Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Thị trường M&A Việt Nam có còn sôi động như trước?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - 2021 là năm hoạt động M&A đạt đỉnh với 651 giao dịch và giá trị giao dịch đạt 8.8 tỷ USD. 

    - 10T/2023, hoạt động M&A Việt Nam sụt giảm cùng với xu hướng chung của thế giới.

    - Dự báo, thị trường M&A Việt Nam sẽ sôi nổi trở lại khi nền kinh tế ổn định.

    Tổng quan thị trường M&A

    Kể từ năm 2000, thế giới có khoảng 790,000 giao dịch được công bố trên toàn thế giới với giá trị được biết là hơn 57 nghìn tỷ USD. Số lượng giao dịch M&A trong năm 2021 đạt kỷ lục 57,948 thương vụ, giá trị giao dịch theo đó cũng tăng cao lên gần 6 nghìn tỷ USD.

    Nguồn: IMAA

    Nhờ có nguồn nhân lực dồi dào, tốc độ đô thị hóa cao cũng như vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á, Việt Nam được biết đến như một trung tâm sản xuất, thị trường tiêu dùng ngày càng phát triển, và khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn. Tất cả động lực nội tại này đã khiến cho hoạt động đầu tư vào Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Từ những ngày tháng yên tĩnh với vài thương vụ giá trị nhỏ vào cuối năm 1990, thị trường M&A Việt nam gần đây ghi nhận hơn 500 thương vụ mỗi năm.

    Hãy cùng Tititada tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động M&A Việt Nam trong thời gian qua nhé!

    1. Giai đoạn trước COVID-19: Năm 2005 - 2013

    Giai đoạn 2005 – 2013, hoạt động M&A bùng nổ nhờ tự do hóa thị trường. Từ 2007 đến 2009, số lượng giao dịch và giá trị giao dịch giảm do suy thoái tài chính toàn cầu. Sau đó, thị trường M&A Việt Nam hồi phục và đạt đỉnh điểm vào năm 2011 và 2012, quy mô giao dịch được cải thiện đáng kể, với 90 giao dịch có giá trị trên 50 triệu USD.

    Động lực cho sự tăng trưởng đáng kể này có thể kể đến các yếu tố sau:

    - Thứ nhất, dòng vốn nước ngoài đổ vào doanh nghiệp nhà nước, điển hình là khoản đầu tư vào các ngân hàng lớn của Nhật Bản như Mizuho và Sumitomo vào Vietcombank và Eximbank.

    - Thứ hai, khung pháp lý được tăng cường khi Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực.

    - Thứ ba, sau khi trở thành thành viên của WTO vào năm 2007, Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài.

    Trong giai đoạn này, nhà đầu tư trong nước dẫn đầu với số lượng giao dịch, tuy nhiên giá trị giao dịch lại khá nhỏ (90% giao dịch trong nước có giá trị giao dịch dưới 10 triệu USD). Trong số nhà đầu tư nước ngoài, người mua từ Nhật Bản, Pháp, Mỹ và Singapore là những nhà đầu tư tích cực nhất, với 11 giao dịch vượt mốc 100 triệu USD.

    Dịch vụ tài chính là lĩnh vực được chú trọng hàng đầu trong hoạt động M&A và đầu tư nước ngoài, được thúc đẩy bởi sự hợp nhất thị trường và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Kế đến là ngành hàng tiêu dùng và vị trí thứ 3 là ngành công nghiệp.

    Nguồn: BDA Partners

    2. Giai đoạn giá trị giao dịch đạt kỷ lục: Năm 2014 – 2021

    Trong giai đoạn 2014–2021, số lượng giao dịch và giá trị giao dịch M&A tăng lên đáng kể. Năm 2017, giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục 8.7 tỷ USD, trong đó giao dịch giữa ThaiBev mua lại 53.6% cổ phần của Sabeco là 4.9 tỷ USD – thương vụ lớn nhất thị trường M&A Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

    Sang năm 2019, do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam giảm xuống còn 6 tỷ USD trước khi quay về mốc 5 tỷ USD vào năm 2020 do tác động của COVID-19. Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn nhiều so với những năm trước, nhưng lại là một năm cực kỳ tốt cho hoạt động M&A tại Việt Nam khi số lượng và giá trị giao dịch M&A đều đạt đỉnh lịch sử.

    Giai đoạn này, thị trường Việt Nam thu hút sự quan tâm lớn nhất từ nhà đầu tư Thái Lan và Hàn Quốc, bằng chứng là thương vụ ThaiBev mua lại 53.6% cổ phần của Sabeco và thương vụ SK Group mua lại 6.1% cổ phần của Tập đoàn VinGroup với giá 1 tỷ USD vào năm 2019. Trong khi các nhà đầu tư Singapore và Nhật Bản bị thu hút nhiều hơn bởi các giao dịch vừa và nhỏ.

    Đây là giai đoạn mà Internet đang dần bùng nổ ở Việt Nam, với tỷ lệ thâm nhập tăng từ 35% vào năm 2011 lên 70% vào năm 2021, nên ngành công nghiệp thông tin là ngành thứ 4 được đầu tư nhiều nhất, chủ yếu là các dòng vốn tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản cũng chứng kiến sự bùng nổ nhờ quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam.

     3. Giai đoạn sau COVID-19: Năm 2022-10T/2023

    10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chỉ ghi nhận 265 giao dịch và tổng giá trị đạt khoảng 4.4 tỷ USD – giảm 23% so với đầu năm. Như vậy, trung bình mỗi thương vụ đạt 54.5 triệu USD, thấp hơn mức kỷ lục năm 2017 là 57.3 triệu USD, do ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu khó khăn đã khiến cho nguồn vốn của các nhà đầu tư ngoại suy yếu.

    Thị trường huy động vốn qua hình thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam á cũng chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua. Tính đến ngày 15/11/2023, các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được 5.5 tỷ USD, riêng Việt Nam chỉ có 3 thương vụ niêm yết IPO với số vốn huy động được khoảng 7 triệu USD.

    Số lượng IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt, đồng thời, lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023. Cùng với sự sụt giảm của chỉ số VN-Index kể từ đầu năm 2022, nhiều công ty có kế hoạch IPO phải trì hoãn và chờ thời điểm thích hợp để niêm yết.

    Trong năm nay, nhà đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh cả 5 vị trí top đầu về giá trị giao dịch, trong đó, Nhật Bản, Singapore và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất, chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố. Điều này trái ngược với 2 năm trước, khi các nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế hơn thì nay họ đã chuyển sang thế phòng thủ, nên thị phần của họ trong giá trị M&A giờ đây chỉ còn 161.6 triệu USD, khoảng 4% tổng giá trị giao dịch được công bố.

    Các thương vụ M&A trong 10 tháng qua chủ yếu diễn ra ở ngành dịch vụ tài chính và y tế, thay vì ngành tiêu dùng và công nghiệp như năm ngoái. Thương vụ lớn nhất kể từ đầu năm là việc SMBC mua lại 15% cổ phần của VPBank với giá 1.5 tỷ USD, sau khi mua 49% cổ phần của FE Credit vào năm 2021. Đây cũng là giao dịch lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay.

    Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực và diễn biến địa chính trị căng thẳng, nhà đầu tư dần chuyển sang chiến lược đầu tư vào các sản phẩm có tính ổn định và lâu dài. Dòng vốn có xu hướng chảy vào các ngành mang tính phòng thủ như y tế, bao gồm bệnh viện, dược phẩm và thiết bị y tế. Điển hình trong năm 2023, ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam ghi nhận một giao dịch có giá 380 triệu USD giữa Tập đoàn Thomson mua lại Bệnh viện FV.

    Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản cũng được đánh giá khá lạc quan vì mức giá rẻ khi thị trường Việt Nam đang đi xuống sẽ thu hút nhiều dòng vốn chảy vào. 6 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch các thương vụ M&A bất động sản đạt hơn 500 triệu USD, tăng 41.2% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch COVID-19). Trong môi trường lãi suất tăng cao và khả năng tiếp cận nguồn vốn bị thắt chặt, sẽ buộc các chủ đầu tư trong nước phải cởi mở hơn với các cơ hội hợp tác với nhà đầu tư ngoại. Đồng thời, cải cách pháp lý đối với Luật Đất đai và Luật Nhà ở được sửa đổi, có hiệu lực vào năm 2024 cũng sẽ giúp thị trường M&A bất động sản trở nên sôi động hơn.

    Thị trường M&A Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại

    Dự báo về thị trường M&A tại Việt Nam vẫn tích cực, nhất là khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính. Nhờ dòng vốn FDI mạnh mẽ, chính trị ổn định và các thỏa thuận thương mại. Hơn nữa, với lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4%, dự báo tăng trưởng GDP của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ tăng trở lại 5.8% vào năm 2024 và 6.9% vào năm 2025, nợ công vẫn dưới trần pháp lý 60% GDP, là những điểm sáng cho thấy thị trường sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam. Không những thế, Chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp để kích thích nền kinh tế, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, củng cố niềm tin nhà đầu tư vào năm 2024.

    Khi nền kinh tế phục hồi, hoạt động M&A của Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại!


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán