Điểm nhấn chính:
- Thao túng tiền tệ là động thái phá giá đồng nội tệ nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh thương mại.
- Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên bị Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ”.
Khái niệm thao túng tiền tệ của Mỹ
Khái niệm “quốc gia thao túng tiền tệ” là một sản phẩm đặc trưng độc đáo của Mỹ, duy nhất được Mỹ thể chế hóa thành một nội dung trong Luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988 để giành quyền áp dụng các biện pháp thuế quan lên các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Hoa Kỳ.
Thao túng tiền tệ là chính sách mà các quốc gia áp dụng nhằm làm suy yếu đồng tiền của mình để đạt được thặng dư thương mại, cụ thể là thúc đấy hoạt động xuất khẩu của quốc gia đó. Bởi vì, khi đồng tiền của một quốc gia suy yếu trong khi đồng tiền của các quốc gia khác không đổi, hàng hóa của quốc gia đó sẽ rẻ hơn, hấp dẫn người mua bên ngoài. Tuy nhiên, đồng nội tệ suy yếu cũng gây bất lợi cho chính quốc gia đó, cụ thể là hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết đối với người dân nội địa.
Mác “thao túng tiền tệ” sẽ được Bộ Tài chính Mỹ đánh giá dựa trên 3 tiêu chí, bao gồm:
(i) Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ đạt ít nhất 20 tỷ USD.
(ii) Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP.
(iii) Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng (trong khoảng thời gian 12 tháng) với tổng lượng ngoại tệ mua ròng trong 12 tháng tương đương ít nhất 2% GDP.
Khi một quốc gia “thỏa mãn” cả ba tiêu chí này, Mỹ sẽ gắn mác “quốc gia thao túng tiền tệ” và có quyền đẩy nhanh các đàm phán, trực tiếp hoặc qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để yêu cầu các quốc gia đó có những điều chỉnh chính sách hợp lý. Sau ít nhất một năm, nếu không đạt được đàm phán, quốc gia bị gắn mác “thao túng tiền tệ” có thể bị Mỹ “trừng phạt”, chẳng hạn như áp dụng thuế quan và các rào cản thương mại khác.
Trong lịch sử áp dụng Luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus và Đạo luật Xúc tiến và thực thi thương mại, Chính phủ Hoa Kỳ đã gắn mác “thao túng tiền tệ” cho rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Thụy Sĩ, Đài Loan... và Việt Nam vào năm 2020.
Hai vấn đề cần được hiểu đúng về thao túng tiền tệ
Thứ nhất, về lý luận, ba tiêu chí do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra không phải là căn cứ vững chắc để xác định một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không. Như đã nêu ở trên, đối với Mỹ, thuật ngữ “thao túng tiền tệ” được dùng để xác định việc một quốc gia can thiệp vào tỷ giá hối đoái, giảm giá trị đồng nội tệ so với đồng đô-la Mỹ (giá trị danh nghĩa hoặc thực tế) để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một lý thuyết kinh tế - tài chính quốc tế nào có thể khẳng định thế nào là “tỷ giá đúng” giữa hai loại tiền tệ, cũng như các tiêu chí để xác định tỷ giá này.
Tại sao Việt Nam bị gắn mác “thao túng tiền tệ”?
Ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ cùng với Thụy Sĩ. Đây là lần đầu tiên Mỹ gắn mác “thao túng tiền tệ” đối với Việt Nam.
1. Cán cân thương mại của Việt Nam và Mỹ tăng
Có thể nói, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến Việt Nam rơi vào vị thế “thao túng tiền tệ” lại xuất phát từ chính sự thành công nổi trội trong phòng chống dịch Covid-19 cùng những nỗ lực hỗ trợ các quốc gia khác ứng phó với dịch bệnh.
Theo dữ liệu của Mỹ, thặng dư thương mại của Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng mạnh trong suốt giai đoạn 2017 – 2019, từ 38.3 tỷ USD lên 55.7 tỷ USD và dự báo khi đó cán cân thương mại song phương này sẽ đạt 63 – 65 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, việc Mỹ đánh giá Việt Nam đang cố thao túng để đạt được thặng dư này là không khả quan vì Mỹ đã không xem xét đến các yếu tố thị trường khác.
Khi đại dịch Covid-19 nổ ra và kéo dài trong cả năm 2020, Việt Nam nổi bật trên bức tranh quốc tế với khả năng khống chế dịch thành công. Trong khi các quốc gia phải gia tăng biện pháp giãn cách trên diện rộng, thì các hoạt động kinh tế của Việt Nam diễn ra gần như bình thường trong suốt 2 năm.
Với nội lực sẵn có, Việt Nam đã khai thác thành công khoảng trống trong nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu, ngày càng gia tăng khả năng đáp ứng cho thị trường tiêu thụ của Mỹ trong suốt năm 2020. Thành công đó được thể hiện qua việc cán cân thương mại của Việt Nam, đặc biệt với Mỹ, nghiêng mạnh theo hướng thặng dư. Tuy Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ nhưng thực tế thặng dư này đến từ nhóm doanh nghiệp FDI, bao gồm doanh nghiệp Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Vì thế, Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ phần thằng dư này.
2. Thặng dư cán cân vãng lai cao
Năm 2019, lượng kiều hối của người Việt gửi về Việt Nam đạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm tới 6.5% GDP, đây là một trong những nguyên nhân rất lớn làm cho thặng dư cán cân vãng lai đạt 4.6% GDP. Như vậy, Việt Nam vẫn chưa vi phạm tiêu chí thứ 2 của bộ luật thao túng tiền tệ, vì thặng dư này xuất phát chủ yếu từ lượng kiều hối, chưa tính đến cán cân thương mại và cán cân dịch vụ.
3. Việt Nam tăng tích trữ đồng đô la Mỹ
Đầu tiên, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam gia tăng, nhưng pháp luật Việt Nam lúc bấy giờ không cho phép sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước, vì thế người dân phải chuyển ngoại tệ sang VND để sử dụng. Ngân hàng nhà nước Việt Nam với tư cách là người mua cuối cùng trên thị trường nên việc mua vào ngoại tệ nhằm ổn định thị trường tài chính - tiền tệ - ngoại hối là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật Việt Nam hợp lệ, điều này góp phần tăng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong suốt hai năm 2019-2020, tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, luôn bị đe dọa bởi bóng ma khủng hoảng tài chính và kinh tế khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung luôn có dấu hiệu leo thang và dịch Covid-19 kéo dài, không có dấu hiệu suy giảm. Từ bài học của Khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2010 và từ chính lời khuyên của các chuyên gia, các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đều cần một lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn để tránh hoặc xử lý được các cú sốc về tài chính và kinh tế. Vì thế, Việt Nam đã tăng tích trữ ngoại hối thông qua hoạt động thu mua đô la Mỹ như một động thái phòng ngừa khủng hoảng điển hình trong điều hành chính sách tiền tệ của bất kỳ quốc gia nào.
Đặc biệt, Việt Nam còn là một nước thu hút được FDI khá lớn trong thời gian qua, vì vậy cũng chịu khá nhiều rủi ro nếu các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút vốn trong trường hợp khủng hoảng, việc gia tăng tích lũy ngoại tệ là một điều tất yếu Việt Nam cần phải làm để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới.
Mác thao túng tiền tệ có ảnh hưởng đến Việt Nam không?
Trên thực tế, mác “thao
túng tiền tệ” không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, cũng như mối quan hệ đối tác toàn
diện Việt Nam – Hoa Kỳ. Khi Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng, ngay lập tức, Ngân
hàng Nhà nước lên tiếng khẳng định rằng, các chính sách tiền tệ của Việt Nam được
ban hành vì nhiều mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau, nhưng chắc chắn "không
nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”. Cùng với đó, từ
đầu năm 2021, những động thái thay đổi chính sách quản lý ngoại hối của Ngân
hàng Nhà nước cho thấy, cơ quan này đã và sẽ không còn tích cực can thiệp vào
thị trường ngoại tệ một chiều và đồng VND sẽ được điều tiết theo cung-cầu của
thị trường. Ngày 17/04/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã khẳng định không có bằng chứng,
dấu hiệu kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Bài viết liên quan
Sử dụng tỷ giá ngang giá sức mua hay tỷ giá hối đoái
14/01/25
Cháy rừng ở California – Ước tính thiệt hại 150 tỷ USD
13/01/25
Chỉ số PMI: Công cụ dự báo kinh tế và ứng dụng thực tế
10/01/25
Risk-free rate - Lãi suất phi rủi ro
04/01/25
Vấn đề đầu tư công tại Việt Nam
02/01/25
Ý nghĩa của dòng vốn hóa toàn cầu
31/12/24
Cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
29/12/24
Câu chuyện Đầu tư cơ sở hạ tầng – Đầu tư công
27/12/24
Chỉ số PMI: Công cụ dự báo kinh tế và ứng dụng thực tế
10/01/25
Risk-free rate - Lãi suất phi rủi ro
04/01/25
Quan hệ thương mại thường xuyên Mỹ và Trung Quốc
03/12/24
Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tại Trung Quốc
06/10/24
Chủ nghĩa bảo hộ: Cạnh tranh toàn cầu hay bảo vệ trong nước
05/10/24
Lạm phát lòng tham: Kẻ thù của người tiêu dùng
26/08/24
Giao dịch chênh lệch lãi suất ảnh hưởng TTCK toàn cầu
07/08/24
Thuế quan và các rào cản thương mại
07/07/24