Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Sức mua và lạm phát

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Sức mua đề cập đến số lượng hàng hóa/dịch vụ mà một đơn vị tiền có thể mua được. Khi giá cả tăng cao, với cùng một số tiền trước đây, bạn có thể mua được ít hàng hóa, dịch vụ hơn và ngược lại.

    - Sức mua giảm có thể ảnh hưởng lớn đến các khoản đầu tư của bạn. Và lạm phát là một trong những lý do chính khiến đồng tiền mất sức mua.

    Sức mua là gì?

    Sức mua (purchasing power) đề cập đến số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà một đơn vị tiền có thể mua được. Ở đây, sức mua được hiểu là sức mua của đồng tiền.

    Ví dụ, khoảng 15 năm trước, với 500 đồng, bạn có thể mua được 5 viên kẹo, nhưng bây giờ 500 đồng chỉ có thể mua được 1 viên kẹo, hay thậm chí không thể mua được bất kỳ thứ gì. Tương tự, cách đây 10 năm với số tiền 1-3 tỷ đồng sẽ có nhiều lựa chọn nhà ở hơn so với thời điểm hiện tại. Điều này cho thấy sức mua của bạn đã giảm đi.

    Trong tài chính, sức mua (buying power) là số tiền mà một nhà đầu tư có sẵn để mua chứng khoán, bao gồm tổng số tiền mặt hiện có trong tài khoản và số dư hạn mức ký quỹ (nếu có).  

    Sức mua và mối quan hệ với lạm phát, CPI

    Lạm phát là một trong những nguyên nhân chính làm xói mòn sức mua. Khi lạm phát tăng quá mức, giá cả tăng cao sẽ khiến sức mua của người tiêu dùng giảm do tiền của họ không còn mua được nhiều sản phẩm như trước. Điều này dẫn đến chi phí sinh hoạt cao hơn, làm ảnh hưởng đến mức sống của người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp.

    Một mặt hàng trước đây có giá 40,000 đồng nhưng đã tăng lên thành 80,000 đồng sau 2 năm do tác động của lạm phát. Sự gia tăng giá cả này có thể làm giảm khoản tiền tiết kiệm của người dân và do đó sẽ ảnh hưởng đến mức sống của họ.

    Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI - Consumer Price Index) thường được sử dụng để đo lường tỷ lệ lạm phát trong một nền kinh tế. Nó cũng đo lường sự thay đổi tổng thể trong giá cả của một rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đặc biệt là nhóm giao thông vận tải, thực phẩm đồ uống và chăm sóc sức khỏe trong một khoảng thời gian xác định. Do đó, CPI sẽ phản ánh sự thay đổi trong giá cả, từ đó phản ánh lên sự thay đổi trong sức mua của người dân. CPI tăng ám chỉ rằng, giá cả hàng hóa và dịch vụ đang tăng lên, hay lạm phát, khiến cho đồng tiền của bạn có thể mua được ít hơn so với trước đó, và ngược lại

    . Mặt khác, Chính phủ luôn nỗ lực đưa ra các chính sách, thiết lập các quy định để bảo vệ sức mua của đồng tiền nội tệ và duy trì sức khỏe của nền kinh tế. Do đó, CPI cũng là một trong những công cụ được sử dụng phổ biến nhất để họ theo dõi sức mua của người dân.  

    Cách hiểu sức mua theo phương trình Fisher

    Ngoài ra, mối quan hệ về sức mua và lạm phát có thể được diễn đạt thông qua phương trình Fisher như sau:

    (1 + Lãi suất danh nghĩa) = (1 + Lãi suất thực) x (1 + Tỷ lệ lạm phát)

    Theo phương trình, lãi suất danh nghĩa được biểu diễn thông qua hai biến số là "Lãi suất thực" và "Tỷ lệ lạm phát". Về ý nghĩa liên quan đến sức mua, phương trình trên ngụ ý rằng, lãi suất thực (sức mua) sẽ giảm khi lạm phát tăng, trừ khi lãi suất danh nghĩa tăng cùng tốc độ với lạm phát.

    Bạn có thể hiểu hiệu ứng này qua ví dụ đơn giản sau. Giả sử tỷ lệ lạm phát là 3% và khoản đầu tư/tiết kiệm của bạn mang lại khoản lợi nhuận kỳ vọng là 2%/năm. Sau một năm, lợi nhuận thực tế bạn nhận được đã giảm khoảng 1%, vì giá trị đồng tiền đã mất 3% so với năm trước (do tác động của lạm phát). Do đó, nếu bạn muốn kiếm được lợi nhuận trên thực tế, lợi nhuận kỳ vọng của khoản đầu tư phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát.  

    Lý thuyết ngang giá sức mua (PPP)

    Khi đề cập đến sức mua trong quan hệ thương mại quốc tế, thuật ngữ "ngang giá sức mua" (purchasing price parity, PPP) cũng khá phổ biến.  

    PPP là một lý thuyết kinh tế ước tính số tiền mà một mặt hàng nên được điều chỉnh để loại trừ những khác biệt về tỷ lệ lạm phát giữa các quốc gia có quan hệ thương mại. Việc loại trừ tác động từ lạm phát này sẽ giúp đảm bảo sự cân bằng trong cán cân thanh toán quốc tế giữa các bên.

    PPP có thể được sử dụng để so sánh hoạt động kinh tế, mức thu nhập và các dữ liệu liên quan khác liên quan đến chi phí sinh hoạt và tỷ lệ lạm phát hoặc giảm phát (nếu có) giữa các quốc gia. Theo đó, chương trình so sánh quốc tế của Ngân hàng Thế giới (The World Bank's International Comparison Program) công bố dữ liệu về sức mua tương đương giữa các quốc gia khác nhau.  

    Ví dụ về sức mua

    Nước Đức sau chiến tranh thế giới thứ nhất

    Hậu thế chiến thứ nhất những năm 1920, Đức đã trải qua thời kỳ khó khăn kinh tế nặng nề và gần như chứng kiến tình trạng siêu lạm phát chưa từng có. Một phần nguyên nhân là do số tiền bồi thường khổng lồ mà quốc gia này phải trả, lên đến 132 tỷ marks (năm 1921).

    Khi không thể thanh toán các khoản bồi thường bằng đồng nội tệ, Đức buộc phải in tiền để mua ngoại tệ. Việc in quá nhiều tiền để chi tiêu cho chiến tranh dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao ngất ngưởng, có lúc đạt 29,500% (tháng 10/1923) và điều này đã làm suy giảm trầm trọng sức mua của đồng Marks.

    Theo đó, tháng 01/1923, 1 USD đổi được 17,000 marks. Tuy nhiên, chỉ đến tháng 12/1923, tỷ giá hối đoái đã chạm mốc 4.2 nghìn tỷ marks đổi một USD, tăng mạnh so với đầu năm và gấp nghìn tỷ lần so với 10 năm trước đó (4.2 marks đổi 1 USD vào năm 1913).

    Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008

    Năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã thiết lập một kế hoạch gọi là nới lỏng định lượng (QE) giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Kế hoạch này gồm việc mua các loại chứng khoán từ Chính phủ và các ngân hàng thương mại khác để tăng cung tiền và giảm lãi suất.

    Theo Forbes, qua kế hoạch QE với 3 giai đoạn kéo dài từ cuối năm 2008 đến năm 2014, Fed đã giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức gần bằng 0% (giảm từ mức 5.25% trong tháng 09/2007) và tổng lượng cung tiền tăng lên (qua các đợt mua chứng khoán như trái phiếu Kho bạc, chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS), v.v.) là 4 nghìn tỷ USD. Theo đó, bảng cân đối kế toán của Fed đã tăng từ dưới 1 nghìn tỷ vào tháng 11/2008 lên 4.4 nghìn tỷ USD vào tháng 10/2014.

    Việc tăng vốn đã thúc đẩy tăng cho vay, tăng tính thanh khoản thị trường cũng như tăng sức mua cho đồng đô la.

    Lãi suất các khoản thế chấp lãi suất cố định kỳ hạn dài giảm từ 5.21% (tháng 4/2010) xuống còn 3.98% tháng 11/2011). Tỷ giá hối đoái USD cũng tăng đáng kể, giúp giá trị đồng USD mạnh lên so với những đồng tiền khác. Tính từ cuối năm 2007 đến cuối năm 2014, tỷ giá USD/CAD đã tăng gần 24% từ 0.9386 lên 1.1628, USD/EUR cũng tăng hơn 20% từ 0.6814 lên 0.8199.   

    Các khoản đầu tư phòng ngừa rủi ro mất sức mua

    Trước tác động của lạm phát, việc lựa chọn các khoản đầu tư phù hợp để chống lại sự suy giảm sức mua rất quan trọng.

    Những người về hưu có thể nhận thức được việc mất sức mua một cách dễ dàng hơn vì đa phần trong số họ sống dựa vào một khoản tiền cố định. Họ phải đảm bảo rằng phần lợi nhuận từ các khoản đầu tư của họ có thể bù đắp được sự sụt giảm giá trị do tác động của lạm phát để giá trị danh mục đầu tư của họ không giảm theo thời gian.

    Chứng khoán nợ và các khoản đầu tư có tỷ suất sinh lợi cố định dễ bị tác động bởi rủi ro sức mua hoặc lạm phát. Các dòng niên kim cố định, chứng chỉ tiền gửi (CD) và trái phiếu chính phủ đều nằm trong nhóm này. Chẳng hạn, một trái phiếu dài hạn với tỷ lệ hoàn vốn cố định thấp có thể không đủ khả năng để làm tăng khoản đầu tư của bạn trong thời kỳ lạm phát.

    Một số khoản đầu tư hoặc chiến lược có thể giúp bạn phòng ngừa các rủi ro về sức mua. Ví dụ, chứng khoán được bảo vệ khỏi lạm phát Kho bạc (TIPS) là loại chứng khoán được điều chỉnh theo lạm phát để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi sự sụt giảm sức mua của đồng tiền. Mặt khác, các sản phẩm như dầu mỏ và kim loại có thể duy trì giá trị trong thời kỳ lạm phát.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan