Điểm nhấn chính:
- Sáp nhập và mua lại (M&A) đề cập đến các giao dịch giữa hai công ty kết hợp cùng phát triển dưới một số hình thức.
- Sáp nhận và mua lại có thể ảnh hưởng sâu sắc đến triển vọng tăng trưởng dài hạn của công ty.
- Việt Nam ngày càng khẳng định là thị trường đầu tư hấp dẫn, thu hút nhiều dòng M&A ngoại trong thời gian qua.
Tìm hiểu cùng Tititada!
Việt Nam được biết đến như một trung tâm sản xuất, thị trường tiêu dùng đang phát triển, nền kinh tế phát triển nhanh, vị trí chiến lược tốt ở Đông Nam Á và là cánh cửa tiếp cận các thị trường châu Á khác. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn nổi lên những thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) với sự tham gia tích cực của nhà đầu tư ngoại.
Hãy cùng Tititada điểm qua 5 thương vụ M&A đình đám tại Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 9T/2023 nhé.
1. Thương vụ giữa ThaiBev và Sabeco
Tính đến năm 2017, thương vụ thâu tóm giữa tập đoàn ThaiBev và Sabeco là thương vụ M&A lớn nhất của ngành công nghiệp bia châu Á, đồng thời cũng dẫn đầu về giá trị trong làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam.
ThaiBev đánh giá cao tiềm năng phát triển của Sabeco khi đã có lịch sử hơn 140 năm hoạt động và là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bia. Thông qua thương này, Thaibev mong muốn nhanh chóng mở rộng mạng lưới phân phối thị trường Việt Nam và củng cố vị thế của mình là hãng bia lớn nhất Đông Nam Á.
Vào ngày 18/12/2017, Vietnam Beverage đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phiếu Sabeco, tương đương 53.6% cổ phần với mức giá 320,000 đồng/cổ phiếu với tổng giá trị gần 110,000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD. Thương vụ này đã chiếm tới gần 50% tổng giá trị các giao dịch M&A trong năm 2017 và đạt 86.2% tổng giá trị của tất cả các thương vụ M&A tại Việt Nam.
Được biết, số tiền mà ThaiBev dùng để mua lại Sabeco không xuất phát từ nguồn vốn tự có mà là nguồn vốn vay từ các ngân hàng ở Thái Lan và Singapore. Sau khi về tay ông chủ người Thái, Sabeco đã được tái cấu trúc và cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của Sabeco đã liên tục tăng trong năm 2018 và 2019.
ThaiBev cũng đặt kế hoạch niêm yết Sabeco lên sàn chứng khoán Singapore để huy động vốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, Nghị định 100 về việc tăng mức xử phạt người vi phạm việc uống rượu bia khi lái xe đã khiến cho doanh thu trong năm 2020 giảm mạnh đến 42%. Đồng thời, COVID-19 đã khiến doanh thu thuần năm 2021 giảm 6% so với năm 2020, lợi nhuận ròng cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu thương vụ này có thật sự thành công khi giá cổ phiếu hiện nay vẫn chưa đạt đến mức giá mà ThaiBev đã mua, thậm chí có lúc giá cổ phiếu còn giảm xuống mức 50,000đ. Lưu ý rằng, giá cổ phiếu giao dịch phụ thuộc vào lực cung và cầu giao dịch trên thị trường. Giá trị của một thương vụ M&A là giá trị trong dài hạn chứ không phải được đánh giá dựa trên các con số trên thị trường chứng khoán.
Thương vụ thâu tóm giữa ThaiBev và Sabeco đã làm nên một trang sử quan trọng trong ngành công nghiệp đồ uống Việt Nam. Sự hợp tác này đã mang lại không chỉ những tác động trong nội bộ hai doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng lớn đến thị trường bia Việt Nam nói riêng và ngành công nghiệp thực phẩm nói chung
2. Thương vụ UOB mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng Citigroup
Thương vụ ngân hàng UOB mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại Việt Nam là thương vụ lớn nhất ngành ngân hàng nói chung trong 14 năm trở lại đây. Citigroup là một trong những tổ chức tài chính quốc tế đầu tiên có mặt tại Việt Nam, và cũng là ngân hàng Mỹ đầu tiên được cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài với đầy đủ chức năng và dịch vụ tại Hà Nội năm 1994. Sau đó mở chi nhánh thứ hai tại TP.HCM vào năm 1998.
Tháng 3/2023, Citibank đã hoàn tất chuyển nhượng mảng bán lẻ và thẻ tín dụng khách hàng cá nhân tại Việt Nam cho Ngân hàng UOB, bao gồm cả 575 nhân viên làm việc tại mảng này. Mảng bán lẻ của Citigroup bao gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi. Tổng giá trị thương vụ lên đến 3.7 tỷ USD. Số tiền mua lại được tính toán dựa trên tổng chi phí bảo hiểm là 915 triệu đôla Singapore cộng với giá trị tài sản ròng của mảng bán lẻ khi hoàn thành. Ngân hàng này sẽ sử dụng thặng dư vốn cổ phần để hoàn tất thương vụ.
Thương vụ này đã được Citibank và UOB công bố lần đầu vào năm 2022 như một phần của thỏa thuận chuyển nhượng mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ tại cả bốn thị trường Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.
Sau khi hoàn tất giao dịch bán khối ngân hàng cá nhân, Citibank dự kiến thu về khoảng 1.2 tỷ USD vốn chủ sở hữu và khoản tăng thêm 200 triệu USD. Trước đó việc rút khỏi 14 thị trường bán lẻ cũng giúp Citi thu về khoảng 7 tỷ USD vốn chủ sở hữu đã phân bổ cho mảng kinh doanh này.
Bán lại mảng bán lẻ là một phần trong quá trình đổi mới chiến lược của Citi nhằm tập trung cho đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực chiến lược là khối ngân hàng doanh nghiệp trải rộng khắp châu Á – Thái Bình Dương, mang lại hiệu quả tối ưu hơn cho Citi. Theo đó, Citibank sẽ ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại 14 thị trường châu Á, châu Âu, Trung Đông và Mexico, đồng thời cũng dừng toàn bộ sự hiện diện thương mại tại Nga. Mặc dù thoái vốn khỏi mảng này, Citibank vẫn cam kết gắn bó chặt chẽ với Việt Nam và sẽ đầu tư nhiều hơn nữa để hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp Việt Nam.
Thương vụ này mang lại lợi ích cho cả đôi bên, không chỉ giúp Citibank kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ, mà còn giúp UOB có một chỗ đứng lớn hơn trong khu vực. Tại 4 thị trường mà UOB mua lại, lượng khách hàng bán lẻ của Citibank vượt qua con số 7 triệu tính hết quý 1/2023. Bốn thị trường này đã đóng góp hơn 35% thu nhập mảng dịch vụ tài chính cá nhân của UOB trong quý đầu tiên của năm 2023. Tính riêng thị trường Việt Nam lượng khách hàng bán lẻ của Citibank là khoảng 200,000 người. Ước tính số lượng khách hàng của UOB tại thị trường Việt Nam sẽ tăng gấp ba sau thương vụ này, dư nợ cho vay và tiền gửi tăng gấp đôi, còn nhân sự tăng từ 500 lên trên 1,100 người. Vì thế, việc mua lại Citibank là một cơ hội lớn và đúng lúc cho UOB, bởi thương vụ này giúp đẩy nhanh mục tiêu phát triển của ngân hàng lên sớm 5 năm.
3. Thương vụ giữa Ngân hàng SMBC và VPBank
VPBank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập sớm nhất tại Việt Nam với lịch sử phát triển bền vững hơn 30 năm và là một trong những ngân hàng có nền tảng vốn vững chắc nhất Việt Nam. VPBank hoạt động mạnh mẽ trong phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Cuối tháng 3/2023, VPBank đã ký thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho đối tác chiến lược là ngân hàng SMBC – ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản. Đây là thương vụ lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, và cũng là thương vụ lớn nhất trong năm 2023 ở thị trường Việt Nam trong bối cảnh hoạt động M&A của Việt nam đang sụt giảm đáng kể.
Theo thỏa thuận, VPBank sẽ bán hơn 1.19 tỷ cổ phiếu cho SMBC với tổng giá trị phát hành đạt hơn 35.9 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 1.5 tỷ USD. Như vậy, định giá của SMBC đối với mỗi cổ phiếu VPBank tại thời điểm ký kết cao hơn mức giá thị trường khoảng 50% (giá cuối tháng 3 là 20,900đ/CP), cho thấy SMBC định giá VPBank ở mức gần 10 tỷ USD.
Tổng vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ được nâng lên từ 103.5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Nền tảng vốn lớn này sẽ giúp VPBank có nguồn lực dồi dào để đáp ứng nhu cầu của đi vay của khách hàng cá nhân và SME, và đồng thời phục vụ doanh nghiệp có quy mô lớn.
Theo quan điểm của CTCK KB Việt Nam, trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới, việc SMBC đầu tư vào VPBank với giá cao hơn giá thị trường được coi là một tín hiệu tích cực. Điều này cho thấy sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư quốc tế đối với tiềm năng phát triển của VPBank cũng như ngành ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.
4. Bệnh viện FV
Thomson Medicap Group (TMG) của Singapore mua lại FEMV là thương vụ lớn nhất ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam và thu mua chăm sóc sức khỏe lớn nhất Đông Nam Á kể từ năm 2020. Tháng 7/2023, TMG thông báo “mua đứt” Bệnh viện quốc tế Pháp Việt (FV) với giá 381.4 triệu USD, tương đương 9,025 tỷ đồng – đây là thương vụ lớn nhất ngành y tế tư nhân Việt Nam.
TMG được thành lập vào năm 1979, là một trong những công ty tư nhân lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em hàng đầu Singapore. Từ đầu năm 2023, giá cổ phiếu của TMG đã giảm 22% nhưng vốn hóa thị trường của họ vẫn ở mức 1.2 tỷ USD.
Bệnh viện FV được thành lập tại TP.HCM vào năm 2003 bởi một nhóm các bác sĩ người Pháp. Vốn đầu tư đăng ký khi mới hoạt động là 44 triệu USD. Tính tới cuối năm 2022, bệnh viện này có gần 200 giường bệnh, chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới ung bướu, tim mạch, nhãn khoa, thai sản và tiêu hóa với chất lượng và viện phí cao.
Theo thỏa thuận, TMG sẽ mua 100% CTCP Y tế Viễn Đông Việt Nam (FEMV) – là đơn vị vận hành các cơ sở chăm sóc sức khỏe tư nhân tại Việt Nam, bao gồm Bệnh viện Đa khoa FV, phòng khám FV Clinic và bốn phòng khám ACC Clinic. TMG cũng sẽ trả trước số tiền 359.6 triệu USD và số tiền 21.8 triệu USD còn lại sẽ được trả thêm nếu Bệnh viện FV đạt được các chỉ tiêu hiệu suất nhất định. Số tiền dùng để mua lại FV được tài trợ từ nguồn lực công ty và các khoản vay nợ.
Thương vụ mua lại bệnh viện FV sẽ giúp TMG có được vị thế chiến lược tại Việt Nam và Đông Nam Á vì những lý do sau:
Thứ nhất, thị trường chăm sóc y tế Việt Nam được dự báo có tiềm năng tăng trưởng cao trong khu vực, dự báo tổng chi tiêu cho y tế Việt Nam có khả năng đạt 23.3 tỷ USD vào năm 2025 và 33.8 tỷ USD vào năm 2030.
Thứ hai, tình trạng quá tải tại các bệnh viện công vẫn đang là vấn đề cấp bách của hệ thống y tế Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu dân số ngày càng già hóa và càng quan tâm đến chất lượng dịch vụ sức khỏe cũng là một thách thức mà hệ thống bệnh viện công sẽ phải đối mặt.
Thứ ba, trong giai đoạn 2019-2022, FEMV có tăng trưởng gộp hàng năm khoảng 8.3%, và EBITDA tăng 14% mỗi năm. Riêng năm 2021 - cao điểm dịch bệnh - doanh nghiệp này vẫn có lợi nhuận trước thuế, chi phí và khấu hao tăng 20% so với năm 2020. Năm 2022, FEMV đạt doanh thu gần 1,900 tỷ đồng, EBITDA đạt hơn 450 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 44% so với năm 2021.
Có thể thấy rằng, bệnh viện FV cung cấp một điểm tựa chiến lược cho TMG ở Việt Nam và là cánh cổng để phát triển và tập trung vào các khoản đầu tư trong tương lai trong thị trường đang phát triển nhanh chóng này.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.