Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Phân tích biên lợi nhuận doanh nghiệp như thế nào?

Nội dung

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Biết cách tính toán và phân tích tỷ suất lợi nhuận là một việc rất quan trọng và cần thiết để có cái nhìn sâu sắc hơn về cách mà một công ty đang tạo ra và quản lý dòng tiền.

    Trong thực tế, mục tiêu quan trọng nhất của một công ty là tạo ra lợi nhuận và quản lý tốt dòng tiền và khẳng định tính thanh khoản cũng như hiệu quả sinh lời của công ty. Những đặc điểm này xác định khả năng của công ty trong việc chi trả cổ tức cho nhà đầu tư và thường sẽ được phản ánh trong giá cổ phiếu.

    Do vậy, nhà đầu tư cần nên biết cách phân tích các khía cạnh khác nhau của lợi nhuận, như là mức độ hiệu quả của công ty trong việc sử dụng các nguồn vốn để tạo ra doanh thu hay khả năng tạo ra lợi nhuận trên mỗi đồng doanh thu.

    Phân tích biên lợi nhuận dùng các tỷ lệ biên lợi nhuận

    Sẽ thật đơn giản nếu ta chỉ cần dựa vào thu nhập ròng để đánh giá khả năng sinh lời của một công ty, nhưng thực tế, lợi nhuận ròng không thể cung cấp một bức tranh tổng thể chi tiết về mặt tài chính của công ty. Do đó, ta cần phải đánh giá thêm các tỷ lệ biên lợi nhuận.

    Tỷ lệ biên lợi nhuận có thể cung cấp cho nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc hơn về hiệu quả quản trị tài chính của một công ty. Chúng được dùng để đo lường tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi đồng doanh thu và được biểu thị bằng một tỷ lệ phần trăm của doanh thu. Nói cách khác, nó là số tiền mà một công ty kiếm được từ tổng doanh thu của mình sau khi trừ các loại chi phí tương ứng. Tỷ lệ này cho phép nhà đầu tư so sánh hiệu quả sinh lời của các công ty trong cùng ngành với nhau.

    Ví dụ: năm ngoái, công ty A có thu nhập ròng là 2 tỷ đồng đồng, kiếm được từ doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Đối thủ cạnh tranh của công ty A, công ty B có thu nhập ròng 3 tỷ đồng với doanh thu khoảng 20 tỷ đồng. Nếu so sánh thu nhập ròng, bạn có thể thấy rằng công ty B kiếm được nhiều hơn công ty A. Nhưng việc này không thể hiện cho bạn biết nhiều về khả năng sinh lời của hai công ty.

    Tuy nhiên, nếu bạn nhìn vào và so sánh tỷ suất lợi nhuận ròng, hay thu nhập được tạo ra trên mỗi đồng doanh thu, bạn sẽ thấy rằng công ty A tạo ra 2 đồng lợi nhuận trên mỗi 10 đồng doanh thu, trong khi công ty B chỉ thu về được 1.5 đồng lợi nhuận trên mỗi 10 đồng doanh thu của họ. Như vậy, bạn có thể đánh giá là công ty A có khả năng sinh lợi từ hoạt động kinh doanh tốt hơn nhiều so với công ty B.

    Có ba tỷ suất lợi nhuận, hay biên lợi nhuận, chính đó là tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận hoạt động và tỷ suất lợi nhuận ròng.

    Đánh giá biên lợi nhuận gộp

    Biên lợi nhuận gộp, hay tỷ suất lợi nhuận gộp, cho chúng ta biết công ty tạo ra được bao nhiêu lợi nhuận trên một đồng doanh thu sau khi khấu trừ chi phí giá vốn hàng bán. Nói cách khác, nó chỉ ra mức độ hiệu quả của ban quản lý trong việc sử dụng lao động và vật tư trong quá trình sản xuất để trực tiếp tạo ra sản phẩm, dịch vụ cung cấp. Công thức của biên lợi nhuận gộp là:

    Biên lợi nhuận gộp = (Doanh thu - Giá vốn hàng bán) / Doanh thu

    Giả sử rằng một công ty có doanh số bán hàng là 100 triệu đồng và chi phí lao động và nguyên vật liệu của họ là 60 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ là (100 - 60) / 100 = 40%. Những công ty có tỷ suất lợi nhuận gộp cao có thể dùng số dư tiền từ doanh thu sau khi trừ đi các chi phí giá vốn trực tiếp để chi trả cho các chi phí khác của hoạt động kinh doanh như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý tới những công ty có tỷ suất lợi nhuận giảm trong một thời gian cụ thể, như là 2 hoặc 4 quý liền kề gần nhất. Vì đây là một dấu hiệu cho thấy công ty có thể đang gặp vấn đề về khả năng tạo ra lợi nhuận và cách quản lý doanh số của mình.

    Ví dụ: công ty đó thường xuyên phải đối mặt với chi phí lao động và nguyên vật liệu ở mức cao hoặc tăng nhanh. Điều này sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty. Nhưng công ty có thể giải quyết việc này bằng cách chuyển các chi phí này xuống cho khách hàng dưới dạng tăng giá sản phẩm cao hơn.

    Lưu ý, tỷ suất lợi nhuận gộp có thể thay đổi đáng kể giữa các doanh nghiệp và từ ngành này sang ngành khác. Ví dụ, ngành phần mềm có tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 90%, trong khi ngành hàng không chỉ có tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 5%. Nên khi dùng tỷ suất này để so sánh, chúng ta chỉ nên so sánh giữa các công ty trong cùng nhóm ngành hoặc có hoạt động kinh doanh tương tự nhau.

    Đánh giá biên lợi nhuận hoạt động

    Biên lợi nhuận hoạt động, hay tỷ suất lợi nhuận hoạt động, được tính bằng cách so sánh thu nhập trước lãi vay và thuế (EBIT) với doanh thu. Nó cho thấy mức độ thành công của ban lãnh đạo công ty trong việc tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trên mỗi đồng doanh thu. Đồng thời, biết được biên lợi nhuận hoạt động cho phép nhà đầu tư so sánh tỷ suất lợi nhuận giữa các công ty với nhau. Công thức của biên lợi nhuận hoạt động là:

    Biên lợi nhuận hoạt động = EBIT / Doanh thu

    Ví dụ: nếu EBIT của công ty là 20 triệu đồng và doanh thu bằng 100 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận hoạt động sẽ bằng 20%. Con số này được hiểu là cứ với 5 đồng doanh thu, công ty sẽ tạo ra được 1 đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, trước khi chi trả lãi vay và thuế.

    Tỷ lệ này cũng là một thước đo sơ bộ về đòn bẩy hoạt động của công ty. Đòn bẩy hoạt động phản ánh mức độ ảnh hưởng của kết cấu chi phí đến lợi nhuận trước lãi vay và thuế của công ty. Công ty có EBIT cao đồng nghĩa với việc họ đang kiểm soát đòn bẩy hoạt động và chi phí một cách có hiệu quả.

    Đương nhiên, do tỷ suất lợi nhuận hoạt động bao gồm cả chi phí quản lý và tiếp thị (SG&A) và chi phí giá vốn hàng bán, nên nó sẽ là một con số nhỏ hơn so với tỷ suất lợi nhuận gộp nói trên.

    Đánh giá biên lợi nhuận ròng

    Biên lợi nhuận ròng hay tỷ suất lợi nhuận ròng phản ánh lợi nhuận được tạo ra trên mỗi đồng doanh thu sau khi trừ đi tất cả các loại chi phí, lãi vay và thuế. Nói cách khác, tỷ lệ này so sánh thu nhập ròng với doanh thu. Con số này tóm gọn lại mức độ hiệu quả của các nhà quản lý trong việc điều hành và quản lý hoạt động tài chính, kinh doanh của công ty họ. Công thức của biên lợi nhuận ròng là:

    Biên lợi nhuận ròng = Lợi nhuận ròng sau thuế / Doanh thu

    Nếu một công ty có thu nhập sau thuế là 10 triệu đồng và doanh thu là 100 triệu đồng, thì tỷ suất lợi nhuận ròng của họ là 10%.

    Bạn có thể so sánh Tỷ suất lợi nhuận gộp với Tỷ suất lợi nhuận ròng của một công ty để hiểu rõ hơn về các chi phí không liên quan tới sản xuất như là chi phí quản lý và tiếp thị (SG&A) hay chi phí lãi vay và thuế ảnh hưởng như thế nào lên tổng biên lợi nhuận chung của công ty đó. Như những ví dụ trên, sự chênh lệch giữa tỷ suất lợi nhuận gộp là 40% và tỷ suất lợi nhuận ròng là 10% cho thấy công ty đã dùng tới 30% tổng doanh thu để chi trả cho các chi phí không liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó, giảm phần lợi nhuận ròng của mình với tỷ lệ tương xứng.

    Khi công ty có tỷ suất lợi nhuận cao, điều đó thường có nghĩa là công ty đó cũng đang sở hữu một hoặc nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận ròng cao thường được xem như là một tấm đệm vững chắc cho một công ty để họ có thể tự bảo vệ mình trong những giai đoạn khó khăn. Các công ty có thể dựa vào tỷ suất lợi nhuận cao để thực hiện việc cải thiện thị phần và nỗ lực tới một vị thế tốt hơn trong nhóm ngành của họ hoặc trên thị trường nói chung.

    Kết luận

    Biên lợi nhuận hay tỷ suất lợi nhuận là một công cụ tuyệt vời để hiểu thêm về các khía cạnh lợi nhuận khác nhau của một công ty. Nó cho chúng ta biết một công ty quản lý vốn và tài sản hiệu quả ra sao qua con số lợi nhuận thu được trên mỗi đồng doanh thu, và công ty đó có thể trụ được bao lâu, với khoản lợi nhuận đó, khi gặp các rủi ro kinh tế, cạnh tranh hoặc một sự sai lầm nào đó từ việc vận hành.

    Tuy nhiên, giống như tất cả các chỉ số tài chính khác, tỷ suất lợi nhuận cũng không thể cung cấp thông tin tài chính của công ty một cách hoàn hảo nhất. Chúng chỉ thực sự hữu ích khi được tính kịp thời và chính xác để phản ánh các dữ liệu mới được cập nhật thường xuyên. Phân tích những con số này cũng cần phụ thuộc vào việc xem xét nhóm ngành hoạt động của công ty đó và vị trí của nó trong một chu kỳ kinh doanh.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan