Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Biến động vĩ mô là “đòn tâm lý” lớn đối với TTCK

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Biến động kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư cá nhân thường không mấy quan tâm đến khi đầu tư vào thị trường chứng khoán.

    - Lạm phát, tỷ giá, địa chính trị, tăng trưởng kinh tế, v.v. đều có thể gây ảnh hưởng đến TTCK nói chung và đặc biết có thể chi phối tâm lý thị trường đáng kể  

    Tóm tắt diễn biến thị trường Th4/2024

    VNIndex đã vượt đỉnh của năm 2023 và đạt 1,290 điểm vào cuối tháng 3/2024, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 6/2022.

    Tuy nhiên, bước vào tháng 4/2024, với các diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước phức tạp hơn, chỉ số đã mất dần động lực tăng và rơi vào xu hướng sideway-down cho tới tuần vừa qua (15 - 19/04), thị trường đã chứng kiến cú lao dốc mạnh nhất trong gần 2 năm qua.

    Cả tuần 15-19/04, chỉ số mất 102 điểm, tương đương giảm 8%, khiến vốn hóa thị trường bốc hơi  gần 471,000 tỷ đồng (khoảng 18.5 tỷ USD) trên cả 3 sàn, xuống còn khoảng hơn 6.3 triệu tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu cũng rơi vào tình trạng bán tháo hay bán giải chấp, và ghi nhận giảm 15% hoặc lớn hơn. Tổng giá trị giao dịch trung bình đạt 26.7 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 40% so với tuần trước (mặc dù chỉ có 4 phiên giao dịch) và tăng khoảng 11.2% so với trung bình một tháng qua.

    Trong tuần 15-19/04, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1,219 tỷ đồng trong khi khối tự doanh mua ròng 2,235 tỷ đồng. Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân đã có tuần bán ròng đầu tiên sau 11 tuần mua ròng trước đó. Trước khi thị trường rơi vào nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua, định giá P/E của VN-Index là khoảng 14.5 lần và hiện tại về quanh 13.0, được xem là tương đối hấp dẫn trở lại với nhà đầu tư.  

    Cú “lao dốc” là do đâu?

    1. Tỷ giá là “thủ phạm” chính

    Trong bối cảnh FED đưa ra tín hiệu sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn khi lạm phát tháng 3 của nước này tăng 3.5% svck, cao hơn so với dự báo. Điều này giúp đồng USD mạnh lên, đưa chỉ số sức mạnh đồng Đôla (DXY) lên mức 106.34 điểm (ngày 17/04), cao nhất kể từ Th11/2023. Trong khi đó, lãi suất huy đông tại Việt Nam vẫn duy trì ở mức thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế, trong suốt tháng 3 đã tạo áp lực lên tỷ giá.

    Trong cùng ngày 17/04, NHNN đã tăng mạnh tỷ giá trung tâm 0.37% lên 24,231 đồng. Tới ngày 19/04, NHNN công bố bán ra ngoại tệ nhằm can thiệp, hạ nhiệt tỷ giá, tuy nhiên, tỷ giá trung tâm vẫn tăng lên mức kỷ lục đạt 24,275 đồng vào ngày 23/04. Tỷ giá mua vào - bán ra ở các NHTM cũng lên mức cao nhất trong lịch sử là 25,148 – 25,488 đồng, ngay sau khi NHNN nâng tỷ giá trần lên mức 25,489 đồng trong cùng ngày. Như vậy, tỷ giá ở NHTM đã tăng xấp xỉ 4.5% so với đầu năm và được xem là mức tăng khá nóng so với những năm trước. Trong khi tỷ giá ở “chợ đen” cũng đạt kỷ lục ở mức mua vào – bán ra là 25,770 – 25,870 đồng vào ngày 22/04.

    Ngoài ra, trước đó vào tháng 3, NHNN cũng đã mở lại kênh OMO thông qua chào bán tín phiếu nhằm can thiệp giảm giá tiền đồng so với USD. Sau đó, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng mạnh kể từ đầu tháng 4, chỉ từ mức dưới 0.5% trong tháng 3 lên 3.87% vào ngày 22/04, có lúc chạm 4.94%. Cho thấy việc hút tiền của NHNN đã khiến cung tiền trên thị trường bị thắt chặt.

    Tuy vậy, trong tháng 4 , kết quả cho thấy những nổ lực này vẫn chưa giúp “làm nguội” sức ép tỷ giá, không giống như hồi tháng 9 – 10 năm 2023 khi mà hành động này của NHNN đem lại kết quả khá tích cực.

    Điều này chi phối đáng kể đến tâm lý thị trường chứng khoán, khi mà nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi nhưng lại bị cản trở bởi những yếu tố vĩ mô khó kiểm soát và không dễ để có những hành động mạnh mẽ hay lập tức để cải thiện, bởi các yếu tố lạm phát, tỷ giá, tăng trưởng đều tác động đan xen nhau.

    2. Diễn biến căng thẳng Trung Đông leo thang

    Iran đã tiến hành cuộc tấn công vào Israel với 300 tên lửa, UAV vào đêm 13/04, để trả đũa vụ tấn công được cho là của Israel vào lãnh sự quán Iran ở Damascus vào ngày 01/04. Và, đến sáng 19/04, một căn cứ quân sự gần Tp. Isfahan (Iran) bị tấn công và theo các quan chức thì Israel là thủ phạm, tuy chưa chính thức xác nhận. Nếu đúng thì đây được coi là đòn đáp trả của Israel cho việc Iran tấn công trước lại trước đó.

    3. Giá vàng liên tục lập kỷ lục

    Giá vàng thế giới lập kỷ lục lên mức 2,392 USD/ounce vào ngày 19/04, tăng gần 16% so với đầu năm 2024, trong bối cảnh xung đột địa chính trị gia tăng.

    Trong khi đó, giá vàng SJC trong nước chính thức lập đỉnh mới với mức 85.5 triệu đồng/lượng vào ngày 15/04. Như vậy, giá vàng trong nước tăng xấp xỉ hơn 12% kể từ đầu năm. Có thể thấy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng nới rộng hơn.

    Việc này xảy ra không chỉ do giá vàng thế giới tăng hay xung đột địa chính trị kéo dài, mà còn do nguồn cung trong nước khá hạn chế, bởi NHNN là cơ quan độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng thông qua SJC. Hơn nữa, Việt Nam dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Nếu nhập khẩu lượng vàng quá lớn có thể gây áp lực lên tỷ giá do làm suy giảm nguồn ngoại tệ.

    Do vậy, để hạ nhiệt thị trường vàng trong nước, NHNN trong tuần này đã thực hiện đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm dừng, nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường từ đó bình ổn thị trường vàng trong thời gian tới.

    Tuy nhiên, nếu tỷ giá tiếp tục biến động mạnh và giá vàng vẫn chưa thể được kiểm soát, NHNN cũng sẽ sẵng sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có việc gia tăng sử dụng dự trữ ngoại hối cũng như dự trữ vàng.

    Tin này cũng góp một phần khiến tỷ giá lập tức tăng nóng và neo cao kể từ cuối tuần qua.

    Ngoài ra, hiện tại, việc giảm bớt căng thẳng giữa Iran-Israel có thể đem lại một nhịp điều chỉnh giảm giá cho XAU/USD và khiến thị trường chuyển trọng tâm sang dữ liệu kinh tế của Mỹ sắp tới. Mặt khác, nếu có một phản ứng trả đũa khác từ Iran thì sẽ có thể làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng “hạt nhân” ở Trung Đông và khiến Vàng tiếp tục tăng mạnh.

    4. Áp lực margin ở các nhà đầu tư cá nhân

    Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý 1/2024 ước tính tăng 23,000 tỷ so với cuối năm 2023, đạt khoảng 195,000 tỷ đồng, ghi nhận là mức cao nhất từ trước đến nay, hơn cả giai đoạn mà VN-Index trên mốc 1,500 điểm vào năm 2022. Đặc biệt là trong tháng 3 qua đầu tháng 4, thanh khoản thị trường tăng đáng kể, cho thấy cầu mua là rất mạnh mẽ, đặc biệt là từ các nhà đầu tư cá nhân.

    Tuy chưa xảy ra hiện tượng căng margin và áp lực hạ margin từ các CTCK, bởi ước tính tỷ lệ dư nợ margin/VCSH của các CTCK hiện nằm trong khoảng 100-140%, còn khá thấp so với mức quy định không được vượt quá 2 lần VCSH. Nhưng với cú sập mạnh trong tuần qua đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân rơi vào tình trạng bán giải chấp, hay call margin, và buộc phải bán bớt cổ phiếu để đưa danh mục về tỷ trọng an toàn. Điều này cũng góp phần khiến thị trường bị bán tháo mạnh trong một vài phiên.

    5. Nháo nhào vì tin đồn

    Trong thời gian qua, đã xuất hiện một số tin đồn tiêu cực chưa được xác nhận lan truyền nhanh chóng trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội, từ việc bắt bớ các quan chức, lãnh đạo cho tới việc đồn đoán các hành động tiếp theo của NHNN.

    Từ trước giờ, nhà đầu tư cá nhân hay có quan niệm “tin đồn đi trước, tin thật đi sau”, do vậy mà dù “tin đồn” dù được xác nhận hay chưa thì thị trường vẫn phản ứng trước rất nhanh chóng và đôi khi cũng “thái quá” dẫn đến hiện tượng FOMO hay bán tháo, mua đuổi, khiến thị trường biến động mạnh bất ngờ.  

    “Rối ren” kỳ vọng về biến động vĩ mô

    Kinh tế vĩ mô

    Nhìn chung, điều rõ ràng nhất hiện nay là sức ép tỷ giá liên tục sẽ tác động lớn tới việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của NHNN. Hiện nay, NHNN vẫn giữ chính sách nới lỏng và độc lập so với các chính sách còn thắt chặt của nhiều nơi trên thế giới, và đồng VND tiếp tục neo với USD, thuận lợi cho dòng vốn luân chuyển tự do.

    Tuy nhiên, tỷ giá USD/VNĐ tăng quá nóng trong thời gian gần đây đang đặt câu hỏi lớn cho việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

    Hành động hút tiền về trong tháng 3 vừa qua là đi ngược với chính sách nới lỏng, nhưng nhìn chung, điều này cũng chỉ làm suy giảm tính độc lập của chính sách chứ chưa tới mức gọi là “phụ thuộc” vào xu hướng chính sách của Mỹ hay thế giới là thắt chặt và tăng lãi suất.

    Tuy vậy, việc hút tiền lần này lại không đủ “thấm” với thị trường ngoại hối. Mặt khác, FED dự kiến tiếp tục giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn. Thêm vào đó, lãi suất huy động và cho vay trên thị trường trong nước cũng được cho là đang tạo đáy gần đây. Trong khi đó, lạm phát đang nóng dần trở lại với mức tăng 3.77% so với cùng kỳ trong quý 1/2024.  Đây đều là những tín hiệu mà nhiều “chứng sĩ” và các chuyên gia dự đoán việc NHNN tăng lãi suất trở lại là có cơ sở.

    Mặt khác, nổ lực mới nhất của NHNN là công khai bán ngoại tệ để can thiệp nhằm giúp tỷ giá giải tỏa áp lực. Đại diện NHNN cho biết đã bán ngoại tệ ở mức giá 25,450 đồng và nhận được phản ứng tích cực từ thị trường. Nhưng phải lưu ý là việc này vừa có lợi nhưng cũng có “hại”, bởi trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức khoảng 95 tỷ USD, tương đương 3 tháng nhập khẩu, được xem là ngưỡng an toàn tối thiểu. Nhìn chung, có thể cần 1-2 tuần nữa để xem tính hiệu quả của biện pháp can thiệp này.

    Thị trường chứng khoán

    Về VN-Index, so với thời điểm quý IV/2023, là giai đoạn gần tương tự hiện nay khi mà tỷ giá tăng nóng, NHNN hút tiền (tổng 263,000 tỷ đồng), FED quyết định giữ mức lãi suất cao kỷ lục, và lạm phát cao, thì chỉ số đã rơi vào nhịp điều chỉnh sâu kéo dài 2 tháng . VN-Index lúc đó đã giảm 218 điểm (-17.6%) từ mức đỉnh của năm là 1,245 điểm, và tìm đáy mới vào cuối tháng 10 tại 1,028 điểm.
    Hiện tại, với nhiều áp lực “dồn nén” kể từ tháng 3 đến nay, VN-Index một lần nữa rơi vào nhịp điều chỉnh với mức giảm hơn 100 điểm (-8%). Và, không giống với cuối năm ngoái, khi mà đà phục hồi của chỉ số được thúc đẩy bởi những kỳ vọng tăng trưởng kinh tế khả quan, lãi suất trong nước tiếp tục xu hướng giảm và đặc biệt là kỳ vọng FED sớm hạ lãi suất vào tháng 3 năm nay. Thì hiện nay, những kỳ vọng này dường như đã bị dập tắt, ngoài yếu tố tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục được “thắp lửa” hi vọng vào nửa cuối năm với tăng trưởng tín dụng được thúc đẩy và nhu cầu tiêu dùng cũng như sản xuất phục hồi mạnh mẽ hơn.

    Nhìn chung, “cú rơi” trong tháng 4/2024 của thị trường chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn thông thường, đồng thời, phản ánh tâm lý “nhạy cảm” và dễ bị chi phối của nhà đầu tư đối với các biến động vĩ mô phức tạp và khó dự đoán.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán

      Bài viết liên quan