Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Giảm thuế GTGT có ý nghĩa gì với nền kinh tế?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Việc giảm các loại thuế tiêu thụ, gồm thuế VAT, có thể tăng sức mua của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy nhu cầu thực trong nền kinh tế.

    - Giảm thu thuế có thể khiến thâm hụt ngân sách nhà nước và dẫn tới việc Chính phủ bội chi ngân sách.  

    Thuế Giá trị gia tăng là gì?

    Tại Việt Nam, thuế GTGT (hay VAT) là loại thuế gián thu cơ bản nhất, được áp dụng trên tất cả hàng hóa và dịch vụ được bán ra, và người chịu thuế là người tiêu dùng.

    Thuế gián thu có nghĩa là thuế được thu bởi doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và nộp cho chính phủ. Tuy nhiên, thuế này được các doanh nghiệp chuyển cho người tiêu dùng như một phần của giá mua hàng hóa, dịch vụ. Do đó, thuế GTGT được hiểu là thuế mà nhà nước “gián tiếp” thu từ người tiêu dùng thông qua các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh.

    Thuế suất VAT tiêu chuẩn ở Việt Nam là 10%, đối với một số trường hợp có mức 5% và 0%. Hoặc năm 2022, Chính phủ đồng ý cắt giảm thuế suất VAT 2%, xuống 8% đối với nhiều loại hàng hoá.  

    Tại sao phải quan tâm đến các khoản VAT “không đáng kể”?

    Bạn có bao giờ để ý đến mức thuế GTGT bạn chịu trên mỗi sản phẩm hàng hoá mình mua? Hay bạn có thực sự quan tâm khi VAT giảm từ 10% xuống còn 8%? Không nhiều người thực sự quan tâm tới giá trị thuế họ phải trả trên 0.5 kg táo hay 5kg gạo, nhưng đối với những hàng hoá giá trị lớn như một chiếc iPhone hay TV thì khoản thuế này có thể khá lớn và được quan tâm tới bởi người tiêu dùng.

    Nhìn rộng hơn, đối với chính phủ, khoản thuế này cộng gộp lại của hàng triệu người dân là một khoản thu rất đáng kể. Theo WB, tỷ lệ doanh thu thuế và phí của Ngân sách Nhà nước (NSNN) trên GDP của Việt Nam đạt xấp xỉ 20%, cao hơn các nước như Thailand (16.1%), the Philippines (13.5%), Indonesia (12.4%), và Malaysia (14.3%). Điều này có nghĩa là người dân Việt Nam đang phải “gánh chịu” thuế nhiều hơn đáng kể so với các nước Đông Nam Á khác.

    Trong đó, tỷ trọng của thuế gián thu chiếm hơn 60%, và nguồn thu chính là thuế GTGT chiếm 50-60% tổng thu thuế gián thu hiện nay. Trong khi tỷ trọng thuế gián thu ngày càng tăng thì tỷ trọng thuế trực thu (như thuế thu nhập DN hay cá nhân) lại ngày càng giảm, chiếm 44.6% trong tổng thu thuế năm 2012 xuống còn 38.9% năm 2019.

    Điều này cho thấy thuế GTGT, nguồn thu chính của thuế gián thu, đang ngày càng có vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách của nhà nước, đóng góp đáng kể vào các khoản chi tiêu công của chính phủ. Đồng thời cũng có nghĩa là người tiêu dùng đang ngày càng phải trả nhiều thuế hơn cho mọi thứ họ tiêu dùng.  

    Hiểu thêm về Thuế thông qua Chính sách tài khoá

    Đầu tiên, phân biệt hai chính sách vĩ mô chủ đạo nền kinh tế:

    1. Chính sách tiền tệ (CSTT) tìm cách kiểm soát nền kinh tế bằng cách điều tiết cung tiền và lãi suất.

    2. Chính sách tài khóa (CSTK) thông qua chi tiêu chính phủ và thuế để tác động đến nền kinh tế, như tổng cầu, việc làm và lạm phát.

    Thông thường, CSTT thường được “ưu ái” hơn vì sự ảnh hưởng tức thời của nó lên nền kinh tế. Ví dụ tăng lãi suất, thì ngay lập tức hoạt động vay mượn và mua nhà có dấu hiệu chững lại.

    Còn với CSTK, thì việc tăng/giảm thuế có thể được áp dụng liền nhưng phải đợi một thời gian mới thấy được tác động tích luỹ đáng kể, hoặc việc tăng chi tiêu đầu tư công cũng mất nhiều thời gian hơn để thực hiện do tính pháp lý và thủ tục có thể kéo dài.

    Như trong những năm đại dịch Covid-19 xảy ra, hầu hết các quốc gia đều có các hành động như tăng/giảm lãi suất và bơm/hút tiền để kiểm soát lạm phát và vực dậy lại nền kinh tế. Việt Nam cũng không ngoại lệ, sự tập trung đổ dồn lên cách điều hành CSTT phù hợp.

    Chỉ từ năm 2022 tới nay, việc điều hành CSTK thông qua thúc đẩy đầu tư công và giảm các loại thuế, trong đó có thuế GTGT, mới thật sự được mọi người, cả chính phủ, các nhà đầu tư và người tiêu dùng, quan tâm tới như một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, cần được điều hành tích cực hơn theo hướng hỗ trợ CSTT.

    Thứ nhất là bởi tới năm 2023, dư địa để điều chỉnh CSTT không còn nhiều, ví dụ như việc tiếp tục hạ lãi suất trong khi nhu cầu tín dụng không tăng hay trong khi lãi suất của các quốc gia phát triển vẫn còn neo cao sẽ không hiệu quả, hoặc việc tiếp tục bơm tiền sẽ khiến đồng VNĐ rớt giá và cũng không thực sự thúc đẩy được nhu cầu tiêu dùng thực trong nền kinh tế, bởi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn khá yếu.

    Thứ hai là do CSTK vẫn còn khá nhiều dư địa để điều chỉnh. Ví dụ như hiện nợ công của Việt Nam chỉ ở mức 38% GDP, thấp hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo 55% GDP được Quốc hội cho phép. Để đẩy mạnh đầu tư công, Chính phủ có thể tìm kiếm thêm vốn vay trong bối cảnh nguồn thu NSNN còn hạn chế.

    Đầu tư công

    Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, cứ giải ngân đầu tư công tăng 1% sẽ làm tăng GDP thêm 0.06 điểm phần trăm. Và cứ giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1.62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước.

    Tính đến hết tháng 10/2023, giải ngân đầu tư công ước đạt trên 430,600 tỷ đồng, bằng ~57% kế hoạch cả năm, vẫn còn xa mốc mục tiêu giải ngân trên 95% của năm nay. Việc đạt mục tiêu giải ngân trên sẽ đưa tỷ lệ đầu tư công/GDP lên 7.1% vào năm 2023, tăng từ mức 5.6% vào năm 2022.

    Thuế

    Tăng trưởng kinh tế của nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào nhu cầu trong nước. Nhưng hiện nay, tiêu dùng cá nhân đang phải đối mặt với chu kỳ kinh doanh suy yếu, và kinh tế khó khăn buộc người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng và doanh nghiệp cũng không có nhiều cơ hội mở rộng hay đầu tư do nhu cầu thực trong và ngoài nước yếu.

    Việc giảm các loại thuế tiêu thụ, gồm thuế VAT hay thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, sẽ giúp tăng sức mua của người tiêu dùng, tăng niềm tin và sự lạc quan của người tiêu dùng về nền kinh tế và mức độ chi tiêu của họ, từ đó thúc đẩy nhu cầu thực trong nền kinh tế.

    Việc mọi người chi tiêu nhiều hơn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra việc làm và thu nhập, và sau cùng sẽ có nhiều người nộp thuế hơn.

    Ngược lại, khi Chính phủ đối mặt với thâm hụt ngân sách hoặc lạm phát khi nền kinh tế tăng nóng, họ có thể áp dụng tăng thuế suất lên nhiều loại hàng hoá hoặc thu nhập, để gia tăng nguồn thu ngân sách và kiềm chế hoạt động chi tiêu và đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp.

    Tóm lại, Việt nam hiện nay đang áp dụng CSTK phản chu kỳ, tức là khi kinh tế suy yếu thì Chính phủ tăng chi tiêu và giảm thuế để tăng tổng cầu nhằm tích cực hỗ trợ chu kỳ kinh doanh, và khi kinh tế tăng trưởng thì ngược lại.  

    Chính phủ liên tục đề xuất giảm thuế VAT trong 2 năm qua

    Việc giảm thuế VAT có lợi trực tiếp đối với người tiêu dùng, khi giá thành sản phẩm thấp đi, và qua đó cũng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, mở rộng kinh doanh.

    Năm 2022, để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội thông qua chính sách giảm thuế VAT 2% cho một số hàng hóa, dịch vụ đang có mức thuế suất VAT 10% (tức còn 8%) từ 01/2/2022 đến 31/12/2022. Tổng gói hỗ trợ giảm thuế VAT năm 2022 đạt khoảng 44 nghìn tỷ đồng và việc giảm thuế VAT đã kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

    Mặc dù Chính phủ thâm hụt từ giảm thu VAT, nhưng nhờ cầu tiêu dùng và hoạt động kinh doanh phục hồi tốt nên đã bù đắp lại, giúp tăng tổng thu NSNN lên 1.8 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện năm 2021, và đạt thặng dư ngân sách trên 222 nghìn tỷ đồng – chiếm 2.3% GDP, góp phần giúp GDP tăng mạnh tới 8.02% - là mức cao nhất trong hơn 10 năm.

    Tuy vậy, tỷ lệ thu NSNN/GDP vẫn giảm còn 17.2% từ 18.7% của năm 2021, và tỷ lệ thu thuế, phí/GDP cũng giảm còn 13.9% từ mức 15.1% của năm 2021. Cho thấy sự hồi phục của tổng cầu nền kinh tế vẫn chưa thực sự phục hồi mạnh.

    Qua năm 2023, kinh tế tiếp tục khó khăn và việc giảm lãi suất vào đầu năm không thực sự kích thích nhu cầu thực, nên Quốc hội tiếp tục chính sách giảm thuế VAT 2% từ 01/7/2023 đến 31/12/2023. Theo tính toán, việc này sẽ khiến thu ngân sách năm 2023 bị giảm khoảng 24,000 tỷ đồng. Tính luỹ kế 9Th2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,568 nghìn tỷ đồng, tăng 7.3% svck nằm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 16.6%) – đã tính yếu tố lạm phát. Và GDP 9Th2023 tăng 4.24%.

    Tuy tổng cầu cho thấy sự phục hồi tích cực, nhưng năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn và các yếu tố vĩ mô bên ngoài vẫn chưa hỗ trợ, như rủi ro địa chính trị, CSTT thắt chặt duy trì ở các nước phát triển, tỷ giá neo cao, niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp,… 9Th2023, doanh nghiệp (tạm thời) rời khỏi thị trường tăng đến 19.9% svck; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 8.2% svck và kim ngạch nhập khẩu giảm 13.8% svck năm trước; khiến thu NSNN giảm 8.3% svck, ước đạt 1,224 nghìn tỷ đồng, bằng 75.5% dự toán năm.

    Do vậy, việc kích cầu có thể không đủ để bù đắp thâm hụt từ thu thuế, góp phần dẫn tới bội chi ngân sách trong năm 2023.  Luỹ kế chi NSNN 9 tháng đạt khoảng 1,239 nghìn tỷ đồng, tăng 14.1% svck 2022, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 363,300 tỷ đồng, tăng 43.5%. Như vậy, NSNN đã bội chi 15,600 tỷ đồng trong 9Th2023.

    Và tới cuối năm, tổng thu ngân sách ước đạt 1.62 triệu tỷ đồng, trong khi tổng chi ước đạt 2.03 triệu tỷ đồng, dẫn tới bội chi ngân sách ước lên tới 40.3 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm 75,000 tỷ cho tổng miễn, giảm thuế).

    Nhìn chung, tình hình kinh tế năm 2023 đã có sự phục hồi đáng kể, tuy nhiên tổng cầu nền kinh tế cho thấy sự tăng trưởng không theo như kỳ vọng. Bằng chứng là tăng trưởng tín dụng 9Th2023 chỉ đạt 6.92% (thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm 14-15%), và tiền gửi tại ngân hàng đến cuối quý III/2023 tăng 11.5% so với đầu năm lên hơn 9.3 triệu tỷ đồng, mặc dù lãi suất liên tục giảm.

    Điều này cho thấy người tiêu dùng và nhà đầu tư cần có nhiều thời gian hơn để khôi phục lại niềm tin và sự lạc quan của họ về triển vọng nền kinh tế nói chung.

    Từ đó mà việc giảm thuế suất VAT 2% trong năm 2023 cần nhiều thời gian hơn để cho thấy tác động và kết quả tích cực như hồi năm 2022.

    Ngoài ra, qua tới năm 2024, Chính phủ một lần nữa đề xuất lên Quốc hội tiếp tục chính sách giảm VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Như vậy là gần tương đương khoảng thời gian 11 tháng duy trì giảm VAT 2% như năm 2022.

    Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với việc dự kiến giảm thu NSNN khoảng 25 nghìn tỷ đồng, và từ đó làm gia tăng thâm hụt NSNN. Nhưng vẫn là với kỳ vọng kích thích nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế đủ để bù đắp khoảng thâm hụt trong ngắn hạn này.

    Như vậy, đối với người tiêu dùng, mặc dù mức giảm thuế suất VAT 2% là không đáng kể với các khoảng chi tiêu hàng ngày, nhưng trong khoảng thời gian kéo dài 01 năm, bạn có thể tiết kiệm một số tiền khá đáng kể, đặc biệt nếu bạn có dự định mua hàng hoá giá trị lớn trong thời gian này.      


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán