Điểm nhấn chính:
- Fed tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 22 năm, 5.25% - 5.50%.
- Lãi suất cao khiến nợ của Mỹ gia tăng nhanh chóng và khiến đồng tiền nội tệ của nhiều quốc gia mất giá đáng kể.
Lạm phát và lãi suất của Mỹ tháng 9/2023
Lạm phát Mỹ đã tăng đều đặn từ 3.0% trong tháng 6 lên 3.2% trong tháng 7 và tiếp tục lên 3.7% vào tháng 8 năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu là do giá năng lượng đã tăng 30% trong 3 tháng và năng lượng không chỉ liên quan đến chỉ số năng lượng mà còn liên quan đến các tác động bên ngoài đối với các lĩnh vực khác.
Trong cuộc họp ngày 20/09, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức cao nhất trong 22 năm ở mức 5.25% - 5.50%, với quyết tâm giảm lạm phát và “tiếp tục quá trình giảm lượng chứng khoán nắm giữ”.
Thị trường Mỹ vào thứ Năm đã rơi vào tình trạng bán tháo với chỉ số S&P 500 giảm 1.6% và Dow Jones giảm 1.1%.
Tóm tắt ý chính trong bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, ngày 20/09:
- Fed giữ nguyên lãi suất, không giảm.
- Các chỉ số của Mỹ cho thấy, chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh trở lại, lĩnh vực nhà ở tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với một năm trước do lãi suất thế chấp còn cao, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp còn chịu áp lực vì lãi suất cao, thị trường lao động trong tình trạng tốt với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3.8%.
- Tăng trưởng GDP thực tế trung bình dự kiến trong năm nay là 2.1% và sẽ hạ nhiệt xuống còn 1.5% vào năm 2024.
- Dựa trên CPI và các dữ liệu khác, giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) ước tính tăng 3.4% trong 12 tháng tính đến tháng 8; và khi loại trừ thực phẩm và năng lượng thì PCE cốt lõi đã tăng 3.9%.
- Fed ước tính tổng lạm phát PCE là 3.3% trong năm nay, giảm xuống 2.5% vào năm tới và đạt mức 2% vào năm 2026.
- Nếu nền kinh tế phát triển như dự kiến, lãi suất quỹ liên bang dự kiến sẽ ở mức 5.6% vào cuối năm nay, 5.1% vào cuối năm 2024 và 3.9% vào cuối năm 2025.
- Phần lớn thành viên của FOMC tin rằng việc tăng lãi suất thêm một lần nữa trong hai cuộc họp còn lại trong năm nay là việc phù hợp.
- Kịch bản rất có thể xảy ra là lãi suất tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 11 và sẽ đánh dấu mức lãi suất cao nhất, sau đó Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2024 nhưng sẽ hạn chế cắt giảm lãi suất chỉ hai lần trong năm.
Ảnh hưởng của việc giữ lãi suất cao đối với Mỹ
- Giữ lãi suất ở mức cao để kiềm soát lạm phát, nhưng có thể làm suy giảm nền kinh tế Mỹ và khiến nó tăng trưởng chậm lại.
- Việc tăng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022 đã khiến lãi suất thế chấp và các khoản cho vay khác tăng vọt, khiến việc vay tiền của người Mỹ trở nên đắt đỏ hơn.
- Lãi suất thẻ tín dụng tăng từ mức trung bình 14-16% lên hơn 20%/năm hiện nay, khiến dư nợ thẻ tín dụng của Mỹ đạt kỷ lục hơn 1 nghìn tỷ USD vào tháng 8 vừa qua. Nợ xấu cũng gia tăng khi hơn 5% tài khoản thẻ ở tình trạng “vỡ nợ” từ 90 ngày trở lên.
- Trong quý 2/2023, tổng nợ hộ gia đình tăng thêm 16 tỷ USD lên mức 17.06 nghìn tỷ USD. Hơn 70% nợ hiện tại đến từ nợ vay thế chấp mua nhà với lãi suất thế chấp thời hạn 30 năm đã tăng lên mức 7.41%/năm, là mức cao nhất kể từ tháng 12/2000.
- Theo Moody's, 55 công ty Mỹ đã vỡ nợ trong nửa đầu năm 2023, tăng 53% so với tổng số vụ vỡ nợ trong cả năm 2022.
- Chi phí trả nợ chính phủ Mỹ đã tăng 25% trong 9 tháng đầu năm tài chính, đạt 652 tỷ USD, góp phần làm tăng đáng kể thâm hụt ngân sách. Thâm hụt liên bang đạt 1.39 nghìn tỷ USD, tăng khoảng 170% so với cùng kỳ năm trước.
- Các khoản thanh toán lãi nợ quốc gia dự kiến tăng gấp ba lần từ gần 475 tỷ USD trong năm tài chính 2022 lên 1.4 nghìn tỷ USD vào năm 2032 và 5.4 nghìn tỷ USD vào năm 2053. Khoản chi này dự kiến chiếm 3.2% GDP năm 2030 và 6.7% GDP năm 2053.
- Chênh lệch thu-chi: Doanh thu thuế giảm từ mức gần kỷ lục 19.6% GDP trong năm tài chính 2022 xuống còn khoảng 17.2% GDP trong 12 tháng qua. Chủ yếu do hoạt động tiêu dùng và đầu tư chậm lại. Trong khi chi tiêu liên bang lên tới 25.3% GDP trong 12 tháng qua, đem lại mức thâm hụt lên tới 8.1% GDP.
- Chi phí lãi vay tăng vọt có nguy cơ lấn át các khoản đầu tư công quan trọng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
- Tác động tích cực dễ thấy nhất của lãi suất cao là việc trái phiếu và tài khoản tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn do lãi suất của chúng cao hơn.
Tác động lan tỏa đến các quốc gia khác
Mất giá tiền tệ
- Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 vừa qua đã khiến chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) tăng 5.6% từ giữa tháng 7 và đạt 105.58 vào ngày 22/09.
- Điều này dẫn đến sự mất giá của hàng loạt đồng tiền của các nước mất giá so với USD, như đồng EUR giảm 5.2%, bảng Anh và yên Nhật giảm 6.5%, won Hàn Quốc giảm 5%, và đồng VND giảm 3%, tính từ giữa tháng 7 đến nay.
- Đồng nội tệ yếu hơn khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, gây áp lực lên lạm phát và tác động tiêu cực đến chi phí sinh hoạt của người dân.
- Các thị trường mới nổi đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi lãi suất của Mỹ, vì họ có thể hứng chịu tình trạng dòng vốn chảy ra ngoài và đồng tiền mất giá.
Dòng vốn
- Dòng vốn quốc tế ròng của kho bạc Mỹ đạt 140.6 tỷ USD vào tháng 7/2023, cao nhất kể từ tháng 1. Trong đó, dòng vốn tư nhân nước ngoài vào đạt 149.4 tỷ USD và ra đạt 8,8 tỷ USD.
- Lãi suất cao hơn của Mỹ thu hút dòng vốn từ các quốc gia khác, khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn từ tài sản của Mỹ.
- Việt Nam: khối ngoại đã liên tục bán ròng từ khoảng tháng 4, khi tỷ giá USD/VND có xu hướng mạnh hơn. Từ đầu tháng 4 đến 15/9, khối ngoại đã rút khỏi sàn HoSE tổng 13,160 tỷ đồng cổ phiếu.
- Trung Quốc: hứng chịu dòng vốn chảy ra đạt 49 tỷ USD trong tháng 8, lớn nhất kể từ tháng 12/2015. Trong đó, 29 tỷ USD đã chảy khỏi thị trường chứng khoán. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu và khoảng cách lãi suất ngày càng lớn với Mỹ được cho là nguyên nhân chính.
Tác động thương mại
- Đồng đô la Mỹ mạnh hơn khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ tuy vẫn có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu VN có được doanh thu cao hơn. Ngược lại, hàng nhập khẩu Mỹ trở nên đắt hơn.
- Việt Nam: Lũy kế 8Th2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 436.44 tỷ USD, giảm 12.8%, so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu chủ yếu ghi nhận đà giảm từ tháng 1-4/2023, nhưng từ tháng 5 tới nay đều ghi nhận đà tăng dương trở lại.
Gánh nặng nợ
- Năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 7.3 nghìn tỷ USD nợ của Chính phủ Mỹ dưới dạng trái phiếu kho bạc (TPKB).
- Trong đó, Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nắm giữ 1.1 nghìn tỷ TPKB, Trung Quốc đứng thứ hai với 867 tỷ USD, Anh giữ 655 tỷ USD ... đặc biệt Việt Nam cũng giữ tới 37 tỷ USD TPKB Mỹ.
- Việc lãi suất tăng và đồng USD tăng giá khiến giá trị khoản nắm giữ của các nước giảm đi đáng kể.
- Tổng nợ quốc gia của Mỹ vượt mốc 33 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 18/9, do chi phí lãi vay tăng nhanh hiện nay và nguồn thu thuế vẫn chưa thực sự đủ.
Kỳ vọng diễn biến tiếp theo của Mỹ
- Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 11/2023, và mức lãi suất vào cuối năm dự đạt 5.6%.
- Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất từ năm 2024, có thể với 2 lần giảm xuống mức khoảng từ 4.4% - 5.1%, và xuống 3.9% vào năm 2025.
- Lạm phát Mỹ được dự đoán sẽ giảm xuống 3.3% vào cuối năm nay, xuống 2.5% vào năm tới và xuống 2.2% vào cuối năm 2025. Fed kỳ vọng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% vào năm 2026.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.