Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Thúc đẩy đầu tư công làm động lực tăng trưởng kinh tế

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Đầu tư công có thể mang lại nhiều lợi ích như mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cấp hạ tầng, tạo việc làm mới,… hướng tới tăng trưởng kinh tế.

    - Có thể đánh giá tính hiệu quả của đầu tư công thông qua các chỉ số như Hệ số ICOR và Hiệu ứng số nhân.  

    Đầu tư công đem lại gì cho một quốc gia?

    Sau năm 2023, chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa để tiếp tục được nới lỏng, với mặt bằng lãi suất hiện nay là khá thấp, chênh lệch lớn so với lãi suất liên bang của Mỹ, áp lực tỷ giá gia tăng, khiến cung tiền bị siết chặt trở lại.

    Do vậy, năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục dựa vào chính sách tài khóa mở rộng, thông qua việc giảm thuế và thúc đẩy vốn đầu tư, trong đó đầu tư công là trọng điểm, để hướng tới các mục tiêu tăng trưởng kinh tế tích cực.

    Đầu tư vốn của chính phủ được hiểu là đầu tư công, là một phần của chi tiêu chính phủ (Gov’t spending) – công cụ chính, ngoài thuế, trong chính sách tài khóa của một quốc gia.

    Chính sách tài khóa > Chi tiêu chính phủ > Đầu tư công > Tăng trưởng kinh tế

    Ngày nay, phần lớn các quốc gia công nghiệp hóa và mới nổi sử dụng chi tiêu công để thay đổi cơ cấu thu nhập quốc dân, cải thiện phân phối thu nhập và định hướng phân bổ nguồn lực theo các hướng mong muốn.

    Nhìn chung, đầu tư công đúng mực sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cả phát triển một số mặt:

    - Hình thành tài sản bằng cách mở rộng, nâng cấp cơ sở sản xuất và tăng hiệu quả hoạt động, giúp nền kinh tế tạo ra thu nhập trong nhiều năm tới.

    - Cung cấp cơ sở hạ tầng từ cơ bản đến nâng cao, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ, từ đó thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh doanh.

    - Tạo ra công việc mới, giúp tăng cường lực lượng lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động.

    - Đầu tư công vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu giúp nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của lao động, cường năng suất và khả năng cạnh tranh của quốc gia; khuyến khích sáng tạo, đổi mới công nghệ, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.  

    Đầu tư công tiếp tục là theme chính năm 2024

    Trong năm 2023, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm chạp, chủ yếu do nền kinh tế còn nhiều khó khăn và do các yếu tố khác như mâu thuẫn, chồng chéo về cơ chế, chính sách; công tác giải phóng mặt bằng bị gián đoạn do có nhiều bất cập mà người dân chưa đồng thuận; chậm điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án do nhiều bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn tâm lý giữ vốn,…

    Theo Bộ Tài chính, đến hết ngày 31/1/2024 (hết thời hạn để giải ngân vốn đầu tư năm 2023), ước cả nước giải ngân vốn ĐTC được 662,588,2 tỷ đồng, đạt 82.47% kế hoạch và đạt 93.12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (711,559.8 tỷ đồng).

    Vốn ĐTC năm 2023 được bố trí tập trung hơn vào các ngành, lĩnh vực then chốt, như phát triển hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế và trợ giúp xã hội, khắc phục thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, đã có 475 km đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng trong năm 2023, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay lên khoảng 1,900 km. Trong năm 2024, với chính sách tài khóa mở rộng và Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua (với một số Điều khoản sẽ có hiệu lực ngay trong năm 2024), đầu tư công tiếp tục được coi là một trong những động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.

    Năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công Thủ tướng Chính phủ giao là 688,496 tỷ đồng.

    Năm nay, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 3,000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025. Trong năm 2024, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Nâng cấp các tuyến luồng hàng hải và khởi công một số dự án đường bộ cao tốc.

    Việc sử dụng vốn đầu tư và đầu tư công đã hiệu quả ra sao?

    Để đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư, chúng ta có thể xem xét Hệ số ICOR và Hiệu ứng số nhân.

    1. Hệ số ICOR

    Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đo lường qua ICOR, cho thấy cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư bổ sung để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

    Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội (VĐTTHTXH) của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng trung bình 12.4% trong 10 năm qua (2014-2023), từ mức 1,091 nghìn tỷ đồng lên tới hơn 3,423 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2023.

    Trong đó, VĐT thuộc nhà nước thường chiếm khoảng 36% tổng VĐTTHTXH, nhưng kể từ năm 2020 đến nay, tỷ trọng này đã giảm dần xuống chỉ còn 28% vào năm 2023, đạt gần 954 nghìn tỷ đồng. Riêng Chi đầu tư phát triển (hay đầu tư công) luôn chiếm phần lớn, khoảng 60-70%, nguồn VĐT thuộc nhà nước.

    Đặc biệt trong năm cuối của giai đoạn 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTXH giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng vốn đầu tư công ghi nhận mức tăng cao kỷ lục, từ 208 nghìn tỷ đồng lên 576 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, nhờ Chính phủ thực hiện hàng loạt các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Tuy tốc độ tăng này hạ nhiệt vào các năm 2021-2023 do kinh tế gặp nhiều khó khăn từ đại dịch Covid-19.

    So với GDP, tổng VĐTTHTXH của Việt Nam khá thấp và hầu như không tăng kể từ năm 2011, chỉ khoảng 30% GDP. Hệ số ICOR nằm trong khoảng 5.5 – 6 lần, nghĩa là Việt Nam cần bỏ ra khoảng 5.5 – 6 đồng vốn đầu tư để có thể đạt thêm 1 đồng sản lượng đóng góp vào GDP. Ngoại trừ hai năm 2020 và 2021, hệ số ICOR tăng lên tới 14.27 và 15.54 vì tăng trưởng GDP giảm tốc chỉ đạt 2.87% và 2.55% do ảnh hưởng Covid-19.

    Nhưng năm 2022, theo ước tính, ICOR đã giảm đáng kể xuống còn khoảng 5.92 lần, cho thấy nền kinh tế đang phục hồi từ tác động của đại dịch, với việc tăng trưởng GDP được thúc đẩy bởi hiệu quả đầu tư cao hơn.

    So sánh với các nước khác, ICOR của Trung Quốc trung bình 5 năm tính tới 2022 là 8.1 lần, Indonesia đạt 6.2 lần vào năm 2022 và Singapore đạt 3.2 lần vào năm 2023.

    Trong “Báo cáo Việt Nam 2035”, giả thiết ICOR bằng 4.56 – 4.83 trong giai đoạn 2021-2025 là một thách thức lớn vì đầu tư công tuy vẫn đang được đẩy mạnh trong năm 2024 và 2025, nhưng đòi hỏi chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt 7.1% – 7.3% và tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt 33% - 35%.

    Điều này cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn, giúp tạo ra tăng trưởng kinh tế mà không cần phải dựa vào việc tăng cường đầu tư vốn ở mức độ lớn như trước, và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn.

    2. Hiệu ứng số nhân (Multiplier effect)

    Sự gia tăng vốn đầu tư, hay chi phí vốn (CAPEX), thường tác động đến thu nhập quốc gia (GNI) thông qua Hiệu ứng số nhân – đo lường sự thay đổi trong thu nhập quốc dân khi có thêm một đồng được đầu tư vào nền kinh tế.

    Với ước tính tổng thu nhập quốc gia (GNI) của Việt Nam đạt 10,000 nghìn tỷ vào năm 2023, Capex multiplier sẽ là 4.55 lần, nghĩa là với một đồng chi cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội, thu nhập quốc gia tăng khoảng 4.55 đồng. Đây là con số cao nhất được tính trong 10 năm trở lại đây, cho thấy năng suất của nền kinh tế là khá cao khi vốn đầu tư đang tạo ra nhiều thu nhập hơn một cách hiệu quả.

    Theo tính toán, Capex multiplier thấp nhất trong 10 năm là 0.55 lần vào năm 2020, bởi GNI chỉ tăng 5.2% mà tổng VĐTTHTXH lại tăng tới 36.8%, chủ yếu do ảnh hưởng Covid-19 mà lãi suất sụt giảm mạnh, tạo ra dòng tiền “rẻ” dồi dào, thúc đẩy thực hiện vốn đầu tư một cách mạnh mẽ, tuy không đóng góp được mấy vào tăng trưởng GDP và GNI của cả nước trong năm. Nhưng qua tới năm 2021 và 2022, hệ số này đã tăng trở lại lên 3.74 và 3.14, nhanh chóng chứng minh việc tăng chi tiêu vốn đầu tư trong bối cảnh lãi suất thấp nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế là có hiệu quả.  

    Kỳ vọng gì vào đầu tư công cho giai đoạn phát triển tới?

    Từ 2012 đến nay, tỷ lệ vốn đầu tư công (chi đầu tư phát triển) trên GDP của Việt Nam duy trì khá đều trung bình là 6.1%.

    Theo bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia quản trị công  tại World Bank, “quá trình đầu tư công của 13 nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... Khi nền kinh tế của họ giống như ta bây giờ thì họ duy trì vốn đầu tư công tối thiểu là 7% GDP trong một thời gian rất dài và phải mất 20-30 năm mới tạo ra bộ mặt mới, diện mạo mới của nền kinh tế. Có thể khẳng định, việc gia tăng đầu tư công trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nếu không tạo ra sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế thì cũng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Đây là bài học bổ ích để Việt Nam học hỏi.”

    Tuy vậy, việc đẩy mạnh đầu tư công vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến và chế tạo, cũng như nhu cầu tăng ở các thị trường xuất khẩu chính và lĩnh vực du lịch, tiêu dùng trong nước.

    Đồng thời, đầu tư công hiện nay cũng phụ thuộc lớn vào Ngân sách Nhà nước, nên khi ngân sách gặp thâm hụt, việc duy trì đầu tư công liên tục và ổn định trở nên khó khăn, đồng thời có thể làm tăng nợ công, gây cản trở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân, và tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, với bội chi ngân sách dự kiến là 3.6% GDP, Việt Nam cần áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt hơn để thúc đẩy kinh tế mà vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

    Nguồn: Tổng hợp, SBV, GSO

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán