Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Các Zombie tồn tại trong nền kinh tế_Phần 1

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Doanh nghiệp Zombie là những doanh nghiệp chỉ kiếm đủ tiền để trang trải cho chi phí hoạt động và trả nợ lãi vay nhưng không thể hoàn trả tiền gốc.

    - Sự hình thành và tồn tại của các doanh nghiệp zombie không chỉ bắt nguồn từ sự truyền máu của các ngân hàng mà còn từ “bàn tay trợ giúp” của chính phủ.

    Doanh nghiệp zombie là gì?

    Doanh nghiệp zombie – công ty xác sống, là thuật ngữ chỉ các công ty chỉ đang cố gắng tồn tại một cách tạm bợ, có khả năng tạo ra dòng tiền đủ trả lãi cho khoản nợ của mình nhưng không có khả năng trả nợ gốc. Các công ty này có khoản thanh toán lãi vay vượt quá thu nhập trước lãi vay và thuế và có tuổi đời ít nhất 10 năm. Nói cách khác, nó chỉ có thể tồn tại dựa trên sự hỗ trợ của các ngân hàng hay các chủ nợ.

    Xác định công ty nào là zomie không phải là điều dễ dàng, bởi các chuyên gia không phải lúc nào cũng đồng ý về một cách xác định duy nhất. Cách nhận diện phổ biến nhất ở các công ty zombie chính là tỷ lệ thanh toán lãi vay (ICR) dưới 1, tỷ lệ đòn bẩy cao hơn trung bình ngành và mức tăng trưởng doanh thu thực tế âm. Các chỉ số này cần tồn tại ít nhất hai năm liên tiếp để giảm thiểu việc phân loại sai do biến động theo chu kỳ. Các công ty này hầu như không có lợi nhuận, không tạo ra dòng vốn dư thừa để đầu tư mở rộng hay đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng và thúc đẩy tăng trưởng.

    Có những công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng cao, họ không thể trả lãi vay hiện tại nhưng họ có thể tái cấp vốn mọi lúc để tiếp tục phát triển bởi họ có nhiều ý tưởng táo bạo cho sản phẩm sắp tới. Vì thế, thật khó để gọi họ là zombie. Một vị giáo sư Tài chính tại Đại học Kinh doanh Smith cho rằng Tesla có thể được gọi là zombie dựa trên phương pháp xác định Z-Score (khả năng phá sản) của ông.

    Khi số lượng và quy mô các doanh nghiệp zombies đã quá lớn thì không ai dám để chúng chết và bắt đầu chấp nhận chúng, coi chúng như một phần tất yếu của nền kinh tế - nền kinh tế zombie. Các công ty zombie chiếm đoạt sự sống ra khỏi nền kinh tế bằng cách chiếm đoạt các nguồn tài nguyên như tiền của ngân hàng – mà có thể được chi cho các công ty hoạt động hiệu quả hơn, năng suất cao hơn.

    Nguồn gốc của doanh nghiệp zombie

    Nguồn gốc của các công ty zombie đến từ Nhật Bản. Sau sự sụp đổ của bong bóng tài sản ở quốc gia này vào cuối năm 1991, các ngân hàng Nhật Bản đã tiếp tục hỗ trợ các công ty yếu kém thay vì để họ phá sản. Nguyên nhân là vì chính phủ và ngân hàng trung ương đang cố gắng ổn định nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng thương mại bị áp lực phải gia hạn tín dụng và đưa ra lãi suất thấp, vì thế các công ty zombie đã có thể tồn tại dựa trên mức lãi suất vay thấp. Điều này đã góp phần tạo nên “thập kỷ mất mát”, một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhất trong lịch sử. Đây là thời kỳ mà việc cho vay đối với các công ty hoạt động kém hiệu quả và không thể tồn tại đã đóng vai trò lớn trong việc khuếch đại tình trạng kinh tế, phân bổ sai vốn khỏi các công ty hoạt động hiệu quả hơn.

    Cho đến năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ở khắp thế giới, thuật ngữ công ty zombie lại một lần nữa xuất hiện để ám chỉ các công ty nhận gói cứu trợ của chính phủ Hoa Kỳ trong “Chương trình trợ cấp các tài sản xấu (TARP)”.

    Đến nay, sở dĩ những doanh nghiệp zombie vẫn có thể tồn tại được nhờ vào “di sản” của cuộc khủng hoảng tài chính, với một chu kỳ lãi suất thấp kéo dài, đi kèm sự o bế của Chính phủ. Bên cạnh đó, các tổ chức cho vay cũng không muốn mạnh tay vì lo ngại doanh nghiệp phá sản.

    Nguồn: Market Business News

    Nguyên nhân tạo nên doanh nghiệp zombie

    Có nhiều lý do để một doanh nghiệp trở thành một công ty xác sống, nhưng nguyên nhân chính là lãi suất rẻ do chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm và sự hỗ trợ từ chính phủ và các ngân hàng đã tạo cơ hội cho các công ty tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Các khoản tiền này đã giúp cho các công ty lấy lại được tính thanh khoản và “hồi sinh” thành một công ty bình thường, tồn tại len lỏi trong nền kinh tế mà không tạo ra lợi nhuận.

    Khi các chính sách tiền tệ dễ dãi đã không còn, lãi suất tăng lên sẽ khiến các công ty yếu kém bộc lộ rõ các vấn đề tiềm ẩn. Như Warren Buffet từng nói: “Chỉ khi thủy triều rút bạn mới biết ai đang bơi khỏa thân”. Lúc này, các ngân hàng lại không thể dứt khoát cho các công ty yếu kém “chết” vì lo ngại nợ xấu gia tăng, sợ phải mất hết số tiền mà họ đã cho vay, tăng chi phí, giảm lợi nhuận, tụt giá cổ phiếu, khó huy động vốn… Do đó họ tiếp tục hỗ trợ các công ty này bằng cách liên tục tái cấu trúc nợ, tiếp tục bơm “máu” cho các công ty này duy trì sự sống. Với sự hỗ trợ của ngân hàng, các công ty này mắc nợ ngày càng nhiều, nhưng càng bơm lại càng thiếu. Đến một lúc nào đó, một ngân hàng có quá nhiều khách hàng “xác sống” cũng sẽ bị lây bệnh và biến thành “zombie bank”. Hệ thống ngân hàng thương mại là nhà "phù thuỷ" hà hơi hồi sinh, tài trợ chính của doanh nghiệp Zombie bên cạnh các ngân hàng đầu tư huy động trái phiếu doanh nghiệp tràn lan.

    Trong các thị trường cạnh tranh hoàn hảo, các công ty zombie hoạt động kém năng suất và không thể tồn tại sẽ rời khỏi thị trường, cho phép các công ty lành mạnh hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy sự gia nhập của các công ty sản xuất mới. Các quốc gia có quy định vay nợ chặt chẽ, thực thi nợ hiệu quả và luật phá sản được cải cách như Brazil, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha và Anh lại có tỷ lệ công ty xác sống thấp hơn, vì họ đưa ra những cải cách phá sản lớn từ năm 2000 đến năm 2009, nên tỷ lệ các công ty xác sống đã giảm từ 25%-30%.

    Trong khi các quốc gia có chính sách điều hành lỏng lẻo, quy định về khả năng thanh toán của doanh nghiệp không được chặt chẽ, tăng trưởng GDP yếu hơn và lãi suất thấp hơn sẽ trực tiếp hình thành nên các doanh nghiệp zombie.

    Tỷ lệ công ty xác sống xuất hiện ngày càng gia tăng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và gần đây nhất là đại dịch COVID-19, có lẽ là do sự hỗ trợ chính sách chưa từng có và điều kiện tài chính dễ dàng. Theo nhiều chuyên gia, năm 2023 sẽ là năm mà thế giới chứng kiến đại dịch doanh nghiệp zombie tràn lan vì lãi suất cao. Trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 516 công ty niêm yết ở Hoa Kỳ nộp đơn xin phá sản, nhiều công ty trong số này đã tồn tại được vài năm với nợ nần chồng chất và doanh số bán hàng tụt giảm sâu. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất USD/EUR/GBP cao gấp 2 hoặc 3 lần 2021, số công ty zombie sẽ ngày càng mọc lên, vì áp lực tái cấp vốn các khoản nợ với lãi suất cao gấp 2-3 lần lãi suất họ hiện đang vay.

    Với cuộc suy thoái sắp xảy ra vào năm 2023, tính thanh khoản của thị trường trái phiếu và cho vay đang cạn kiệt, nhiều công ty có thể sẽ phải đối mặt với chi phí đi vay lớn hơn khi lãi suất cho vay tăng. Chắc chắn rằng, một số thây ma này sẽ phải chết. Câu hỏi duy nhất là khi nào?

    Hệ lụy tiêu cực của doanh nghiệp zombie đối với nền kinh tế

    Các công ty zombie thu hút sự chú ý rộng rãi vì chúng gây nguy hiểm nghiêm trọng cho nền kinh tế:

    Thứ nhất, doanh nghiệp zombie sử dụng các phương tiện phi thị trường để chiếm giữ một lượng lớn vốn, đất đai, lao động và các yếu tố sản xuất khác làm sai lệch cơ chế vận hành thị trường, bóp méo trong phân bổ nguồn lực, dẫn đến hiện tượng “tiền xấu lấy tiền tốt”.

    Thứ hai, hình thức bóp méo thị trường này không chỉ làm giảm năng suất của các công ty xác sống mà còn làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm và đầu tư ở các công ty không xác sống, cản trở sự phát triển của các công ty bình thường và công ty hiệu quả cao. Với sự ủng hộ âm thầm của các chính phủ và ngân hàng, các công ty zombie sẽ ngăn cản khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp mới do nguồn tài lực hữu hạn.

    Thứ ba, về lâu dài, khi chiếm tỷ lệ đủ lớn, các công ty zombie sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế khi giá trị tăng trưởng không lớn, hiệu quả kém, năng suất thấp. Nền kinh tế khi ấy cũng có thể trở thành một con zombie. Nó chỉ sống dựa vào vốn, tài nguyên và bóc lột lao động mà không có động lực tăng trưởng, doanh nghiệp thiếu cạnh tranh và giá trị tài sản cấu thành nền kinh tế thấp. Nền kinh tế ấy không có nội lực, phụ thuộc rất nhiều vào vốn vay, kể cả vốn vay từ nước ngoài, và dễ dàng sụp đổ.

    Tại sao Chính phủ lại để cho các doanh nghiệp zombie này tồn tại trong suốt hơn 10 năm? Hãy cùng Tititada tìm hiểu qua phần tiếp theo nhé!


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán