Điểm nhấn chính:
- Một danh mục đầu tư bao gồm nhiều loại tài sản khác nhau trong đó có thể bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, tiền mặt và các khoản đầu tư thay thế.
- Mỗi loại tài sản trong danh mục có một tỷ trọng nhất định phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người.
- Một danh mục đầu tư tốt sẽ phụ thuộc vào phong cách đầu tư, mục tiêu lợi nhuận, khả năng chấp nhận rủi ro và thời hạn đầu tư của bạn.
Danh mục đầu tư là một tập hợp các khoản đầu tư tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, tiền gửi tiết kiệm, cũng như các quỹ đóng và quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt thường là cấu phần cốt lõi của một danh mục đầu tư, nhưng danh mục đầu tư có thể gồm nhiều loại tài sản khác bao gồm bất động sản, nghệ thuật và các khoản đầu tư vào các công ty tư nhân.
Bạn có thể chọn tự đầu tư và quản lý danh mục đầu tư của mình thông qua ứng dụng quản lý danh mục thông minh, hoặc bạn có thể nhờ đến một nhà quản lý tiền hoặc cố vấn tài chính để giúp quản lý danh mục đầu tư của mình.
Tìm hiểu thêm về danh mục đầu tư tài chính
Một trong những khái niệm quan trọng trong việc quản lý danh mục đầu tư đó là sự đa dạng hóa danh mục, hay hiểu đơn giản là không đặt tất cả trứng của bạn vào một giỏ. Đa dạng hóa danh mục là việc cố gắng giảm thiểu rủi ro bằng cách phân bổ các khoản đầu tư vào các công cụ tài chính, nhóm ngành và các mục tài sản khác nhau. Điều này có thể giúp tối đa hóa lợi nhuận của danh mục đầu tư, trong trường hợp một loại tài sản giảm mạnh sẽ được bù đắp bởi mức tăng trưởng của một loại tài sản khác, giúp duy trì mức lợi tức kỳ vọng của cả danh mục chung.
Có nhiều cách để thực hiện việc xây dựng và đa dạng hóa một danh mục đầu tư, phụ thuộc vào các yếu tố như mục tiêu ngắn và dài hạn của bạn, mức độ chấp nhận rủi ro, và cả tính cách của bạn.
Bất kể danh mục của bạn gồm những loại tài sản gì, tất cả các danh mục đầu tư thường phải có một mức độ đa dạng hóa nhất định, và phản ánh được mức độ chấp nhận rủi ro của bạn, lợi nhuận kỳ vọng, thời hạn đầu tư cũng như các nghĩa vụ tài chính khác, bao gồm tình trạng thuế, thanh khoản, pháp lý và những ràng buộc liên quan khác.
Quản lý danh mục đầu tư
Bạn có thể coi danh mục đầu tư như là một chiếc bánh được chia thành nhiều phần có kích thước khác nhau, mỗi phần đại diện cho một loại tài sản và/hoặc một loại hình đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ muốn đặt mục tiêu xây dựng một danh mục đa dạng hóa đủ tốt để có thể phân bổ rủi ro - lợi nhuận một cách phù hợp nhất với mức độ chấp nhận rủi ro của họ.
Cách phân bổ danh mục đầu tư trong hình trên thường dành cho nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro thấp. Chiến lược thận trọng này sẽ cố gắng bảo vệ giá trị của danh mục bằng cách đầu tư nhiều hơn vào những chứng khoán có rủi ro thấp. Ví dụ như trên, 50% được phân bổ vào trái phiếu, có thể là trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu đô thị, chứng chỉ tiền gửi (CD) và tài khoản tiết kiệm lãi suất cao.
Việc phân bổ 20% cổ phiếu có thể bao gồm cổ phiếu blue-chip hoặc cổ phiếu vốn hóa lớn, và 30% dành cho đầu tư ngắn hạn vào các loại tài sản như tiền mặt, tiền gửi ngắn hạn.
