Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Hệ thống Hưu trí Việt Nam- Hưu trí bổ sung tự nguyện

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện là một chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm bổ sung thu nhập cho người tham gia khi về hưu. 

    - Quỹ được hình thành từ đóng góp của người tham gia và người sử dụng lao động, được đầu tư và tích lũy theo quy định pháp luật, và được quản lý bởi tổ chức tư nhân.   

    -  Hưu trí tự nguyện là một phần không thể bỏ qua của kế hoạch tài chính nghỉ hưu của mỗi người.

    Hiện nay, hệ thống hưu trí Việt Nam gồm hai tầng là trợ cấp xã hội từ ngân sách và hưu trí cơ bản từ quỹ bảo hiểm xã hội (bắt buộc và tự nguyện) theo nguyên tắc đóng – hưởng. 

    Những năm trở lại đây, một hình thức BHXH tự nguyện khác là Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, đang được Việt Nam tích cực phát triển và mở rộng khung pháp lý để thu hút người dân. Ở các nước phát triển, khái niệm hưu trí tự nguyện khá phổ biến, nhưng ở Việt Nam vẫn còn ít người biết đến. 

    Theo VSD, “Về mặt vĩ mô, quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện ra đời nhằm đảm bảo hệ thống an sinh xã hội quốc gia khi xu hướng dân số hoá dần già đi, giảm áp lực cho hệ thống bảo hiểm xã hội, hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng theo thông lệ quốc tế và tạo ra nguồn vốn đầu tư dài hạn vào thị trường vốn, nhất là thị trường nợ, góp phần phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.”   

    Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện là gì?

    Theo Nghị định 88/2016/NĐ-CP, Chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện là một chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung thu nhập cho người tham gia quỹ khi đến tuổi về hưu dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân.

    Điều này hỗ trợ những lao động có thu nhập cao và muốn đóng vào quỹ hưu trí vượt mức trần (20 lần lương cơ sở) quy định đóng góp vào BHXH, để có thể nhận mức lương hưu cao hơn sau này, từ đó đạt được kế hoạch nghỉ hưu an nhàn.

    Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện (viết tắt là quỹ hưu trí) này được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động, và được đầu tư và tích lũy theo quy định của pháp luật. 

    Các quỹ hưu trí bổ sung ở Việt Nam hiện tại là do các tổ chức tư nhân vận hành và Nhà nước không hỗ trợ đóng góp hay đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả nhưng khuyến khích tham gia thông qua các ưu đãi về thuế.  

    Ờ các nước phát triển, hưu trí tự nguyện là một phần quan trọng trong kế hoạch tài chính nghỉ hưu của mỗi người lao động. 


    Quỹ hưu trí hoạt động như thế nào? 

    Hệ thống chương trình hưu trí tự nguyện hiện tại gồm 2 mô hình: 

    1. Quỹ hưu trí được tổ chức dưới mô hình tín thác, được quản lý bởi Doanh nghiệp Bảo hiểm nhân thọ; 

    2. Quỹ hưu trí được tổ chức theo mô hình hợp đồng, được quản lý bởi Doanh nghiệp Quản lý quỹ hưu trí trên cơ sở ký kết tham gia giữa doanh nghiệp đó với cá nhân, người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). 

    Phương thức tham gia và đóng góp đối với NSDLĐ: 

    1. NSDLĐ chọn mua Bảo hiểm hưu trí của một công ty bảo hiểm nhân thọ cho nhóm NLĐ của mình; hoặc 

    2. NSDLĐ tạo lập Quỹ hưu trí cho NLĐ của mình tham gia đóng góp và ủy thác Quỹ này cho một công ty quản lý quỹ độc lập quản lý, hoặc mua sản phẩm quỹ hưu trí của công ty quản lý quỹ đó. 

    Phương thức tham gia và đóng góp đối với NLĐ: 

    1. NLĐ tham gia thông qua NSDLĐ. Và, NSDLĐ sẽ đóng góp vào quỹ cho NLĐ của mình, hoặc cả hai bên cùng đóng góp vào quỹ theo văn bản thoả thuận và NSDLĐ sẽ trích một phần lương của NLĐ để đóng góp hàng tháng; hoặc 

    2. NLĐ hoặc cá nhân tự lựa chọn và mở tài khoản hưu trí tại một công ty quản lý quỹ hưu trí và trực tiếp đóng góp một khoản tiền theo định kỳ. 

    Các Quỹ hưu trí tự nguyện được phép đầu tư vào đâu? 

    - Khoảng 40-50% tài sản quỹ đầu tư vào trái phiếu Chính phủ

    - Tiền gửi ngân hàng; 

    - Chứng chỉ quỹ

    - Trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, phái sinh, hoặc các công cụ tài chính khác. 

    Chi trả từ quỹ ra sao? 

    - Khi về hưu, người tham gia được quyền chọn rút một lần toàn bộ tiền đóng góp và lãi đầu tư trong tài khoản hưu trí cá nhân của họ, hoặc chọn chia đều tổng số tiền này và nhận theo định kỳ dưới dạng lương hưu. 

    - Đối với quỹ hưu trí do công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp thường sẽ có kế hoạch chi trả nhất định được quy định trong hợp đồng bảo hiểm, trong đó có cam kết lãi suất đầu tư tối thiểu, và họ cũng có thể nhận thêm lãi nếu Quỹ của bảo hiểm đầu tư hiệu quả. 

    - Trường hợp người tham gia quỹ bị chết hoặc mất tích, người thừa kế hợp pháp của họ sẽ được thừa hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ.   


    Lợi ích Quỹ hưu trí tự nguyện trong kế hoạch tài chính nghỉ hưu

    - Khoản đóng góp vào quỹ này được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân/doanh nghiệp. Khấu trừ tối đa 1 triệu đồng/tháng đối với NLĐ và 3 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp (NSDLĐ). 

    - Giúp người lao động gia tăng thu nhập khi về hưu và đạt được kế hoạch nghỉ hưu an nhàn. 

    - Tiềm năng giúp giảm bớt gánh nặng cho Quỹ Bão hiểm xã hội và ngân sách trợ cấp xã hội ở các khoản chi cho dân số già gia tăng. 

    - Cung cấp sự đa dạng hoá trong các loại tài sản đầu tư cho người tham gia. 

    - Phần lợi tức người tham gia nhận được khi về hưu còn phụ thuộc vào hiệu quả đầu tư của quỹ, mà phần lớn khoản đầu tư của các quỹ là vào trái phiếu chính phủ với lãi suất khiêm tốn. 

    - Các chuyên gia cho biết, các quỹ hưu trí hiện nay có mức sinh lời khoảng 7%/năm.

    Điểm yếu của Quỹ hưu trí tự nguyện

    - Tiền đóng góp của NLĐ và doanh nghiệp không được Nhà nước bảo hộ nếu hoạt động đầu tư của các quỹ có rủi ro. 

    - Người tham gia, tính cả NLĐ và NSDLĐ, hiện nay rất thấp, do hưu trí bổ sung theo mô hình thương mại này còn khá mới, những ưu đãi chưa đủ hấp dẫn về mặt tài chính, và giới hạn lựa chọn khi số lượng quỹ hưu trí hiện nay còn rất hạn chế. 

    - Hiện, Việt Nam có 6 công ty bảo hiểm nhân thọ tạo lập các Quỹ Hưu trí tự nguyện gồm: Bảo Việt, Prudential, AIA, Manulife, Sunlife, và Dai-ichi Life; với tổng tài sản của quỹ bảo hiểm hưu trí đạt 4,681 tỷ đồng, từ 43,059 hợp đồng tham gia, tính tới cuối năm 2021. 

    - Tới nay, cũng chỉ có 4 công ty quản lý quỹ được cấp phép đối với chương trình quỹ hưu trí bổ sung gồm: Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), MB (MBVF), SSI (SSIAM), và Vietcombank (VCBF); đang tổng quản lý gần 85 tỷ đồng của gần 900 lao động.   

    Quỹ hưu trí đóng góp gì vào TT Chứng Khoán? 

    - Giúp gia tăng dòng vốn tham gia vào TTCK cũng như tính thanh khoản thị trường, khi lượng vốn góp đáng kể vào các quỹ được đầu tư vào thị trường vốn. 

    - Tỷ trọng đầu tư trên TTCK của quỹ hưu trí thuộc các doanh nghiệp bảo hiểm giai đoạn 2016-2020 lên tới khoảng từ 80-97%, theo một nguồn tổng hợp từ UBCKNN. 

    - Số lượng Quỹ Đầu tư trên TTCK Việt Nam giai đoạn 2016 đến tháng 5/2021 tăng từ 31 quỹ lên 57 quỹ, với tổng tài sản quản lý cũng tăng từ mức khoảng 9,000 tỷ đồng trong 2 năm 2012-2013 lên gần 73,000 tỷ đồng vào tháng 4/2021. Điều này cho thấy nhu cầu uỷ thác đầu tư tại các Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh. Từ đây có thể làm nền tảng phát triển các Quỹ hưu trí tự nguyện vào các năm tới. 

    - Giúp tăng cường tính đa dạng của các sản phẩm đầu tư trên thị trường vốn. 

    - Với xu hướng đầu tư, tích luỹ dài hạn, các quỹ hưu trí còn giúp tăng nguồn cung vốn dài hạn cho thị trường nói chung.   

    Vai trò của Quỹ hưu trí tự nguyện trong kế hoạch tài chính nghỉ hưu

    Ở các nước phát triển, quỹ hưu trí bổ sung tự nguyên đóng vai trò quan trọng trong an sinh xã hội và góp phấn thúc đẩy nên kinh tế.

    - Quỹ hưu trí tự nguyện cung cấp một nguồn thu nhập bổ sung cho người lao động khi họ nghỉ hưu, giúp đảm bảo mức sống và ổn định tài chính trong giai đoạn không còn thu nhập từ công việc chính, trong khi mức chi trả của bảo hiểm xã hội có thể không đủ khi chi phí sinh hoạt tăng cao.

    - Quỹ hưu trí tự nguyện giúp giảm áp lực lên hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam, cho phép chính phủ tập trung nguồn lực vào các dịch vụ công khác.

    - Các quỹ hưu trí tự nguyện đầu tư trên thế giới ngoài đầu tư vào trái phiếu chính phủ còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, góp phần tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

    Theo GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết, kinh nghiệm các nước phát triển chỉ rõ quỹ hưu trí bổ sung thành công phải "hoạt động như tư nhân nhưng do nhà nước quản lý và đảm bảo", nhằm tạo sự yên tâm cho người tham gia và thu hút NLĐ.  

    Ông Hồ Minh Trí, Giám đốc PTKD của SSIAM, chia sẻ rằng "ở châu Âu, Mỹ, Úc, loại hình này đều đã phát triển. Tỷ lệ tổng tài sản của quỹ hưu trí quản lý/GDP ở Mỹ là 170%, ở Úc là 150%, trong khu vực lân cận, Thái Lan đang ở mức 8% GDP, Singapore 40%, Malaysia hơn 60%. Việt Nam chỉ có tỷ lệ dưới 1% do quỹ này chỉ mới được đưa vào hoạt động trong năm nay." 

    Ngoài ra, theo TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban Xã hội của Quốc hội, hưu trí bổ sung theo tài khoản hưu trí cá nhân nên được xem là một trong ba tầng của hệ thống bảo hiểm xã hội, nhằm đảm bảo và nâng cao an sinh cho NLĐ khi về già, ngoài trợ cấp xã hội từ ngân sách và quỹ bảo hiểm xã hội của nhà nước, giúp người lao động đạt được kế hoạch nghỉ hưu an nhàn.  

    Ví dụ ở Úc, khi tham gia vào quỹ này, nếu NLĐ qua đời mà chưa hưởng hết số tiền đóng góp cùng lãi phát sinh sẽ được người thân hưởng. Hay ở Trung Quốc, 70% số tiền đóng góp của NLĐ được nhà nước đưa vào quỹ hưu trí cơ bản (hay hiểu là BHXH bắt buộc) và 30% còn lại đưa vào quỹ hưu trí bổ sung nhằm đầu tư sinh lợi. Hay ở Hàn Quốc có các chương trình ưu đãi thuế bằng 13.2% với chương trình tiết kiệm hưu trí cá nhân và 15.4% với chương trình bảo hiểm hưu trí cá nhân, giúp số lượng người tham gia ở độ tuổi 20 tăng 70% và độ tuổi 30 tăng 22% trong năm 2021.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán