Điểm nhấn chính:
- Vay tiền cho phép các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện các khoản đầu tư có giá trị lớn hơn khoản tiền mà họ đang có.
- Mặc dù đòn bẩy tài chính mang lại nhiều tiềm năng tăng giá, nhưng nó cũng có thể khiến bạn mất nhiều tiền, đặc biệt khi các khoản đầu tư sử dụng đòn bẩy bị thua lỗ.
Đòn bẩy chỉ đơn giản là việc sử dụng tiền đi vay để đầu tư, kinh doanh Các doanh nghiệp thường sử dụng đòn bẩy để hỗ trợ cho sự phát triển, các hộ gia đình áp dụng đòn bẩy dưới dạng nợ thế chấp mua nhà, và các chuyên gia tài chính sử dụng đòn bẩy để thúc đẩy hiệu quả của các chiến lược đầu tư.
Hãy cùng tìm hiểu về ba loại đòn bẩy tài chính trong bài viết này nhé.
Đòn bẩy tài chính trong kinh doanh
Các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy để khởi động các dự án mới, hỗ trợ việc mua hàng tồn kho và mở rộng hoạt động của họ. Đối với nhiều doanh nghiệp, vay tiền có thể thuận lợi hơn so với việc sử dụng vốn chủ sở hữu hoặc bán tài sản để tài trợ cho các giao dịch thâm dụng vốn lớn. Khi một doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy—bằng cách phát hành trái phiếu hoặc đi vay—họ sẽ không cần phải từ bỏ bớt vốn cổ phần trong công ty như khi họ nhận các nhà đầu tư mới hoặc phát hành thêm cổ phiếu.
Ngoài ra, khi đánh giá một doanh nghiệp, các nhà đầu tư thường xem xét đòn bẩy tài chính (Financial leverage) và đòn bẩy kinh doanh (Operating leverage) của doanh nghiệp đó. Đòn bẩy tài chính biểu thị tổng nợ của một công ty so với số tiền đầu tư của các cổ đông, hay còn được gọi là vốn chủ sở hữu. Đây còn được gọi là tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E), cho biết liệu một công ty có khả năng thanh toán tất cả các khoản nợ của mình thông qua số tiền huy động được hay không. Đầu tư vào một công ty có tỷ lệ D/E cao thường được coi là có rủi ro cao hơn.
Mặt khác, đòn bẩy kinh doanh là tỷ lệ giữa chi phí cố định và chi phí biến đổi của công ty. Các công ty có chi phí vận hành liên tục cao, chẳng hạn như các công ty sản xuất, thường có đòn bẩy kinh doanh cao. Điều này chỉ ra rằng nếu công ty gặp khó khăn, việc đạt được biên lợi nhuận cao hơn sẽ khá khó khăn vì chi phí cố định của công ty tương đối cao.
Đòn bẩy tài chính đối với cá nhân
Khi nói đến tài chính cá nhân của bạn, bạn có thể ngạc nhiên về tần suất bạn sử dụng đòn bẩy tài chính. Bất cứ khi nào bạn vay tiền để mua một tài sản, đó là bạn đang sử dụng đòn bẩy tài chính, và điều này có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng của bạn.
Bạn có thể sử dụng đòn bẩy tài chính trong những trường hợp như sau:
- Mua nhà: Khoản vay mua nhà thế chấp chính là đòn bẩy tài chính để mua căn nhà đó. Theo thời gian, bạn sẽ xây dựng vốn chủ sở hữu, hoặc quyền sở hữu, trong ngôi nhà của mình khi bạn trả dần các khoản vay thế chấp của mình.
- Các khoản vay sinh viên: Khi bạn sử dụng tiền vay để trang trải tiền học phí, bạn đang sử dụng nợ để đầu tư vào giáo dục và tương lai của mình. Theo thời gian, bằng cấp của bạn sẽ tăng khả năng kiếm tiền của bạn và giúp bạn thanh toán khoản vay ban đầu.
- Mua xe: Việc sử dụng các khảon vay mua ô tô là một hình thức đòn bẩy tài chính nên được cân nhắc cẩn thận bởi giá trị của ô tô sẽ giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, bạn thường mua một chiếc ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại, hơn là để kiếm được khoản lợi nhuận tốt trong tương lai.
Đòn bẩy tài chính trong đầu tư
Đòn bẩy tài chính có thể là một công cụ mạnh mẽ để tăng lợi nhuận cho các nhà đầu tư, nhưng nó cũng đi kèm với một số rủi ro lớn. Nhà đầu tư nên áp dụng nó một cách thận trọng để tránh khả năng thua lỗ, đặc biệt đối với các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm.
Giao dịch ký quỹ
Giao dịch ký quỹ, hay mua ký quỹ, là hoạt động sử dụng đòn bẩy trong đầu tư phổ biến nhất. Nó để cập đến việc sử dụng tiền vay để mua chứng khoán, và được thực hiện trên tài khoản ký quỹ. Trong tài khoản này, bạn có thể vay tiền để thực hiện các khoản đầu tư có giá trị lớn hơn số tiền bạn đang có. Chứng khoán bạn mua và bất kỳ khoản tiền mặt nào trong tài khoản sẽ được coi là tài sản thế chấp cho khoản vay và bạn phải trả lãi suất cho khoản vay đó. Mua ký quỹ có thể khuếch đại tiềm năng mang lại lợi nhuận cũng như khả năng mang đến các khoản lỗ cho bạn.
Sử dụng nợ để đầu tư
Mặc dù đòn bẩy tài chính cá nhân thường sử dụng là khoản vay mua nhà thế chấp, nhưng một số người lại tiếp tục vay tiền trên hạn mức tín dụng được cấp cho khoản vay ban đầu đó để đầu tư vào các mục đích khác.
Một số chiến lược đầu tư dựa trên nợ phổ biến nhất là:
- Vay trên vốn chủ sở hữu nhà: Một số nhà đầu tư có thể muốn khai thác vốn chủ sở hữu nhà của họ để có tiền đầu tư bằng cách:
(1) vay tiền dựa trên vốn chủ sở hữu nhà của họ, nghĩa là số tiền được vay dựa trên chênh lệch giữa giá trị hiện tại của căn nhà và số dư thế chấp còn lại. Chủ nhà nhận được một khoản tiền một lần và họ thường có lãi suất cố định và lịch trả nợ được xác định trước.
(2) Đăng ký hạn mức tín dụng vốn chủ sở hữu nhà (HELOC), hoạt động giống như một thẻ tín dụng. Chủ nhà được chấp thuận cho một hạn mức tín dụng dựa trên vốn chủ sở hữu nhà của họ và họ có thể rút tiền từ hạn mức đó khi cần. Tiền lãi chỉ được tính trên số tiền đã vay và hạn mức tín dụng có thể được sử dụng lại khi số tiền đã vay được trả lại.
Tuy nhiên, đây là cách tiếp cận vốn nguy hiểm, bởi vì bạn không chỉ có nguy cơ mất tiền nếu giá trị đầu tư của bạn giảm, mà còn gây rủi ro cho ngôi nhà của bạn nếu bạn thanh toán không đúng hạn.
- Đăng ký khoản vay cá nhân: Nếu bạn có điểm tín dụng tốt, bạn có thể đủ điều kiện cho khoản vay cá nhân với lãi suất thấp để có tiền đầu tư và thường không cần phải thế chấp tài sản.
- Tạm ứng tiền mặt trong thẻ tín dụng: Nếu bạn có thẻ tín dụng lãi suất thấp, bạn có thể rút khoản tạm ứng tiền mặt và đầu tư bằng số tiền đó. Tuy nhiên, tạm ứng tiền mặt thường có lãi suất cao hơn so với lãi suất thông thường của thẻ tín dụng.
Quỹ ETFs sử dụng đòn bẩy
Nhiều nhà đầu tư thích một danh mục đa dạng và chọn các chứng chỉ ETF, đặc biệt là các nhà đầu tư đã quen thuộc với khai niệm chứng chỉ quỹ và cách đầu tư ETF.
Tuy nhiên các nhà đầu tư có thể chưa biết đó là các quỹ hoán đổi doanh mục (ETF) trên thế giới có sử dụng đòn bẩy tài chính có mục đích làm tăng hiệu suất gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba lần các chỉ số chuẩn của họ. Điều đó có nghĩa là nếu chỉ số chuẩn tăng 1% trong một ngày cụ thể, bạn có thể kiếm được 2% hoặc 3% với quỹ ETF có đòn bẩy của mình, và tương tự với chiều ngược lại.
Các quỹ ETF có đòn bẩy được quản lý độc lập bởi các công ty quản lý quỹ, có nghĩa là các khoản vay và chi phí lãi sẽ do các quỹ có trách nhiệm thanh toán, và bạn cũng không phải lo lắng về các lệnh gọi ký quỹ hoặc nguy cơ mất nhiều hơn khoản đầu tư chính của mình. Điều này làm cho các quỹ ETF có đòn bẩy trở thành một phương pháp đầu tư ít rủi ro hơn so với đầu tư cá nhân đầu tư đầu tư dùng đòn bẩy trực tiếp.
Tuy nhiên, các quỹ ETFs có đòn bẩy và khái niệm của nó chưa được phổ biến ở Việt Nam.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.