Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Thịt lợn: Chỉ báo lạm phát/giảm phát của Trung Quốc

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Thịt lợn được xem là "chỉ báo" quan trọng cho tình trạng lạm phát, giảm phát nhờ quy mô của ngành công nghiệp này tại Trung Quốc.

    - Theo tính toán của các chuyên gia, giá thịt lợn tăng 10% sẽ đẩy CPI của Trung Quốc tăng 0.3%.  

    Thịt lợn quan trọng như thế nào ở Trung Quốc?

    Thịt lợn đã có trong ẩm thực Trung Quốc trong hơn 2,000 năm nay. Đây là loại thịt được ưa chuộng và tiêu thụ nhiều nhất trong chế độ ăn của người Trung Quốc. Quốc gia này là nước tiêu dùng và sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới; chiếm 40% lượng tiêu thụ thịt lợn trên toàn thế giới. Đồng thời có đàn lợn lớn nhất thế giới và chiếm hơn ½ tổng đàn lợn toàn cầu. Khoảng 60% sản lượng toàn bộ ngành công nghiệp thịt của Trung Quốc là thịt lợn.

    Năm 2022, Trung Quốc sản xuất khoảng hơn 55 triệu tấn thịt lợn.

    Quy mô lớn của ngành thịt lợn khiến nó trở thành nhân tố chủ chốt trong bối cảnh kinh tế của đất nước. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi sản xuất và cung ứng thịt lợn đều có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và góp phần vào các xu hướng kinh tế rộng hơn.

    Yếu tố khiến ngành thịt lợn dễ bị tác động và sự ảnh hưởng của nó

    1. Dịch tả lợn châu Phi (ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gây tử vong ở lợn, có thể ảnh hưởng đến cả lợn nuôi và lợn hoang dã. (ASF không lây nhiễm sang người).

    2. Giảm sản lượng và thiếu nguồn cung thịt lợn vì nhiều lý do như thiếu lao động, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng, các quy định về môi trường, hay đặc biệt là đại dịch COVID-19, có thể làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội và đời sống của người dân.

    3. Thay đổi trong thói quen tiêu dùng: Người tiêu dùng điều chỉnh hành vi của họ trước việc giá thịt lợn tăng/giảm bằng cách giảm/tăng tiêu thụ thịt lợn và thay thế bằng các loại thịt khác như thịt gà và thịt bò. Điều này ảnh hưởng đến nhu cầu thịt lợn và đến cả sinh kế của nông dân và các doanh nghiệp phụ thuộc vào ngành thịt lợn.

    Ví dụ từ tháng 8/2018 đến 2019, khi dịch ASF bùng phát mạnh, hơn 1 triệu con lợn ở Trung Quốc đã bị tiêu hủy trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Vào tháng 9/2019, giá thịt lợn của Trung Quốc tăng 69.3% so với một năm trước, điều này đã đẩy giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng 11.2% trong tháng, tăng nhanh hơn so với mức tăng 10% của tháng trước đó.

    Các chuyên gia ước tính có khoảng 225 triệu con lợn ở Trung Quốc đã chết hoặc bị tiêu hủy do dịch bệnh bùng phát và gần 25% tổng đàn lợn toàn cầu đã chết vì ASF từ năm 2018-2019.

    Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6.1%, đánh dấu tốc độ tăng chậm nhất trong gần 3 thập kỷ vào thời điểm đó. Mặc dù ASF không phải là yếu tố duy nhất nhưng nó góp phần đáng kể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, bởi công nghiệp thị lợn đóng góp khoảng 0.5-1% GDP Trung Quốc.

    Đồng thời, thịt lợn chiếm khoảng 2-3% tỷ trọng trong rổ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Các chuyên gia tính toán, giá thịt lợn tăng 10% sẽ đẩy CPI tăng 0.3%.  

    Thịt lợn phản ánh sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc năm 2023

    Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 10/2023, giảm 0.2% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến nước này đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát và làm dấy lên lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

    Sự sụt giảm chủ yếu là do giá thực phẩm giảm 4%, với giá thịt lợn giảm mạnh nhất, 30% so với một năm trước, trong đó, chỉ trong nửa đầu tháng 11, giá lợn đã giảm 11%.

    Hợp đồng tương lai lợn tương lai được giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc ở mức 15,380 nhân dân tệ/tấn vào ngày 24/11/2023, giảm hơn 20% so với một năm trước. Có lúc xuống mức thấp nhất là 14,070 nhân dân tệ vào đầu tháng Hai.

    Điều này phản ánh kỳ vọng giảm mạnh về giá thịt lợn trên toàn quốc. Chủ yếu là do các hộ gia đình và doanh nghiệp thận trọng chi tiêu hơn trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm chạp, do đó cũng khiến nguồn cung trở nên dồi dào hơn nhu cầu thực.  

    Những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu tại Trung Quốc

    - Căn hộ là tài sản chính của các gia đình Trung Quốc, chiếm 3/5 đến 4/5 tài sản hộ gia đình. Giá căn hộ giảm khiến nhiều người không muốn chi tiền. Theo Viện nghiên cứu Beike, giá nhà hiện nay ở 100 thành phố trên khắp Trung Quốc đã giảm trung bình gần 18% kể từ tháng 8/2021.

    - Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt 21.3% vào tháng 6/2023, sau đó chính phủ quyết định không tiết lộ con số này nữa.

    -  Các hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch của Trung Quốc cũng có tác động lâu dài đến mức độ sẵn lòng chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, mặc dù Trung Quốc đã từ bỏ các biện pháp Zero-Covid 11 tháng trước.

    Giảm phát

    Nguyên nhân gây giảm phát ở Trung Quốc phức tạp hơn ở các nước như Nhật Bản và hậu quả có thể còn nghiêm trọng hơn. Giảm phát ở Nhật Bản chủ yếu là do tiêu dùng thấp do dân số già đi nhanh. Ở Trung Quốc, ngoài vấn đề già hóa dân số, còn có những vấn đề về thể chế.

    Trung Quốc có số lượng tỷ phú cao thứ hai trên toàn cầu nhưng cũng có hơn 600 triệu người có thu nhập hàng ngày dưới 5 USD. Và hiện nay, hầu hết người dân đều ngần ngại chi tiêu hơn khi nền kinh tế đang suy yếu.

    Về mặt đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân hiện nay liên tục bị thanh tra và đàn áp, dẫn đến không muốn đầu tư bất chấp lãi suất thấp, gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.

    Nợ của chính quyền địa phương đã lên tới 100 nghìn tỷ nhân dân tệ (13 nghìn tỷ USD). Với sự suy thoái kinh tế, nguy cơ vỡ nợ đã tăng lên. Do đó đầu tư công cũng có xu hướng giảm.

    Chính sách “giảm thiểu rủi ro” của các nước phương Tây đối với Trung Quốc và chính sách “chống gián điệp” của chính Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến sự suy giảm liên tục trong xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trong một thời gian dài sắp tới.

    Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 10 giảm 2.6% svck, là tháng thứ 13 liên tiếp theo xu hướng giảm. Và, chỉ số sản xuất PMI của Trung Quốc cũng giảm còn 49.5 trong tháng 10, nằm dưới ngưỡng 50 là chỉ báo cho dấu hiệu thắt chặt hoạt động kinh tế.

    Nhìn chung, tuy những thay đổi về giá lương thực có thể đột ngột và không nhất thiết dẫn đến sự giảm phát hoặc lạm phát, nhưng nó phản ánh về niềm tin và nhu cầu thực của một nền kinh tế.  

    Trung Quốc làm gì để ổn định giá?

    Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 24/11/2023 thông báo mua thêm thịt lợn dự trữ để hỗ trợ tăng giá, là lần thứ 3 trong năm.

    Như trong tháng 7/2023, giá lợn đã tăng vọt trong sau thông báo của NDRC mua thêm thịt lợn dự trữ, nhưng đến đầu tháng 8, giá lại giảm khi những công ty niêm yết lớn trong ngành, bao gồm Muyuan và New Hope, đã chọn không cắt giảm công suất mặc dù nhu cầu ngày càng yếu đi.

    Trong quá khứ, 2018-2019, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hai khoản trợ cấp trang trại gồm: (i) trợ cấp tiêu hủy bắt buộc, nhằm bù đắp thiệt hại do các đợt bùng phát mới bằng cách bồi thường cho những con lợn bị tiêu hủy do ASF, và (ii) trợ cấp chăn nuôi quy mô lớn, với điều kiện duy trì hoặc tăng quy mô chăn nuôi tối thiểu.  

    Việt Nam có bị ảnh hưởng giá lợn Trung Quốc?

    Việt Nam là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn thứ 6 thế giới, với tỷ lệ tiêu thụ thịt heo/sản xuất là 105.4%.

    Năm 2019, Việt Nam cũng phải đối mặt với đợt dịch tả lợn châu Phi nghiêm trọng khi có hơn 8,500 ổ dịch trên cả nước. Gần 6 triệu con lợn phải bị tiêu huỷ, gây thiệt hại lên hơn 13,200 tỷ đồng. Liên tục tới các năm sau, dịch tả này tiếp tục khiến cả nước phải tiêu hủy hơn 86,000 con vào năm 2020, 279,000 con vào năm 2021, và 60,000 con vào năm 2022.

    Và trong năm 2023, đến tháng 10 đã có hơn 18,000 con lợn buộc phải tiêu hủy, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, các đợt mưa lũ đã tạo điều kiện cho việc lây lan mầm bệnh nhanh chóng, và sự thiếu ý thức của một số hộ dân khi vứt xác lợn chết ra môi trường hay thậm chí che giấu thông tin về lợn bị dịch và đem đi bán.

    Căn bệnh này đã khiến đàn lợn trong nước giảm đáng kể, dẫn đến tình trạng thiếu thịt lợn và khiến giá cả ngày càng cao hơn, do nhu cầu trong nước vẫn duy trì cao.

    Tính đến tháng 10, giá heo hơi trong nước dao động 66,000 – 69,000 đồng/kg, tăng 15-20% so với tháng trước và tăng 35-40% so với đầu năm.

    Lũy kế 10 tháng năm 2023, lượng nhập khẩu thịt heo đạt 94,641 tấn, tăng 7.7% svck năm trước, và ghi nhận tăng liên tục từ cuối tháng 5. Đặc biệt là nhập khẩu phụ phẩm từ heo tăng mạnh 77.9%, đạt 94,831 tấn. Điều này trùng hợp với dịch tả lợn bắt đầu bùng phát mạnh từ tháng 8 tới nay.

    Tuy vậy, lượng nhập khẩu thịt lợn trung bình chỉ bằng khoảng 3-4% tổng sản lượng sản xuất thịt lợn trong nước, do vậy mà thịt nhập khẩu vẫn chưa đủ sức để tác động lên giá lợn trong nước.

    Cập nhật: ngày 28/11/2023


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán