Điểm nhấn chính
- Đặt mục tiêu trong cuộc sống, mục tiêu có thể lớn hoặc nhỏ, về tài chính hoặc lối sống cá nhân, và lập mục tiêu tài chính cá nhân chi tiết với các số tiền cụ thể để đạt được những mục tiêu đó.
- 11 thói quen sẽ giúp bạn phát triển những thói quen tốt để hướng tới mục tiêu tự do tài chính của mình một cách hiệu quả hơn, và từ đó có thể đạt được tự do tài chính cá nhân.
Tự do tài chính cá nhân là gì?
Hầu hết mọi người đều xác định khái niệm tự do tài chính theo các mục tiêu riêng của họ. Điều đó thường có nghĩa là có đủ tài chính, là các khoản tiết kiệm, đầu tư và tiền mặt, để trang trải cho một lối sống nhất định, cộng với đó là một khoản ổn định và vững chắc dành cho cuộc sống sau khi về hưu hoặc để tự do theo đuổi bất kỳ nghề nghiệp nào mà không cần phải kiếm một mức lương nhất định.
Đây là một mục tiêu quan trọng đối với nhiều người. Thực ra thì tiền không đem lại hạnh phúc nhưng cần có đủ tiền để mua được những thứ làm cho bạn hạnh phúc. Nếu bạn có tài chính ổn định, việc này cho phép bạn nghỉ hưu sớm hoặc theo đuổi bất kỳ nghề nghiệp nào mình đam mê, mà không bị áp lực phải kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Nhưng trên thực tế, khi xã hội phát triển, cuộc sống phong phú, thì chi phí đắt đỏ hơn, và mục tiêu tự do tài chính cá nhân cũng ngày càng xa vời hơn. Ngay cả khi bạn chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn tài chính trong hiện tại, việc tích lũy cho tương lai cũng trở nên khó khăn hơn. Đừng để tới khi những sự kiện không kiểm soát được xảy đến, hoặc khi bạn về già và phải sống tự lập bạn mới nhận ra vấn đề tài chính của mình là gì và nằm ở đâu. Rắc rối này sẽ không xảy ra nếu bạn có 11 thói quen sau đây.
Đặt mục tiêu cuộc sống
Tự do tài chính cá nhân đối với bạn là gì? Nhìn chung, mọi người đều nên có câu trả lời riêng cho mình. Bạn cần biết mình muốn gì, mình có thể làm gì, một cách thực tế. Bạn cần biết cụ thể về thu nhập của mình và các mốc thời gian của bản thân. Mục tiêu của bạn càng cụ thể và thực tế thì khả năng đạt được chúng càng cao.
Bạn có thề bắt đầu bằng viết ra ba mục tiêu sau: (1) Lối sống của bạn đòi hỏi những gì; (2) Bạn cần có bao nhiêu tiền trong tài khoản của mình để đạt được lối sống đó; và (3) Độ tuổi nào sẽ là thời hạn cuối cùng cho việc tiết kiệm số tiền đó.
Tiếp theo, hãy đếm ngược thời gian bạn bắt đầu không có thu nhập đến tuổi hiện tại của bạn, và thiết lập các cột mốc thời gian quan trọng với số tiền cần tiết kiệm tại mỗi cột mốc thời gian, ví dụ, 25 tuổi tiết kiếm 100tr đồng, 30 tuồi tiết kiệm 500tr đồng, 35 tuổi tiết kiệm 1.5 tỷ đồng…Từ các cột mốc lớn, bạn sẽ chia ra thành các cột mốc nhỏ hơn hàng năm, hàng quý, hàng tháng.
Sau đó, hãy viết chúng xuống cẩn thận và đặt bảng mục tiêu này ở nơi mà bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày như trên cánh cửa tủ lạnh.
Lập mục tiêu tài chính cá nhân và lập ngân sách hàng tháng
Lập ngân sách cho bản thân hay gia đình hàng tháng và tuân thủ ngân sách đó là cách tốt nhất để đảm bảo rằng tất cả các hóa đơn sẽ được thanh toán đúng hạn và các khoản tiết kiệm đang đi đúng hướng mục tiêu. Việc này nghe rất tủn mủn, rất không “cool”, và đòi hỏi tính kỷ luật cao.
Đây cũng là một thói quen tốt giúp củng cố mục tiêu của bạn và trau dồi quyết tâm chống lại sự cám dỗ của những ham muốn ngẫu hứng.
Thanh toán đầy đủ các khoản nợ tín dụng
Ngày nay càng nhiều bạn trẻ có thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng là một phương tiện làm cho cuộc sống của chúng ta thêm dễ dàng, nhưng nếu không sử dụng đúng cách thì thẻ tín dụng và các khoản vay tiêu dùng sẽ trở thành những kẻ thù lớn đối với sự giàu có.
Thẻ tín dụng thường có lãi suất 15-20%, thậm chí cao hơn tùy khách hàng. Hãy ưu tiên thanh toán chúng mỗi tháng và nếu có thể, hãy thanh toán toàn bộ số dư vì nếu bạn thang toán hết trong chu kỳ 30 ngày sẽ không chịu lãi suất nhưng nếu thanh toán dù trễ 1 ngày, sẽ phải trả lãi suất trên toàn bộ số dư trong tháng, và phải trả cho cả 30 ngày đầu phát sinh.
Các khoản vay sinh viên, thế chấp và các khoản vay tương tự thường có lãi suất thấp hơn nhiều, nên việc thanh toán chúng không phải là một trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, việc thanh toán các khoản vay lãi suất thấp này đúng hạn vẫn rất quan trọng, vì nó sẽ được quy vào mức xếp hạng tín dụng tốt; nó sẽ rất quan trọng trong tương lai khi hệ thống chấm điểm tín dụng của Việt Nam phát triển.
Tạo tài khoản tiết kiệm tự động
Hãy trả tiền cho bản thân mình trong tương lai trước. Lương về không phải là để mua sắm trên các trang thương mại điện tử quảng cáo, và đặc biệt không mua sắm những gì mình không cần chỉ vì món đồ đó đang khuyến mãi. Khuyến mãi chắc là bẫy tiêu dùng lớn nhất cho các sản phẩm không cần thiết.
Nếu bạn tính tiết kiệm ví dụ 1 triệu hay 2 triệu 1 tháng, thì nên cài đặt chế độ rút tiền tự động để chuyển vào một quỹ khẩn cấp hay một tài khoản tiết kiệm, đầu tư. Như vậy số tiền đó sẽ không bao giờ bị tuồn mất ra ngoài qua các chi tiêu tuỳ ý. Nếu bạn rút tiền ra trước, thì với số tiền còn lại trong tài khoản, bạn có thể cố co kéo, cân đối lại ngân sách của mình được. Còn nếu để tiền trong tài khoản, đợi chi tiêu xong, cuối tháng còn bao nhiêu sẽ tiết kiệm, thì khả năng cao là nó sẽ không còn.
Bắt đầu đầu tư ngay bây giờ
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn xấu, nhiều nhà đầu tư FOMO tham gia thị trường từ cuối 2021 mất khá nhiều tiền, việc này có thể khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về sự sáng suốt của việc đầu tư.
Nhưng trong lịch sử, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư dài hạn hiệu quả nhất. Sự kỳ diệu của lãi suất kép sẽ khiến tiền của bạn tăng lên theo cấp số nhân, nhưng bạn cũng sẽ cần rất nhiều thời gian để đạt được mức tăng trưởng đó. Ví dụ, chỉ số VNIndex của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, 2017 – 2021, đã đạt mức tăng trưởng 125%, giai đoạn 10 năm, từ 2012 – 2021, thì mức tăng trưởng này là gấp hơn hai lần, tương đương 326%. S&P 500 của Mỹ tăng trưởng 113% cho giai đoạn 5 năm và 279% giai đoạn 10 năm.
Bạn có thể bắt đầu bằng việc mở một tài khoản đầu tư chứng khoán trực tuyến và bắt đầu đầu tư từ số tiền nhỏ, giúp bạn dễ dàng học cách đầu tư, tạo một danh mục đầu tư lý tưởng và một dòng tiền tích luỹ thông qua việc đóng góp vào nó hàng tuần hoặc hàng tháng. Nếu bạn không thích các con số, không thích chọn lọc cổ phiếu thì bạn hoàn toàn có thể đầu tư bị động thông qua việc mua các chứng chỉ quỹ mô phỏng thị trường hay có thễ mua các danh mục thiết kế sãn theo cố vấn Robo AI của Tititada.
Thương lượng giá cả cho các hàng hóa và dịch vụ
Nhiều người thường hay do dự trong việc trả giá cho các món hàng hóa hay dịch vụ, vì họ sợ rằng điều đó khiến họ nhìn hay nghe có vẻ nghèo và keo kiệt. Tuy nhiên, hãy chinh phục nỗi sợ hãi này vì nó có thể tiết kiệm cho bạn hàng (trăm) triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp/gian hàng/hàng quán nhỏ hay có xu hướng cởi mở hơn trong việc đàm phán giá, vì vậy bạn có thể mua số lượng lớn hoặc trở thành khách hàng thường xuyên để mở ra cơ hội giảm giá tốt hơn.
Ngoài ra trước khi bạn mua một món đồ lớn, cần kiểm tra giá từ nhiều nguồn khác nhau. Một sản phẩm nếu được bán qua nhiều bên trung gian, thường có chi phí nhiều hơn là mua trực tiếp từ nhà phân phối cấp 1. Ví dụ, mua 1 chiếc tivi hay tủ lạnh hay máy tính có giá trị hơn 10 triệu đồng, có thể chênh giá 1-2 triệu một món ở các nhà bán khác nhau.
Luôn trau dồi kiến thức và nhận thức về các vấn đề tài chính
Hãy theo dõi và xem xét các thay đổi quan trọng liên quan đến luật thuế để đảm bảo rằng tất cả các điều chỉnh và khấu trừ thuế của bạn được tối đa hóa mỗi năm. Đồng thời, hãy cập nhật các tin tức tài chính và diễn biến trên thị trường chứng khoán và đừng ngần ngại điều chỉnh danh mục đầu tư của mình sao cho phù hợp.
Kiến thức cũng là cách bảo vệ tốt nhất chống lại những kẻ lừa đảo, mạo danh dùng những thông tin sai lệch để chiếm đoạt tiền và tài sản một cách tinh vi và nhanh chóng từ các nhà đầu tư.
Duy trì tài sản của bạn
Chăm sóc tốt các tài sản cá nhân sẽ làm cho mọi thứ từ xe hơi, máy cắt cỏ đến giày dép và quần áo được bền lâu hơn, thời gian sử dụng hữu ích dài hơn. Chi phí bảo trì tài sản chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí thay thế mới một tài sản giá trị lớn nào, vì vậy đây là một việc quan trọng mà bạn không nên bỏ qua.
Phần lớn mọi người đều ít để ý đến việc này. Nhưng cứ tưởng tượng, một cái áo trắng mới mua bị dính café. Nếu bạn không giặt ngay lúc đó bằng nước thì khả năng sẽ tạo thành vết ố và không mặc được nữa, thì như vậy cũng là phát sinh thêm chi phí khác.
Sống dưới năng lực tài chính của bạn
Nôm na là bạn kiếm được 10 đồng và có thể tiêu 7 đồng, thì cố gắng tiêu 6 đồng thôi. Làm chủ một lối sống giản dị có nghĩa là phát triển một tư duy tập trung vào việc sống một cuộc sống với mọi thứ ở mức vừa phải hoặc ít hơn. Trên thực tế, trước khi vươn lên tới sự giàu có, nhiều cá nhân giàu có đã phát triển thói quen sống dưới mức tài chính cá nhân của họ.
Đây không phải là một thách thức để áp dụng lối sống tối giản. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là học cách phân biệt giữa những thứ bạn cần và những thứ bạn muốn, và sau đó thực hiện những điều chỉnh nhỏ để mang lại lợi nhuận lớn cho sức khỏe tài chính của mình.
Nếu sống cao hơn mức năng lực tài chính của mình, thì bạn có thể sẽ luôn luôn trong trạng thái phải kiếm tiền, phải có tiền, áp lực sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, cũng như không cho phép bạn tự do sáng tạo.
Xem xét việc có một cố vấn tài chính
Trong giai đoạn đầu công việc bận rộn không có thời gian, bạn có thể xem xet cố vấn Robo AI, khi đến thời điểm mà bạn đã tích lũy được một lượng tài sản kha khá, chúng có thể là tài sản có tính thanh khoản như tiền mặt hoặc tài sản cố định như nhà cửa, xe hơi, bạn hãy xem xét tìm tới một cố vấn tài chính chuyên nghiệp để giúp bạn đi đúng đường trong việc quản lý tài sản và các danh mục đầu tư khác của mình.
Chăm sóc tốt sức khỏe của bạn
Giống như nguyên tắc chăm sóc và duy trì tốt tài sản nói trên, việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm lý tinh thần một cách xuất sắc cũng sẽ đem lại tác động tích cực đáng kể đến sức khỏe tài chính của bạn.
Thời gian và tiền bạc là rất quý giá, nhưng đừng bao giờ ngại đầu tư chúng vào sức khoẻ của chính mình. Nó có nghĩa là phải đi khám sức khoẻ định kỳ, ít nhất 1 lần mỗi năm và làm theo lời khuyên của bác sĩ về bất kỳ vấn đề sức khoẻ nào bạn gặp phải. Nhiều vấn đề y tế có thể được giúp đỡ hoặc thậm chí ngăn ngừa thông qua những thay đổi cơ bản trong lối sống hàng ngày, chẳng hạn như tập thể dục nhiều hơn và có chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
Ngược lại, việc duy trì sức khỏe kém thường đem lại những hậu quả tiêu cực đối với các mục tiêu tài chính của bạn, cả ngay trước mắt lẫn trong lâu dài. Một số bệnh lý như là béo phì hay tiểu đường có thể làm cho chi phí bảo hiểm tăng vọt, và có thể dẫn đến buộc phải nghỉ hưu sớm với mức thu nhập trợ cấp hàng tháng thấp hơn trong suốt phần đời còn lại của bạn.
Quy tắc Ngân sách 50/30/20 là gì?
Để có tự do tài chính cá nhân, bạn sẽ cần biết quy tắc ngân sách 50/30/20, được phổ biến rộng rãi bởi Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, là một phương pháp để đạt được sự ổn định tài chính bằng cách chia thu nhập sau thuế thành 3 loại chi tiêu, 50% cho nhu cầu, 30% cho mong muốn và 20% cho tiết kiệm và trả nợ. Lập ngân sách theo quy tắc này có thể giúp bạn phân loại và kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm của mình hàng tháng hoặc năm, qua đó dễ dàng hướng tới sự tự do tài chính cá nhân.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.