Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Chuyển giá và cách thức hoạt động của nó

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Chuyển giá là việc xác định mức giá cho các giao dịch hàng hóa, dịch vụ giữa các công ty liên kết để toàn bộ hệ thống công ty đạt lợi ích cao nhất.

    - Chuyển giá thường được sử dụng nhằm giảm nghĩa vụ thuế mà toàn bộ hệ thống công ty phải nộp.  

    Chuyển giá là gì?

    Chuyển giá là một hoạt động kế toán nhằm thiết lập giá cho các giao dịch hàng hóa, dịch vụ giữa một công ty với một/một số công ty liên kết khác, trong đó, giá giao dịch không tuân theo giá thị trường và có thể được ấn định cao/thấp tùy theo lợi ích cao nhất xét trên góc độ đem lại cho toàn bộ hệ thống công ty.

    Chuyển giá có thể giúp tiết kiệm số tiền thuế phải nộp của các công ty, tùy vào mức độ chấp thuận của cơ quan thuế tại một quốc gia. Tại Việt Nam, các quy định liên quan đến giá giao dịch liên kết, được quy định tại Nghị định 132/2020 của Chính phủ.  

    Tại sao các công ty lại chọn “chuyển giá”?

    Các công ty có thể thực hiện chuyển giá vì nhiều động cơ khác nhau nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để mang lại lợi ích cao nhất cho toàn bộ hệ thống của công ty.

    Theo đó, “động cơ” khiến các công ty thực hiện các hành vi chuyển giá có thể kể đến như: chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia, thuế xuất – nhập khẩu, sự biến động trong tiền tệ và lạm phát, chênh lệch tỷ giá hối đoái, quy định của chính phủ tại từng quốc gia liên quan đến mức thuế suất phải nộp, hoặc có thể để duy trì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp liên kết, v.v.  

    Các phương pháp “chuyển giá” của doanh nghiệp

    Dưới đây là một số phương pháp chuyển giá phổ biến của các doanh nghiệp đa quốc gia (MNCs):

    1. Phương pháp dựa trên giao dịch

    Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập (Comparable Uncontrolled Price – CUP)

    Phương pháp CUP dựa vào đơn giá sản phẩm tính trong một giao dịch độc lập (không nằm trong hệ thống công ty) để xác định đơn giá sản phẩm trong giao dịch liên kết có điều kiện tương đương. Theo đó, phương pháp này được áp dụng đối với một trong các điều kiện sau: (i) Không có sự khác biệt về điều kiện giao dịch khi so sánh giao dịch độc lập và giao dịch liên kết mà gây ảnh hưởng trọng yếu đến giá sản phẩm; (ii) Có khác biệt gây ảnh hưởng trọng yếu đến giá nhưng đã được loại trừ.

    Phương pháp giá bán lại (Resale Price Method – RPM)

    Phương pháp giá bán lại dựa vào giá bán lại (hay giá bán ra) của sản phẩm do doanh nghiệp bán cho bên độc lập để xác định giá mua vào của sản phẩm đó từ bên liên kết. Giá mua sản phẩm từ bên liên kết được xác định trên cơ sở giá bán của sản phẩm trong giao dịch độc lập trừ đi lợi nhuận gộp trừ đi các chi phí khác được tính trong giá sản phẩm mua vào nếu có (như thuế nhập khẩu, phí hải quan, chi phí bảo hiểm, vận chuyển quốc tế).

    Phương pháp giá vốn cộng lãi (C+, CP)

    Phương pháp giá vốn cộng lãi dựa vào giá vốn (hoặc giá thành) sản phẩm do doanh nghiệp mua vào từ bên độc lập để xác định giá bán ra sản phẩm đó cho bên liên kết. Theo đó, mức giá bán cho bên liên kết được xác định bằng cách lấy giá vốn sản phẩm cộng với lợi nhuận gộp. Trong đó, lợi nhuận gộp được tính dựa trên tỷ suất lợi nhuận gộp/giá vốn sản phẩm bán ra (thích hợp để nhà cung cấp có thể kiếm được) và giá vốn sản phẩm bán ra (phản ánh mức lợi nhuận hợp lý) tương ứng với doanh nghiệp và điều kiện thị trường.

