Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Nhật Bản: Chính sách lãi suất âm còn nhiều gian nan

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Nhật Bản duy trì chính sách lãi suất âm từ năm 2016 và tiếp tục các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm vực dậy nền kinh tế và tránh tình trạng giảm phát. 

    - Lãi suất âm đặc biệt giúp Nhật Bản giảm bớt áp lực đối với khoản nợ công khổng lồ và lãi vay phải trả.   

    Lạm phát và lãi suất Nhật Bản 

    Trong cuộc họp tháng 9, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) quyết định duy trì lãi suất âm ở mức -0.1% và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10-năm khoảng 0%, nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cho đến khi lạm phát đạt mục tiêu bền vững 2%. 

    Lạm phát cơ bản của Nhật Bản đạt 3.1% trong tháng 8, là tháng thứ 17 liên tiếp cao hơn mức mục tiêu 2% của BOJ. 

    Thống đốc Kazuo Ueda cho biết các công ty Nhật Bản đang tăng giá nhiều hơn dự kiến, gây khó khăn trong việc làm chậm lạm phát. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn cho rằng lạm phát có thể chỉ là tạm thời do các yếu tố như giá dầu toàn cầu, và chưa thực sự phản ánh sự phục hồi trong hoạt động kinh tế. 

    Ueda cho biết: “Để Nhật Bản đạt được lạm phát 2% một cách ổn định, chúng ta cần thấy nhu cầu mạnh mẽ hỗ trợ lạm phát. Chúng ta cần xác nhận rằng chu kỳ "giá cả-tiền lương" tích cực đã và đang bắt đầu”. Bởi hiện tại, lạm phát tại Nhật Bản chủ yếu là do giá năng lượng toàn cầu tăng đi kèm với khủng hoảng chuỗi cung ứng, mà không phải do nhu cầu cơ bản tăng. 

    Do vậy, Nhật cần duy trì lãi suất thấp để kích thích chi tiêu và phục hồi nền kinh tế. Nhưng việc duy trì lãi suất cực thấp vẫn chưa thực sự đem lại sự hiệu quả như mong đợi.   

    Lãi suất âm bắt đầu từ khi nào? 

    Khủng hoảng nợ nần của Nhật bắt đầu vào đầu 1990s, sau khi bong bóng thị trường chứng khoán và bất động sản Nhật vỡ ra và gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng, được biết đến là “Thập kỷ mất mát”. 

    Thập kỷ sau đó, BOJ đã cắt giảm lãi suất từ 6% xuống 0.25% và chính phủ Nhật Bản đã thử nghiệm 9 gói kích thích tài chính khác nhau. BOJ triển khai nới lỏng định lượng lần đầu tiên vào năm 1997, một lần nữa từ năm 2001 đến 2004, và tiếp tục với nới lỏng tiền tệ định lượng và định tính (QQE) vào năm 2013. 

    Đến năm 2013, nợ công của Nhật Bản vượt quá 1 triệu tỷ yên (10.46 nghìn tỷ USD), gấp đôi GDP hàng năm của đất nước và là tỷ lệ nợ lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào. 

    Chính sách lãi suất âm (NIRP) được công bố vào tháng 1/2016, là bước lặp lại mới nhất trong việc thử nghiệm chính sách tiền tệ. Sáu tháng sau, nền kinh tế Nhật Bản không tăng trưởng, thị trường trái phiếu trở nên hỗn loạn, đến mức Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ Ltd., ngân hàng tư nhân lớn nhất Nhật Bản, tuyên bố họ muốn rời khỏi thị trường trái phiếu Nhật Bản vì sự can thiệp quá mức của BOJ.   

    Tại sao lãi suất âm? 

    1. Từ khi tuyên bố rơi vào tình trạng giảm phát vào năm 2001, Nhật Bản đã coi việc kết thúc xu hướng giảm của giá cả là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu. 

    Do vậy lãi suất âm là nhắm vào việc khuyến khích vay mượn, chi tiêu và đầu tư, thay vì tiết kiệm, để kích thích nhu cầu chi tiêu và sự phục hồi của nền kinh tế. Nhu cầu cao hơn dẫn đến giá cả gia tăng. 

    2. Nợ công lớn quá mức, khiến Nhật Bản được coi là quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới. 

    Tính đến tháng 3/2023, nợ công của Nhật ước tính đạt ~9.2 nghìn tỷ USD, tương đương 263% GDP và là mức cao nhất so với bất kỳ quốc gia phát triển nào. 43.3% trong số này do BOJ nắm giữ. 

    Khi chính phủ các quốc gia mắc nợ trầm trọng, lãi suất thấp giúp họ dễ dàng trả lãi hơn.  Nhưng chính sách lãi suất thấp không hiệu quả của NHTW thường kéo theo nhiều năm thâm hụt chi tiêu của Chính phủ nhà nước. 

    3. Để bù đắp thâm hụt ngân sách kéo dài hàng thập kỷ qua, gây ra bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ quá lớn và chi tiêu chính phủ tăng cao, đặc biệt là cho chi phí phúc lợi xã hội đối với dân số đang già đi nhanh chóng (chiếm 1/3 ngân sách) và cho việc trả lãi. 

    Nhật Bản đã chi 22% ngân sách hàng năm (khoảng 200 tỷ USD) cho việc mua lại nợ và trả lãi vào năm 2022, nhiều hơn 15% chi tiêu cho các công trình công cộng, giáo dục và quốc phòng cộng lại. 

    Thâm hụt ngân sách bằng 6.4% GDP năm 2022 của nước này. 

    Như vậy lãi suất âm nhằm thúc đẩy chi tiêu để chính phủ có thêm nguồn thu từ thuế và các hoạt đồng đầu tư lấy lãi, cũng như duy trì chi phí vay ở mức thấp.   

    Tác động của lãi suất âm 

    Người dân 

    - Theo khảo sát của Viện nghiên cứu Nomura, 74% hộ gia đình Nhật Bản cảm thấy lãi suất âm đã gây tổn hại đến tài chính của họ, đặc biệt là quỹ hưu trí của họ. 

    - Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đạt đỉnh ở mức 21.4% vào quý II/2020 và hiện chỉ ở mức 1.6% vào quý I/2023. 

    - Tỷ lệ nợ của hộ gia đình trên GDP tăng từ dưới 60% vào năm 2016 lên mức 68% vào cuối năm 2022, gần chạm mức đỉnh khoảng 71% của những năm 2000. 

    - Thuế thu nhập cá nhân tăng từ 51% vào cuối 2015 lên 56% từ năm 2016 và giữ nguyên cho tới nay. Việc này một phần để bù đắp cho thâm hụt ngân sách chính phủ. 

    - Năm 2019, chính phủ cũng đã nâng thuế bán hàng tiêu dùng từ 8% lên 10% để bảo đảm doanh thu của chính phủ, góp phần khiến tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình giảm chạm đáy trong năm 2020 ở mức dưới -15% và hiện vẫn đang ở mức -4.2% vào tháng 8/2023. 

    Tỷ lệ thất nghiệp và tiền lương 

    - Các doanh nghiệp chống chịu tốt trước NIRP bởi họ được “cứu vớt” nhờ lãi vay thấp và các chính sách gia hạn hay đảo nợ lỏng lẻo. Cùng với chính sách bảo đảm “chăm sóc” người lao động đến khi nghỉ hưu cùng với kế hoạch hưu trí ổn định, họ giữ chân được lao động. 

    - Tỷ lệ thất nghiệp liên tục xu hướng giảm từ năm 2010 và hiện ở mức 2.5% vào tháng 7/2023. 

    - Tuy nhiên, năng suất làm việc giảm đáng kể, đặc biệt là trong ngành dịch vụ, chiếm ~70% GDP, vẫn còn đang lạc hậu và đi chậm hơn đáng kể so với ngành công nghiệp của đất nước này trong 2 thập kỷ qua, khiến GDP khó có thể tăng trưởng. 

    - Lãi suất âm cũng khiến tăng trưởng tiền lương bị trì trệ, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập khả dụng của hộ gia đình và nhu cầu chi tiêu của họ. 

    Ngân hàng 

    - Thu nhập lãi ròng của các ngân hàng đã giảm từ ~58 tỷ USD năm 2015 xuống còn ~42.4 tỷ USD vào năm 2020, khiến một số ngân hàng phải xem xét việc M&A để bù đắp các tác động tiêu cực của chính sách. 

    - Các ngân hàng nhỏ hơn tập trung vào việc cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gặp khó khăn trong việc kiếm lợi nhuận từ khoản cho vay, dẫn đến việc giảm cho vay nhóm này. Điều này tác động đáng kể đến nền kinh tế Nhật Bản vì SMEs chiếm khoảng 70% việc làm và 50% GDP. 

    Thị trường tài chính 

    - Lãi suất âm khuyến khích các ngân hàng, thậm chí BOJ, rút tiền gửi dự trữ để đi đầu tư nhiều hơn. Theo Bloomberg, BOJ nắm giữ tới 80% ETFs của Nhật Bản, chiếm khoảng 7% thị trường chứng khoán trị giá khoảng 6 nghìn tỷ USD của đất nước này. 

    - Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 25% kể từ đầu năm 2023 tính tới ngày 19/09. Chủ yếu nhờ lãi suất của BOJ tiếp tục duy trì ở mức âm. 

    - Về tỷ giá, tính tới ngày 22/09, đồng yên giảm mạnh xuống còn 148.32 đổi lấu 1 USD, ghi nhận giảm hơn 11% kể từ đầu năm, do lãi suất vẫn âm và tỷ giá USD tăng mạnh. 

    - Trong khi đồng yên yếu hơn giúp hỗ trợ sự phục hồi của xuất khẩu, nó có nguy cơ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng do đẩy chi phí nhập khẩu lên cao, khiến chi phí sinh hoạt tăng theo.   

    Điều gì tiếp theo? 

    Đầu năm 2023, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật đã đạt trên mức 0.7% trong tháng 9/2023, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015. Điều này khiến chính phủ Nhật phải điều chỉnh tăng dự báo lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên 1.5% cho năm tài chính 2025 và lên 1.6% vào năm 2026. 

    Dựa trên giả định lãi suất cao hơn, chi phí trả nợ dự kiến của Nhật Bản năm 2024 sẽ ở mức gần 190 tỷ USD, tăng ~20 tỷ USD so với năm tài chính 2023. 

    Một cuộc thăm dò của Reuters vào tháng 9 cho thấy hầu hết các nhà kinh tế dự đoán lãi suất âm sẽ chấm dứt vào năm 2024.

    Yuuri Okina, người đứng đầu một tổ chức tư vấn tư nhân, cho biết "BOJ phải dần bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nhưng điều đó sẽ không thể thực hiện được trừ khi tiền lương tăng và chính sách tài khóa của Nhật Bản được thực hiện bền vững hơn".  

    Nhìn chung, tìm cách hợp lý hóa các chương trình phúc lợi xã hội và giải quyết các thách thức về nhân khẩu học do dân số già gây ra là những bước quan trọng hướng tới sự bền vững lâu dài.   

    Nhìn lại về Việt Nam

    Việt Nam tương tự Nhật Bản trong việc đi ngược chính sách tăng lãi suất của Fed (Mỹ) hiện nay. Ảnh hưởng dễ thấy nhất là sự mất giá của đồng nội tệ so với đồng bạc xanh. 

    Cả Nhật Bản và Việt Nam đều áp dụng các chiến lược kinh tế định hướng xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Và xuất khẩu cũng đóng góp phần lớn trong GDP của hai nước Do vậy việc giảm lãi suất của VN và giữ lãi suất âm của Nhật Bản cũng một phần có chung mục đích là giữ xuất khẩu và GDP ổn định. Đồng thời khuyến khích việc vay mượn và đầu tư để thúc đẩy kinh tế. 

    Tuy vậy những chính sách tiền tệ hiện nay chưa thực sự phản ảnh hay vực dậy lại được nền kinh tế. Bởi nền kinh tế cả hai nước cần sự phục hồi của nhu cầu thực trong nước và việc này cần những hành động trực tiếp hơn đến việc chi tiêu của người dân như giảm thuế bán hàng hay tăng lương cơ bản. Bởi việc giữ lãi suất ở mức thấp để kích thích vay mượn và đầu tư trong khi nhu cầu thực là không có thì cũng không hợp lý.  

    Nhìn chung, lãi suất âm của Nhật là để chống lại chu kỳ giảm phát hiện tại, còn Việt Nam giữ lãi suất cao hơn tương đối ở mức 4.5% là để chống lại lạm phát, tuy đã giảm đáng kể từ mức trên 7% trong thập kỷ qua để nhằm kích cầu. 

    Việt Nam đang trên đà giống Nhật Bản về việc dân số già hoá nhanh chóng. Hiện, Nhật Bản dành tới 1/3 ngân sách để chi cho phúc lợi xã hội nhưng dự sẽ chỉ còn chiếm ¼ ngân sách bởi tăng trưởng dân số đang giảm dần. Còn ở Việt Nam thì dân số vẫn đang tăng trưởng nhanh chóng, đi cùng với dân số già tăng, và Quỹ BHXH còn dự đoán Quỹ có thể bị bội chi vào năm 2032 và âm vào năm 2049. 

    Nếu những chính sách tiền tệ và tài khóa không được điều chỉnh phù hợp để bảo đảm ngân sách và doanh thu chính phủ, Nhà nước có thể gặp rủi ro chi tiêu nhiều hơn cho vấn đề an ninh xã hội này.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan