hóa

    Mỗi công ty đều có lĩnh vực chuyên môn và quy trình quản lý tài sản riêng mình. Đây thường là những công ty lớn thiết kế các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính mà họ nghĩ rằng các nhà đầu tư có nhu cầu tìm đến.

    Một số công ty chỉ tập trung vào một hoặc một số lĩnh vực nhất định. Chẳng hạn, họ có thể tập trung làm việc với các nhà đầu tư dài hạn, những người tin tưởng vào phương pháp đầu tư giá trị hoặc đầu tư thụ động.

    Một số khác chỉ phục vụ các khách hàng giàu có thông qua các tài khoản cá nhân hoặc các quỹ phòng hộ. Hoặc một số chỉ tập trung hoàn toàn vào việc cung cấp các quỹ tương hỗ, quản lý tiền cho các tổ chức, hoặc cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản dành riêng cho công ty bảo hiểm tài sản và tai nạn.

    Cơ cấu chi phí

    Các công ty quản lý tài sản cũng như các nhà quản lý của họ thường được chi trả một khoản phí nhất định cho các dịch vụ họ cung cấp. Chẳng hạn, một nhà đầu tư có thể phải thanh toán một khoản phí đối với quỹ tương hỗ của mình có tỷ lệ tương đương 1.75% đến 2% giá trị tài sản được quản lý. Khoản tiền này được chi trả cho tư vấn viên hoặc cố vấn quỹ tương hỗ đã đưa khách hàng tiếp cận đến một quỹ cụ thể. Trong khi đó, các công ty quản lý tài sản sẽ kiếm được phí quản lý hàng năm, khoản phí này được tính riêng so với khoản chi phí nêu trên.

    Trong trường hợp các công ty kinh doanh đa sản phẩm mà quản lý tài sản là một trong những dịch vụ thuộc sự chi phối của công ty, chi phí quản lý tài sản có thể thấp hơn bạn mong đợi. Công ty có thể kiếm tiền thông qua việc tính phí giao dịch và hoa hồng.

    Mặt khác, các công ty có thể không tính phí giao dịch trả trước hoặc hoa hồng mà thay vào đó, họ có thể tính phí cao hơn đối với các sản phẩm hoặc dịch vụ khác. Sau đó, họ có thể chia doanh thu cho cố vấn và công ty từ các dịch vụ quản lý tài sản của mình.

    Ngoài ra, có một số bộ phận quản lý tài sản chỉ thu phí – những công ty chỉ kiếm tiền từ phí quản lý được tính cho khách hàng. Họ không kiếm tiền hoa hồng dựa trên các sản phẩm cụ thể. Nhiều nhà đầu tư cảm thấy điều này sẽ giúp các công ty tư vấn các sản phẩm của họ một cách khách quan hơn và họ đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu mà không dựa trên phí hoặc hoa hồng kiếm được cho công ty.

    Tài khoản quản lý tài sản

    Một số ngân hàng, hoặc tổ chức tài chính, cung cấp sản phẩm dịch vụ gọi là “tài khoản quản lý tài sản”. Các tài khoản này về cơ bản được thiết kế nhằm tích hợp các dịch vụ thanh toán, tiết kiệm và môi giới vào chung một nơi mà khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận cùng một lúc.

    Bạn có thể kiếm tiền lãi từ nó qua việc tiết kiệm; viết séc thanh toán khi cần thiết; mua cổ phiếu và đầu tư vào trái phiếu, quỹ tương hỗ và các chứng khoán khác, tất cả thông qua một tài khoản duy nhất. Trong nhiều trường hợp, tài khoản được quản lý bởi công ty quản lý tài sản.

    Chi phí có thể dao động trong khoảng từ 1% đến 2.75% trên tổng tài sản, tùy thuộc vào số dư tài khoản của bạn. Bạn cũng có thể nhận được những lợi ích khác giúp bạn cảm thấy chi phí bỏ ra là xứng đáng với thời gian của bạn. Ví dụ, một số ngân hàng đưa ra các chiến lược đầu tư cho phép bạn tạo các khoản vay thế chấp đối với chứng khoán trong tài khoản quản lý tài sản của bạn với mức lợi nhuận hấp dẫn. Điều này có thể hữu ích nếu bạn muốn tìm một cơ hội đầu tư bên ngoài có tính thanh khoản ngay lập tức.

    Đôi khi, các công ty cũng sẽ cung cấp một số dịch vụ khác, chẳng hạn như bảo hiểm. Theo đó, bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách mua nhiều sản phẩm từ cùng một công ty.

    So sánh Quản lý tài sản hữu hình vs. Quản lý tài sản tổng thể

    Tuy Quản lý tài sản tổng thể (còn được gọi là quản lý gia sản) có nhiều khía cạnh giống với Quản lý tài sản hữu hình, nhưng nó là một khái niệm rộng lớn hơn và bao quát nhiều thứ hơn.

    Sự khác biệt rõ nhất là những “tài sản” được quản lý và đầu tư. Quản lý tài sản hữu hình quan tâm chủ yếu đến các loại tài sản như tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản; bất kỳ loại tài sản nào có giá trị có thể đo lường được. Trong khi đó, “quản lý tài sản tổng thể” đề cập đến tất cả các khía cạnh của tài sản, bao gồm các vấn đề về thuế, quyền sở hữu doanh nghiệp và các vấn đề về thừa kế, di sản sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ của gia đình của bạn sau này.

    Quản lý tài sản hữu hình cũng được sử dụng một cách rộng rãi cho bất kỳ ai có nhu cầu, trong khi quản lý tài sản tổng thể thường chỉ dành cho những người có giá trị tài sản ròng cao. Một số doanh nghiệp cũng có thể sử dụng dịch vụ quản lý tài sản để đảm bảo rằng tài sản của họ đang được sử dụng và quản lý một cách hiệu quả nhất có thể.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán