Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tăng trưởng tín dụng thấp mặc dù lãi suất giảm

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Trong 9Th/2023, lãi suất tại Việt Nam dù giảm song tăng trưởng tín dụng còn thấp.

    - Nghịch lý này xuất phát từ khó khăn nền kinh tế chung, cầu tín dụng giảm và xu hướng cắt giảm tiêu dùng.  

    Mối quan hệ giữa lãi suất và tăng trưởng tín dụng

    Lãi suất và tín dụng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong nền kinh tế. Lãi suất thấp thường dẫn đến tăng trưởng tín dụng vì một số lý do:

    - Khi lãi suất thấp, việc vay tiền sẽ trở nên rẻ hơn, từ đó khuyến khích tăng nhu cầu vay vốn để chi tiêu, đầu tư, v.v.

    - Khi lãi suất vay thế chấp giảm, mọi người có xu hướng mua nhà hoặc tái cấp vốn cho các khoản thế chấp hiện có, từ đó thúc đẩy nhu cầu vay, dẫn đến tăng trưởng tín dụng.

    - Lãi suất thấp khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án mới, thông qua gia tăng các khoản vay tín dụng.  

    “Nghịch lý” lãi suất giảm nhưng tăng trưởng tín dụng thấp

    Kinh tế Việt Nam đối mặt với tình trạng lãi suất giảm song tăng trưởng tín dụng còn thấp trong 9 tháng trở lại đây. Kể từ tháng 4/2023, NHNN đã thực hiện 4 đợt giảm lãi suất điều hành liên tiếp với tổng mức giảm khoảng 1.5 – 2.0%.  Các mức lãi suất điều hành sau lần điều chỉnh cuối cùng (hiệu lực từ 19/06) là: lãi suất chiếu khấu còn 3.0%/năm, lãi suất tái cấp vốn còn 4.5%/năm và lãi suất cho vay qua đêm còn 5%/năm. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại nhóm Big4 (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) hiện còn 5.3%/năm, ngang giai đoạn Covid-19 và thấp hơn mức khoảng 8.0% hồi tháng 4.

    Tuy nhiên, tính đến ngày 11/10, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới chỉ đạt 6.29%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11.12%) và mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 (14-15%). Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đang “thừa tiền”, điển hình là các đợt phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày vừa qua của NHNN với tổng giá trị sau 16 phiên đấu thầu (21/09 - 12/10) lên tới 185,700 tỷ đồng.  

    Nguyên nhân do đâu?

    1. Nền kinh tế chung vẫn còn khó khăn sau Covid-19

    - Tăng trưởng GDP 9Th/2023 so với cùng kỳ năm 2022 đạt 4.24%, chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2020 (2.19%) và 2021 (1.57%) song đều thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (8.5%) và các năm khác trong giai đoạn năm 2011-2019.

    - Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9Th/2023 giảm 8.2%, tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 13.9% svck cho thấy hoạt động sản xuất suy giảm khi tổng cầu thế giới và trong nước chưa phục hồi.

    - Tình trạng thiếu đơn hàng, chi phí tăng khiến các doanh nghiệp không muốn vay vốn để mở rộng kinh doanh. Theo khảo sát trong quý III/2023, TP.HCM có tới 70% doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới, 47% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh và 33% doanh nghiệp bị tác động bởi giá nguyên vật liệu tăng.

    - 9 tháng đầu năm 2023, có 165,200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; song có 135,100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, lần lượt tăng 1.2% và 19.9% svck. Số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm 14.6%.

    - Trong khi đó, bất động sản đóng vai trò quan trọng trong tín dụng nền kinh tế (chiếm 20% tổng dư nợ) vẫn còn khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu của các doanh nghiệp BĐS tăng, đạt 2.58% tính đến T7/2023 trong khi cùng kỳ là 1.8% (theo đại diện NHNN). Mặt khác, thị trường BĐS thanh khoản thấp, ảnh hưởng đến khả năng xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu khiến các NHTM khó cho vay mới do lo ngại an toàn hệ thống.

    2. Nhu cầu về tín dụng giảm

    - Mặc dù lãi suất cơ bản giảm, lãi suất cho vay VND hiện dao động trong khoảng 8.0% - 11.0%/năm, mặc dù có giảm khoảng 1.5 – 2.0% so với cuối năm 2022, nhưng vẫn còn khá cao. Nhiều người vẫn “ngần ngại” tiếp cận các khoản vay dù lãi suất đã giảm đáng kể.

    - Do kinh tế thế giới yếu, nhu câu giảm mạnh, dẫn đến việc ít doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mở rộng đầu tư.  Hàng tồn kho vẫn còn cao. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tới cuối tháng 9, tăng 2.5% MoM và tăng 19.4% YoY.

    - Thông tư 06/2023/TT-NHNN được áp dụng từ tháng 9/2023, bổ sung 4 trường hợp khách hàng không được vay tín dụng. Mặc dù, Thủ tướng đã yêu cầu ngưng hiệu lực thi hành 3 trong 4 trường hợp này, theo Thông tư 10/2023/TT-NHNN ban hành ngày 23/08/2023, để tạo điều kiện tiếp cận vốn. Song, DN vẫn vướng vào các quy định về phạt trả nợ trước hạn với các khoản phạt trả trước nợ ở mức 1-5% tính trên số tiền đã trả trước.

    - Ngoài ra, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, chỉ có 29.5% DN biết tới chính sách và 56.7% DN gặp khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục để nhận gói hỗ trợ.

    - Nhiều quy định về tài sản đảm bảo, lịch sử tín dụng, v.v. gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 97% trong tổng số 700,000 doanh nghiệp cả nước).

    3. Xu hướng giảm tiêu dùng hàng bán lẻ

    - Theo PwC, 62% người Việt Nam có xu hướng giảm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, 54% dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho các loại hàng xa xỉ, tiếp đó là du lịch (42%), điện tử (38%) và mặt hàng tạp hóa, thực phẩm (18%).

    - Dư nợ tín dụng tiêu dùng, tự sử dụng BĐS (chiếm 65% dư nợ BĐS) lần đầu ghi nhận giảm trong 3 năm gần đây (giảm 1.12% svck), trong khi cuối năm 2022 tăng 31.01%.

    - Cho thấy nhà đầu tư BĐS cá nhân và người mua nhà để ở chưa sẵn sàng vay, đặc biệt khi cơ cấu sản phẩm BĐS thiếu hợp lý (thừa sản phẩm phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ) và các vấn đề pháp lý.  

    Triển vọng cuối năm

    Với xu hướng tình hình hiện tại, NHNN và các tổ chức tín dụng nhận định, tín dụng toàn hệ thống có thể sẽ tăng dưới 10% trong cả năm 2023, thấp hơn năm 2022 (14.5%), năm 2021 (13.5%) và các năm trở về trước trong giai đoạn 2013 – 2019 (12.5% - 18.7%).

    Chính phủ đang cố gắng kích thích kinh tế thông qua lãi suất thấp, nhưng đồng thời cũng phải cân bằng hai yếu tố lạm phát và lãi suất. Trong tháng 9, tỷ giá có dấu hiệu tăng lại và NHNN đã phải hút hơn 100,000 tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu.

    Đồng thời, lạm phát cũng đang có dấu hiệu gia tăng, chỉ số CPI T9/2023 chạm mức 3.66% với lạm phát cơ bản dao động 4.49% - 4.65%, một phần do giá xăng dầu tăng cao do xung đột. Khi đó, lãi suất huy động các kỳ hạn trung bình sẽ buộc phải tăng trước khi lãi suất cho vay thấp kịp phát huy tác dụng.

    Nhìn chung, khi lãi suất thấp song tín dụng không tăng, cũng đồng nghĩa là cần thêm thời gian để nền kinh tế phục hồi.

    (Cập nhật: 11/10/2023)


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán