Điểm nhấn chính:
- Dòng tiền tự do là lượng tiền mà một doanh nghiệp còn lại sau khi trừ cho các chi phí vận hành và sản xuất.
- Phân tích dòng tiền tự do có thể giúp bạn biết được sức khoẻ tài chính của một doanh nghiệp.
Dòng tiền tự do là gì?
Dòng tiền tự do (Free cash flow – FCF) là lượng tiền của doanh nghiệp sau khi thanh toán các chi phí hoạt động, như các khoản lương thưởng và phúc lợi nhân viên, tiền thuế, tiền thuê văn phòng, nhà xưởng và mua nguyên vật liệu. Dòng tiền tự do bị ảnh hưởng bởi thu nhập ròng thông qua các chi phí không dùng tiền mặt, thay đổi vốn lưu động (CAPEX) và chi phí vốn (capital expenditure).
Dòng tiền tự do là một công cụ quan trọng cho thấy hiệu quả của một doanh nghiệp trong việc tạo ra tiền mặt. Các nhà đầu tư sử dụng dòng tiền tự do để phân tích khả năng một doanh nghiệp có đủ tiền để thanh toán nghĩa vụ của mình hay không. Cụ thể, dòng tiền tự do của một doanh nghiệp càng lớn thì khả năng doanh nghiệp đó có thể trả được nợ và đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh càng cao - từ đó khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đó là lý do vì sao dòng tiền tự do được nhiều nhà đầu tư xem là thước đo giá trị.
Dòng tiền tự do tăng lên có thể báo hiệu cho việc các nhà đầu tư sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn, khoản tiền mặt này có thể đến từ tăng trưởng doanh thu, hiệu quả cắt giảm chi phí đầu vào, v.v. Khi giá cổ phiếu của một doanh nghiệp ở mức thấp mà dòng tiền tự do lại tăng lên thì rất có thể trong tương lai, thu nhập và giá trị cổ phiếu sẽ sớm tăng lên.
Ngược lại, dòng tiền tự do giảm có thể báo hiệu rằng các doanh nghiệp không thể duy trì tăng trưởng thu nhập. Dòng tiền tự do thấp có thể buộc các doanh nghiệp phải vay nợ để duy trì thanh khoản phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chi phí vốn có thể thay đổi đột biến qua các năm, cũng như dòng tiền tự do lớn có thể ngụy trang cho việc một doanh nghiệp trì hoãn trong các hoạt động tái đầu tư. Nói cách khác, các doanh nghiệp tất tay trong việc mở rộng thị phần để duy trì đà tăng trưởng rất thâm dụng vốn.
Các nhà đầu tư giá trị thường tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các doanh nghiệp bị định giá thấp nhưng có dòng tiền tự do cao hoặc đang tăng.
Phân biệt dòng tiền tự do và dòng tiền ròng
Dòng tiền ròng được dùng để chỉ sự chênh lệch giữa dòng tiền vào và ra của một doanh nghiệp: tuỳ thuộc vào việc doanh nghiệp có nhiều dòng tiền vào hay dòng tiền ra hơn mà dòng tiền ròng có thể âm hoặc dương. Dòng tiền ra bao gồm cả chi phí hoạt động và điều hành doanh nghiệp cũng như các hoạt động đầu tư và tài chính. Trong khi đó, dòng tiền tự do chỉ xem xét số tiền mà một doanh nghiệp tạo ra thông qua hoạt động kinh doanh sau khi trừ đi chi phí hoạt động và chi phí vốn.
Cách tính dòng tiền tự do của doanh nghiệp
Dòng tiền tự do có thể được tính bằng các công cụ bảng tính như Excel, nhưng chúng không hiển thị sẵn trong các báo cáo tài chính. Vì không có một phương pháp thống nhất trong việc xác lập báo cáo tài chính, có rất nhiều cách thức khác nhau để tính dòng tiền tự do. Trong đó, có bốn phương pháp thông dụng để tính dòng tiền tự do, nhưng dù bạn sử dụng cách nào, kết quả đều phải trả về cùng một giá trị duy nhất:
1. Sử dụng Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh Dòng tiền tự do = Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh - Chi phí sử dụng vốn
2. Sử dụng Doanh thu bán hàng Dòng tiền tự do = Doanh thu bán hàng - (Chi phí hoạt động + Thuế) - Yêu cầu đầu tư cho vốn hoạt động
Trong đó:
- Yêu cầu đầu tư cho vốn hoạt động = Tổng vốn hoạt động ròng trong năm thứ nhất - Tổng vốn hoạt động ròng trong năm thứ hai
- Tổng vốn hoạt động ròng = Vốn lưu động hoạt động thuần + Vốn BĐS, nhà xưởng và thiết bị (Các tài sản hoạt động dài hạn)
- Vốn lưu động hoạt động thuần = Tài sản hoạt động lưu động - Nợ lưu động hoạt động
- Tài sản hoạt động lưu động = Tiền mặt + Khoản phải thu + Hàng tồn kho
- Nợ lưu động hoạt động = Khoản phải trả + Chi phí dồn tích
3. Sử dụng Lợi nhuận ròng Dòng tiền tự do = Lợi nhuận ròng – Đầu tư ròng cho vốn hoạt động
4. Sử dụng Khấu hao tài sản cố định hữu hình (A) và Khấu hao tài sản cố định vô hình (D)
Dòng tiền tự do = Lợi nhuận ròng + Khấu hao tài sản (A/D) – Thay đổi vốn lưu động - Chi phí vốn (CAPEX)
Việc cộng lại khấu hao tài sản cố định hữu hình và khấu hao tài sản cố định vô hình có thể trông bất thường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dòng tiền tự do được sử dụng để đo lường số tiền được sử dụng trong thời điểm hiện tại, không phải trong các giao dịch đã xảy ra trong quá khứ. Điều này làm cho dòng tiền tự do trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc xác định các doanh nghiệp đang tăng trưởng có chi phí ban đầu cao - thứ có thể làm giảm lợi nhuận trong hiện tại nhưng lại có tiềm năng mang về nhiều lợi nhuận trong tương lai.
Ví dụ về cách tính dòng tiền tự do của doanh nghiệp
Theo BCTC Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (PLX) cho năm 2023
LNST | Khấu hao TSCĐ | Tiêu chi mua sắm, xây dnwgj TSCĐ | Tiền thu mua sắm, nhượng bán TSCĐ | Tài sản ngắn hạn | Tài sản dài hạn | |
2023 |
3,077 | 2,185 | 1,652 | 33 | 57,307 | 49,661 |
2022 | 1,902 | 2,248 | 2,120 | 241 | 50,170 | 45,695 |
2021 | 41,304 | 35,207 |
Công thức:
Dòng tiền tự do = Lợi nhuận ròng + Khấu hao tài sản (A/D) – Thay đổi vốn lưu động - Chi phí vốn (CAPEX)
Năm 2023:
- Thay đổi Vốn lưu động 2023 = (57,307 – 49,661) – (50,170 – 45,695) = 3,171 tỷ đồng
- CAPEX 2023 = 1,652 – 33 = 1,619 tỷ đồng
--> FCF 2023 = 3,077 + 2,185 – [(57,307 – 49,661) – (50,170 – 45,695)] – (1,652 – 33) = 472 tỷ đồng
Năm 2022:
- Thay đổi Vốn lưu động 2023 = (50,170 - 45,695) – (41,304 – 35,207) = -1,622 tỷ đồng
- CAPEX 2022 = 1,879 tỷ đồng
--> FCF 2022 = 1,902 + 2,248 – [(50,170 - 45,695) – (41,304 – 35,207)] – (2,120 – 241) = 3,893 tỷ đồng
Năm 2023, FCF của PLX chỉ đạt 472 tỷ đồng, giảm gần 88% so với năm 2022, điều này là bởi vì trong năm 2023, PLX đã tăng đầu tư vào tài sản ngắn hạn, theo đó vốn lưu động trong năm 2023 đạt 3,171 tỷ đồng, tăng 70.8% so với năm 2022, cụ thể là tăng khoản Đầu tư tài chính ngắn hạn lên gấp 2.3 lần, đạt 16,496 tỷ đồng, chiếm gần 29% tổng tài sản ngắn hạn của PLX. Trong nhiều trường hợp, FCF giảm thể hiện doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ, chia cổ tức hay trả lương cho nhân viên. Nhưng trong trường hợp này, FCF giảm là bởi vì công ty tăng đầu tư tài chính, làm tăng tài sản ngắn hạn từ đó tăng vốn lưu động, chứ không phải FCF giảm do lợi nhuận giảm, nên nó không thể hiện PLX đang gặp khó khăn trong dòng tiền.
Điều gì cấu thành dòng tiền tự do tốt?
Các công ty có FCF tăng mạnh - do tăng trưởng doanh thu, cải thiện hiệu quả hoạt động, giảm chi phí, mua lại cổ phiếu, phân phối cổ tức hoặc xóa nợ - có thể mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có dòng tiền tự do dương nhưng cổ phiếu lại thường có xu hướng ảm đạm, và trường hợp ngược lại cũng có thể đúng. Vậy trong trường hợp nào dòng tiền tự do báo hiệu điều tốt? Phân tích xu hướng của dòng tiền tự do có thể giúp bạn.
Một bài học quan trọng đến từ các nhà phân tích kỹ thuật là tập trung vào xu hướng theo thời gian của hiệu suất cơ bản hơn là giá trị tuyệt đối của dòng tiền tự do, lợi nhuận, hoặc doanh thu. Về cơ bản, nếu giá cổ phiếu là một hàm của các yếu tố cơ bản, thì xu hướng tích cực của dòng tiền nên có tương quan dương với xu hướng giá cổ phiếu.
Một cách tiếp cận phổ biến là sử dụng sự ổn định của xu hướng dòng tiền tự do như một thước đo rủi ro. Nếu xu hướng này ổn định trong bốn đến năm năm qua, thì xu hướng tăng giá của cổ phiếu ít có khả năng bị gián đoạn trong tương lai. Tuy nhiên, xu hướng giảm, đặc biệt khi chênh lệch giữa xu hướng dòng tiền tự do với xu hướng lợi nhuận và doanh thu là rất lớn, cho thấy khả năng cao hơn về hiệu suất giá tiêu cực trong tương lai, bởi FCF giảm có thể buộc các công ty phải tăng sử dụng nợ, và tệ nhất là không có tiền để duy trì hoạt động kinh doanh.
Ở trường hợp khác, khi giá cổ phiếu của một công ty ở mức thấp và dòng tiền tự do tăng lên thì rất có thể thu nhập và giá trị cổ phiếu sẽ sớm tăng lên. Vì thế, FCF bị thu hẹp không nhất thiết là một điều xấu, đặc biệt nếu việc tăng chi tiêu vốn đang được sử dụng để đầu tư vào sự phát triển của công ty, điều này có thể làm tăng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai. Em nên dùng cả năm vì đánh giá doanh nghiệp dựa trên 1 quý thì nó ko thể hiện được tiềm năng của DN, lúc đó PAT của doanh nghiệp nó còn thấp, trong khi tài sản nợ thì nó cao lên hàng chục trăm nghìn tỷ, trừ ra chắc chắn FCF sẽ âm, nhưng nếu đánh giá cả năm thì FCF nó dương và số PAT cả năm sẽ ít lệch hơn so với số quý.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.