Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

8 cách gian lận sổ sách của các công ty

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Các mục bị ẩn trong báo cáo tài chính của một công ty là tín hiệu cảnh báo về việc công ty có thể có hành vi thao túng lợi nhuận, song điều này không hoàn toàn có nghĩa là công ty đang làm giả sổ sách.

    - Nhà đầu tư cần cẩn trọng tìm hiểu tình hình tài chính của công ty trước khi đầu tư để hạn chế rủi ro không mong muốn.

    Gian lận sổ sách

    Đa phần các công ty đều có cách “thao túng” số liệu trên báo cáo tài chính (BCTC) của mình ở một mức độ nhất định để đảm bảo cân đối ngân sách, giúp các nhà quản lý, ban điều hành nhận được phần thưởng và đảm bảo nhà đầu tư sẽ tiếp tục tin tưởng và rót vốn.

    Những thủ thuật “kế toán sáng tạo” như vậy không phải là điều mới lạ đối với các công ty. Tuy nhiên, tham vọng và những phán xét sai lầm có thể khiến một số công ty vượt qua ranh giới pháp luật và mắc phải các hành vi gian lận, lừa đảo.

    Ở Việt Nam, có Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, cùng với một số quy định khác liên quan đến việc lập báo cáo tài chính ("BCTC"). Luật Doanh nghiệp quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc lập, kiểm tra và công bố BCTC. Trong khi đó, Luật Chứng khoán tập trung vào việc quản lý công bố thông tin tài chính của các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

    Mặc dù ngày nay đã có nhiều đạo luật và quy định về việc chống gian lận tài chính doanh nghiệp trên toàn cầu, việc tìm hiểu BCTC của các công ty trước khi đầu tư vẫn là một bước quan trọng mà nhà đầu tư nên thực hiện. Các chi tiết thường bị ẩn, ngay cả đối với nhà kế toán, nhưng có những dấu hiệu cảnh báo trong BCTC có thể chỉ ra việc sử dụng các phương pháp thao túng.

    1. Tăng doanh thu

    Một cách để tăng doanh thu là ghi nhận toàn bộ khoản thanh toán nhận được vào doanh số kỳ hiện tại ngay khi phát sinh giao dịch cho một số dịch vụ, mặc dù trên thực tế, các dịch vụ đó có thể kéo dài trong một vài năm. Ví dụ, một nhà cung cấp dịch vụ phần mềm có thể nhận được khoản thanh toán trước cho một hợp đồng dịch vụ kéo dài 4 năm, nhưng thực hiện bút toán ghi nhận toàn bộ số tiền thanh toán đó vào doanh thu kỳ báo cáo mà khoản thanh toán nhận được. Nhưng theo đúng chuẩn kế toán, công ty chỉ được phép ghi nhận doanh thu khi hoàn tất việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo kỳ tương xứng.

    Chiến thuật tăng doanh thu thứ hai được gọi là "channel stuffing" (dồn kênh). Ở đây, nhà sản xuất cố tình chuyển một lô hàng lớn cho một nhà bán lẻ thuộc kênh phân phối của họ vào cuối kỳ báo cáo và ghi nhận lô hàng đó làm doanh số. Tuy nhiên, các nhà phân phối có quyền trả lại bất kỳ hàng hóa nào chưa bán được. Vì hàng hóa có thể được trả lại và không được đảm bảo là một giao dịch bán, nhà sản xuất phải xem hàng hóa đó như một loại hàng tồn kho cho đến khi nhà bán lẻ bán hết sản phẩm.

    2. Trì hoãn chi phí

    Trì hoãn chi phí là một chiến lược tài chính mà các doanh nghiệp sử dụng để tạm thời lùi lại hoặc chậm trễ việc thanh toán các khoản chi phí. Điều này được thực hiện nhằm tăng lợi nhuận và tiếp tục duy trì dòng tiền dương trong thời gian ngắn. Trì hoãn chi phí có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm chi phí sản xuất, tiền thuê, tiền lương, tiền vay và các khoản thanh toán khác.

    3. Đẩy nhanh chi phí trước sáp nhập

    Thông thường, trước khi một thương vụ sáp nhập hoàn tất, công ty được mua sẽ cố gắng trả – có thể là trả trước – nhiều chi phí nhiều nhất có thể, nhằm giảm lợi nhuận trước thuế và tạo ra một cơ sở giá trị thấp hơn cho công ty trước khi sáp nhập. Sau khi thương vụ hoàn tất, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của công ty mới sẽ cao hơn so với các quý trước. Hơn nữa, công ty này có thể đã ghi nhận trước các chi phí trong kỳ trước đó, do vậy có thể giảm thiểu chi phí trong các kỳ tới.

    4. Chi phí bất thường

    Chi phí bất thường là các chi phí mà một doanh nghiệp phải chịu một lần duy nhất hoặc chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, không liên quan đến hoạt động kinh doanh thông thường của công ty. Chúng có thể bao gồm các khoản phí pháp lý đặc biệt, các chi phí liên quan đến tái cơ cấu tổ chức, thu hồi nợ, sáp nhập...

    Bằng cách loại bỏ những chi phí bất thường khi phân tích dữ liệu tài chính, nhà đầu tư và nhà quản lý có thể đánh giá chính xác hơn hiệu suất và khả năng sinh lời của công ty trong hoạt động kinh doanh hàng ngày.

    Ngoài ra, sau này, khi công ty nhận thấy họ đã ghi nhận quá nhiều chi phí bất thường vào một kỳ, họ có thể trả lại, hay hoàn nhập, một khoản tiền vào lợi nhuận.

    5. Thu nhập khác hoặc Chi phí khác

    Thu nhập khác hoặc chi phí khác là một khoản mục có thể giúp công ty “che giấu sai phạm” của mình. Tại đây, các công ty ghi nhận bất kỳ dự trữ "vượt mức" nào từ các khoản chi phí trả trước bất thường, v.v. Thu nhập khác hoặc chi phí khác cũng là nơi mà các công ty có thể che giấu các khoản chi phí bằng cách bù trừ chúng vào các thu nhập khác. Các nguồn thu nhập khác bao gồm việc bán thiết bị hoặc đầu tư.

    6. Kế hoạch hưu trí

    Nếu một công ty có quỹ lương hưu dành cho nhân viên và ban quản lý, họ có thể tận dụng kế hoạch này để mang lại lợi ích cho mình. Công ty có thể cải thiện lợi nhuận bằng cách giảm chi phí của kế hoạch hưu trí. Nếu lợi nhuận nhận được khi đầu tư số tiền trong kế hoạch hưu trí tăng nhanh hơn so với các giả định của công ty, công ty có thể ghi nhận những khoản lợi nhuận này như doanh thu của mình.

    7. Các khoản mục ngoài bảng cân đối kế toán

    Một công ty có thể tạo ra các công ty con riêng biệt để thay họ ghi nhận các khoản nợ hoặc gánh nặng chi phí mà công ty mẹ không muốn tiết lộ. Nếu các công ty con này được thiết lập như các thực thể pháp lý riêng biệt không được sở hữu hoàn toàn bởi công ty mẹ, chúng không cần phải ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ, nhờ vậy công ty mẹ ban đầu có thể che giấu các khoản chi phí không muốn tiết lộ trước nhà đầu tư.

    8. Thuê tổng hợp

    Một hợp đồng thuê tổng hợp (Synthetic lease) có thể được sử dụng để giữ cho chi phí của một tòa nhà mới của công ty không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của họ.

    Hợp đồng này cho phép công ty đó thuê một tài sản từ chính họ. Cụ thể, một công ty con được công ty mẹ thành lập với mục đích đặc biệt là, mua một tài sản và sau đó cho công ty mẹ thuê lại. Công ty mẹ sẽ được sử dụng và kiểm soát tài sản được thuê trong suốt thời gian thuê, nhưng tài sản không được ghi nhận trong tài sản cố định của công ty. Thay vào đó, công ty phải trả một khoản tiền thuê và ghi nợ tài chính tương ứng trong BCTC của mình.

    Hợp đồng thuê tổng hợp có thể cung cấp cho công ty sự linh hoạt trong việc sử dụng tài sản mà không cần ghi nhận trên BCTC. Nó cũng giúp công ty tránh phải tăng khối lượng nợ dài hạn và duy trì tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu thấp hơn.



    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán