Điểm nhấn chính:
- WACC là một cách tiếp cận phổ biến để bạn có thể tính chi phí sử dụng các nguồn vốn khác nhau của công ty.
- WACC thấp hơn thường cho thấy công ty có tài chính lành mạnh và dễ thu hút tiền từ các nhà đầu tư với chi phí thấp hơn, và ngược lại.
Chi phí sử dụng vốn bình quân là gì?
Chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền (WACC - Weighted average cost of capital) thể hiện chi phí sử dụng vốn bình quân của công ty từ tất cả các nguồn vốn, bao gồm cả vốn cổ phần và vốn vay. Nói cách khác, đây có thể được coi là chi phí trung bình mà một công ty dự kiến phải trả để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình.
WACC là một cách phổ biến để xác định tỷ suất lợi nhuận yêu cầu (Required rate of return – RRR) vì nó thể hiện lợi nhuận mà các chủ nợ và cổ đông yêu cầu nhận được từ nguồn vốn mà họ đã cung cấp công ty. WACC của một công ty có thể sẽ cao hơn khi giá cổ phiếu của công ty tương đối biến động hoặc khoản nợ của công ty được coi là rủi ro hơn. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi một tỷ lệ lợi nhuận cao hơn để bù đắp cho phần rủi ro mà họ đang gánh chịu, hay tuân theo nguyên tắc “high risk – high return”.
Mục đích của Mô hình chi phí sử dụng vốn bình quân
WACC được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Nó không chỉ hữu ích với ban quản lý công ty, các nhà phân tích chuyên môn mà còn hữu ích đối với bản thân các nhà đầu tư.
Trong tài chính doanh nghiệp, việc xác định WACC có thể quan trọng vì nó có thể được sử dụng làm tỷ lệ chiết khấu trong việc ước tính giá trị hiện tại ròng (Net present value – NPV) của một dự án hoặc một thương vụ sápnhập và mua lại (M&A).
Ví dụ: nếu công ty tin rằng việc sáp nhập sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn chi phí vốn thì đó có thể là một lựa chọn tốt cho công ty. Tuy nhiên, nếu công ty lo ngại lợi nhuận thấp hơn mức mà các nhà đầu tư kỳ vọng, thì công ty có thể muốn sử dụng vốn của mình cho các mục đích khác đem lại lợi nhuận tốt hơn.
Đối với các nhà đầu tư, WACC là một công cụ quan trọng để đánh giá tiềm năng sinh lời của công ty. Thông thường, WACC thấp hơn cho thấy một công ty có tài chính lành mạnh và dễ thu hút tiền từ các nhà đầu tư với chi phí thấp hơn. Ngược lại, WACC cao hơn thường có nghĩa là công ty được coi là rủi ro hơn, và nhà đầu tư đòi hỏi lợi nhuận cao hơn để bù đắp cho phần rủi ro đó.
WACC – Một sự kết hợp giữa tài trợ vốn cổ phần và vốn vay
Nếu công ty chỉ nhận được nguồn tài trợ thông qua vốn cổ phần, thì việc tính toán chi phí vốn sẽ tương đối đơn giản. Ví dụ, nếu các nhà đầu tư (cổ đông) kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận (Rate of return - RoR) là 10% cho cổ phiếu họ nắm giữ thì chi phí vốn của công ty sẽ bằng chi phí vốn chủ sở hữu, tức là 10%.
Cách tính này cũng tương tự trong trường hợp công ty chỉ sử dụng vốn vay. Ví dụ: lãi suất trung bình mà công ty phải trả cho các khoản vay là 5% thì chi phí vốn nợ của công ty sẽ là 5%.
Tuy nhiên, nhiều công ty sử dụng cả vốn vay và vốn cổ phần theo nhiều tỷ lệ khác nhau. Và đây cũng là nguyên nhân cho sự xuất hiện của mô hình chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC).
Chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC) được tính như thế nào?
Chi phí sử dụng vốn bình quân được tính theo công thức sau:
WACC = E/V x Re + D/V x Rd x (1 – Tc)
Trong đó:
E = Giá trị thị trường của vốn cổ phần
D = Giá trị thị trường của nợ
V = E+D
Re = Chi phí sử dụng vốn cổ phần
Rd = Chi phí sử dụng vốn vay (nợ)
Tc = Thuế suất doanh nghiệp
WACC được tính bằng cách nhân chi phí của từng nguồn vốn (nợ và vốn cổ phần) với tỷ trọng tương ứng của nó, sau đó cộng các kết quả lại với nhau. Trong công thức trên, E/V thể hiện tỷ trọng của nguồn tài trợ bằng vốn cổ phần, trong khi D/V thể hiện tỷ trọng của nguồn tài trợ bằng nợ. WACC sẽ bao gồm tổng chi phí sử dụng từng nguồn vốn theo tỷ trọng của nó.
1. Chi phí sử dụng vốn cổ phần
Trên thực tế, chi phí vốn cổ phần (Re) có thể hơi khó tính vì vốn cổ phần không có giá trị chính xác. Khi công ty thanh toán cho chủ nợ, trái chủ thì số tiền họ phải trả đã được ấn định theo một mức lãi suất được xác định trước. Trong khi đó, vốn cổ phần không được đo lường theo một mức chi phí nhất định. Do đó, công ty thường phải ước tính chi phí sử dụng vốn cổ phần, hay tỷ suất lợi nhuận mà cổ đông đòi hỏi, dựa trên mức độ biến động dự kiến của giá cổ phiếu.
Bởi vì các cổ đông kỳ vọng nhận được một khoản lợi tức nhất định từ khoản đầu tư, nên tỷ suất lợi nhuận đòi hỏi của họ là chi phí được tính toán dựa trên quan điểm của công ty. Nếu công ty không đạt được mức lợi nhuận dự kiến này, các cổ đông có thể bán cổ phiếu họ nắm giữ, và dẫn đến cả giá cổ phiếu và giá trị công ty giảm. Khi đó, chi phí vốn cổ phần về cơ bản là tổng lợi nhuận mà công ty phải tạo ra để duy trì giá cổ phiếu ở mức làm “hài lòng” các nhà đầu tư.
Các công ty thường sử dụng mô hình định giá tài sản vốn (CAPM) để tính chi phí vốn cổ phần. Mặc dù đây là một cách tiếp cận phổ biến song nó cũng chưa hẳn là một phép tính chính xác vì công ty phải dựa vào dữ liệu lịch sử, và điều này không thể dự đoán chính xác mức tăng trưởng trong tương lai.
2. Chi phí sử dụng vốn vay
Việc xác định chi phí nợ (Rd) có vẻ đơn giản hơn. Chi phí này thường được tính bằng cách lấy trung bình lãi suất đến hạn của các khoản nợ tồn đọng của công ty. Và cách tiếp cận này càng dễ hơn nếu công ty công bố chi tiết các mức lãi vay (thường trong phụ lục Báo cáo tài chính) mà họ phải trả cho các khoản nợ của mình.
Mặt khác, các công ty được hưởng lợi từ tấm chắn thuế. Tức là, Nhà nước cho phép khấu trừ lãi vay vào lợi tức chịu thuế, giúp công ty nhận được khoản sinh lợi từ tấm chắn thuế của lãi vay. Do đó, chi phí sử dụng nợ, hay lãi vay, sẽ được tính bằng cách lấy chi phí vay nợ nhân với (1 – Thuế suất doanh nghiệp).
Ví dụ về cách tính chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC)
Chúng ta hãy xem xét ví dụ về công ty ABC. Giá trị thị trường các khoản nợ của công ty là 4,000 tỷ đồng và vốn hóa thị trường (hoặc giá trị thị trường của vốn cổ phần) là 6,000 tỷ đồng.
Bước 1: Tính chi phí sử dụng vốn cổ phần (Re)
Để tính chi phí sử dụng vốn cổ phần, chúng ta sử dụng mô hình định giá tài sản vốn CAPM.
Re = Rf + β (Rm – Rf)
Trong công thức trên, Rf (lãi suất phi rủi ro) là lãi suất được giả định bằng cách đầu tư vào các công cụ tài chính mà không bị rủi ro vỡ nợ. Thông thường, bạn có thể lấy lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm để đại diện cho lãi suất này, hiện đang ở mức 2.6%/năm (theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam – VBMA, tính đến tháng 11/2023).
(Rm – Rf) là phần bù rủi ro thị trường, là khoản lợi nhuận bổ sung mà bạn sẽ nhận được (hoặc dự kiến nhận được) từ việc nắm giữ tài sản đầu tư rủi ro trên thị trường thay vì tài sản phi rủi ro. Dựa theo số liệu được cung cấp tại "Country default spreads and risk premiums", phần bù rủi ro của Việt Nam được cập nhật tới tháng 11/2023 là 9.6%.
Thành phần còn lại trong mô hình CAPM là beta (β), thể hiện mức độ biến động trong giá cổ phiếu so với biến động chung của thị trường. Giả sử, beta của cổ phiếu công ty ABC hiện là 1.2.
Do đó, chi phí sử dụng vốn cổ phần của công ty ABC là:
Re = Rf + β (Rm – Rf) = 2.6% + 1.1 x 9.6% = 13.2%
Bước 2: Tính chi phí sử dụng vốn vay (Rd)
Bước tiếp theo, chúng ta sẽ tính chi phí sử dụng nợ vay của công ty ABC. Giả sử lãi suất trung bình cho các khoản vay của công ty là 6% và mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam là 20%.
Theo đó, chi phí sử dụng vốn vay của công ty ABC sau khi khấu trừ ưu đãi thuế là:
Rd = 6% x (1 – 20%) = 4.8%
Bước 3: Tính tỷ trọng vốn cổ phần, vốn vay trong tổng nguồn vốn (E/V, D/V)
Sau khi tính chi phí sử dụng vốn cổ phần và vốn vay, tiếp theo ta sẽ tính tỷ trọng cho từng nguồn vốn.
Trong tổng nguồn vốn 10,000 tỷ đồng, công ty ABC có 4,000 tỷ đồng vốn vay và 6,000 tỷ đồng vốn cổ phần. Do đó, tỷ trọng vốn vay (D/V) sẽ là 40% (4,000 tỷ đồng/10,000 tỷ đồng) và tỷ trọng vốn cổ phần (E/V) sẽ là 60% (6,000 tỷ đồng/10,000 tỷ đồng).
Bước 4: Tính chi phí sử dụng vốn bình quân (WACC)
Từ 3 bước trên, bạn đã thu được các kết quả sau:
- Chi phí sử dụng vốn cổ phần: Re = 13.2%
- Chi phí sử dụng vốn vay (sau khấu trừ thuế): Rd = 4.8%
- Tỷ trọng vốn cổ phần trong tổng vốn: E/V = 60%
- Tỷ trọng vốn vay trong tổng vốn: D/V = 40%
Dựa trên những kết quả này, bạn có thể tính được chi phí sử dụng vốn bình quân của công ty ABC:
WACC = Re x E/V + Rd x D/E = 13.2% x 60% + 4.8% x 40% = 9.84%
Hạn chế của WACC
Chí phí sử dụng vốn bình quân WACC trên thực tế sẽ khó tính được chính xác hơn. Bởi một số thành phần của công thức, chẳng hạn như chi phí vốn cổ phần, không có giá trị nhất quán vì mỗi người có thể đưa ra một giá trị khác nhau tùy theo quan điểm của họ về tình hình tài chính công ty. Do đó, mặc dù WACC có thể cung cấp thông tin giá trị về một công ty, nhưng người ta thường kết hợp nó với các số liệu khác để đưa ra quyết định có nên đầu tư hay không.
Các
bảng cân đối kế toán càng phức tạp, chẳng hạn như công ty có nhiều loại nợ với các mức lãi suất khác
nhau, sẽ khiến việc tính WACC trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, các dữ liệu đầu
vào để tính WACC, chẳng hạn như lãi suất và thuế suất, có thể bị ảnh hưởng bởi
các điều kiện kinh tế và thị trường.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.