Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Vỡ nợ trái phiếu là gì?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Vỡ nợ trái phiếu xảy ra khi tổ chức phát hành trái phiếu không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ gốc hoặc lãi vay (hoặc cả hai) khi trái phiếu đó đáo hạn.

    - Học đầu tư trái phiếu: khi một trái phiếu vỡ nợ, bạn có thể mất trắng hoặc thu hồi được một phần vốn.

    -Trái phiếu được xếp hạng tín dụng cao có xu hướng có mức rủi ro vỡ nợ thấp hơn.

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Bất cứ khi nào bạn vay tiền, cho dù đó là vay mua nhà thế chấp hay vay tín dụng từ ngân hàng, bạn đều phải hoàn trả số tiền mình đã vay, bao gồm cả khoản lãi phát sinh của chúng. Điều này cũng đúng đối với các tổ chức phát hành trái phiếu. Khi một doanh nghiệp phát hành trái phiếu, họ có nghĩa vụ phải thanh toán lãi định kỳ theo mức lãi suất trái phiếu đã được đưa ra cũng như hoàn trả khoản nợ gốc ban đầu cho các trái chủ khi trái phiếu đáo hạn. Bất cứ khi nào một doanh nghiệp không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình đối với các trái chủ, cho dù đó là dưới hình thức thanh toán lãi hay thanh toán nợ gốc, thì cũng được xem là doanh nghiệp đó rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu, hay mất khả năng thanh toán trái phiếu.

    Điều gì xảy ra khi một trái phiếu vỡ nợ?

    Trong một số trường hợp vỡ nợ trái phiếu, doanh nghiệp phát hành vẫn đủ khả năng để thích ứng và giải quyết vấn đề thanh toán. Đó có thể là khi tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền tạm thời khiến họ không thể thanh toán được, nhưng họ thường sẽ hoàn tất việc thanh toán vào một tuần hoặc vài ngày sau đó. Mặc dù vậy, về cơ bản, tình huống này là nền tảng hình thành nên một vụ vỡ nợ trái phiếu, song nó không làm ảnh hưởng quá nhiều đến việc thanh toán cho các trái chủ của doanh nghiệp.

    Mặt khác, một số vụ vỡ nợ trái phiếu lại là mối nguy hại cho các tổ chức phát hành. Trên thực tế, điều này thường xảy ra khi một doanh nghiệp không thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu và họ sẽ phải nộp đơn xin phá sản ngay sau đó.

    Khi một doanh nghiệp công bố phá sản mà chưa trả được nợ gốc và lãi vay, nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ sẽ được ưu tiên và mức độ thanh toán này sẽ phụ thuộc vào giá trị tài sản, dòng tiền của công ty cũng như loại hình phá sản mà họ đang xin nộp đơn. Nhưng nhìn chung, công ty sẽ phải trải qua quá trình thanh lý tài sản, nghĩa là họ phải bán một phần (hoặc tất cả) tài sản của mình để hoàn tất nghĩa vụ thanh toán cho các chủ nợ, hoặc tái cấu trúc công ty – nói một cách đơn giản là liên quan đến việc tái cơ cấu nợ để tiếp tục hoạt động.

    Do vậy, trong bất kỳ tình huống nào, trái chủ luôn được thanh toán toàn bộ hoặc một phần vốn và lãi đã cho công ty vay. Mặc dù trái chủ không phải là người được ưu tiên hàng đầu, song họ được ưu tiên thanh toán trước các cổ đông phổ thông của công ty.

    Ví dụ về Vỡ nợ trái phiếu

    Giả sử bạn đầu tư vào một trái phiếu lợi tức cao với lãi suất coupon (hay trái tức) lên đến 9%/năm. Trái phiếu này có tỷ lệ thu hồi nợ là 41%. Bạn đã bỏ ra 100,000 đồng để mua trái phiếu này và nó vỡ nợ. Công ty phát hành trái phiếu không thể thanh toán cho bạn nợ gốc (100,000 đồng) hoặc tiền lãi (9% của 100,000 đồng hay chính là 9,000 đồng). Do tỷ lệ thu hồi nợ là 41%, nên bạn sẽ nhận lại được 41,000 đồng sau khi công ty phát hành sử dụng tài sản thanh lý để đảm bảo nghĩa vụ nợ đối với các chủ nợ. Mặc dù bạn không được xem là có lợi trong khoản đầu tư này, nhưng nó cũng không phải là một khoản lỗ hoàn toàn.

    Bên cạnh đó, khi vỡ nợ trái phiếu xảy ra, trái phiếu đó thường sẽ không biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, những chúng được giao dịch ở mức giá chiết khấu, thậm chí là thấp hơn nhiều so với mệnh giá của chúng. Và đôi khi, đây sẽ là điều thu hút các nhà đầu tư (mạo hiểm) rót vốn vào những công ty đang gặp khó khăn về tài chính bởi họ nghĩ rằng, họ có thể nhận được phần lời (là mức thu hồi nợ) từ việc thanh lý tài sản của công ty cao hơn so với mức giá chiết khấu của trái phiếu mà họ đã mua trước đó.

    Khủng hoảng nợ bất động sản ở Việt Nam thêm trầm trọng do trì hoãn thanh toán trái phiếu

    Theo hãng tin Bloomberg, trong hai tháng đầu năm 2023, cuộc khủng hoảng nợ bất động sản (BĐS) của Việt Nam gia tăng khi nhà phát triển BĐS lớn thứ hai cả nước đã gia nhập nhóm các doanh nghiệp không thể trả nợ trái phiếu đúng hạn.

    Vào đầu năm 2023, Tập đoàn No Va (Novaland) cho biết sẽ hoãn thanh toán khoản nợ 1,000 tỷ đồng (tương đương 42 triệu đô la Mỹ) đến hạn vào ngày 12/02/2023 và yêu cầu chủ sở hữu gia hạn hoặc chuyển tiền gốc thành các sản phẩm BĐS của mình. Doanh nghiệp này cho biết họ đang tìm cách trong vòng 2 tháng hoàn tất nghĩa vụ thanh toán nợ.

    Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trước Novaland, các doanh nghiệp cùng ngành là Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Tập đoàn Sunshine cũng đã xin gia hạn thời hạn thanh toán nợ trái phiếu. Tính đến ngày 31/01/2023, con số các công ty hoãn thanh toán nợ trái phiếu đáo hạn đã tăng lên 54 so với chỉ 6 công ty vào tháng trước đó, đa phần trong số này hoạt động trong lĩnh vực BĐS.

    Theo đó cho thấy, cuộc khủng hoảng tiền mặt trong lĩnh vực BĐS đang trở nên tồi tệ hơn sau khi chiến dịch chống tham nhũng đã khiến nhiều nhà đầu tư hoảng sợ và điều này làm cho việc phát hành trái phiếu mới giảm mạnh. Đồng thời, với hàng tỷ đô la trái phiếu đáo hạn trong năm nay, nguy cơ cuộc khủng hoảng lớn hơn cho ngành ngân hàng và cả nền kinh tế quốc gia ngày càng gia tăng.

    Chuyên gia phân tích Xavier Jean của S&P Global Ratings nhận định rằng, đây mới chỉ là khởi đầu và ngành bất động sản Việt Nam sẽ chứng kiến thêm nhiều vụ gia hạn nợ, tái cấu trúc và thậm chí là phá sản trong thời gian tới đây. Đồng thời ông cũng cho rằng, điều này có thể gây ra hiệu ứng lan tỏa đến tất cả các công ty thuộc lĩnh vực khác bên cạnh các công ty thuộc lĩnh vực xây dựng.

    Học đầu tư trái phiếu: Phòng ngừa rủi ro với tư cách là một nhà đầu tư

    Mặc dù cổ phiếu có vẻ biến động hơn, song trái phiếu không hẳn là một khoản đầu tư an toàn và không có rủi ro. Rủi ro đó có thể bắt nguồn từ việc tổ chức phát hành không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình hoặc công bố phá sản để khoản đầu tư của bạn trở nên vô nghĩa và thậm chí là mất vốn. Tuy nhiên, bạn có thể học đầu tư trái phiếu và phòng ngừa rủi ro bằng cách xem xét các trái phiếu của tổ chức có xếp hạng tín nhiệm cao và theo dõi khoản đầu tư của mình một cách thường xuyên. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn mua trái phiếu có thời gian đáo hạn dài, vì bạn có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn xảy ra đối với tình hình tài chính của tổ chức phát hành trong khoảng thời gian này.

    Tại Việt Nam, trái phiếu phát hành ra công chúng không bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm. Theo đó, nhà đầu tư phải tự chịu rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp không được đánh giá tín nhiệm về các khía cạnh đảm bảo cho cam kết về mức lãi suất họ đưa ra.

    Mỗi một tổ chức xếp hạng có hệ thống xếp hạng khác nhau, nhưng nhìn chung, trái phiếu được phân loại là trái phiếu cấp đầu tư (investment grade) hoặc trái phiếu cấp phi đầu tư (non-investment grade). Trái phiếu có cấp độ đầu tư là trái phiếu an toàn và ổn định gắn với các tổ chức phát hành có triển vọng kinh doanh tích cực. Ví dụ, FiinRatings là một trong số ít các tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép tại Việt Nam mà bạn có thể tham khảo để đánh giá cấp độ đầu tư của từng loại trái phiếu.

    Bên cạnh đó, khi học đầu tư trái phiếu cần lưu ý rằng, mặc dù tình trạng vỡ nợ trái phiếu phổ biến hơn đối với trái phiếu doanh nghiệp hơn là trái phiếu đô thị (munis), song chính quyền địa phương cũng có thể không đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu bạn dự đoán công ty phát hành trái phiếu của mình có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán trong tương lai một cách có cơ sở, tốt hơn hết là bạn nên bán trái phiếu của mình với một mức giá phù hợp trước khi điều đó xảy ra.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán