Điểm nhấn chính:
- Các ngân hàng tại Trung Quốc đang biến mất với tốc độ chưa từng có tại Trung Quốc.
- Tính đến tháng 6/2024, đã có 40 ngân hàng nhỏ biến mất sau khi được sáp nhập vào các ngân hàng lớn hơn, lập ra bởi Chính phủ Trung Quốc.
Sự suy yếu của các ngân hàng vừa và nhỏ tại Trung Quốc
Các ngân hàng tại Trung Quốc đang biến mất với tốc độ chưa từng thấy tại Trung Quốc do ảnh hưởng từ khủng hoảng thị trường bất động sản của nước này cùng với khả năng quản lý rủi ro kém. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc cũng đã cho thấy nhiều dấu hiệu chạm đến bờ vực trong năm ngoái, do sự suy yếu trong niềm tin của người tiêu dùng và giá tiêu dùng, kết hợp với dân số giảm và nợ tăng vọt theo tỷ lệ phần trăm GDP.
Chỉ trong một tuần kết thúc vào ngày 24/6/2024, 40 ngân hàng đã biến mất ở Trung Quốc. Trong số đó, 36 ngân hàng đã được Ngân hàng Thương mại Nông thôn Liêu Ninh tiếp quản (được lập ra bởi Chính phủ Trung Quốc), trong khi Ngân hàng Giang Tây sụp đổ. Sự biến mất này được The Economist so sánh với khủng hoảng tiết kiệm và cho vay (S&L) tại Mỹ trong giai đoạn những năm 1986-1995.
Sơ lược về khủng hoảng S&L tại Mỹ (1986-1995)
Cuộc khủng hoảng Tiết kiệm và Cho vay (S&L) là một trong những thảm họa tài chính lớn nhất lịch sử Mỹ, với hơn 1,000 trong tổng số 3,234 hiệp hội S&L sụp đổ từ năm 1986 đến 1995.Các tổ chức này tập trung vào việc nhận tiền gửi tiết kiệm và cung cấp các khoản vay thế chấp nhà ở dài hạn, nhưng phải đối mặt với khó khăn khi lãi suất tăng cao và quy định quản lý thay đổi.
Năm 1982, Đạo luật Garn-St. Germain được thông qua, cho phép các S&L mở rộng danh mục cho vay nhưng cũng dẫn đến đầu tư mạo hiểm vào bất động sản thương mại và trái phiếu rác. Điều này, cộng với sự bảo hiểm bởi FSLIC, đã khuyến khích các S&L theo đuổi các chiến lược rủi ro.
Đến năm 1986, 1/3 các S&L mất thanh khoản, và khi FSLIC cũng mất thanh khoản, Chính phủ liên bang tiếp tục tái cấp vốn, duy trì hoạt động của các S&L yếu kém. Để đối phó, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật FIRREA năm 1989, dẫn đến sự giải thể của hơn 700 S&L phá sản và chấm dứt một phần lớn hệ thống này. Đến năm 2023, chỉ còn khoảng 563 tổ chức S&L tồn tại so với 3,371 tổ chức năm 1989.
Tìm hiểu về hệ thống ngân hàng Trung Quốc
Ngân hàng tại Trung Quốc có thể được chia thành ba cấp độ: nhóm 4 ngân hàng lớn, các ngân hàng cấp tỉnh và cuối cùng là các ngân hàng nông thôn.
Nhóm 4 ngân hàng lớn bao gồm: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Công nghiệp và Thương Mại Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc. Các Ngân hàng này là ngân hàng lớn nhất thế giới xét về giá trị tài sản theo Standard & Poor. Các ngân hàng này đều được Chính phủ Trung Quốc sở hữu từ 60-90% cổ phần và chịu trách nhiệm cho hơn một nửa hoạt động ngân hàng trên toàn quốc.
Hệ thống các ngân hàng tỉnh chịu trách nhiệm khoảng 1/3 hoạt động ngân hàng trên toàn quốc. Cuối cùng là hệ thống ngân hàng và các hợp tác xã tín dụng tại nông thôn với khoảng 4,000 tổ chức. Các tổ chức nhỏ này chịu trách nhiệm cho việc cấp tín dụng cho hàng trăm triệu hộ dân sống tại vùng nông thôn và đặc biệt chú trọng vào cho vay để làm nông nghiệp, có thể thấy vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng nhỏ này trong việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Tính đến tháng 12/2023, Trung Quốc có tổng cộng 3,796 tổ chức tài chính nông thôn, trong đó có 1,607 là ngân hàng thương mại nông thôn. Con số này chiếm 84% tổng số các tổ chức tài chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, các tổ chức này mỏng manh hơn nhiều so với hệ thống các ngân hàng tại tỉnh trở lên, do quy mô bé và đặc biệt là không có sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền do đó thường xuyên thực hiện các gói cho vay có độ rủi ro cao.
Chuyện gì đang xảy ra với hệ thống ngân hàng Trung Quốc?
Khủng hoảng bất động sản
Mặc dù khi nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn ở cấp địa phương, các ngân hàng lớn nhất của nước này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vừa hỗ trợ các tổ chức suy yếu vừa mở rộng đáng kể vốn hóa thị trường của họ. Trong khi đó, các tổ chức nhỏ hơn tiếp tục chịu tổn thương nhiều hơn trước chu kỳ suy thoái bất động sản kéo dài.
Cùng với đầu tư công, lĩnh vực bất động sản là nguồn động lực chính của sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc. Hệ thống ngân hàng của nước này đã tích cực cho các nhà phát triển lẫn người mua bất động sản vay tiền trong giai đoạn từ giữa những năm 2000, giúp các dự án bất động sản mọc lên nhanh chóng, và có đến 29% dư nợ ngân hàng là cho vay để mua nhà ở mà chủ yếu là đầu cơ.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây đã chứng kiến sự suy thoái của ngành bất động sản, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Hơn nữa, từ tháng 8/2020, Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay đề ra chiến dịch “3 lằn ranh đỏ”, bất chấp rủi ro một số công ty bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính cao phá sản, điển hình là Evergrande. 3 lằn ranh đỏ đề ra là ba tiêu chí về đòn bẩy và tính thanh khoản mà các công ty bất động sản phải đáp ứng được nếu muốn tiếp cận với nợ vay.
Sự sụp đổ của Evergrande cũng như các công ty bất động sản lớn khác đã dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ của các khoản nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc, đặc biệt là hệ thống các tổ chức tín dụng nhỏ từng cho vay phát triển bất động sản và vay thế chấp mua nhà.
Bên cạnh việc gánh các khoản nợ xấu từ bất động sản, các ngân hàng ở cấp tỉnh và cấp vùng cũng cho chính quyền địa phương vay tiền thông qua công cụ tài trợ chính quyền địa phương (LGFVs - Local government financing vehicles), để nhằm tài trợ cho các dự án đầu tư công mà chủ yếu là xây dựng cầu đường. Tính đến năm 2022, tổng giá trị nợ tại các chính quyền địa phương đạt 92 nghìn tỷ NDT (12.58 nghìn tỷ USD), phần lớn số này là LGFVs. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đầu năm 2023, giá trị của các khoản LGFVs đã đạt khoảng 9,000 tỷ USD. Dự kiến có đến 4.65 nghìn tỷ NDT LGFVs đáo hạn trong năm 2024.
Áp lực nợ khiến kẻ yếu thế càng yếu hơn
Nếu như trước đây, chính quyền địa phương có thể đáo hạn các khoản LGFVs tại các ngân hàng cấp tỉnh trong giai đoạn khó khăn thông qua trái phiếu mục đích đặc biệt từ Trung ương. Có khoảng 500 triệu NDT trái phiếu đặc biệt được phát hành kể từ năm 2020 với mục đích tái cơ cấu vốn cho một số ngân hàng địa phương. Tuy nhiên, giờ đây biện pháp này không còn được áp dụng rộng rãi như trước. Lý do là Bắc Kinh đang ngày càng cảnh giác hơn về gánh nặng nợ tại các chính quyền địa phương và đã đặt ra các giới hạn trong việc vay tiền từ Trung ương.
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng nông thôn là 3.48%, gấp đôi mức trung bình cả nước. Từ tháng 7/2022 đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu liên quan đến ngành bất động sản tại các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc đã tăng 37% so với cùng kỳ, đạt 291 tỷ NDT (40 tỷ USD). Đến nay, tổng tài sản của các tổ chức tài chính nông thôn chỉ đạt 56.8 nghìn tỷ NDT (gần 8 nghìn tỷ USD), trung bình 15 tỷ NDT (2.1 tỷ USD) cho mỗi tổ chức - chỉ bằng 3% giá trị tài sản trung bình của các ngân hàng thương mại thành phố. Nhưng tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng này lại lên tới 40% so với mức trung bình của ngành là 1.6%, theo BBVA Research.
Hiện tại, có khoảng 12 tỉnh, thành phố tại Trung Quốc đang ngập trong LGFVs. Như tại Thiên Tân, LGFVs chiếm 100% nợ so với GDP tỉnh; tại Cam Túc và Quý Châu, con số này lần lượt là 74.4% và 65.7%. Các khoản vay này được bảo đảm bởi hợp đồng thuê đất dài hạn, sở hữu bởi chính quyền địa phương. Theo sự suy thoái của thị trường bất động sản, các ngân hàng ở các vùng này cũng là đối tượng bị ảnh hưởng.
Goldman Sachs ước tính nợ của các khu vực quan trọng nhất của Trung Quốc lên tới 13 tỷ USD, với khả năng vỡ nợ cao, có thể gây ra mối đe dọa đáng kể cho toàn bộ nền kinh tế. Trong khi chính Trung ương cũng đang gặp khó khăn, nhưng phải ra tay cứu trợ một số chính quyền, từ đó khiến cho việc cứu trợ các ngân hàng nhỏ trở nên có chọn lọc hơn thay vì cứu trợ hàng loạt. Việc hai ngân hàng nông thôn ở tỉnh Liêu Ninh phá sản năm 2022 là dấu hiệu cho thấy sự hỗ trợ của chính phủ đang trở nên có chọn lọc hơn.
Năm 2023, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 288%, cao hơn 13.5 điểm phần trăm so với năm trước đó. Nhưng ngay cả con số gây sốc này cũng chưa phản ánh được sự thật đằng sau là phần lớn số tiền đó được vay để mua những tài sản mà hiện nay không còn tạo ra đủ thu nhập để trả nợ.
Đối mặt với chính sách tiến thoái lưỡng nan
Hiện tại, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang phải đối mặt với một bài toán khó liên quan đến quản lý lãi suất và tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh thị trường trái phiếu bùng nổ, góp phần khiến việc hỗ trợ các ngân hàng vừa và nhỏ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Lãi suất chính thức ở Trung Quốc hiện đang ở mức rất thấp, một phần do các đợt cắt giảm trước đó của PBOC nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Khi lãi suất thấp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trái phiếu chính phủ trở thành một lựa chọn đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn cho vốn đồng thời hưởng lợi từ giá trái phiếu tăng cao. Và, khi giá trái phiếu tăng cao thì lợi suất (yield) bị đẩy xuống mức thấp kỷ lục.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã chạm mức 2.12% trong tháng 8/2024, mức thấp nhất từ trước đến nay. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí vay nợ của chính phủ giảm. Thường, chi phí vay thấp hơn nên được chào đón trong một nền kinh tế đang vật lộn để phục hồi. Nhưng động thái mạnh mẽ của giá trái phiếu đang làm dấy lên sự lo ngại về bong bóng tài sản có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tương tự như sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ vào năm ngoái.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đưa ra hơn 10 cảnh báo riêng biệt kể từ tháng 4/2024 về nguy cơ bong bóng trái phiếu có thể vỡ, gây bất ổn cho thị trường tài chính và làm chệch hướng phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc. Bây giờ, họ đang làm một điều chưa từng có — vay trái phiếu để bán chúng nhằm hạ nhiệt đà tăng giá của trái phiếu.
Tuy nhiên, điều này lại đặt ra một thách thức khác. Là nếu PBOC tiếp tục can thiệp mạnh mẽ vào thị trường trái phiếu, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư và làm giảm khả năng chính phủ sử dụng trái phiếu như một công cụ huy động vốn trong tương lai. Hơn nữa, PBOC có thể phải hy sinh mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi việc bán trái phiếu để làm tăng lãi suất mâu thuẫn với mục tiêu dài hạn của PBOC là giữ lãi suất thấp để hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư.
Mặt khác, nếu không can thiệp, các chuyên gia cho rằng, lợi suất trái phiếu chính phủ thấp gây hại nhiều hơn là có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại. Đó là vì điềy này có thể củng cố kỳ vọng của thị trường về việc PBOC có thể cắt giảm lãi suất điều hành mạnh tay, khiến tăng trưởng suy yếu lại. Đồng thời, việc duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài có thể khiến đồng Nhân dân tệ suy yếu, làm tăng áp lực lạm phát nhập khẩu và giảm sức cạnh tranh của Trung Quốc trên thị trường quốc tế.
Vấn đề là vậy, nhưng chính phủ và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu để đạt yêu cầu về ngân sách. Dữ liệu chính thức nhà nước cho thấy, tính đến tháng 7/2024, chính phủ vẫn chưa phát hành hơn một nửa hạn ngạch trái phiếu chính quyền địa phương đặc biệt và trái phiếu kho bạc chính quyền trung ương siêu dài hạn cho năm 2024 (tổng 4.9 nghìn tỷ NDT). Tổng số trái phiếu vẫn chưa phát hành là khoảng 2.68 nghìn tỷ NDT (376 tỷ USD).
Nhìn chung, khoảng 4,000 ngân hàng vừa và nhỏ của Trung Quốc sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trước rủi ro lãi suất, bởi nhiều ngân hàng trong số đó đã đầu tư một phần lớn tài sản của họ vào trái phiếu chính phủ. Trong nửa đầu năm 2024, lượng trái phiếu chính phủ mua ròng của các tổ chức tài chính, chủ yếu là các ngân hàng khu vực, là 1.55 nghìn tỷ NDT (210 tỷ USD), tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, họ cũng phụ thuộc nhiều vào lãi suất thấp để duy trì lợi nhuận, vì họ thường cung cấp các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp để thu hút khách hàng và thu nhập chính từ các khoản lãi này. Khi lãi suất tăng, chi phí huy động vốn tăng lên và chi phí lãi vay trên các khoản nợ của họ cũng tăng lên, trong khi lợi nhuận từ các khoản cho vay khách hàng hiện tại không thay đổi, dẫn đến biên lợi nhuận bị thu hẹp và rủi ro thanh khoản gia tăng.
Các tác động khác lên nền kinh tế
Các ngân hàng và hợp tác xã tín dụng đóng vai trò đặc biệt quan trọng tại các vùng nông thôn kém phát triển trong việc cấp vốn cho các hộ kinh doanh nhỏ, nông dân và hộ gia đỉnh. Rõ ràng, với việc đóng cửa hàng loạt các ngân hàng này có thể làm giảm lượng tín dụng mà người dân có thể tiếp cận, từ đó cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động sản xuất nông nghiệp và giảm tiêu dùng. Các hộ kinh doanh nhỏ cũng phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngắn hạn và cấp tín dụng từ các ngân hàng địa phương có thể gặp khó khăn trong việc tiếp tục kinh doanh. Tệ hơn có thể dẫn đến phá sản và gia tăng tình trạng thất nghiệp nơi đây.
Sự biến mất của hàng loạt các ngân hàng có thể khiến người dân nghi ngờ về tính ổn định của thị trường tài chính, kéo theo các hành động phòng ngừa như tiết kiệm tiền. Từ đó ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân. Chỉ số CPI tại Trung Quốc trong tháng 6 tiếp tục tăng nhẹ 0.2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn gần mức 0%, dấy lên quan ngại về tình trạng giảm phát tại quốc gia này.
Không chỉ riêng người tiêu dùng trong nước mà những nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ đặt ra quan ngại về tính minh bạch và ổn định của hệ thống tài chính của Trung Quốc. Mối quan ngại này có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài quốc gia đồng thời giảm đầu tư FDI vào Trung Quốc. Hơn nữa, việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào các ngân hàng lớn cho thấy tính tập trung của hệ thống tài chính, ưu tiên các tổ chức có vốn nhà nước và được kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, hiệu ứng ngược diễn ra đối với trái phiếu ngắn hạn của các ngân hàng Trung Quốc khi các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 1,000 tỷ NDT, tăng mạnh so với mức 260 tỷ NDT tại cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù lãi suất cơ bản của Trung Quốc thấp (2.3%) khiến lợi suất trái phiếu không hấp dẫn, đồng tiền nước này giảm giá so với USD, tính từ đầu năm đến cuối tháng 6/2024, tỷ giá hối đoái giữa USD và NDT đã tăng từ mức 7.13 NDT/USD lên mức 7.3 NDT/USD.
Lợi suất của các trái phiếu ngân hàng Trung Quốc
cao hơn 4 điểm phần trăm so với trái phiếu chính phủ, đồng thời có kỳ hạn ngắn
và đặc biệt không có sự tương quan với thị trường Mỹ là những lý do dẫn đến quyết
định đầu tư vào loại tài sản này của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.