Các loại danh mục đầu tư
Các loại danh mục đầu tư và chiến lược xây dựng danh mục là rất đa dạng tùy vào mỗi nhà đầu tư hoặc nhà quản lý tài chính. Bạn có thể sở hữu nhiều danh mục đầu tư, mà các tài sản trong đó có thể phản ánh chiến lược hoặc kịch bản đầu tư khác nhau, được cấu thành để đáp ứng các nhu cầu, mục tiêu đầu tư khác nhau.
Một danh mục đầu tư thông thường
Danh mục đầu tư thông thường có thể được xây dựng theo chiến lược đầu tư ứng với khả năng chấp nhận rủi ro và mục tiêu tài chính. Danh mục dài hạn có thể mua và nắm giữ các vị thế trong một khỏang thời gian dài, và danh mục ngắn hạn có thể chủ động mua bán liên tục các vị thế với hy vọng đạt được lợi nhuận ngắn hạn. Mục đích chung vẫn là kiếm được tiền lãi và làm cho giá trị ròng danh mục tăng theo thời gian.
Danh mục đầu tư táo bạo hay rủi ro cao
Các tài sản cơ bản trong một danh mục đầu tư táo bạo thường có mức độ rủi ro lớn hơn, nhằm để tìm kiếm khoản lợi nhuận lớn hơn. Các nhà đầu tư muốn tìm kiếm các công ty đang trong giai đoạn đầu phát triển và có cam kết về giá trị mà họ có thể đem lại. Đồng thời, nhà đầu tư muốn đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng cao hoặc cao hơn so với thị trường chung. Cổ phiếu tăng trưởng thường không trả cổ tức, do công ty muốn giữ lại các khoản thu nhập để tái đầu tư, nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh doanh của công ty trong tương lai.
Danh mục đầu tư phòng thủ
Một danh mục đầu tư mang tính phòng thủ sẽ có xu hướng tập trung vào các nhóm ngành thường không bị ảnh hưởng bởi suy thoái nhờ nhu cầu liên tục đối với chúng, chẳng hạn như nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hay khí đốt. Các cổ phiếu hay nhóm ngành phòng thủ có thể mang lại cổ tức và thu nhập ổn định trong dài hạn, bất kể tình hình biến động của nền kinh tế, và chúng cũng có mức độ rủi ro thấp hơn các cổ phiếu khác.
Danh mục đầu tư vào chứng khoán có thu nhập
Loại danh mục đầu tư này kiếm tiền từ cổ phiếu trả cổ tức hoặc các loại tài sản khác có cung cấp nguồn thu nhập cố định cho nhà đầu tư, điển hình nhất là trái phiếu và quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT). Một số cổ phiếu trong danh mục đầu tư thu nhập cũng có thể phù hợp với danh mục đầu tư phòng thủ, nhưng ở đây chúng được lựa chọn chủ yếu vì lợi tức cao và có thể tạo ra được dòng tiền dương cho danh mục.
Danh mục đầu cơ
Một danh mục đầu cơ được xem là phù hợp nhất đối với các nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro cao. Các hình thức đầu cơ có thể bao gồm mua cổ phiếu ở các đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc cổ phiếu của công ty được đồn đại là mục tiêu của việc tiếp quản hoặc sáp nhập; sau đó bán chúng ra khi thị trường phản ánh thông tin lên giá cổ phiếu, khiến chúng tăng. Ngoài ra, các công ty công nghệ hay chăm sóc sức khỏe đang trong quá trình phát triển một sản phẩm đột phá duy nhất cũng có thể thuộc loại chứng khoán để đầu cơ.
Danh mục đầu tư kết hợp
Cách tiếp cận này đa dạng hóa danh mục đầu tư giữa nhiều loại và lớp tài sản. Nó đòi hỏi nhà đầu tư phải nắm giữ các vị thế đối với cổ phiếu cũng như trái phiếu, hàng hóa, bất động sản và thậm chí cả đồ nghệ thuật. Và tỷ lệ nắm giữ các vị thế phải tương đối cố định trong thời hạn đầu tư. Điều này là có lợi, bởi trong lịch sử, cổ phiếu, trái phiếu và các khoản đầu tư thay thế gần như luôn thể hiện mối tương quan không thực sự hoàn hảo với nhau. Sự sụt giảm hoặc tăng trưởng chậm của tài sản này thường được bù đắp bởi sự tăng trưởng mạnh của tài sản khác.
Khả năng chấp nhận rủi ro đối với việc phân bổ danh mục đầu tư
Khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi cá nhân sẽ đáng kể những thành phần của từng danh mục đầu tư đó. Một nhà đầu tư thích rủi ro cao có thể thêm một số cổ phiếu penny vào danh mục, bên cạnh các vị thế của cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa lớn, đồng thời tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở lĩnh vực bất động sản, và các khoản đầu tư thay thế.
Nói chung, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng những chứng khoán hoặc loại tài sản có sự biến động lớn vì những diễn biến ngoài khả năng chấp nhận rủi ro của họ.
Thời hạn đầu tư
Tương tự như mức độ chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư nên cân nhắc thời gian đầu tư khi xây dựng danh mục cho riêng mình. Nói chung, các nhà đầu tư nên phân bổ tài sản thận trọng nếu các mục tiêu của họ là ngắn hạn, để có thể bảo toàn vốn cũng như thu nhập của danh mục cho đến thời điểm cần phải bán. Ví dụ, một nhà đầu tư có thể cân nhắc các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, quỹ chỉ số thị trường, trái phiếu cấp đầu tư và các khoản tương đương tiền mặt có tính thanh khoản cao nếu thơi gian đầu tư ngắn hạn.
Ngoài ra, với một nhà đầu tư tiết kiệm để nghỉ hưu và chuần bị về hưu sau 5 năm nữa. Ngay cả khi nhà đầu tư đó cảm thấy thoải mái khi đầu tư vào cổ phiếu và chứng khoán có rủi ro cao, họ có thể vẫn nên đầu tư một phần lớn danh mục của mình vào các tài sản mang tính an toàn hơn như trái phiếu và tiền mặt, để giúp bảo vệ những gì mình đã được kiếm được.
Ngược lại, một cá nhân mới bắt đầu đi làm có thể muốn đầu tư toàn bộ danh mục đầu tư của họ vào cổ phiếu, vì họ có thể có nhiều thập kỷ tới để đầu tư và có nhiều khả năng vượt qua một số biến động mạnh ngắn hạn của thị trường.
Làm thế nào để tạo ra một danh mục đầu tư tài chính?
Xây dựng một danh mục đầu tư đòi hỏi nhiều kiến thức và tính kỷ luật hơn so với phương pháp đầu tư thụ động theo chỉ số. Trước tiên, bạn cần xác định mục tiêu, mức độ chấp nhận rủi ro và thời hạn đầu tư của bạn. Sau đó, nghiên cứu và lựa chọn cổ phiếu hoặc các loại đầu tư khác phù hợp với các thông số đó. Thường xuyên theo dõi và cập nhật, cùng với các điểm mua vào và thoát ra cho từng vị thế.
Tái cân bằng danh mục đầu tư đòi hỏi phải bán một phần hoặc toàn bộ vị thể của một (vài) cổ phiếu và mua thêm những cổ phiếu khác để cân bằng tỷ lệ tài sản trong danh mục đầu tư, sao cho phù hợp với chiến lược, mức độ chấp nhận rủi ro và mức lợi nhuận kỳ vọng của bạn. Mặc dù cần nhiều nỗ lực, việc xác định và xây dựng danh mục đầu tư có thể làm tăng sự tự tin trong quá trình đầu tư của bạn và giúp bạn kiểm soát tài chính của mình tốt hơn.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.