    2. Phương pháp dựa trên lợi nhuận

    Phương pháp so sánh lợi nhuận (Profit comparison methods – TNMM/CPM)

    Phương pháp so sánh lợi nhuận dựa vào tỷ suất sinh lời của sản phẩm trong các giao dịch độc lập được chọn, làm tham chiếu để xác định tỷ suất sinh lời tương ứng của sản phẩm trong giao dịch liên kết khi các giao dịch này có điều kiện giao dịch tương đương.

    Phương pháp tách lợi nhuận (Profit-split methods)

    Phương pháp tách lợi nhuận dựa vào lợi nhuận thu được từ một giao dịch liên kết tổng hợp mà hai bên liên quan kiếm được từ một/nhiều giao dịch, để xác định lợi nhuận thích hợp cho từng doanh nghiệp liên kết theo cách các bên độc lập thực hiện phân chia lợi nhuận trong các giao dịch độc lập tương đương. 

    Chuyển giá trong vấn đề thuế suất

    Để hiểu rõ hơn về cách giá chuyển đổi ảnh hưởng đến việc tính thuế của một công ty, bạn hãy cùng tìm hiểu ví dụ sau nhé.

    Giả sử rằng một nhà sản xuất ô tô có hai phân đoạn: Phân đoạn A, sản xuất phần mềm, và Phân đoạn B, sản xuất ô tô. Phân đoạn A bán phần mềm cho các nhà sản xuất ô tô khác cũng như công ty mẹ của nó. Phân đoạn B trả tiền cho Phân đoạn A để mua phần mềm, thường ở mức giá thị trường mà Phân đoạn A tính cho các nhà sản xuất ô tô khác.

    Trong trường hợp Phân đoạn A quyết định tính giá thấp hơn cho Phân đoạn B thay vì tính theo giá thị trường. Kết quả là, do tính giá thành phẩm bán ra thấp hơn, doanh thu của Phân đoạn A giảm. Ngược lại, chi phí hàng bán của Phân đoạn B giảm (nhờ giá yếu tố đầu vào thấp hơn), làm tăng lợi nhuận của phân đoạn B. Nói một cách ngắn gọn, doanh thu của Phân đoạn A giảm đi một mức tương đương với việc giảm chi phí của Phân đoạn B. Và do đó, điều này không tác động đến lợi nhuận tổng thể của của nhà sản xuất ô tô.

    Tuy nhiên, trong trường hợp Phân đoạn A đặt địa điểm kinh doanh tại quốc gia khác, nơi có thuế suất cao hơn so với quốc gia của Phân đoạn B. Nhà sản xuất ô tô (bao gồm cả Phân đoạn A và B) có thể giảm khoản tiền phải đóng thuế bằng cách làm cho Phân đoạn A thu được lợi nhuận thấp hơn và Phân đoạn B thu được nhiều lợi nhuận hơn. Theo đó, phân đoạn A tính giá bán thấp hơn và bù đắp phần sụt giảm trong doanh thu bán hàng đó vào lợi nhuận của Phân đoạn B (nhờ giá vốn hàng bán thấp).

    Khi đó, phần lợi nhuận của Phân đoạn B tăng lên nhờ chi phí thấp hơn, sẽ được áp dụng mức thuế ưu đãi tại quốc gia Phân đoạn B đang đăng ký kinh doanh. Nhìn tổng thể, lợi nhuận của nhà sản xuất ô tô đã được chuyển từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn, giúp toàn bộ hệ thống công ty giảm được một khoản tiền nộp thuế.

    Chính điều này đã khiến nhiều công ty đa quốc gia thực hiện việc chuyển giá đối với các pháp nhân, đơn vị công ty liên quan được đăng ký kinh doanh tại những nơi có thuế suất rất thấp, thường được gọi là “thiên đường thuế”.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan