Điểm nhấn chính:
- Ngân sách nên được cân bằng với mục đích một nền kinh tế ổn định hơn, tuy nhiên trong một số thời kỳ, cho phép thâm hụt ngân sách là quyết định chính đáng.
- Luật thuế nên cải cách nhằm khuyến khích tiết kiệm, tuy nhiên, đề xuất nhằm tăng động cơ tiết kiệm thường tăng gánh nặng đối với những người ít có khả năng chi trả hơn.
Năng lực sản xuất của một quốc gia lần lượt là quyết định phần lớn bởi số tiền tiết kiệm và đầu tư cho tương lai, vây liệu các nhà hoạch định chính sách có nên cải cách luật thuế để khuyến khích tăng cường tiết kiệm và đầu tư.
Bất cứ khi nào chính phủ chi tiêu nhiều hơn số tiền thuế thu được, thâm hụt ngân sách sẽ được bù đắp bằng cách phát hành nợ chính phủ. Chúng ta đã thấy thâm hụt ngân sách ảnh hưởng như thế nào đến tiết kiệm, đầu tư và lãi suất. Nhưng vấn đề thâm hụt ngân sách lớn đến mức nào và liệu các nhà hoạch định chính sách tài chính có nên thực hiện cân đối ngân sách của chính phủ hay không.
Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn về sự tương phản giữa hai chính sách trên bằng cách trả lời câu hỏi “Chính phủ có nên cân bằng ngân sách không?” và “ Luật thuế có nên cải cách nhằm khuyến khích tiết kiệm?”
Chính phủ có nên cân bằng ngân sách không?
Khi chi tiêu của chính phủ về hàng hóa, dịch vụ hoặc các khoản thanh toán vượt quá doanh thu thuế, chính phủ có thể đối mặt với việc bị thâm hụt ngân sách. Khi đó, chính phủ bắt buộc phải vay tiền để bù đắp thâm hụt và làm tăng thêm nợ quốc gia. Tác động trực tiếp nhất của nợ chính phủ là gánh nặng lên các thế hệ người nộp thuế trong tương lai bởi họ có thể phải chịu sự kết hợp giữa thuế cao hơn và chi tiêu chính phủ ít hơn để tạo ra các nguồn lực sẵn có trả nợ và lãi tích lũy. Ngoài tác động trực tiếp này, thâm hụt ngân sách còn có nhiều tác động kinh tế vĩ mô khác nhau.
Thâm hụt ngân sách cao buộc nhà nước phải phát hành thêm tiền để tài trợ thâm hụt, và điều này dẫn tới lạm phát lâu dài khiến cho lãi suất tăng và đầu tư giảm. Đầu tư giảm dần dẫn đến lượng vốn nhỏ hơn theo thời gian và làm giảm năng suất lao động, tiền lương và khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế. Vì vậy, khi chính phủ tăng nợ, các thế hệ tương lai được sinh ra trong một nền kinh tế có thu nhập thấp hơn cũng như thuế cao hơn.
Có những tình huống trong đó chính phủ cho phép thâm hụt ngân sách là chính đáng. Trong suốt lịch sử, nguyên nhân phổ biến nhất làm tăng nợ chính phủ là chiến tranh. Khi một cuộc xung đột quân sự làm tăng chi tiêu chính phủ tạm thời, việc tài trợ cho khoản chi tiêu tăng thêm này bằng cách vay mượn là điều hợp lý. Nếu không, thuế trong thời chiến sẽ phải tăng chóng mặt. Mức thuế cao như vậy sẽ làm sai lệch đáng kể động cơ mà những người bị đánh thuế phải đối mặt, dẫn đến những tổn thất vô ích lớn. Ngoài ra, mức thuế cao như vậy sẽ không công bằng đối với những công dân hiện tại đang hy sinh chiến đấu để bảo đảm an ninh, tự do không chỉ cho bản thân mà còn cho các thế hệ mai sau.
Bên cạnh đó, việc cho phép thâm hụt ngân sách trong thời kỳ suy thoái tạm thời của hoạt động kinh tế là hợp lý. Khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Nếu chính phủ cố gắng cân bằng ngân sách trong thời kỳ suy thoái, họ có thể sẽ phải tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp cao. Một chính sách như vậy sẽ có xu hướng làm giảm tổng cầu vào đúng thời điểm cần kích thích và do đó sẽ có xu hướng làm tăng quy mô của biến động kinh tế. Giả sử chính phủ cân bằng ngân sách bằng cách cắt giảm chi tiêu cho đầu tư công, chẳng hạn như giáo dục.
Liệu chính sách này có làm thế hệ tương lai phát triển tốt hơn? Nếu người lao động ít học vấn hơn mức có thể, năng suất và thu nhập của họ sẽ thấp hơn. Nhiều ước tính cho rằng lợi nhuận từ việc có học vấn cao của người lao động khá lớn so với những người có học vấn thấp hơn. Vì vậy, xét trên mọi khía cạnh, việc giảm thâm hụt để cân bằng ngân sách chính phủ có thể khiến thế hệ tương lai trở nên tồi tệ hơn.
Luật thuế có nên cải cách nhằm khuyến khích tiết kiệm?
Tỷ lệ tiết kiệm của một quốc gia là yếu tố then chốt quyết định sự thịnh vượng kinh tế lâu dài của quốc gia đó. Khi tỷ lệ tiết kiệm cao đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư vào nhà máy và thiết bị mới. Cùng với đó lượng nhà máy và thiết bị lớn hơn sẽ làm tăng năng suất lao động, tiền lương và thu nhập. Bên cạnh đó, chính sách cũng nên khuyến khích tiết kiệm cá nhân cao hơn ở các hộ gia đình riêng lẻ. Các hộ gia đình cần tiết kiệm để đối phó với những gián đoạn không lường trước được về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng không lường trước được. Việc có những khoản dự trữ như vậy thậm chí còn quan trọng hơn so với trước đây vì biến động thu nhập hộ gia đình có xu hướng tăng lên trong bối cảnh thị trường lao động năng động và cạnh tranh hơn bao giờ hết. Tiết kiệm cũng mang lại cho các hộ gia đình nhiều cơ hội. Nó có thể được sử dụng để trả học phí đại học và mua những món đồ giá trị lớn như ô tô và nhà cửa. Việc tiết kiệm có thể thậm chí còn quan trọng hơn để đạt được quyền sở hữu nhà so với trước đây.
Ngoài ra, tiết kiệm còn giúp một số hộ gia đình có điều kiện tốt hơn để thành lập doanh nghiệp. Cuối cùng, tiết kiệm cao hơn rất quan trọng đối với các hộ gia đình vì điều đó có nghĩa là họ sẽ được hưởng mức sống tốt hơn khi nghỉ hưu. Mặc dù hầu hết mọi người có thể mong đợi nhận được trợ cấp an sinh xã hội khi lớn tuổi và nhiều người sẽ nhận được khoản thanh toán thường xuyên từ lương hưu phúc lợi xác định, nhưng những nguồn thu nhập này nhìn chung không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm thu nhập xảy ra khi nghỉ hưu. Kết quả là, nhiều hộ gia đình lớn tuổi sẽ cần phải bổ sung thu nhập từ lương hưu bằng tài sản tích lũy nếu họ muốn duy trì mức tiêu dùng như khi còn trẻ. Có nhiều cách điều chỉnh luật thuế khác nhau nhằm khuyến khích tiết kiệm. Chẳng hạn như luật thuế hiện đã ưu đãi một số loại hình tiết kiệm hưu trí. Khi người lao động mua bảo hiểm hưu trí hoặc đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, khoản tiền đó sẽ được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế cá nhân.
Các nhà hoạch định chính sách cũng phải đảm bảo phân bổ gánh nặng thuế một cách công bằng khi điều chỉnh luật thuế. Vấn đề với các đề xuất nhằm tăng động cơ tiết kiệm là chúng làm tăng gánh nặng thuế đối với những người ít có khả năng chi trả nhất. Không thể phủ nhận rằng các hộ gia đình có thu nhập cao tiết kiệm được một phần thu nhập lớn hơn các hộ gia đình có thu nhập thấp. Kết quả là, bất kỳ sự thay đổi thuế nào có lợi cho những người tiết kiệm cũng sẽ có xu hướng có lợi cho những người có thu nhập cao. Chính vì vậy, những ưu đãi về thuế kích thích tiết kiệm có vẻ hấp dẫn nhưng chúng lại dẫn đến một xã hội kém bình đẳng hơn. Hơn nữa, lý thuyết kinh tế không đưa ra dự đoán rõ ràng về việc liệu tỷ suất lợi nhuận cao hơn có làm tăng tiết kiệm hay không.
Kết luận
Mỗi “câu hỏi” trong cuộc tranh luận đều bắt đầu bằng một mệnh đề gây tranh cãi và sau đó đưa ra các lập luận ủng hộ và chống đối. Việc nghiên cứu kinh tế học không phải lúc nào cũng giúp ta dễ dàng lựa chọn giữa các chính sách thay thế. Quả thực, bằng cách làm rõ những sự đánh đổi không thể tránh khỏi mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt, nó có thể khiến việc lựa chọn trở nên khó khăn hơn. Các nhà kinh tế học dạy chúng ta “không có thứ đại loại như là bữa trưa miễn phí”. Có ít câu trả lời dễ dàng và còn lại là rất nhiều câu hỏi chưa được giải quyết. Để có được chính sách tốt nhất yêu cầu phải biết rõ cả phía ủng hộ và phản đối của từng phương án và từ đó khi đưa ra quyết định mà bạn phải chấp nhận sự đánh đổi có lợi nhất cho từng tình huống cụ thể.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.