Tìm hiểu cùng Tititada!
Dự trữ ngoại tệ, hay dự trữ ngoại hối, bao gồm tiền mặt (ngoại tệ) và các tài sản khác như vàng được nắm giữ bởi các ngân hàng trung ương hoặc cơ quan chịu trách nhiệm về hệ thống tiền tệ, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đây được xem là một loại tài sản quan trọng của một quốc gia. Quỹ dự trữ ngoại tệ có thể bao gồm ngoại tệ, trái phiếu, tín phiếu kho bạc và các chứng khoán chính phủ khác. Hầu hết dự trữ ngoại tệ được nắm giữ bởi các quốc gia là đồng Đô la Mỹ.
Dự trữ ngoại tệ hoạt động như thế nào trên thị trường?
Dự trữ ngoại tệ thường luôn có liên quan tới các hoạt động xuất-nhập khẩu của hầu hết các quốc gia. Khi giao thương với doanh nghiệp ở quốc gia khác, các doanh nghiệp xuất khẩu thường sẽ được các đối tác thương mại của họ thanh toán bằng các loại ngoại tệ khác, như đô la Mỹ hay đồng Euro. Song, thông qua các hệ thống ngân hàng thương mại trong nước, họ đổi chúng lấy đồng nội tệ để chi trả lương cho người lao động và các nhà cung cấp địa phương. Một phần hoặc toàn bộ số tiền ngoại tệ đó được chuyển tới ngân hàng trung ương, nếu được mua lại để nhằm tăng quỹ dự trữ ngoại tệ.
Quỹ dự trữ này sẽ được ngân hàng trung ương sử dụng để hỗ trợ các khoản nợ công và ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ, chủ yếu nhằm ổn định tỷ giá trong nước.
Ngoài việc dự trữ các loại tiền tệ, các ngân hàng cũng gia tăng quỹ dự trữ ngoại tệ của họ bằng cách nắm giữ vàng và các loại tài sản đi kèm với quyền rút vốn đặc biệt. Đồng thời, bất kỳ số dư dự trữ nào mà họ gửi vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng được tính là một phần của quỹ dự trữ ngoại tệ.
Mục đích của việc dự trữ ngoại tệ
Sau đây là một số lý do chính giải thích cho việc dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng quốc gia, trong đó lý do quan trọng nhất chính là lưu giữ và quản lý giá trị đồng nội tệ.
- Lưu giữ giá trị của đồng nội tệ ở một tỷ giá cố định. Việt Nam cố định giá trị của tiền Đồng so với Đô la Mỹ (thông qua việc neo tỷ giá đồng Việt Nam với đồng USD). Bằng cách gia tăng lượng dự trữ Đô la, Việt Nam có thể làm tăng giá trị đồng Đô la so với tiền đồng. Qua đó khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam rẻ hơn so với hàng hóa do Mỹ sản xuất, từ đó giúp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và tăng doanh số bán hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
- Giữ đồng nội tệ thấp hơn đồng Đô la. Ví dụ, Nhật Bản có hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi và ngân hàng trung ương nước này đã mua trái phiếu kho bạc Mỹ để giữ cho tỷ giá đồng Yên thấp hơn đồng Đô la. Điều này cũng góp phần giúp cho hàng hóa xuất khẩu của nó tương đối rẻ hơn, thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế.
- Duy trì khả năng thanh khoản trong trường hợp khủng hoảng kinh tế. Ví dụ, thiên tai xảy ra có thể tạm thời làm ngưng các hoạt động sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu địa phương. Điều này có thể cắt giảm nguồn cung ngoại tệ họ có thể nhận được để thanh toán cho các loại hàng nhập khẩu khác. Khi đó, ngân hàng trung ương có thể can thiệp và đổi ngoại tệ của mình lấy đồng nội tệ để đảm bảo các công ty có thể tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu.
- Đáp ứng các nghĩa vụ tài chính quốc tế của một quốc gia. Việc này bao gồm thanh toán các khoản nợ, tài trợ các hoạt động thương mại và kịp thời đáp ứng các biến động vốn bất thường.
- Tài trợ cho các dự án trong nước. Ví dụ như cơ sở hạ tầng hoặc các công trình công nghiệp.
- Trấn an các nhà đầu tư. Chiến tranh hoặc tình trạng bất ổn nội bộ có thể khiến các nhà đầu tư hoảng sợ và tìm cách chuyển tiền ra khỏi nước. Việc nắm giữ một lượng ngoại hối nhất định có thể giúp quốc gia đó giảm bớt phần nào sự lo sợ của nhà đầu tư về sự mất giá của đồng nội tệ.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư. Hầu hết các ngân hàng trung ương muốn tăng lợi nhuận mà vẫn đảm bảo một mức an toàn cần thiết. Bằng cách dự trữ các loại tiền tệ và tài sản khác nhau, một ngân hàng trung ương có thể tối thiểu hóa các loại rủi ro và cung cấp sự đảm bảo kịp thời nếu một khoản đầu tư giảm sút.
Dự trữ ngoại tệ bao nhiêu là đủ?
Lượng dự trữ ngoại tệ nhiều hay ít phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Song, các quốc gia thường dự trữ một lượng ngoại tệ tối thiểu đủ để thanh toán từ 3 đến 6 tháng các hoạt động nhập khẩu. Điều này có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu lương thực, hàng hóa thiết yếu trong một số trường hợp phát sinh không lường trước được. Bên cạnh đó, họ cũng có thể cần phải có đủ dự trữ ngoại tệ để trang trải cho các khoản nợ công và thâm hụt tài khoản vãng lai của quốc gia trong 12 tháng.
Những quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất năm 2020. Ảnh: Statista
Theo thống kê, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức kỷ lục cao nhất là 109.6 tỷ USD vào tháng 1/2022. Tuy nhiên, do sự tăng giá mạnh của đồng đô la khiến đồng VND bị mất giá, nên Ngân hàng Nhà Nước đã phải bán một lượng lớn dự trữ ngoại hối nhằm ổn định tỷ giá. Do vậy, mức dự trữ ngoại hối đã giảm xuống còn 85.8 tỷ USD trong tháng 9/2022. Mức này tương đương với khoảng 3 tháng nhập khẩu của cả nước.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia bị cạn kiệt lượng dự trữ ngoại tệ?
Nếu dự trữ ngoại tệ của một quốc gia trở nên cạn kiệt, nền kinh tế đó có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngay cả khi quốc gia đó có dự trữ vàng hoặc một lượng tài nguyên thiên nhiên đáng kể, thì chúng vẫn không thể đảm bảo được tính thanh khoản như quỹ dự trữ ngoại tệ. Việc chính phủ không thể nhanh chóng chi tiêu và mua hàng hóa có thể làm lung lay niềm tin vào đồng tiền quốc gia đó và gây bất ổn cho toàn bộ thị trường.
Ví dụ: Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Sri Lanka, bắt đầu vào tháng 4/2022, đã gây một tiếng vang lớn, buộc Tổng thống nước này phải từ chức. Theo đó, quốc gia này đã rơi vào tình trạng vỡ nợ kể từ tháng 5 và hiện đang nắm giữ một khoản nợ tương đương 51 tỷ USD. Cùng với đó, lạm phát nước này cũng đang ở mức gần 40%, nguyên nhân là do ngày càng mất khả năng chi trả cho các hàng hóa nhập khẩu như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men, qua đó dẫn đến thiếu nguồn cung trầm trọng. Điều này là cũng do dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 50 triệu USD, giảm mạnh 99% so với 7.6 tỷ USD vào năm 2019.
Tại sao đồng Đô la là đồng tiền trú ẩn an toàn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế?
Trong những giai đoạn nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, các nhà đầu tư và nhà giao dịch tiền tệ thường tìm cách chuyển đổi tiền mặt đang nắm giữ thành đồng Đô la. Mặc dù đồng Franc Thụy Sĩ hay đồng Yên Nhật cũng đều là những loại tiền tệ có sức ảnh hưởng lớn, nhưng Đô la Mỹ vẫn được coi là tài sản trú ẩn an toàn nhất trong thị trường tiền tệ, bởi sức ảnh hưởng toàn cầu của nó.
Đồng Đô la là đồng tiền được dự trữ nhiều nhất trên thế giới và được sử dụng trong nhiều giao dịch kinh doanh quốc tế. Giá trị của chúng được hỗ trợ, hay đảm bảo, bởi lượng dự trữ vàng lớn nhất thế giới, nắm giữ bởi ngân hàng trung ương Mỹ. Trong năm 2022, ‘Đồng bạc xanh’ của Mỹ đã tăng giá mạnh và chiếm được ưu thế cạnh tranh ở mức cao nhất trong hai thập kỷ gần đây, so với các loại tiền tệ phổ biến. Rất nhiều nhà đầu tư đã rót vốn vào loại tiền tệ này, đặc biệt là kể từ khi động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Hoa Kỳ được đẩy nhanh hơn bao giờ hết, qua đó tiếp đà tăng cho đồng đô la. Tuy nhiên, do đồng đô la tăng giá khiến các đồng nội tệ của nhiều quốc gia khác giảm đáng kể, nên các ngân hàng trung ương buộc phải bán bớt lượng dự trữ đồng đô la của họ ra thị trường, nhằm kiểm soát và ngăn đà giảm giá trị đồng tiền của họ.
Liệu có sự xuất hiện của một đồng tiền dự trữ toàn cầu thay thế?
Với cuộc chiến địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục xảy ra, cuối năm 2022, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và các thành viên khác trong nhóm các quốc gia BRICS, để phát triển một đồng tiền dự trữ toàn cầu. Đồng tiền này có thể dựa trên một rổ các loại tiền tệ của các thành viên trong tổ chức bao gồm Brazil, Ấn Độ và Nam Phi.
Động thái này diễn ra sau khi Nga bị “bóc tách” khỏi hệ thống tài chính thế giới, sau khi chiến dịch quân sự bùng nổ; qua đó làm hạn chế mức độ tiếp cận của Nga đối với đồng Đô la. Một số chuyên gia đánh giá rằng, đây có thể là một lựa chọn hấp dẫn hơn đối với nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi, bởi họ có thể giảm độ phụ thuộc vào đồng Đô la. Đồng thời, “nhiều khả năng là đồng tiền BRICS có thể thu hút lượng lớn dự trữ ngoại tệ không chỉ của các quốc gia thành viên, mà còn của các quốc gia thuộc phạm vi ảnh hưởng của họ, bao gồm các quốc gia ở Nam Á và Trung Đông.”
Ngoài ra, những người ủng hộ tiền điện tử tin rằng, tài sản kỹ thuật số cũng có thể là một thách thức lớn đối với sự thống trị của các loại tiền tệ cơ bản. Một số ngân hàng trung ương cũng đang bắt đầu xem xét công nghệ blockchain ứng dụng cho các đồng tiền kỹ thuật thực nghiệm.
Tóm tắt:
- Dự trữ ngoại tệ là một loại tài sản quan trọng của một quốc gia và được nắm giữ bởi các ngân hàng trung ương hoặc cơ quan quản lý hệ thống tiền tệ như IMF.
- Việc dự trữ ngoại tệ của hệ thống các ngân hàng trung ương đóng vai trò rất quan trọng, trong đó mục đích quan trọng nhất chính là lưu giữ và quản lý giá trị đồng nội tệ.
- Lượng dự trữ ngoại tệ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, và các quốc gia thường dự trữ một lượng ngoại tệ tối thiểu là từ 3 đến 6 tháng để thanh toán cho hàng nhập khẩu cũng như đề phòng cho một số trường hợp cấp bách.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.