Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Việt Nam “đội sổ” về năng suất lao động xã hội

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Năm 2020, năng suất lao động Việt Nam đạt 150.1 triệu đồng/người, tăng 64% trong giai đoạn 2011-2020.

    - Năng suất lao động Việt Nam tăng nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực, chỉ cao hơn Campuchia.

    - Tuy nhiên, năng suất lao động dựa trên GDP/số người lao động không phải là chỉ tiêu đo lường chính xác vì nó bao gồm vốn, công nghệ và năng suất.

    Tại Việt Nam, năng suất lao động (NSLD) được coi là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế. NSLD của VN ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với tốc độ tăng cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nhưng về mặt giá trị, NSLD của Việt Nam vẫn còn thua xa so với các nước phát triển.

    Theo Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và đầu tư, năng suất lao động được tính bằng cách lấy GDP / Tổng số lao động đang làm việc trong năm.

    Năng suất lao động tác động đến GDP như thế nào?

    Việt Nam được World Bank đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua nhờ 3 yếu tố chính là tích lũy vốn nhanh, nguồn cung lao động dồi dào và tăng trưởng năng suất cao.

    Năm 2020, năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước tính đạt 150.1tr đồng/lao động, tương đương 6,466 USD/lao động, gấp 2 lần năm 2010 (70.3tr đồng/lao động), tương đương với mức tăng 64% trong giai đoạn 2011-2020. Năm 2011, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam giảm từ 45.6 giờ xuống còn 41.9 giờ vào năm 2020. Tính theo giá hiện hành, năng suất lao động trên mỗi giờ của người Việt đã tăng từ 29,000đ/giờ năm 2011 lên 67,600đ/giờ năm 2020.

    Có thể thấy, NSLD của VN đã cải thiện đáng kể về giá trị và là quốc gia có tốc độ tăng trưởng NSLD nhanh hơn tất cả các quốc gia cùng khu vực, nhưng năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều so với các nước đồng cấp.

    Trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLD của VN là 5.29%, trong đó bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6.05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5.5%. Nhưng nếu so thì mức tăng này vẫn thấp hơn Trung Quốc là 7% và Ấn Độ là 6%.

    Theo số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6.4 USD, so với 14.8 USD ở Thái Lan, 45.8 USD ở Malaysia và 68.5 USD ở Singapore, nghĩa là NSLD của Việt Nam hiện nay đang tụt hậu 10 năm so với Thái Lan, 40 năm so với Malaysia và 60 năm so với Nhật Bản. Trong khu vực Đông Nam Á, NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia (2.4 lần), Myanmar (1.6 lần) và Lào (1.2 lần).

    Nếu tính theo Sức mua tương đương (PPP) giai đoạn 2017-2020, NSLD của VN năm 2020 đạt 18.4 nghìn USD, chỉ bằng 11.3% năng suất của Singapore, 23% của Hàn Quốc, 24.4% của Nhật Bản, 33.1% Malaysia, 59.1% Thái Lan, 60.3% Trung Quốc, 77% Indonesia và 86.5% Phillipines.

    Thêm vào đó, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trung bình ở cấp doanh nghiệp chỉ tăng dưới 2% trong giai đoạn 2014-2018, thấp hơn mức của nhiều nền kinh tế Đông Á (dữ liệu của IMF năm 2022). Bên cạnh đó, theo World Bank, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng, nhưng chủ yếu nhờ FDI, ít tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp nội địa.

    Năm 2021, tốc độ tăng NSLĐ chỉ đạt 4.6% so với năm 2020 do kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặc dù năm 2022 kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao 8.02% nhưng NSLĐ cũng chỉ tăng 4.7% so với năm 2020. Năm 2022, so với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, NSLĐ của Việt Nam bằng 15.4% của Mỹ; 19.1% của Pháp; 21.6% của Anh; 24.7% của Hàn Quốc; 26.3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc.

    Giai đoạn 2021-2023, NSLD liên tiếp hụt hơi và không đạt mục tiêu đề ra. Nếu như tốc độ tăng NSLD năm 2021, 2022 lần lượt là 4.6% và 4.8% - thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là 5.5% thì năm 2023 ước tính tăng 3.77 – 4.76%. Như vậy, bình quân 3 năm 2021-2023 tăng 4.36 – 4.69%, thấp hơn so với bình quân 3 năm 2016 - 2018 (6.26%).

    Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu NSLD tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0.94 điểm phần trăm. Bài toán đặt ra cho Việt Nam là tăng trưởng năng suất bởi năng suất chính là con đường ngắn nhất đưa kinh tế Việt Nam đi lên, bởi vì giữa NSLD và GDP có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Vậy thì với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6.5-7%/năm giai đoạn 2021-2030, năng suất lao động phải tăng trưởng với mức tăng trung bình 6-6.5%/năm. Với năng suất lao động còn tăng thấp hơn mức tăng GDP như hiện nay thì đây là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

    Năng suất lao động theo ngành kinh tế

    Tại Việt Nam, ngành khai khoáng Việt Nam có NSLĐ cao nhất so với các ngành khác, khoảng 1.4 tỷ đồng/người, vì số lượng lao động trong ngành này rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0.4% tổng lao động.

    Kinh tế VN phụ thuộc lớn vào nông nghiệp, nhưng NSLD trong ngành này lại không cao, chỉ khoảng 81trđ/người vào năm 2023, tương đương với 6.8trđ/tháng. Nguyên nhân NSLĐ ngành nông nghiệp còn thấp là do quy mô sản xuất nông nghiệp VN còn nhỏ lẻ, nền nông nghiệp chưa chuyển mình theo hướng nông nghiệp hiện đại, vùng nông thôn bị ô nhiễm, thiếu quy hoạch sản xuất, năng lực làm chủ của người nông dân còn hạn chế, vắng bóng các doanh nghiệp lớn, phần lớn là hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân đang sử dụng công nghệ lạc hậu.

    Đa số lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp. Mặc dù tỷ lệ lao động trong khu vực này đã giảm từ mức 48.6% vào năm 2010 xuống 27.9% vào năm 2022 nhưng số lượng người lao động vẫn còn cao, dẫn đến NSLĐ trong ngành này vẫn còn thấp.

    Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tập trung cao ở những sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp đến trung bình. Trong khi ngành công nghệ cao tập trung ở khu vực FDI lại hoạt động ở khâu rắp ráp, nhập khẩu linh kiện, nên tỷ trọng đóng góp vào GDP trong nước thấp hơn. Đồng thời, ngành công nghệ cao chủ yếu tận dụng lao động chi phí giá rẻ, chưa có nhiều tác động lan tỏa đối với khu vực trong nước nên chưa tạo đột phá về tăng trưởng NSLĐ.

    Tại sao NSLĐ của Việt Nam thấp?

    Khá nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề tại sao NSLD Việt Nam nằm ở cuối bảng xếp hạng. Nếu năng suất lao động thấp thì có các lý do chính sau: Một là người VN lười lao động hơn các nước khác. Hai là công nghệ sản xuất còn thua kém các nước khác. Ba là xuất phát điểm thấp. Cuối cùng là hệ thống giáo dục đào tạo chưa đáp ứng được sự thay đổi của xã hội.

    1. Lười làm

    Năm 2013, một CEO người Nhật đăng trên một tờ báo lớn rằng 20 năm trước, người Việt Nam rất chăm chỉ. Nhưng 20 năm sau, người Việt đã lười đi. Ông cho rằng người Việt coi thường những người lao động chân tay, ưa chuộng làm việc văn phòng có điều hòa hơn vì thế mà dần bỏ bê lĩnh vực sản xuất và công nghệ.

    Việt Nam có gần 8,000 lễ hội, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội, tức là bình quân mỗi giờ lại có một lễ hội được diễn ra. Mà cứ đến lễ là người Việt xin nghỉ, sau lễ thì có cái gọi là “dư âm lễ” nên chẳng muốn làm.

    Người Việt còn uống bia rượu nhiều nhất nhì Đông Nam Á, chiếm 2.2% thị trường toàn cầu, tiêu thụ khoảng 3.8 triệu lít bia hàng năm, tương đương với khoảng 3 tỷ USD. Cứ khi tan tầm là lại ra quán nhậu nhẹt, nhiều nhất là ở khu vực TP.HCM và Hà Nội. Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức nào chỉ ra rằng nhậu nhẹt làm giảm NSLĐ, nhưng rõ ràng là người Việt “nhất bảng” uống bia và “đội sổ” về NSLĐ.

    2. Công nghệ lạc hậu

    75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao và nhiều doanh nghiệp vẫn laoy hoay chưa có phương án thay thế các máy móc sản xuất vốn đã lạc hậu 2-3 thế hệ công nghệ. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp), nhưng nhóm doanh nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến chỉ khoảng dưới 20% (chủ yếu là các doanh nghiệp FDI).

    Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng GDP vô cùng ấn tượng so với các nước khác, nhưng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, khu vực FDI đóng góp đến 20.46% GDP trong năm 2022, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu và 50% sản lượng công nghiệp. Đa phần GDP tăng là do khu vực FDI đóng góp.

    Nhóm các doanh nghiệp FDI tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam, thế nhưng lại vượt trội so với các doanh nghiệp nội địa xét về việc làm, lợi nhuận và năng suất lao động. Cụ thể, nhóm này chỉ chiếm khoảng 3.3% tổng số lượng các doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng lại chiếm đến 30% tổng số lượng việc làm và doanh thu, nhưng năng suất lao động cao gấp 3 lần so với doanh nghiệp nội địa.

    Mặc dù một trong những mục tiêu đặt ra khi thu hút FDI đó chính là chuyển giao công nghệ và kiến thức hiện đại, nhưng tác động lan tỏa của FDI đến doanh nghiệp nội hầu như rất thấp. Thêm nữa, FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp nên giá trị tạo ra tại VN không cao.

    Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp Việt có hoạt động R&D, có trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, trong khi thực tế chứng minh rằng những doanh nghiệp có các hoạt động này có mức NSLĐ cao hơn so với các doanh nghiệp không có.

    3. Xuất phát điểm thấp

    Số lao động làm việc trong khu vực năng suất thấp chiếm tỷ trọng khá lớn, chẳng hạn như trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ trong ngành này vẫn còn thấp.

    Quy mô doanh nghiệp VN đa phần là nhỏ và siêu nhỏ, quy mô doanh nghiệp có số lượng lao động từ 10 người trở xuống chiếm đến 69.3% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng tập trung vào ngành bán lẻ, F&B đơn thuần nên tính ra phần giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm thấp là phải.

    Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng chưa tham gia sâu vào hoạt động chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn, nên chưa tận dụng được tính lan tỏa của tri thức, công nghệ và nâng lực quản trị từ thế giới. Cho nên NSLĐ của khu vực doanh nghiệp cũng còn thấp mặc dù giữ vị trí đặc biệt quan trọng, tạo ra 60% GDP của nền kinh tế.

    Quy mô thị trường nội địa còn quá nhỏ bé, ngoại trừ thị trường bia và mỳ gói. Vì thế Việt Nam cũng sẽ khó mà tăng năng suất nếu không tìm được thị trường xuất khẩu.

    Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm, theo chiều rộng chứ chưa phát triển chiều sâu. Nếu như năm 2010, Việt Nam có 48.6% lực lượng lao động làm việc ở khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, thì đến năm 2022, tỷ trọng này chỉ còn 27.9%, song vẫn còn tới 13.9 triệu lao động làm việc trong khu vực này với năng suất thấp nhất trong các ngành. Phần lớn lao động di chuyển ra khỏi ngành nông nghiệp chuyển sang làm trong các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo không đòi hỏi tay nghề, trình độ và gần như không được đào tạo, nên năng suất ngành công nghiệp cũng không được cải thiện mấy.

    4. Giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập

    Trình độ tay nghề người lao động Việt Nam tương đối thấp so với tiêu chuẩn của khu vực chung và thế giới. Hiện nay, cơ cấu lao động theo ba khu vực kinh tế chưa hợp lý, còn tập trung nhiều ở khu vực nông lâm ngư nghiệp: 27.9% ở nông nghiệp; 33.6% ở lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và 27.9% ở lĩnh vực dịch vụ.

    Sự chuyển dịch ồ ạt nguồn lao động từ lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp sang hai lĩnh vực còn lại mà không trải qua bất kỳ chương trình đào tạo nào đã khiến nguồn lao động Việt trở nên tụt hậu so với các nước khác, dẫn đến nguồn cung lao động giá rẻ.

    Tỷ lệ lao động của ngành nông, lâm, ngư nghiệp thấp, năm 2021 là 4.1% - giảm 4.3% so với năm 2015; công nghiệp chế biến chế tạo tăng chậm và vẫn ở mức thấp (năm 2015 là 18% và 2021 là 23.6%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 3 tháng trở lên được cấp bằng, chứng chỉ còn thấp, đạt 26.4% vào năm 2022. Nói cách khác, toàn nền kinh tế hiện có tới 37.2 triệu lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó, chiếm 73.6% tổng số lao động. Đa số người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thiếu ý thức tiết kiệm cả về nguyên vật liệu và thời gian, cả người quản lý lẫn người lao động còn rất yếu về ý thức tiết kiệm.

    Người lao động hiện nay cũng thiếu kỹ năng làm việc nhóm, thiếu khả năng hợp tác và trách nhiệm, ngại phát huy ý kiến. Đây là những rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ.

    Nhiều tranh luận rằng đây không phải cách đo lường chính xác?

    Nhiều người còn cho rằng dùng đơn vị tiền tệ (thông qua GDP) để so sánh NSLD là không hợp lý, vì ngoài NSLĐ, GDP còn bao gồm cả vốn và công nghệ, chưa kể đến chênh lệch tỷ giá làm cho giá trị sản phẩm ở các nước khác cao hơn Việt Nam. Vì vậy, công thức này thể hiện giá trị sản xuất chứ không phải năng suất lao động.

    Nếu giá trị sản xuất Việt Nam thấp nhất trong khu vực, thì chứng tỏ sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam không bằng các quốc gia khác. Thậm chí là có những ngành NSLĐ của VN rất cao, nhưng một số nước lại tìm cách hạn chế sản phẩm của VN xuất sang, nên theo cách tính NSLĐ truyền thống thì NSLĐ VN thấp là đúng.

    Một đại diện của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết việc so sánh NSLĐ của người Việt với các nước khác có phần khập khiễng. Chẳng hạn như ngành điện tử, nếu so sánh cùng một công đoạn là gia công sản phẩm cuối cùng thì NSLĐ của Việt Nam tương đương với các nước khác. Nhưng giá trị gia tăng tạo ra thì Việt Nam lại thấp hơn vì phần lớn là hàng gia công may mặc, nông nghiệp chủ yếu là gạo, thậm chí những ngành này đã bị Lào, Campuchia hay Thái Lan vượt mặt từ lâu.

    Tại Mỹ, một nha sĩ lấy cao răng tạo ra khoảng 150 USD giá trị, trong khi ở Việt Nam khoảng 5 USD. Điều này không có nghĩa là nha sĩ ở Mỹ có năng suất gấp 30 lần ở Việt Nam. Giá cả và GDP lớn hơn thường tạo ra chỉ số NSLĐ cao hơn. Vì thế, nếu NSLĐ của nha sĩ Mỹ cao gấp 30 lần nha sĩ Việt Nam, không có nghĩa là 1 nha sĩ Mỹ làm bằng 30 nha sĩ Việt Nam. Đây là lý do tại sao chỉ số này gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây.

    Năng suất lao động không phải là tất cả, nhưng trong dài hạn, năng suất gần như là cái quyết định tất cả. Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động của nền kinh tế, nhưng NSLĐ của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP lại là điểm sáng. Điều đó chứng tỏ nội lực kinh tế của Việt Nam vẫn còn khá yếu.

    Muốn cải thiện NSLĐ thì cần phải tập trung vào động lực nội là khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp Start-up và đầu tư vào các ngành dùng chất xám nhiều hơn để cải thiện giá trị và cơ cấu sản phẩm Việt Nam làm ra. Người lao động cũng cần nâng cao ý thức, kỷ luật, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề vì đây là điều tất yếu trong thời kỳ hiện tại, nếu không đáp ứng được thì có thể bị đào thải.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán

      Bài viết liên quan