Điểm nhấn chính:
- Chiến lược 60/40 mang lại tiềm năng tăng trưởng từ cổ phiếu trong khi tận dụng trái phiếu để giảm bớt sự biến động và bảo toàn vốn cho danh mục.
- Trong tình hình biến động như hiện nay, chiến lược này đem lại hiệu suất thấp hơn nhưng ổn định hơn những danh mục có tỷ trọng cổ phiếu cao hơn.
- 60/40 là một chiến lược đa dạng hoá danh mục đầu tư truyền thống, tiêu chuẩn nhưng nhà đầu tư không nhất thiết phải cứng nhắc với nó; mà có thể đánh giá hiệu quả danh mục và điều chỉnh nó với một tỷ trọng phù hợp hơn.
Thường được gọi là danh mục đầu tư cân bằng, "60/40" đề cập đến sự kết hợp của 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu. Đây là một cấu trúc danh mục đầu tư phổ biến được thiết kế để mang lại đủ lợi nhuận cho một loạt các mục tiêu của nhà đầu tư, đồng thời cũng đa dạng hoá danh mục đầu tư đủ để đáp ứng khả năng chấp nhận rủi ro. Điều quan trọng là tỷ lệ 60/40 chỉ mang tính hướng dẫn, với sự kết hợp chính xác giữa cổ phiếu và trái phiếu dựa trên các yêu cầu về lợi nhuận của nhà đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro, khung thời gian và các yếu tố khác mà một nhà tư vấn tài chính mới có thể đánh giá tốt.
Nếu bạn đang tự nghiên cứu về cách cân bằng danh mục đầu tư hưu trí cho riêng mình và đánh giá hiệu quả danh mục, rất có thể bạn sẽ cảm thấy bối rối . Rất nhiều nhà cố vấn và nhà phân tích nghĩ rằng quy tắc 60/40 (60% cổ phiếu, 40% trái phiếu) đã không còn hiệu quả, nhưng gần đây, nhiều chuyên gia lại cho rằng chiến lược này là hiệu quả.
Sự kết hợp 60/40 này từng được cho là một phương pháp đầu tư hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng khi cổ phiếu và trái phiếu đồng loạt lao dốc trong năm nay, những người theo dõi thị trường không khỏi thắc mắc: Liệu danh mục đầu tư 60/40 truyền thống có còn đem lại lợi nhuận cho họ hay không?
Dưới đây là một số yếu tố để các cố vấn tài chính và các nhà đầu tư cân nhắc khi họ xem xét thay đổi cách phân bổ tài sản trong danh mục đầu tư.
Ưu và nhược điểm của việc phân bổ danh mục đầu tư 60/40
Một danh mục đầu tư bao gồm 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu đã trở thành một chiến lược đầu tư quen thuộc của các cố vấn tài chính. Nó mang lại tiềm năng tăng trưởng từ cổ phiếu trong khi tận dụng trái phiếu để giảm bớt sự biến động và bảo toàn vốn cho danh mục.
Tuy nhiên, năm vừa qua được đánh giá là một năm tàn khốc đối với các nhà đầu tư, khi cả giá cổ phiếu và trái phiếu đều bị sụt giảm nghiêm trọng, khiến việc thực hiện các kế hoạch đầu tư đã đề ra trước đó dần trở nên khó khăn.
Thông thường, danh mục đầu tư 60/40 có thể bao gồm quỹ hoán đổi danh mục (ETFs), chẳng hạn như FTSE Vietnam ETF, VFMVN30 ETF kết hợp với trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu chính phủ để có được sự đa dạng hoá danh mục đầu tư.
Ưu điểm
- Việc thiết lập danh mục 60/40 có thể rất đơn giản, đặc biệt là bằng cách mua chứng chỉ quỹ ETF và trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm
- Là chiến lược đầu tư “mua và nắm giữ”, chỉ cần tái cân đối một hoặc hai lần hàng năm
- Nắm giữ trái phiếu giúp cân bằng rủi ro đầu tư cổ phiếu
- Thường mang lại sự tăng trưởng ổn định theo thời gian
- Giúp theo kịp đà tăng trưởng của lạm phát
Nhược điểm
- Đối với việc mua cổ phiếu riêng lẻ, chúng có thể biến động mạnh áp đảo vị thế trái phiếu
- Trái phiếu thường mang lại lợi suất thấp, đặc biệt là khi lạm phát cao, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủiro từ các tổ chức phát hành
- Chiến lược này không tính đến các mục tiêu cá nhân và các yếu tố như tuổi tác, thu nhập và thói quen chi tiêu
- Sự đa dạng hóa bị hạn chế đối với các khoản đầu tư thay thế như bất động sản
- Tiềm năng cả cổ phiếu và trái phiếu giảm cùng lúc, như trong năm nay
- Theo thời gian, nó sẽ không phát triển được nhiều như danh mục đầu tư 100% cổ phiếu. Điều này đặc biệt đúng trong dài hạn vì lãi kép kiếm được từ cổ phiếu.
Xét cho cùng, danh mục đầu tư 60/40 truyền thống vẫn có ý nghĩa đối với những người sắp nghỉ hưu vì tính cân bằng và khá an toàn của chúng. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cân nhắc khả năng chịu đựng rủi ro, sức khỏe tài chính tổng thể và nhu cầu thu nhập từ danh mục đầu tư của mình để có cái nhìn tổng quát hơn và khi ánh giá hiệu quả danh mục xem liệu danh mục đầu tư 60/40 có phù hợp với các mục tiêu tài chính họ hay không.
Đánh giá hiệu quả danh mục và tìm kiếm một danh mục đa dạng hoá phù hợp
Ngày nay, hầu hết các nhà cố vấn đều mong muốn khách hàng của họ tuân thủ theo một danh mục được xác định trước và cân bằng lại theo từng khoảng thời gian, thay vì phải giao dịch hoảng loạn trong nỗ lực đánh bại thị trường. Nhưng trong một thị trường đầy biến động như hiện nay, với sự kết hợp của lạm phát cao, lãi suất tăng và khả năng xảy ra suy thoái, việc xác định loại tài sản nào phù hợp để đầu tư có thể khiến các nhà đầu tư phải phân vân.
Thông thường, cổ phiếu giá trị có xu hướng hoạt động tốt hơn trong điều kiện thị trường đầy thách thức, trong khi cổ phiếu tăng trưởng hoạt động tốt hơn khi điều kiện thị trường trở nên thuận lợi hơn đối với các nhà đầu tư. Điều này là do các cổ phiếu giá trị thường có lợi nhuận ổn định hơn, trong khi các cổ phiếu tăng trưởng cần sự vận hành đúng hướng của nhiều yếu tố khác để chúng có thể đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng cao.
Trong thời gian gần đây, thị trường đã chứng kiến các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao và các nhóm ngành khác bị ảnh hưởng nặng nề do dòng tiền kích thích kinh tế trong thời kỳ đại dịch đã không còn nữa và lãi suất đã bắt đầu tăng trở lại.
Tương tự, thị trường cũng đang đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư trái phiếu khi lợi suất trái phiếu chính phủ vẫn đang ở mức thấp, và thời hạn đáo hạn dài. Đồng thời với các vụ thao túng thị trường phát hành trái phiếu trong năm 2022 cũng như áp lực đáo hạn trái phiếu ở các doanh nghiệp, chủ yếu là bất động sản, đã gây ra nhiều khó khăn và rủi ro tiềm ẩn hơn cho nhà đầu tư trái phiếu trong giai đoạn này.
Tuy vậy, các nhà cố vần tài chính vẫn xem danh mục đầu tư 60/40 là cấu trúc đem lại lợi nhuận tiềm năng dài hạn với sự kết hợp giữa trái phiếu và cổ phiếu. Do đó, họ khuyên các nhà đầu tư xem xét điều kiện thị trường hiện tại và thực hiện các điều chỉnh danh mục sao cho phù hợp, với cấu trúc tương tự 60/40 mà không nhất thiết phải theo chính xác nó.
Nếu một nhà đầu tư nghĩ rằng thị trường không có khả năng suy thoái và tăng trưởng kinh tế được cải thiện, thì các cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thường có xu hướng được hưởng lợi nhiều nhất trong giai đoạn sau đó. Nhà đầu tư có thể cân nhắc những cổ phiếu này nếu không muốn đầu tư vào một quỹ ETFs với đa dạng các cổ phiếu. Ngoài ra, khi lãi suất đang trong đà tăng, các nhà đầu tư ưa chuộng sự an toàn có thể cân nhắc sở hữu nhiều trái phiếu hơn để gia tăng số lợi nhuận cố định.
Một danh mục được phân bổ phù hợp với các mục tiêu chiến lược có thể giúp nhà đầu tư nhận được lợi nhuận cao hơn 2-3%.
Không có chiến lược chung nào dành cho tất cả
Một nhà đầu tư sắp nghỉ hưu nên cân nhắc thêm nhiều tài sản đảm bảo, thu nhập cố định hơn vào danh mục của mình, điều này giúp họ đạt đủ thu nhập ngắn hạn cho các nhu cầu rút tiền. Những người về hưu trước tuổi cũng có thể tận dụng lợi thế của trái phiếu với giá thấp và lợi tức ưu đãi để nhận được mức lợi nhuận phù hợp với nhu cầu tài chính của bản thân.
Đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư xem xét sử dụng sự biến động của thị trường để khai thác các trái phiếu có chất lượng và lợi suất cao hơn, đặc biệt là khi lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại.
Đồng thời, trong thời điểm này khi thị trường đang có tín hiệu hồi phục sau giai đoạn lao dốc mạnh từ đầu năm 2022, các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên cân nhắc rót thêm vốn để đầu tư thay vì hoảng loạn đặt lệnh bán và rút tiền khi thị trường có những điều chỉnh mạnh.
Giá cổ phiếu đã giảm 30%, thậm chí 80%, so với mức giá cao hồi đầu năm 2022. Tuy vậy, với niềm tin về sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai, đây được xem là thời điểm tốt để tham gia vào thị trường. Mặc khác, nếu đã tham gia vào thị trường trước đó, thì lúc này thích hợp để nhà đầu tư rót thêm vốn cho các khoản mục đầu tư của mình.
Khi nói đến việc phân bổ thu nhập cố định, một sự kết hợp tốt thường là 60% cổ phần, 20% trái phiếu và 20% tiền mặt. Nhưng điều này không có nghĩa là “để tiền nằm im một chỗ”. Thay vào đó, nhà đầu tư nên xem xét thêm chia đều và đầu tư khoản 20% tiền mặt này đều đặn hàng tháng trong năm tới. Hãy nhớ rằng, càng có nhiều thời gian trên thị trường và càng tiếp xúc nhiều với các khoản đầu tư, kết quả sẽ càng tốt theo thời gian.
Ngoài ra, với sự ổn định mà chiến lược 60/40 đem lại, danh mục đầu tư không chỉ bao gồm cổ phiếu mà có thể là 20% hàng hóa, 10% tiền mặt và 30% thu nhập cố định. 60/40 chỉ là cấu trúc đầu tư cơ bản để các nhà đầu tư tham khảo khi bắt đầu đầu tư, họ có thể điều chỉnh để danh mục thích hợp hơn với mục tiêu và nhu cầu cá nhân. Ngoài ra, thay vì cứng nhắc với 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu, nhà đầu tư có thể điều chỉnh danh mục mình theo các loại tài sản khác nhưng vẫn giữ tỷ trọng là 60% tài sản rủi ro và 40% tài sản mang tính an toàn hơn.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.