Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Ảnh hưởng của cung tiền lên nền kinh tế

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    Cung tiền đóng vai trò quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vĩ mô của một quốc gia thông qua lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái và sự tăng trưởng kinh tế.

    - Việc tăng cung tiền có làm giảm lãi suất, khiến việc vay tiền trở nên rẻ hơn tạo điều kiện cho nhu cầu chi tiêu và đầu tư gia tăng, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế.  

    Cung tiền là một yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vĩ mô của một quốc gia qua bốn khía cạnh chính: lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái và sự tăng trưởng kinh tế. Cung tiền được hiểu là tổng số tiền có sẵn trong nền kinh tế tại một thời điểm cụ thể, bao gồm tiền mặt, tiền xu và số dư được giữ trong tài khoản thanh toán và tiết kiệm. Ngoài ra, nó còn bao gồm nhiều hình thức tín dụng và tiền gửi khác nhau, có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt để giao dịch.

    Nhìn chung, cách mà cung tiền ảnh hưởng đến nền kinh tế rất đa dạng, hãy cùng Tititada tìm hiểu qua bài viết này nhé!  

    Ảnh hưởng của cung tiền lên nền kinh tế

    Lạm phát và giảm phát

    Một trong những tác động trực tiếp nhất của cung tiền lên nền kinh tế là lạm phát. Khi nguồn cung tiền tăng lên mà không đi kèm với sự gia tăng trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ, giá cả có xu hướng tăng nhanh, dẫn đến lạm phát. Bởi về cơ bản, nếu có nhiều tiền hơn để theo đuổi cùng một lượng hàng hóa thì mỗi đơn vị tiền tệ sẽ trở nên kém giá trị hơn, do đó giá cả sẽ tăng lên. Điều này có thể được giải thích bằng lý thuyết về lượng tiền (quantity theory of money), được biểu thị qua công thức:

    M x V = P x T

    Trong đó, M là khối lượng tiền tệ (hay cung tiền), V là tốc độ lưu thông tiền tệ (số lần bình quân mỗi đơn vị đồng tiền được trao tay để thanh toán các giao dịch), P là mức giá cả chung và T là tổng khối lượng giao dịch hàng hóa, dịch vụ.

    Sự gia tăng cung tiền sẽ dẫn đến sự tăng giá tương ứng nếu tốc độ lưu thông của tiền và sản lượng của nền kinh tế không đổi. Ngược lại, nguồn cung tiền giảm có thể dẫn đến giảm phát, giá cả giảm chung. Giảm phát có thể làm tăng giá trị thực của nợ, dẫn đến giảm chi tiêu và đầu tư khi người tiêu dùng và doanh nghiệp có gánh nặng về nợ cao hơn, có khả năng dẫn đến hoạt động kinh tế chậm lại.

    Lãi suất

    Cung tiền cũng tác động đáng kể đến lãi suất, hay chi phí vay tiền. Các ngân hàng trung ương có thể tác động đến nguồn cung tiền thông qua hoạt động thị trường mở, điển hình là mua hoặc bán trái phiếu chính phủ để điều chỉnh lãi suất điều hành, từ đó tác động đến lãi suất trên toàn nền kinh tế.

    Cung tiền tăng thường làm giảm lãi suất, khiến việc vay tiền trở nên rẻ hơn. Điều này có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng nhu cầu chi tiêu và đầu tư, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Lãi suất thấp hơn cũng làm cho trái phiếu và các khoản đầu tư an toàn, có thu nhập cố định khác kém hấp dẫn hơn so với cổ phiếu hay bất động sản. Do đó, các nhà đầu tư có thể chuyển tiền vào cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, từ đó đẩy giá cổ phiếu lên cao.

    Ngược lại, việc thắt chặt cung tiền có thể làm tăng lãi suất, hạn chế vay mượn và chi tiêu, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, đồng thời có khả năng khiến các nhà đầu tư chuyển vốn ra khỏi cổ phiếu và tìm tới các kênh tài sản như tiền gửi hay trái phiếu. Nếu tình trạng này kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp có thể leo thang làm cho nền kinh tế dần suy thoái.

    Tỷ giá hối đoái

    Bên cạnh lạm phát và lãi suất, cung tiền cũng ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, tức là giá trị của một loại tiền tệ so với loại tiền khác. Một quốc gia có nguồn cung tiền tăng nhanh có thể thấy đồng tiền của mình mất giá so với các loại tiền tệ khác. Nguyên nhân là do tỷ lệ lạm phát cao hơn làm giảm sức mua của đồng tiền. Một đồng tiền yếu hơn có thể làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn và hàng xuất khẩu rẻ hơn, gây ảnh hưởng đến cán cân thương mại của quốc gia.

    Chu kỳ kinh tế và tăng trưởng tín dụng

    Chu kỳ kinh tế bị ảnh hưởng sâu sắc từ sự thay đổi trong cung tiền, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế thông qua nhiều phương diện khác nhau. Trong giai đoạn kinh tế phát triển, nguồn cung tiền tăng lên có thể dẫn đến lãi suất thấp hơn. Sự gia tăng tín dụng sẵn có này có thể thúc đẩy đầu tư và chi tiêu, dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Ví dụ, các doanh nghiệp có thể tận dụng chi phí vay thấp hơn để mở rộng hoạt động hoặc đầu tư vào các dự án mới, trong khi người tiêu dùng có thể có xu hướng mua nhà, ô tô hoặc hàng hóa và dịch vụ khác bằng tín dụng. Ngược lại, chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc giảm cung tiền có thể được sử dụng để hạ nhiệt nền kinh tế đang quá nóng và kiềm chế lạm phát.

    Như được đề cập ở trên, tín dụng đóng vai trò cơ bản trong cung tiền, đặc biệt là trong cung tiền M2 và M3. Nó là huyết mạch của doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp có thể chuyển giao công nghệ, mở rộng hoạt động kinh doanh hay tăng nguồn nhân lực của công ty. Đối với người tiêu dùng, việc tiếp cận nguồn tín dụng tạo điều kiện cho họ có thể mua sắm, chi tiêu thoải mái hơn. Do đó, khi các ngân hàng cung cấp nhiều khoản vay hơn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, nó không chỉ làm tăng cung tiền mà còn kích thích hoạt động kinh tế thông qua việc thúc đẩy chi tiêu và đầu tư nhiều hơn.

    Niềm tin của người tiêu dùng và quyết định đầu tư kinh doanh gắn chặt với điều kiện tín dụng. Trong thời kỳ nới lỏng tín dụng, người tiêu dùng có xu hướng mắc nợ hơn do họ có niềm tin rằng nền kinh tế đang phát triển. Tương tự, các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư mở rộng và đổi mới hơn khi có thể dễ dàng tiếp cận tín dụng. Mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng tín dụng, chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh chính là động lực chính cho việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái và các chính sách thắt chặt tín dụng được ban hành, tức là cung tiền cũng bị thu hẹp. Từ đó, người tiêu dùng bắt đầu cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là các khoản mua sắm cần nhiều tín dụng, trong khi đó, doanh nghiệp sẽ trì hoãn hoặc thu hẹp quy mô kế hoạch đầu tư. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia, dẫn đến giai đoạn đi xuống của chu kỳ kinh doanh.

    Về lâu dài, cung tiền có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Nếu trong ngắn hạn, sự gia tăng cung tiền có thể kích thích hoạt động kinh tế, thì về dài hạn, chính sự tăng trưởng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ mới là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu cung tiền tăng với tốc độ vượt quá khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế, nó có thể dẫn đến áp lực lạm phát mà không góp phần vào tăng trưởng kinh tế. 

    Kết luận

    Cung tiền và nền kinh tế có tác động chặt chẽ và mật thiết với nhau. Mặc dù NHNN có thể sử dụng quyền kiểm soát nguồn cung tiền như một công cụ mạnh mẽ để tác động đến hoạt động kinh tế nhưng nó không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho mọi trường hợp. Việc quản lý nguồn cung tiền phù hợp đòi hỏi sự điều chỉnh phù hợp dựa vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm lạm phát, lãi suất và tăng trưởng kinh tế để góp phần tạo nên sự ổn định của nền kinh tế.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán